Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bám trụ vỉa hè Sài Gòn kiếm sống


Gần đây, khi đêm đã về khuya, đi ngang trường Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, người ta thấy những hàng bán bông ngay trước cổng trường, và một dãy khay bằng mủ xếp dài bên cạnh những bó bông...

saigon banhangdemThức trắng đêm giành một chỗ bán bông, nhang, đèn trước một cổng chùa ở Sài Gòn.
(Hình: Văn Lang/Người Việt)


Ngạc nhiên, vì đêm khuya, đường vắng những hàng bông kia bán cho ai? Hơn nữa, nhẩm tính cả ngày âm lẫn ngày dương hoàn toàn không thấy trùng với ngày lễ hay ngày Tết gì cả. Chúng tôi quyết định ghé lại phía cổng trường để hỏi thăm.

Ng, một cô gái đang xếp những bông hồng ra khay, cho chúng tôi biết, “Ngày mai, trường này làm lễ tốt nghiệp cho sinh viên ra trường.”
À, chúng tôi hiểu rồi.

Vậy là, để có một chỗ bán bông cho lễ tốt nghiệp của trường Bách Khoa vào ngày mai. Những người bán bông đã phải “xếp hàng”trong đêm để “xí”một chỗ bán cho ngày lễ tốt nghiệp này.

Trò chuyện với Ng, cô cho biết cô là người bán bông chuyên xếp hàng về đêm. Bởi vậy phải biết qua các nguồn tin là trường nào làm lễ tốt nghiệp, công ty nào tổ chức tiệc tùng liên hoan, hay các sự kiện... Tóm lại, khi người ta có nhu cầu tặng bông cho nhau, thì ngay đêm đó mình phải tới trước để “xí”một chỗ.

Với cô Ng. cũng như những người làm nghề như cô, việc thức qua đêm là điều bình thường. Quan trọng của nghề này là phải thạo tin, bởi vì trâu chậm là uống nước đục, thậm chí không còn nước mà uống.

Ngoài các công ty, trường học, nơi tổ chức các sự kiện...Thì người bán bông còn phải “căn me” tại các cổng chùa, cổng chợ vào các ngày rằm hoặc mùng 1 (Âm lịch) để “xí” chỗ bán bông. Chưa kể các ngày lễ như Lễ Vu Lan, Giáng Sinh, Lễ Tình nhân...đều phải thức qua đêm để có một chỗ bán.

Không riêng gì những người bán bông trên hè phố mới phải cạnh tranh quyết liệt giành một chỗ bán, mà nhiều người buôn bán khác cũng vậy. Nhất là vào những dịp đặc biệt,nhu cầu mua bán tăng vọt.

Anh H., một dân nhập cư thuê nhà ở Gò Vấp, cho chúng tôi biết, thường ngày anh đi làm thợ hồ, nhưng vào dịp mùng 5 tháng 5 (Âm lịch) là anh nghỉ làm để ở nhà phụ Mẹ. Dịp này, Mẹ anh thường nấu một mẻ cơm rượu rất lớn, cộng với xôi vò.

Đêm khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, mẹ anh H. ra cổng chợ ngủ để giữ chỗ. Ba anh H. thì lo “nổi lửa“nấu theo đúng những gì mà Mẹ anh H. đã dặn. Anh H. thì lo sắp xếp mọi thứ ra thùng, rồi dùng xe Honda vận chuyển hàng ra cổng chợ. “Lịch kịch” suốt đêm như vậy, khi trời tảng sáng thì hàng hóa đã “yên vị“ngay cổng chợ, chào đón những vị khách đi chợ sớm ngày mùng 5 tháng 5.

Khoảng hơn ba giờ chiều, kết thúc một ngày buôn bán (cộng với một đêm thức trắng), anh H. dọn hàng, chở mẹ về nhà, rồi cùng nhau xúm lại đếm tiền thu được trong ngày. Trừ hết vốn liếng, kể cả tiền ăn trong ngày, còn dư ra hơn...3 triệu tiền lời. Quả cũng đáng cho một đêm thức trắng. Nhưng một năm, 365 ngày cũng chỉ có một ngày là ngày mùng 5 tháng 5 (Âm Lịch), còn gọi là ngày Tết giữa năm, Tết Đoan Ngọ, ngày Tết Diệt Sâu Bọ...

saigon chayxichloXe xích lô thức thâu đêm chờ khách trước cổng chợ Bến Thành. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán, hàng Tết bán rất chạy. Do vậy những người buôn bán nhỏ ở vỉa hè (không có tiền thuê tiệm, không thuế má môn bài), thường phải thay nhau thức “bám trụ” ở vỉa hè để dành một chỗ buôn bán mấy ngày cận Tết.

