Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hủ tiếu Nam Vang giữa lòng Hội An


QUẢNG NAM (NV) - Đến Hội An, người ta hay tìm những quán cao lầu để nếm thử, để biết hương vị phố cổ qua ngòi bút miêu tả của không ít văn sĩ...

Thế nhưng những ai thích dạo phố về đêm, sẽ nhớ nhiều đến hình ảnh những người bán bắp luộc dạo trên những chiếc xe đạp, nhớ những hàng nước thâu đêm dưới tán phượng hay nhớ đến quán hủ tiếu Nam Vang của ông Toản, một quán hủ tiếu nằm bên một con hẻm nhỏ, bên góc phố nhỏ.

hutiu caolau 1Hủ tiếu, cao lầu ở một góc chợ đêm Hội An. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)


Cũng xin nói thêm, hủ tiếu Nam Vang của ông Toản có giả không bình dân nhưng cũng không đến nỗi đắt đỏ - 25 ngàn đồng một tô (tương đương $1.25), với người miền Trung, giá như vậy là cao. Nhưng người ta vẫn thích, vẫn vào ăn, cái thú vui đi ăn đêm ở Hội An có thể nói là bất tận. Nhưng như ông Toản giải thích thì có khác.

Ông Toản cho biết, “Cái may của tui là tui chọn quán ở những điểm tốt, người ta nói là thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà! Trước đây, tui bán bên bờ sông Hoài, cạnh nhà bảo tồn văn hóa Hội An và chợ Hội An, nhờ khách đi dạo bờ sông nhiều nên bán cũng khá đắt. Điểm ngồi cũng thoáng mát. Nhưng vẫn không đắt cho lắm!”

“Sau này nhà nước không cho ngồi chỗ đó nữa, tui chuyển về đây, tự dưng bán đắt đỏ ra. Sau tìm hiểu tui mới biết là mình chọn trúng điểm, vì ngay trước mặt quán tui là rạp Phi Anh, một rạp phim nổi tiếng miền Trung những năm 1960, hồi đó Hội An còn mạnh hơn cả Đà Nẵng. Sau này, có một thời gian rạp Phi Anh bị đóng cửa...”

“Nhờ rạp này nổi tiếng mà mình được ăn theo, với người miền Trung, đặc biệt là người Quảng, rạp Phi Anh lúc nào cũng là dấu ấn văn hóa, ký ức của một thời. Bây giờ rạp vẫn mở cửa nhưng chỉ dành cho những ai có thời gian và chưa nguôi quên thói quen đi coi phim rạp thôi! Còn hủ tiếu mình thì hủ tiếu Nam Vang, cũng như mọi tô hủ tiếu Nam Vang khác trên đất nước này, đương nhiên nó phải là hủ tiếu Nam Vang chính hiệu.”

“Muốn có một tô hủ tiếu Nam Vang Chính hiệu, chắc chắn người nấu phải hiểu về lịch sử, phải yêu lịch sử kia. Tên Nam Vang lại có liên quan đến Sài Gòn-Gia Định. Trước đây, vào những năm 1690, khi Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh dắt đoàn lưu dân vào vùng Gia Định với rừng thiêng nước độc. Gia định lúc đó có 3 quận: Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang.”

“Quận Sài Gòn lớn nhất, vẫn giữ nguyên tên cho đến bây giờ, quận Gò Bích nằm trong khu vực Tân Bình bây giờ còn quận Nam Vang lại rơi về khu Gò Vấp bây giờ, những địa danh như xóm Chuối, xóm Chuồng Ngựa do người Miên cai quản là di chỉ còn lại của Nam Vang thời đó. Hủ tiếu Nam Vang cũng bắt nguồn tự đây.”

“Có thể nói hủ tiếu Nam Vang là một đặc sản của người Chân Lạp thuở đó, tức Campodia bây giờ, những vùng đệm như Tây Ninh, Cao Nguyên Đất Đỏ Bình Phước là những tỉnh có hủ tiếu Nam Vang rất ngon. Muốn có hủ tiếu Nam Vang ngon, không thể thiếu hai thứ căn bản nhất, đó là sa tế ớt và gan heo. Tùy theo cách chế biến của từng người mà ra hương vị khác nhau nhưng chung qui là phải có hai thứ này!”


hutiu caolau 2Hủ tiếu Nam Vang ông Toản, cao lầu Hội An. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

Rít một hơi thuốc lá, trầm ngâm một lát, liu riu mắt nhìn sang rạp Phi Anh, xong, ông Toản tiếp tục vừa cời lửa than trong bếp vừa nói thêm: “Hủ tiếu cũng giống như phở hay mì Quảng vậy, có nhiều cách nấu và cũng có nhiều hương vị khác nhau. Nhưng tô phở, tô mì hay tô hủ tiếu muốn ngon phải có cái hồn của người nấu thác vào trong đó!”

Câu chuyện của ông Toản dừng ở đây vì khách đến quán đã đông cứng không còn chỗ ngồi. Chúng tôi tiếp tục đi dạo một vòng quanh phố cổ Hội An, ghé vào khu ẩm thực đêm gần chợ Hội An, ở đây cơ man nào là phở gà, cơm gà, mì Quảng, mì Phú Chiêm, cao lầu và hủ tiếu Nam Vang.

Làm quen một du khách Hà Nội tên Trúc, đi ăn đêm ở Hội An, anh chia sẻ, “Hội An về đêm khác xa Hà Nội về đêm. Tuy vẫn có những khu ẩm thực giống nhau nhưng về phong cách cũng như điệu thực của con người thì hoàn toàn khác!”

“Món ăn ở đây cũng đậm đà hương vị miền Trung, không quá ngọt cũng không quá mặn, ít dầu mỡ, có chút gì đó kham khổ, khó nói lắm, nhưng mà ngon. Tôi không thích cao lầu Hội An cho mấy vì nó na ná hương vị thức ăn Trung Quốc, màu mè gia vị nhiều quá!”

“Chỉ có mì Quảng và hủ tiếu Nam Vang, không hiểu sao hủ tiếu Nam Vang đặc biệt ngon ở phố cổ này, từ các quán ven đường, quán trong chợ đêm cho đến quán ông Toản, quán nào cũng ngon. Đặc biệt là hủ tiếu khô ở quán ông Toản thì ngon tuyệt vời!”

“Nhìn chung miền Trung bây giờ không còn khốn khổ như những năm trước đây, tuy nhiên cảm giác và phong vị xứ nghèo vẫn còn day dứt, phảng phất đâu đó trong từng món ăn. Cứ mỗi lần đi Trung, tôi lại ghé Hội An, mà mỗi lần ghé Hội An thì cách gì tôi cũng đi dạo một vòng phố đêm để ăn vài món như bắp luộc, hủ tiếu Nam Vang, phở... Cái cảm giác ấy khó nói lắm!”

Đúng như lời anh Trúc nói, cái cảm giác ấy khó nói lắm, chỉ có những ai từng ghé Hội An, từng ngồi quan sát cuộc sống trải qua trước mắt và từng nếm hương vị thấm đẫm tình đất ở đây mới thấu được. Tôi chỉ nhớ là hủ tiếu Nam Vang ở Hội An ngon một cách lạ lùng, khó hiểu, nhất là trong những ngày mùa Đông giá lạnh, ngồi co ro ở một góc quán, nhìn những mái ngói xô nghiêng hơi sương và mưa bụi, đâu đó văng vẳng tiếng gõ thuyền chài đầu sông cuối bãi... Âm thanh chỉ có ở con phố nhỏ này!

Switch mode views: