Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người miệt Tây Nam Bộ nhớ lũ


dbscl kenhcan
Những con kênh trở nên khô cạn khi mùa nước nổi không về ĐBSCL. RFA

Người miệt Tây Nam Bộ từng có một thời đề xướng triết lý sống chung với lũ. Phải nói rằng đây là một triết lý sống, nếu hiểu theo nghĩa thông thường thì khi con nước lớn, đến mùa nước nổi, người ta phải biết lênh đênh cùng con nước lớn và chạm mặt đất khi nước rút. Nhưng sâu xa của vấn đề là triết lý sống của người miệt Tây Nam Bộ với đầy đủ ý nghĩa của sống cương nhu thuận tòng, sống nương tựa vào tự nhiên để tồn tại và phát triển. Thế nhưng vài năm trở lại đây, triết lý sống với lũ hoàn toàn mất đi khi con nước miệt Tây Nam Bộ cứ lờ đờ chảy, chẳng thấy lớn mà cũng chẳng thấy đâu là ròng. Mùa nước nổi đã thực sự vắng bóng ở miệt Tây Nam Bộ.

Còn đâu mùa nước nổi?


Anh Thành, một cư dân Long Xuyên, An Giang, chia sẻ: “Tới mùa nước nổi thì nó được lợi về thu hoạch cá tự nhiên. Sau lũ thì có lại lượng phù sa để làm lúa. Rất là hứng thú, nước về thì kéo theo mùa cá linh, người ta thi nhau đánh bắt. Mỗi người có khi đánh bắt được cả chục tấn chứ không giỡn đâu! Bắt làm mắm để dành bán, ăn. Nhưng giờ hết rồi, hết mùa nước nổi rồi…!”

    Rất là hứng thú, nước về thì kéo theo mùa cá linh, người ta thi nhau đánh bắt. Mỗi người có khi đánh bắt được cả chục tấn chứ không giỡn đâu! Bắt làm mắm để dành bán, ăn. Nhưng giờ hết rồi, hết mùa nước nổi rồi…
    -Anh Thành

Anh Thành cho biết thêm là mùa nước nổi ở Tây Nam Bộ bắt đầu từ cuối tháng Bảy đến đầu tháng Tám và kết thúc vào tháng Mười Một hằng năm. Cứ bắt đầu vào cuối tháng Bảy ruộng đồng ngập nước dần lên, ngồi trong nhà nhìn ra đồng không mông quạnh mà lòng người lại dậy lên nỗi hân hoan. Bởi khi mùa nước nổi kéo về, hàng loạt các loài thủy sinh trên sông lại kéo vào động ruộng, từ cá rô, cá lóc, cá chép, cá lia thia cho đến tôm tép, cua rạm, và cả cá linh, loài cá đặc biệt chỉ có ở sông nước miệt Tây Nam Bộ.

Với người Tây Nam Bộ, con nước lên của sông Cửu Long chính là lời mắng yêu của ông Trời, mỗi khi ông mắng yêu, con cháu của ông sẽ phải sống trong ngập nước, nhưng đó là sự ngập của phồn thịnh, ấm no và hứa hẹn. Phồn thịnh bởi tôm cá đầy đồng, chỉ cần mang rổ ra mương xúc một cú cũng có tôm cá để ăn và hứa hẹn bởi phù sa do con nước mang vào sẽ giúp cho lúa tốt, trĩu hạt mùa sau.

Với không riêng gì anh Thành mà hầu hết người dân Tây Nam Bộ, mùa nước nổi giống như một thứ ký ức tập thể, người đồng bằng sông Cửu Long hình thành tính cách và tình cảm từ ký ức tập thể này. Con nước lên nước ròng, mùa đòng lúa miên man cá rô chớp bóng ruộng đồng trôi bóng trâu bóng cỏ; Mùa lia thia bảy màu mơ hồ con nước thượng nguồn cá linh tìm về biển mẹ… Cảm thức ấy quấn lấy người dân nơi đây, tạo riêng một điệu sống vừa phiêu bồng, phóng khoáng lại vừa chất nặng tình đất tình người.

Nhưng rồi, có một ngày, điệu sống người dân đột ngột thay đổi mà không hiểu vì sao. Cái mênh mông, trù mật và phồn thịnh được thay thế bằng nỗi cằn cỗi, đau đáu đợi chờ và khắc khoải trông ngóng. Mùa nước nổi không về nữa, cá linh, cá thia lia bảy màu, cá rô, cá sặc, cua đồng, tôm sú cũng bỏ xa ruộng đồng. Phù sa cũng quên mất ruộng miền Tây, phù sa đi theo một nẻo khác. Ruộng đồng trơ trọi vì muối mặn, con người trở nên hốc hác và khô cằn vì tuyệt vọng. Bởi mùa nước nổi không về cũng đồng nghĩa với người dân đồng bằng sống Cửu Long vĩnh viễn đánh mất ký ức tập thể, đánh mất điệu sống và đánh mất cả tương lai.

dbscl songcan
Miệt Tây Nam Bộ không còn thấy nước nổi

Anh Thành nói rằng chưa bao giờ anh cảm thấy thành phố Long Xuyên, nơi mà gia đình anh đã sống sáu thế hệ, đã gắn bó như máu thịt lại trở nên xa lạ đối với anh như bây giờ. Ngay cả trong một ly cà phê buổi sáng, mọi thứ cũng thay đổi, không còn màu sắc và mùi hương của xứ sở trù mật một thuở mà thay vào đó là sự vội vã, chụp giật và có chút gì đó đánh mất chính mình. Những cô gái Tây Nam Bộ không còn thơm thảo phù sa một thuở mà thay vào đó mà những con thiêu thân vừa rời khỏi cánh đồng và đang cố trốn chạy khỏi nó khi còn kịp.