Thường đó là các khu chợ nhỏ vùng ven Sài Gòn. Nhất là mấy khu đắc địa, nơi mà chợ lại gần chùa, chùa lại gần ngã tư giao thông thuận lợi, chính quyền cũng “ngó lơ” cho dân nghèo kiếm ăn ba ngày Tết...

Những đêm thức trắng nơi vùng ven, với hàng hóa tấp nập đổ về, tạo một không khí đón Xuân rất rạo rực làm nôn nao lòng người.

Theo lời anh H., những ngày cuối năm anh chuyển qua phụ mẹ bán bánh chưng lấy mối từ các lò bánh tận dưới Hố Nai. Có năm anh H., cùng mẹ bán hết một xe tải lớn bánh chưng, phải gọi điện lấy thêm một xe tải nhỏ bánh nữa. Anh H. nói, không ngờ hàng vỉa hè mà “hút” bánh quá, có lẽ do thường ngày mẹ anh bán bánh ngon nên ba ngày Tết được khách hàng tin tưởng tìm mua.

Thức mấy đêm giữ chỗ cho Mẹ bán, muỗi chích “gần chết” nhưng trưa 30 Tết bán sổ hàng rồi về. Anh H. thấy niềm vui phơi phới, vì năm nào mẹ cũng “trích” tiền bán hàng lì xì cho anh, có tiền rủng rẻng vui ba ngày Xuân.

Nhưng không phải ai cũng may mắn khi đêm đêm phải bám trụ vỉa hè để kiếm sống.

Như anh X., cư dân quận 12, vốn là công nhân thất nghiệp. Để kiếm tiền đóng tiền học cho con, đêm đêm anh phải ra ngã tư chạy xe Honda ôm. Mới chạy được hơn một tháng, anh X. bị cướp kề dao vô cổ cướp xe, tiếc của anh kháng cự, bị đâm mấy nhát, vừa mất cần câu cơm vừa tốn tiền đi bệnh viện. May là còn giữ được tánh mạng.

Anh C. là một trường hợp khác. Quê Nam Định, mà đám trai trẻ vô Nam làm nghề tẩm quất (đấm bóp) dạo, thường hay hát nhạo là “quê em có đặc sản cầy tơ, có cả...giai tơ.” Anh C. thì đã già, ngoài 50, gốc nông dân (mất ruộng).

Chân chỉ hạt bột, anh C. đạp xe dạo quanh mấy khu xom nghèo Sài Gòn với cái “phèng-phèng” làm bằng mấy cái nắp phéng đập bẹp gõ lạch xạch trong đêm. Có khách gọi thì anh ghé lại, trải tấm ni-lông ra vỉa hè rồi tẩm quất cho khách, cần giác hơi, giật gió gì anh cũng làm tuốt luốt, chỉ mong kiếm được hằng đêm ít tiền còm gởi về quê cho vợ, con.

Theo lời anh C., có đêm gặp may, được tẩm quất cho một vị đại ca đang ngà ngà men say. Xong việc, cao hứng đại ca bốc cho một “nắm” tiền thưởng, cầm tiền mà thấy mát hết cả ruột, cả gan. Nhưng cũng có những đêm xui, đấm bóp vã hết cả mồ hôi, gặp thằng “xịt” đã quỵt tiền mà còn đuổi đánh mình nữa chứ. Chưa kể tới nạn “xin đểu” của mấy thằng xì-ke tới hồi “vã” đạn...

“Bám trụ” để kiếm sống nơi vỉa hè Sài Gòn đêm đã gian nan, nhưng ngày cũng không kém phần vất vả. Công an, trật tự đô thị đi tuần, thế là những người buôn bán hàng rong, hàng dạo nơi vỉa hè Sài Gòn lại đua nhau chạy rào rào. Trốn vô các con hẻm nhỏ đế nấp, để khỏi bị phạt, hay khỏi bị tịch thu hàng hóa.

Năm rồi, giáp Tết, chúng tôi ra một khu viết thư pháp nơi vỉa hè Sài Gòn.Thấy vắng vẻ hơn mọi năm,chúng tôi hỏi thăm thì được trả lời là do bị công an rượt đuổi quá, nên nhiều người viết thư pháp đã bỏ đi chỗ khác kiếm ăn.

Hỏi thăm một bác lớn tuổi, vẫn đang điềm nhiên ngồi viết thư pháp trên hè phố:

- Sao bác không đi? Bác không sợ bị rượt à?

Người đàn ông viết thư pháp điềm đạm trả lời:

- Xã hội này, nhất thân nhì... liều!

Có lẽ vậy, vì nghèo nên nhiều người dân Sài Gòn, cũng như dân tứ xứ, phải “liều mình” bám trụ nơi vỉa hè Sài Gòn để mưu sinh, kiếm sống. Dù rất gian nan, rất nhọc nhằn...

Switch mode views: