Nghề vẽ truyền thần kiếm sống ở phố cổ Hội An
- Thứ Sáu, 05 tháng Mười Hai năm 2014 11:30
- Tác Giả: Phi Khanh/Người Việt
QUẢNG NAM (NV) - Hội An với diện tích phố cổ không quá 5km2, đầu phố gọi cuối phố có thể nghe, có thể nói là đất chật người đông nhưng lại chứa hàng trăm thứ dịch vụ và hàng ngàn loại cửa hàng phục vụ du lịch, từ thức ăn bản xứ cho đến quà lưu niệm, tranh nghệ thuật...Sinh viên đại học mỹ thuật Huế vẽ truyền thần. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Hàng ngàn loại hàng nghệ thuật nhái, nghệ thuật “giả cầy” cũng có mặt ở đây. Nhưng, có những họa sĩ đường phố vẫn không có đất dung thân, không có nơi làm việc tránh mưa tránh nắng, họ là những nghệ sĩ sống chết với nghề, một cái nghề tưởng chừng đã vào quên lãng - vẽ truyền thần.
Ông Trần Sỏ, một họa sĩ vẽ truyền thần có thâm niên nghề trên bốn mươi năm ở Hội An, chia sẻ, “Suốt gần ba mươi chín năm tôi không đụng đến cây cọ, hầu như mai danh ẩn tích.”
“Gần đây, thấy mấy sinh viên mỹ thuật họ ngồi vẽ truyền thần trên phố, chính cuộc chơi đầy chất dấn thân của họ đã tạo cảm hứng cho tôi cầm cọ trở lại. Sau gần bốn mươi năm bỏ nghề trong khi chỉ làm nghề này trước năm 1975 chưa đầy hai năm nên luộc nghề cũng nhiều, phải tập tọ nhiều thứ...”
“Có thể nói nghề vẽ truyền thần là cái nghề mà người họa sĩ có thể là anh thợ, cũng có thể là nghệ sĩ, tùy vào thái độ lựa chọn của anh ta. Tôi luôn chọn tâm thế làm việc của một nghệ sĩ, bởi với tôi, nghề vẽ truyền thần là một bộ môn nghệ thuật của nắm bắt khoảnh khắc mà trong đó, thời cuộc, văn hóa cũng như căn tính thời đại lọt vào nét cọ rất đậm nét.”
“Mình không thích những khoảnh khắc diễn và những ánh mắt không thật, những cái nhìn đầy chất cú vọ... Ở một giai đoạn dài, có vẻ như những người có tiền và có thời gian đến ngồi vẽ chân dung đều có gì đó không ổn, đều diễn. Có lẽ vì thế mà mình gác cọ rất lâu. Hiện tại có khá hơn đôi chút nhưng cũng nhờ mình kinh doanh nên có tiền, có thời gian tìm những người mình mình muốn vẽ lại khoảnh khắc của họ, không phụ thuộc vào tiền công nên có thể thoải mái sáng tạo.”
Thiên, học trò của ông Sỏ chia sẻ thêm, “Em theo theo nghệ thầy đã hai năm nay, đương nhiên là học nghề này cũng không tốn thời gian đến như vậy nhưng tùy lựa chọn của học trò. Em muốn theo thầy một thời gian nữa để học những yếu lĩnh, tâm niệm của thầy. Em nghĩ cái đó mới quan trọng cho một họa sĩ truyền thần.”
“Hiện tại ở Hội An đã có rất nhiều bạn sinh viên đến ngồi vẽ trong các lễ hội đường phố. Các bạn ấy vẽ đẹp lắm, vẽ rất nhanh, nhưng cũng có điểm yếu là khả năng vẽ chân dung rất tốt mà lại truyền thần chưa đủ, nhiều khi thấy hình đẹp nhưng thiếu sức nặng nội tâm. Có lẽ cũng do nhu cầu kiếm cơm vội vã mà ra.”
“Nghề vẽ truyền thần ở Hội An bây giờ cũng tạm sống được, vì du khách ưa món này. Nhưng cũng lắm vấn đề đau đầu vì thật giả lẫn lộn, nhiều người không biết nghề hoặc biết lõm bõm cũng ra ngồi gốc cây, bờ sông để vẽ. Chuyện này cũng giống như thư pháp và tranh nghệ thuật gì đó, cứ loạn cả lên, mất hết uy tín nghề nghiệp. Hình như ở điểm du lịch nào cũng có chuyện này thì phải! Ra Bắc, vào Nam cũng gặp chuyện bát nháo này.”Vẽ chân dung, vẽ truyền thần thường đi đôi với nhau. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Kiếm cơm vất vả
Hiệp, sinh viên năm thứ ba khoa mỹ thuật tại đại học Huế, chia sẻ, “Vấn đề kiếm cơm của sinh viên ngành mỹ thuật bây giờ cay đắng lắm. Chuyện này trước đây cũng cay đắng nhưng có hy vọng hơn.”
“Đơn giản, những danh họa trước đây cũng từng ăn bánh mì khô, đói khổ để nuôi dưỡng sự sáng tạo. Nhưng họ không loạn cào cào như bây giờ. Hiện tại, kiểu chạy đua chép tranh, sáng tác vội để kiếm tiền đã làm cho ngành mỹ thuật Việt mất hết uy tín, chẳng ai muốn nhìn đến nữa.”
“Vẽ tranh truyền thần là một cách để cứu sống sự sáng tạo. Nhưng cũng có lắm người làm càn làm bậy nên khách hàng mất hết cảm hứng. Thử nghĩ, một khách hàng đưa người yêu đi chơi, thấy cảnh họa sĩ bên đường hay quá, đưa người yêu vào ngồi vẽ, anh họa sĩ vừa vẽ vừa tia cô bạn gái của anh ta, thậm chí cưa cẩm, khi giao tranh, một gương mặt hoàn toàn chẳng giống cô bạn gái, ai chấp nhận chuyện này.”
“Mà nghiệt là chuyện này diễn ra nhan nhản từ Hà Nội vào Huế, Hội An. Ngay bản thân em, là một sinh viên nuôi lý tưởng, cũng đôi lúc ngồi vẽ truyền thần kiếm chút tiền cà phê, nhưng thấy anh em làm vậy, chẳng còn hứng thú để làm nữa! Có lẽ do nhu cầu kiếm cơm nặng quá nên người ta đánh mất nhiều thứ.”
“Một bức chân dung khổ A4, giá chừng tám chục đến một trăm ngàn đồng, tùy người vẽ, bức khổ A5 thì cao hơn, có thể lên đến trăm rưởi ngàn hoặc hơn. Mà dễ gì vẽ xong một bức truyền thần cho đàng hoàng để lấy tiền đâu! Tranh truyền thần, cái thần nằm ở đôi mắt mà người ta cứ vẽ nhấn cái mũi, cái miệng. Chính vì thế xem lâu là thấy ngay cái lỗi.”
“Thường thì một người vẽ tranh truyền thần giỏi phải biết lột tả nội tâm của người mẫu trong lúc vẽ, thậm chí nhìn vào ánh mắt trong tranh người ta có thể đoán lúc đó người mẫu đang nghĩ gì. Nhưng những họa sĩ vẽ như thế này bây giờ hiếm lắm vì cái thần của những năm tháng kinh tế tập thể rồi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nó phức tạp lắm, vẽ khó nên ít ai dám vẽ...”
Câu chuyện vẽ tranh truyền thần ở Hội An còn rất dài, một buổi chiều nào đó nơi phố cổ, dưới nắng chiều liêu xiêu, bên cạnh mảng tường rêu cũ kĩ, bắt gặp một người ngồi hí hoáy với cọ, than chì và giấy, chắc chắn đó là người vẽ tranh truyền thần.
Related news items:
Tin mới
- Ông thợ giày tuổi 95 và triết lý 'không xỏ lá' - 09/12/2014 19:31
- Văn hoá Trung Hoa trên đất Huế - 08/12/2014 12:34
- Gian lận, chuyện thường ngày tại các cây xăng ở Việt Nam - 08/12/2014 12:04
- Văn Học Miền Nam 54-75 'chỉ 20 năm, nhưng vô cùng quan trọng' - 08/12/2014 11:59
- Chiếc Cầu Qua Sông Hố Lương - 05/12/2014 15:31
- Người Việt đỏ đen ở Campuchia - 05/12/2014 15:18
- Ngư dân Quảng Ngãi lại bị tàu Trung Quốc tấn công - 01/12/2014 22:17
- Người Thượng Tây Nguyên trốn tại Campuchia - 01/12/2014 22:07
- Thêm 39 người Việt tị nạn ở Thái Lan được nhận sang Canada - 01/12/2014 21:57
- Nạn khai thác cát và dòng chảy thay đổi - 01/12/2014 21:51
Các tin khác
- Việt Nam: Tham nhũng mười, chỉ thu hồi được hai - 29/11/2014 14:41
- Black Friday: Đàn ông mua sắm nhiều hơn phụ nữ - 29/11/2014 14:36
- Đà Nẵng bất bình vì Huế cho Trung Quốc thuê một phần Hải Vân - 24/11/2014 22:16
- Ðằng sau vụ khu du lịch Ðại Nam đóng cửa - 24/11/2014 22:01
- Nguyễn Công Khế: Tự do báo chí, không còn cách nào khác - 21/11/2014 00:56
- Bám trụ vỉa hè Sài Gòn kiếm sống - 21/11/2014 00:19
- Đại biểu Quốc hội, các ông tướng và Hồ Chí Minh - 18/11/2014 20:06
- Hải Vân Quan và tầm ngắm của người Trung Quốc - 18/11/2014 01:12
- Tương lai trẻ em Việt ‘nhuộm màu sắc’ Trung Quốc - 17/11/2014 23:49
- Mùa mưa lụt, lâm tặc lại hoành hành - 17/11/2014 23:42