Dòng Chúa Cứu Thế khám bệnh cho hơn 150 thương phế binh VNCH
- Chúa Nhật, 15 tháng Ba năm 2015 11:10
- Tác Giả: Việt Hùng
SÀI GÒN (NV) - Sáng 13 tháng 3 năm 2015, vào lúc 7 giờ, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn (DCCT) tổ chức buổi gặp gỡ, kiểm tra sức khỏe và tầm soát bệnh cho hơn 150 quý thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPBVNCH).
Ðây là lần thứ 6 trong các hoạt động tri ân quý TPB VNCH và là lần đầu tiên trong năm Ất Mùi 2015 do DCCT tổ chức.
Cựu chiến binh Mỹ Richard Bazel Joe, 67 tuổi (giữa), vui mừng khi gặp các TPB VNCH. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Hoạt động chính trong lần này là gặp gỡ, kiểm tra sức khỏe và tầm soát bệnh, mua bảo hiểm y tế, lắp chân tay giả cho các TPBVNCH. Ngoài ra, các tình nguyện viên còn tư vấn cho từng trường hợp TPB nhằm biết được nhu cầu của họ để trao tặng xe lăn và xe lắc tay, hay phẫu thuật.
Ngay từ lúc 5 giờ sáng, nhiều TPB VNCH đã có mặt tại Văn phòng Công Lý và Hòa Bình, DCCT Sài Gòn chờ đợi.
Vào lúc 7 giờ, các anh chị thiện nguyện viên đã đón taxi và hướng dẫn các TPB đi khám cận lâm sàng như lấy máu, đo huyết áp, thử nước tiểu, chụp X-Quang phổi, siêu âm nội tạng,... tại một số phòng khám đa khoa đã hẹn trước.
Sau khi làm hết tất cả các xét nghiệm cần thiết, các TPBVNCH đón taxi quay trở lại DCCT Sài Gòn, để chuẩn bị ăn trưa, nhận một gói quà gồm áo quần, kem đánh răng, dầu ăn, gạo,... và chờ kết quả xét nghiệm, để buổi chiều được các bác sĩ trực tiếp đọc kết quả khám nghiệm cho từng người và có hướng dẫn cụ thể để chữa bệnh.
Ðiều đặc biệt trong lần khám chữa bệnh này, các TPB đã bất ngờ khi gặp ông Richard Bazel Joe, 67 tuổi, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam giai đoạn 1969 đến 1974.
Gặp gỡ các TPB, ông Richard Bazel Joe vui mừng cho biết: “Tôi rất vui khi được nhìn thấy các TPB ở Việt Nam này. Tôi biết được chương trình tri ân này qua báo đài, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến. Thật xúc động khi nhìn thấy các TPB tuy thương tật đầy mình, nhưng họ vẫn rất lạc quan và vui vẻ.”
Ông nói thêm: “Ðiều tôi hạnh phúc nhất là khi biết tôi cũng là người lính Mỹ, họ đã xem tôi như đồng đội của họ. Những người đã cũng chiến tuyến trong chiến tranh Việt Nam. Sắp tới khi về lại Mỹ, tôi sẽ nói những điều này với bạn bè tôi, và kêu gọi họ giúp đỡ tiền bạc vật chất, để các bù đắp lại phần nào nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra cho các anh em ở đây.”
Các thiện nguyện viên giúp các TPBVNCH lên và xuống taxi trước và sau khi đi khám bệnh. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Cũng như ông Joe, ông Lâm Thanh Nhơn (54 tuổi, Việt kiều Pháp) cho biết: “Tôi biết được chương trình này qua báo đài. Tuy tôi không tham gia trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng tôi rất yêu quí các người lính VNCH. Hôm nay tôi đến đây nhằm được chứng kiến tận mắt và tìm hiểu cách thức gửi tiền, nhằm giúp đỡ cho các anh TPB VNCH này.”
Thấm đẫm tình người
Tuy đã bị mất cả hai chân trong chiến tranh, phải ngồi xe lăn nhưng TPB Nguyễn Văn Bồ (Số quân: 68/503044) cho biết: “Nhà tôi ở xa Sài Gòn này, ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Ðốc, tỉnh An Giang. Tôi phải đi xe đò từ tối qua để sáng nay đến đây kịp khám chữa bệnh.”
Ông cho biết thêm: “Tôi rất vui khi được quý ân nhân giúp đỡ cho tôi được khám chữa bệnh miễn phí, được nhận quà. Phải nói tôi rất xúc động, vì hơn 40 năm qua, chúng tôi cảm thấy như mình đã bị bỏ rơi, là thành phần 'cặn bã' của xã hội này. Thế nhưng quí cha DCCT đã nhớ đến chúng tôi, xem chúng tôi như những người bạn.”
Sau khi được tiếp đón và nhận những món quà từ các thiện nguyện viên, các TPB đã bày tỏ niềm vui và tri ân đến những người quan tâm đến hoàn cảnh của họ.
Ông Gia Ta (Số quân 71/440740) chia sẻ: “Tôi cám ơn tất cả các mạnh thường quân đã hỗ trợ tụi tôi. Nhờ điều đó cuộc sống chúng tôi cũng được tốt đẹp hơn, cuộc sống cũng đỡ chút. Tôi rất sung sướng khi được tham gia chương trình này.”