Anh Thành đã đưa ra nhận xét như vậy khi nói về màu nước nổi. Đồng cảm với anh Thành, Nhung, hiện sống ở Bến Tre, chia sẻ: “Trời ơi năm nay nó đổi phong thủy gì đó. Năm nay chẳng còn nước nổi. Trước đây màu nước nổi cá đồng, lóc, trê, rô về nhiều lắm. Năm nay khô hạn, nước lên không có nổi luôn. Mọi năm lên một thước, thước hai, thước rưỡi, hai thước. Giờ khô hạn không thấy nước đâu cả!”..

Nhung cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, ruộng miệt Tây Nam Bộ khô hạn, nhiễm mặn và phần đông nông dân đứng ngồi không yên. Trong khi đó, giá gạo lại tuột dốc, vừa mất sản lượng lại vừa mất giá, người nông dân đồng bằng Sông Cửu Long như ngồi trên đống lửa. Các tệ nạn xã hội lại tăng nhanh, đời sống trở nên khó khắn, bất định hơn bao giờ.

Nỗi mong chờ mùa nước nổi như một sự trở về với những gì ổn định, trở về với điệu sống thường hằng của mình cũng trở thành mối lo và nỗi tuyệt vọng bởi phù sa không còn, sông trong veo và mùa nước nổi không về nữa.

Nguy cơ lột xác theo chiều hướng xấu


Một cán bộ sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Cần Thơ, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Lũ không về là do nguyên nhân đập thượng nguồn. Giờ lũ không về thì sinh vật sông vắng bóng và người nông dân thất thu. Mọi năm thì qua Rằm tháng Tám thì mùa nước nổi về. Còn bây giờ không thấy gì hết! Người miền Nam nói rằng mỗi khi lũ về thì mừng, giờ thì đã không còn gì để mừng!”

    Giờ lũ không về thì sinh vật sông vắng bóng và người nông dân thất thu. Mọi năm thì qua Rằm tháng Tám thì mùa nước nổi về. Còn bây giờ không thấy gì hết!
    -Một cán bộ ở Cần Thơ

Theo vị cán bộ này, vấn đề phát sinh tệ nạn xã hội ở đồng bằng Sông Cửu Long đang ngày càng mạnh lên và có dấu hiệu bội phát. Có hai lý do để dẫn đến tình trạng này, đó là do sông Cửu Long không còn phù sa và; Mùa nước nổi đã mất.

Ở nguyên nhân thứ nhất, ngành du lịch đồng bằng sông Cửu Long đi vào khai thác du lịch gần hai mươi năm nay chủ yếu dựa vào thế mạnh miệt vườn và điệu sống miệt Tây Nam Bộ. Nhưng khi đời sống thay đổi, ruộng đồng và miệt vườn khô hạn thì hướng du lịch bị chuyển đổi. Để thu hút khách, người ta buộc lòng phải tìm hướng dịch vụ hấp dẫn. Và hướng dịch vụ hấp dẫn ở nơi đây hiện nay là du lịch khám phá giới tính. Có quá nhiều cô gái miệt vườn tham gia đường dây bán dâm. Đây là một báo động về sự đảo lộn trong xã hội.

Ở khía cạnh mùa nước nổi đã mất, hầu hết thói quen nông nghiệp, điệu sống chân chất của người nông dân cũng dần mất đi và thay vào đó là cách nghĩ, cách làm táo bạo, không còn dựa vào thiên nhiên, lao như thiêu thân vào các khu công nghiệp và dịch vụ để kiếm sống. Và khi điệu sống lúa nước, ruộng đồng không còn nữa, điều đó cũng đồng nghĩa với đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của quốc gia đã chết lâm sàn.

Vị cán bộ này tỏ ra khá hoang mang khi đưa ra các nhận xét trên và nói thêm rằng hiện tại, nếu như nhà văn Sơn Nam tái sinh, ông sẽ cảm thấy cô đơn và lạc lỏng khi đọc lại tác phẩm Mùa Len Trâu hoặc xa hơn là Hương Rừng Cà Mau của mình. Bởi mọi sự đã hoàn toàn thay đổi khi Trung Quốc chặn dòng sông Mê Kông để xây các con đập thủy điện, rồi đến Campuchia cũng không từ bỏ tham vọng xây đập trên dòng sông này. Dòng sông đang chết dần và mang theo một nền văn minh có tên Lúa Nước về cõi chết!

Switch mode views: