Hội An hàng quán
- Chúa Nhật, 29 tháng Ba năm 2015 10:42
- Tác Giả: Nguyễn Tấn Cứ
Cảm giác như một giấc mơ của tuổi thơ khi băng ngang qua cánh đồng lúa xanh rì. Cảm giác như một nỗi buồn hạnh phúc khi trở lại với làng quê xưa đi lướt ngang qua cây cầu xi măng nho nhỏ. Hình ảnh một đứa trẻ tung tăng cặp sách trên đường chiều. Một vài du khách ngoại quốc vút qua trên xe đạp vẫy tay chào thanh bình thân thiện.Du khách trong một ngôi nhà cổ ở Hội An. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
Hội An như một ốc đảo xanh nằm lọt thỏm ở khoảng giữa núi biển của Quảng Nam-Tam Kỳ và Ðà Nẵng đang từng ngày bị bê tông đô thị rập rờn dưới bóng đèn cao áp. Về đêm Hội An như mất dấu khi ánh trăng rằm vươn lên cao. Từ đó Hội An hiện ra hình dáng của một thôn nữ đang tắm gội dưới luồng sáng của ký ức diệu kỳ.
Ðến với Hội An việc đầu tiên là bạn đừng bao giờ nghĩ mình là một du khách với ý thức hưởng thụ những vật chất xa hoa mà hãy tự cho mình đang thu nhỏ lại - đang quay trở về với tuổi thơ trên từng con phố cổ với những mái phố rêu xưa lung linh trên dòng sông Hoài thương nhớ.
Ðó là những kỷ niệm không thể nào nhạt phai dành cho bất cứ ai đang tha hương và cũng không riêng gì cho những ai đang tự hào là cư dân của xứ Quảng. Nơi đây người ta cũng dễ dàng quên cái thân phận “chó ăn đá gà ăn cát” như một câu ca dao đã từng than thở. Hình như ai cũng đã đánh mất một cái gì đó “xót xa” khi lạc bước đến nơi này.
Ở đây rất nhiều nhà hàng sang trọng dành cho khách ngoại quốc, rất nhiều quán ăn bình dân, rất nhiều những món ngon của Hội An một thời như cao lầu, mì Quảng, bánh đập, ram nướng, cơm gà... và nhiều thứ khác mà bạn không bao giờ có thể tưởng tượng tới...Bắp nấu được bán trên phố cổ Hội An. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
Chỉ cần bước qua cây cầu phía bên kia sông là bạn đã bị hớp hồn bởi những hàng quán ghe xuồng xuôi ngược ven sông. Trên cây cầu mộng mị kia một chị nông dân từ ruộng vườn còn lấm lem bùn đất với một xe bắp nếp nấu [luộc] đầu mùa đang được chính bà con ở Hội An “xúm nhau lại” mua và lột vỏ ra ăn tại chỗ ngon lành.
Tôi và cô bạn cũng cố chen vào mua được hai trái rồi đứng gặm, khoái chí với thành tích mà mình vừa có được. Một cô đứng tuổi cười nói âm ran “Mấy khi được ăn bắp đầu mùa ngon ri hỉ, hiếm lắm đó nhoa, còn ngon hơn bắp của ‘hội hè.'” Ý cô muốn nói đến “Lễ Hội Bắp Rằm Tháng Giêng” được chính quyền tổ chức sau Tết.
Xong màn bắp dạo đầu chúng tôi đi sâu vào trong làng khi trời chiều xuống thấp. Khi những chiếc loa thùng được giấu kín đâu đó trên những tàn cây bắt đầu vang lên những giai điệu cổ điển dìu dặt như Serenade-Serenata... Âm nhạc như dẫn dắt những bước chân đi đi dần dần vào đêm khi những lò than trên vỉa hè được thổi lên tí tách.
Những xiên thịt tẩm ướp bóng mỡ được xoay quay trên lửa hồng bốc mùi thơm ngào ngạt. Cô bạn tôi bảo đến Hội An mà đi ăn nhà hàng là đồ “nhà quê” phải ăn như thế nầy nầy vừa rẻ vừa ngon và hấp dẫn mê tơi. Nói xong cô nhón tay cầm một lúc năm sáu xiên nóng hổi - cứ như vậy chúng tôi vừa đi vừa thưởng thức. Một xiên chỉ có bảy ngàn đồng thôi.Một món ăn dân dã của Hội An. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
“Cái nầy gọi là ‘ăn hàng’ đó nha,” vừa nói cô lại xà ngay xuống một quẩy gánh bên đàng. Ðây là một hàng thúng bánh bèo nhưn tôm. Một chén chỉ có 2 ngàn đồng. Hai người ăn hơn một chục bánh kèm theo sau là một đống chén không bỏ lại sau lưng.
Ðể kết thúc cho màn ăn uống cho tới khuya khi con trăng đã lên cao vằng vặc - lúc dòng người càng túa ra len lỏi trong đêm. Không một chút ánh sáng, khi Hội An được cúp điện hoàn toàn - chỉ còn lại bóng đêm huyền hoặc, chúng tôi lại sà vào một gánh mì cao lầu mì quảng, đến lúc này là chỉ có no nê trong thèm thuồng mà thôi khi mà háng quán vẫn còn thầm thì mời gọi.
Ði Hội An mà không biết ăn hàng như thời tuổi thơ là coi như bạn đã “lạc hậu” từ khuya. Nghĩa là bạn đã không còn đủ khả năng lang thang phố chợ nữa. Dễ thôi hãy ghé đến một quán trà hay hàng kem nào đó ven đường. Hãy ngồi và thưởng thức nhấm nháp niềm vui nho nhỏ của mình khi mà thời gian đang trôi.
Ở Hội An mọi thứ đều là kỷ niệm. Mọi thứ đều có thể kinh doanh với một “cái giá của ký ức” cực kỳ bình dân để bạn có thể mang nó về. Tất cả những chuyến đi đều giống nhau nhưng không nơi nào có thể giống như Hội An trầm tích cổ kính vì bởi “không có cái bụng nào giống cái bụng nào” của khách nhàn du trong cách ẩm thực dọc đường.
Ðó là một cuộc ẩm thực tự do. Một cuộc “yến tiệc” mê man của tuổi thơ - mà chỉ có những ai có hoài niệm thanh xuân - mới thâm nhập và thưởng ngoạn được. Như con sông phố lững lờ kia ngàn đời không bao giờ xuôi chảy và có cảm giác nó đang đứng nguyên trong xanh không bao giờ vẫn đục bởi bụi đời.
Related news items:
Tin mới
- Quảng Bình mùa giáp hạt - 05/04/2015 17:09
- Lễ và lụt ở Thừa Thiên – Huế và miền Trung - 05/04/2015 17:05
- Ẩm thực ở Sài Gòn: ‘Tí hon’ bị ‘khổng lồ’ nắm gót chân - 05/04/2015 16:57
- Bạo lực học đường - 02/04/2015 13:28
- Nỗi đau Formosa, Hà Tĩnh - 02/04/2015 13:23
- Ðình công của công nhân Sài Gòn có thể lan rộng - 02/04/2015 12:58
- Đình công lớn ở Pouyuen, Sài Gòn - 01/04/2015 22:31
- Quảng Nam-Quảng Ngãi, lụt giữa mùa Xuân - 01/04/2015 11:07
- Lấp sông Đồng Nai, một hiểm họa khó lường - 29/03/2015 19:59
- Chuyện bốc mộ tù cải tạo ở miền Bắc - 29/03/2015 19:52
Các tin khác
- Huế và ngã tư ăn uống - 19/03/2015 16:54
- Xích lô Sài Gòn thời 'mạt vận' - 19/03/2015 16:47
- Số phận những phụ nữ dân tộc thiểu số - 14/03/2015 15:17
- Dòng Chúa Cứu Thế khám bệnh cho hơn 150 thương phế binh VNCH - 14/03/2015 14:37
- Cựu binh chiến tranh VN từ Virgin Islands và những vết sẹo khó phai - 12/03/2015 15:57
- Ai ra lệnh không được nổ súng trong trận Gạc Ma? - 12/03/2015 15:12
- Những ngôi mộ bị hành hạ - 11/03/2015 18:19
- Người dân Đà Nẵng mất Bà Nà - 11/03/2015 18:12
- Sài Gòn thời phở và hủ tiếu cạnh tranh - 11/03/2015 17:48
- Kỹ nghệ đưa sản phụ Trung Quốc vào Mỹ sinh con (kỳ cuối) - 11/03/2015 01:45