Ông Phan Thành Chương (số quân 50/QD01428) là một thương phế binh tới khám bệnh cho biết: “Hôm nay tôi diễm phúc được tới đây, được mọi người ân cần tiếp đón, ân cần thăm hỏi sức khỏe và khám bệnh. Ðiều đó làm cho tôi rất là cảm động. Bác sĩ làm việc rất tận tụy, khám bệnh rất kỹ, đối xử với bệnh nhân rất tốt. Các thiện nguyện viên phục vụ rất đàng hoàng, chu đáo, ân cần và trân trọng những người như chúng tôi.”
Bữa cơm trưa thân mật trong ngày họp mặt và khám chữa bệnh. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Trong vai trò là một thiện nguyện viên giúp đỡ việc lấy kết quả khám bệnh cho các TPB, cô Võ Thị Thôi Chinh cho biết: “Ðây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình này. Tôi rất xúc động khi được tiếp xúc với các chú TPB, được nghe các chú kể về đời lính, tôi cảm thấy như mình đã có lỗi với các chú. Vì thời gian qua, tôi không để ý gì tới những hoạt động thiện nguyện này, hôm nay được người bạn trong ca đoàn rủ đến đây, tôi mới nhận ra được việc làm này là đầy ý nghĩa.”
Linh Mục Ðinh Hữu Thoại, trưởng Văn Phòng Công Lý Hòa Bình DCCT cho biết: “Nhiều cá nhân trong cũng như ngoài nước đã cảm kích trước công việc của nhà dòng đã và đang làm cho quý TPB VNCH nên họ đã chung tay đóng góp một phần yểm trợ, đặc biệt là Dòng Chúa Cứu Thế đã trích một phần ăn của các tu sĩ trong nhà dòng để cùng sẻ chia với các chú.”
Ðược biết, nhà cầm quyền CSVN đã gây rất nhiều khó khăn cho các TPB khi họ tham gia chương trình này.
TPB Võ Ðình Bông (Số quân 77/401205) nhà ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh cho biết: “Trước Tết tôi có tham gia chương trình tri ân của DCCT. Sau khi về nhà thì bị công an xã mời lên làm việc, và cấm không cho chúng tôi đến tham gia chương trình này. Tuy nhiên hôm nay tôi vẫn đi, vì mình chẳng làm gì sai thì không việc gì phải sợ.”
Tuy nhiên, ông cho biết thêm: “Tôi có 2 người bạn nữa, cũng là TPB, nhưng hôm nay họ đã bị công an ngăn chặn không đến đây được. Tôi rất buồn vì hành động này của chính quyền, thể hiện việc phân biệt rõ ràng. Chúng tôi cũng chỉ là người Việt Nam. Mong rằng chính quyền đừng phân biệt đối xử như vậy.”
Tính tới thời điểm hiện tại, DCCT đã có hơn 1,600 TPB VNCH ghi danh để được khám bệnh. Ðây là số lượng lớn, nên không thể khám bệnh cho tất cả cùng một lúc vì như thế sẽ không đạt được hiệu quả, do đó DCCT quyết định chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 150 người, để khám bệnh trong nhiều đợt vào thời gian tới.
Related news items:
Tin mới
- Nỗi đau Formosa, Hà Tĩnh - 02/04/2015 13:23
- Ðình công của công nhân Sài Gòn có thể lan rộng - 02/04/2015 12:58
- Đình công lớn ở Pouyuen, Sài Gòn - 01/04/2015 22:31
- Quảng Nam-Quảng Ngãi, lụt giữa mùa Xuân - 01/04/2015 11:07
- Lấp sông Đồng Nai, một hiểm họa khó lường - 29/03/2015 19:59
- Chuyện bốc mộ tù cải tạo ở miền Bắc - 29/03/2015 19:52
- Hội An hàng quán - 26/03/2015 17:00
- Huế và ngã tư ăn uống - 19/03/2015 16:54
- Xích lô Sài Gòn thời 'mạt vận' - 19/03/2015 16:47
- Số phận những phụ nữ dân tộc thiểu số - 14/03/2015 15:17
Các tin khác
- Cựu binh chiến tranh VN từ Virgin Islands và những vết sẹo khó phai - 12/03/2015 15:57
- Ai ra lệnh không được nổ súng trong trận Gạc Ma? - 12/03/2015 15:12
- Những ngôi mộ bị hành hạ - 11/03/2015 18:19
- Người dân Đà Nẵng mất Bà Nà - 11/03/2015 18:12
- Sài Gòn thời phở và hủ tiếu cạnh tranh - 11/03/2015 17:48
- Kỹ nghệ đưa sản phụ Trung Quốc vào Mỹ sinh con (kỳ cuối) - 11/03/2015 01:45
- Sau Tết, công nhân gian nan tìm việc - 09/03/2015 19:44
- Kỹ nghệ đưa sản phụ Trung Quốc vào Mỹ sinh con (kỳ 2) - 09/03/2015 19:35
- Kỹ nghệ đưa sản phụ Trung Quốc vào Mỹ sinh con (Kỳ 1) - 09/03/2015 19:26
- Hộp quẹt Zippo, những kỷ vật ‘hot’ nhất Sài Gòn - 09/03/2015 13:57