Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nông dân Quảng Bình dự trữ mùa lụt


chaylut dungcuDụng cụ chạy lụt của người dân vùng lũ. RFA photo

Với người dân miền Trung nói chung và người dân Quảng Bình, một tỉnh thuộc diện nghèo ở Bắc miền Trung với địa hình hiểm trở, vừa gần biển lại vừa gần núi, có nhiều công trình thủy điện đầu nguồn... Việc tích lũy lương thực để dự trữ trong mùa mưa bão là một việc được đặt lên hàng đầu với đa phần nông dân nghèo khổ nơi đây.

Nguy cơ đói trong mưa lũ

Một nông dân tên Tịnh, ở Lệ Thủy, Quảng Bình, chia sẻ: "Có đâu mà trữ, làm ăn không đủ lấy gì mà trữ, ngoài này đất đai có đâu, có đâu mà trữ, một năm bao nhiêu cơn bão, bao nhiêu cơn lũ đi qua mà, còn đâu mà trữ. Đói thì cũng được trợ cấp mì tôm... Các cơ quan đoàn thể cũng giúp khắc phục nhưng rồi mưa bão rồi cũng thế!"

Theo ông Tịnh, việc tích lũy và dự trữ mùa đông ở Lệ Thủy là một việc hết sức cần thiết và mang tính sống còn đối với nông dân. Hằng năm, bắt đầu từ tháng sáu âm lịch, quá trình dự trữ bắt đầu, từ củ khoai, lát sắn cho đến kí bắp, kí đậu phộng, ký nếp, con gà, con vịt... cho đến tiền bạc đều được chi tiêu nhín nhịn dành khi mưa bão. Có khi một năm làm không đủ dự trữ cho một mùa mưa bão nếu như năm đó lụt lớn hoặc bão quăng quật làm tốc mái nhà.

Mọi khoản dự trữ lúc đó sẽ dành cho việc duy trì sự sống trong lúc thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai. Nhưng đa phần bà con rơi vào cảnh đói nếu như lụt ngâm liên tục trong một tuần. Bởi lụt ngâm chừng một tuần thì mọi thứ dự trữ có thể bị trôi theo nước lũ, như gà, vịt sẽ khó mà sống sót, lúa gạo ngập ướt bởi con nước này chưa kịp rút trong ba ngày thì con nước khác kéo về, dâng tiếp ba ngày nữa khiến mực nước ngập có thể lên đến nóc nhà, lúc đó, mạng người còn chưa chắc giữ cho yên chứ đừng nói gì đến tài sản, lương thực.

    Mình thì giờ cũng quen rồi, ở mình thì dễ hơn, nhà nào cũng có dự trữ lúa gạo. Bên vùng ông Giáp (quê ông Giáp) mới lụt dữ, liên lạc mới khó.
    - Một nông dân tên Hiển

Và thường trong những ngày như thế, chuyện cái ăn, cái mặc luôn là vấn đề nan giải, nhiều gia đình suốt ba ngày trời ngâm mình trong mưa lạnh và không có gì để bỏ vào bụng, may lắm thì người ta chạy xuồng máy đến ném cho vài gói mì tôm, những gói mì lúc đó còn quí hơn cả vàng ròng đối với họ. Như trường hợp gia đình ông Tịnh vào mùa đông năm 2010, đó cũng là năm Hà Nội kỉ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, lụt bất ngờ đổ về, nước dâng nhanh không thể tả, mọi thứ đồ đạt của gia đình ông hoàn toàn bị chìm trong nước, kể cả lúa gạo.

Ông và các con kéo lên một mỏm đất cao, trụ ở đó với mưa ướt, rét lạnh, không có lều bạt cũng không có gạo để nấu cơm, mà nếu có cũng chẳng biết nấu làm sao. Cũng may là người con gái trưởng của ông đã kịp thủ theo một thùng mì tôm dự trữ, cả nhà ông xúm xít bẻ mì sống ăn dưới mưa suốt hai đêm liền, sau đó người trong làng mới bơi ghe ra đưa cả nhà ông về trú tại nhà của họ.

Sau trận lụt, cả nhà dắt díu nhau về nhà, nhìn căn nhà cũ tang hoang như một bãi chiến trường, không còn thứ gì ngoài mấy cái chuồng gà, chuồng heo nằm trơ trọi trên bãi đất, cả nhà ông chỉ biết lắc đầu, chép miệng mà khóc thầm. Sau đó ít ngày, ông nhận được ba trăm ngàn đồng cứu trợ của một phóng viên đến từ Sài Gòn, ngày sau nữa, ông nhận được mười gói mì tôm và một bịch áo quần, mười gói mì thì xài được nhưng bịch áo quần khi mở ra thì hỡi ôi, toàn là quần áo dính dầu nhớt và rách rưới không còn gì để tả! Ông Tịnh đoán rằng gói áo quần mà ông nhận được có lẽ là đồ thải đi của một xí nghiệp hay một cơ xưởng sửa chữa ô tô, xe máy nào đó.

Lụt đến hẹn lại lên, cứu trợ cũng đến hẹn lại lên

chaylut ludaumuaLũ đầu mùa ở Quảng Bình. RFA photo

Một nông dân khác tên Hiển, ở Quảng Trạch, Quảng Bình, chia sẻ thêm: "Mình thì giờ cũng quen rồi, ở mình thì dễ hơn, nhà nào cũng có dự trữ lúa gạo. Bên vùng ông Giáp (quê ông Giáp) mới lụt dữ, liên lạc mới khó. Khả năng đói thì cũng không cao, mấy nhà mà nghèo hoặc neo đơn thì hay đói, còn bà con thì cũng có dự trữ... Vùng giữa kia mới nguy hiểm, gần sông Kiến Giang kia...!"

Ông Hiển cho rằng sở dĩ Quảng Bình nói riêng và cả miền Trung nói chung thường bị lụt lớn, ngập nhà, trôi nhà, mất trắng tài sản trong những năm trở lại đây là do thủy điện, chính những cái túi nước treo lủng lẳng trên đầu người cộng với các cửa đập xả mới nhìn mỏng manh chẳng kém gì cái cửa chuồng gà đã khiến cho đời sống bà con đồng bằng miền Trung luôn trong tình trạng thấp thỏm và đầy rủi ro.

    Có đâu mà trữ, làm ăn không đủ lấy gì mà trữ... Đói thì cũng được trợ cấp mì tôm... Các cơ quan đoàn thể cũng giúp khắc phục nhưng rồi mưa bão rồi cũng thế!
    - Một nông dân tên Tịnh

Những trận lụt như trút nước xuống đầu bởi thủy điện xả đập đã nhiều lần khiến cho bà con nông dân trở tay không kịp, đang ngủ, bước chân xuống đất thì nghe nước bì bõm, cả nhà vùng dậy dọn lụt, chưa kịp dọn bao nhiêu thì nước đã ngập đến ngực. Lúc này chỉ còn một cách duy nhất là lo chạy lụt, lo giữ mạng sống. Mọi thứ đồ đạc trôi ngổn ngang cũng chỉ biết vớt được cái gì thì mừng cái đó, chẳng còn cách nào khác.

Khi nước rút, màn kịch cứu trợ của các công ty thủy điện bắt đầu thi triển, họ cũng mua mì tôm, mua gạo, dầu, mắm, muối, đường... đến cứu trợ bà con với tư cách là nhà từ thiện, nhà hảo tâm. Họ mặc nhiên bỏ qua hàng triệu thứ đồ bị mất mát, nhà cửa xiêu đổ, vườn tược tan hoang, cứ như những gì trông thấy là chuyện của ông trời, không phải do thủy điện gây ra. Trong khi đó, nguồn nước lũ ồ ạt đổ về là do thủy điện xả đập quá mạnh để cứu đập, nước không kịp rút ra biển đã dâng lên thành lụt lớn ở đồng bằng.

Nhưng khi lũ lụt gây ra hậu quả, tàn phá nông sản, nhà cửa của nông dân thì không có ông thủy điện nào đứng ra chịu trách nhiệm hay xin lỗi bà con cả, cùng lắm là họ đóng vai ân nhân mang mì tôm, gạo dầu đến bố thí cho bà con.

Và năm nào cũng giống như năm nào, đến hẹn lại lên, thủy điện lại tích nước, tích nhiều quá đến khi nước nguồn tràn về thì lại xả đập, vừa nước nguồn vừa nước xả đập cộng lại, đồng bằng lút âm lút dương. Lụt xong, quang cảnh tang hoang, nhà nước, thủy điện, doanh nghiệp lại thi nhau cứu trợ. Mọi chuyện cứ như vở kịch nhàm chán đến hẹn lại lên, chỉ có người nông dân là thiệt thòi nặng nề, chẳng biết bao giờ thoát khỏi cảnh oái ăm này!

Switch mode views: