Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tiền công trái và tiền tiết kiệm đi về đâu?


dapxe xichlodapChủ nhân của rất nhiều sổ tiết kiệm những năm 1975 - 1980.  RFA

Những ngày gần đây, câu chuyện người dân cầm sổ tiết kiệm đến ngân hàng nhận tiền thì bị trả lời là cuốn sổ không còn giá trị hoặc số tiền nhận được không đủ mua một ổ bánh mì trong khi trước khi nhận hai mươi năm, họ đã bán cả lượng vàng để gởi tiết kiệm, rồi những tấm phiếu công trái khi mua với số lượng hàng chục lượng vàng, khi thanh toán thì không đủ một bữa nhậu đang là câu chuyện nhức nhối của xã hội, đặc biệt là những người từng tâm huyết đóng góp xây dựng đất nước.

Cái bẫy đổi tiền và trượt giá

Ông Bàng, chủ của tấm phiếu công trái trị giá bốn lượng vàng lúc mua, hiện sống tại Bình Thạnh, Sài Gòn, chia sẻ: "Công trái hồi đó nó bán giờ sau này mất hết, tại vì nó bán thời đó cả chỉ vàng mà sau này mua không được tô phở. Giá nó lên vùn vụt chứ không như bây giờ. Tiền in ra chừng vài năm sau như giấy lộn à. Tại vì sau 1975 thì nó đổi tiền thành 'tiền giải phóng'. Một đồng 'tiền giải phóng' ăn tới 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa lận. Trong khi đó đồng tiền của Bắc Việt chỉ là một tấm tín phiếu, không có giá trị tiền tệ thế giới. Mà đồng Việt Nam Cộng Hòa thì đã được định giá trên đồng đô la, mang tính quốc tế rồi. Sau đó thêm mấy lần đổi tiền nữa... Giai đoạn sau này đồng tiền in ra chừng một năm đến hai năm đã hoàn toàn mất giá trị".

Theo ông, sự trượt giá của đồng tiền trong ba mươi năm nay cũng như lần đổi tiền bất ngờ năm 1985, sáng sớm, lúc 5 giờ sáng, đài phát thanh mới thông báo quyết định đổi tiền và ngay ngày hôm đó, việc đổi tiền được tiến hành ở các trụ sở ủy ban cấp xã, phường trên khắp Việt Nam. Chuyện này giống như một cái bẫy mà ngân hàng nhà nước đã giăng sẵn để bất kì người dân nào có tâm huyết xây dựng đất nước hoặc gởi tiết kiệm ở ngân hàng đều bị sập một cách thê thảm.

Nếu như năm 1975, việc đổi tiền ở miền Nam Việt Nam nhằm thống nhất tiền tệ từ tiền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam thành tiền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở hai miền thì năm 1978, việc đổi tiền nhằm thay đổi quốc hiệu ghi trên đồng tiền từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hai lần đổi này nghe ra có vẻ hợp lý và không cần bàn nhiều.

Nhưng lần đổi tiền năm 1985, đây là lần đổi tiền hết sức bất ngờ và kì cục, chuyển mệnh giá đồng tiền cũ giảm xuống còn 10% giá trị đồng tiền mới. Tờ 50 đồng lúc bấy giờ mang ra tiêu dùng ở bất kì nơi đâu cũng khó vì người bán hàng không đủ khả năng thối tiền thừa. Nhưng đó cũng là sự khởi đầu của lạm phát tàn bạo nhất trong lịch sử. Chỉ chưa đầy mười năm sau, tờ tiền mệnh giá 500 đồng ra đời nhưng cũng không trụ được bao lâu, tờ 1000 đồng ra đời, rồi 2000 đồng, 5000 đồng, 10,000 đồng, 50,000 đồng và liền sau đó là 100,000 đồng, hiện tại, tờ 500,000 đồng ra đời tuy chưa đầy 10 năm nhưng giá trị của nó rất thấp, mua không được một phần tư chỉ vàng.

Trong khi đó, lúc chuẩn bị đổi tiền, năm 1984, một lượng vàng có giá dao động từ 2000 đồng đến 2700 đồng, tính theo tiền mới sau năm 1985 thì nó trị giá 200 đồng đến 270 đồng. Và một người muốn sỡ hữu tờ 50 đồng trên tay, phải bán ra ba chỉ vàng. Nếu gởi tiết kiệm ba trăm đồng, phải bán đi hơn một lượng vàng và gởi 1000 đồng vào tiết kiệm phải mất đi gần bốn lượng vàng. Tiền mua công trái cũng vậy. Và đây là giai đoạn mà người ta gởi tiền kiệm bằng vàng và nhận cả lãi lẫn gốc sau này bằng cám heo.

Một cuốn sổ tiết kiệm có mệnh giá 1000 đồng lúc đó trị giá gần bốn lượng vàng, sau hơn hai mươi năm, tính cả lãi lẫn gốc, nếu như cuốn sổ vẫn còn giá trị thanh toán thì chủ của nó nhận chưa đầy 200,000 đồng. Sau hơn hai mươi năm gởi tiết kiệm để làm giàu bằng bốn lượng vàng, người ta nhận được số tiền mua chưa được một phân vàng. Tính theo tỉ giá thì nó trị giá chưa được 0,25% lúc gởi vào!

Tiền công trái, tiền tiết kiệm và tiền cổ phần hợp tác xã đi về đâu?

Một người tên Hiền, ở Bình Chánh, Sài Gòn, chia sẻ: "Đến năm 1985 thì nó tạm mở cửa, cởi trói gì đó vì nghe rằng Mỹ nó mở cấm vận. Nên bắt đầu tạm ổn nhưng mà tiền vẫn mất giá như thường, nhất là hồi Liên Xô sụp đổ đó, tiền nó lên vùn vụt, vùn vụt à. Một lần nữa sôi động về tiền, một cái nhà thời đó giá là 10 cây thì sau đó nó lên 150 cây. Trước năm 75 không dễ làm giàu như bây giờ, công chức trước 1975 không dễ tham nhũng như bây giờ vì luật lệ nó rất đàng hoàng. Hồi đó anh tỉnh trưởng không dễ kiếm tiền như bí thư tỉnh ủy, như chủ tịch tỉnh như bây giờ đâu. Không dễ buôn lậu từ Trung Quốc về bằng tàu lửa như bây giờ đâu, bây giờ làm giàu (bất chính) dễ chứ không như hồi đó đâu, kể cả cán bộ."

Theo ông Hiền, nếu như tính kĩ số vàng mà người dân đã mất đi trước và sau đổi tiền năm 1985 và đồng tiền bị trượt giá từ năm 1985 đến nay thì nhiều không thể tưởng tượng được. Vì những năm 1975 đến 1980, ngoài chuyện có nhiều gia đình bị tịch biên tài sản, mất hàng ngàn lượng vàng, còn có thêm tin đồn sau "giải phóng", vàng sẽ được dùng làm đai cuốc và cán mác. Và có bao nhiêu vàng người ta cũng mang ra đổi đồ, bán lấy tiền nhét vào ống tre, cột nhà để dự trữ. Đùng một cái, đổi tiền, số tiền  dự trữ chỉ còn bằng 10% và sau ba lần đổi tiền, đồng tiền trượt giá, số vàng bán đi để dự trữ bằng tiền mặt xem như thành mây thành khói, vàng mất mà tiền cũng không còn giá trị.

Trong khi đó, sau khi đổi tiền, một số không ít các gia đình bỏ ra mua công trái, gởi tiết kiệm, cả hai khoản tiền này xem như đổ sông đổ biển vì đồng tiền trượt giá quá nhanh. Nhưng câu chuyện không dừng ở đó, những năm 1990, các vùng thôn quê lại có thêm chuyện đặt cọc tiền trước khi sử dụng điện nhà nước. Thường thì mỗi hộ phải nộp vào hợp tác xã 50 ngàn đồng, tương đương với 3 phân vàng, rồi sau đó mới tự mua dây điện, bóng đèn để kéo điện về nhà. Mãi cho đến bây giờ, hơn hai mươi năm sau, số tiền đặt cọc để đóng điện của người dân đã hoàn toàn mất dấu, khộng biết đòi ai vì hợp tác xã đã giải thể, vấn đề điện thắp sáng giao cho điện lực trực tiếp quản lý, trong khi đó tiền cọc lại nộp cho hợp tác xã.

Lại thêm chuyện bất kì xã viên nào cũng bị bắt buộc đóng tiền cổ phần vào hợp tác xã sản xuất với mức tiền tương đương một chỉ vàng những năm 1980. Nhưng mãi cho đến nay, loại hình hợp tác xã giải thể đã lâu vẫn không thấy tiền cổ phần hoàn trả cho xã viên. Cùng lắm thì mỗi dịp tết, các thôn bắc loa gọi dân đi nhận tiền lãi cổ phần của một năm với 15,000 đồng. Mọi năm đều thế, dịp Tết tới đây cũng không ngoại trừ. Và nếu xã viên có đi rút lại cổ phần cũng chẳng biết tìm ai để rút!

Tính cho đến nay, các khoản tiền công trái, tiết kiệm và cổ phần xã viên hợp tác xã mà hàng chục triệu dân đã tham gia xem như mất trắng, không có một lời cám ơn, thậm chí còn bị biến thành trò cười trong câu chuyện phiếm của các nhân viên ngành ngân hàng hiện tại!

Switch mode views: