Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sài Gòn và chuyện đời bán rong quần áo


banrong quanao
Một chiếc xe đẩy với những bộ quần áo treo lủng lẳng đi khắp các con hẻm Sài Gòn. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

SÀI GÒN (NV) – Quần áo may sẵn là thứ hàng không bao giờ ế trừ Tháng Giêng, Tháng Hai sau khi người ta đã mua sắm thả giàn trước Tết.

Quanh năm suốt tháng nhìn đâu cũng thấy vô số các cửa hàng quần áo mọc ra khắp nơi từ sang trọng đến bình dân, vô số các sạp và các tấm bạt trải dưới đất bán rũ. Lúc nào cũng có hàng giảm giá không đợi mùa và có trời mới biết giảm thực sự bao nhiêu phần trăm hay chỉ treo bảng cho vui mắt, hấp dẫn khách hàng.

Không còn nhiều hàng cũ, hàng “si đa” tràn lan như trước. Quần áo may sẵn mới, màu sắc, đủ kiểu và đủ cỡ mặc tình lựa chọn, chẳng những rẻ mà mặc không vừa ý mang đổi dễ dàng. Mặt hàng này bán chạy tới nỗi gia nhập vào cơn sốt bán quần áo lan rộng khắp nơi, không còn ngồi yên một chỗ như trước nữa mà bây giờ ngự trên chiếc xe đẩy rong ruổi đến tận nhà, từng người mời mọc khách mua.

Nói xe thì quá đáng vì không có thùng như mọi xe ba bánh mà thật ra chỉ là bộ khung sắt nhẹ và rất gọn gàng đặt trên bốn bánh xe nhỏ có thanh ngang để treo áo. Người bán vịn vào khung ấy đẩy đi nhẹ nhàng. Chắc là gọi cộ thì đúng hơn.

Hàng rong tuôn ra ngoài đường đủ loại: Người xách, người đội, thật ra hiện nay hiếm thấy người đội đầu như xưa trừ bà bán bánh cam mệt mỏi đội mâm bánh gần một năm nay không thấy mặt. Người này đi xe đạp, kẻ khác chạy xe máy. Xe ba bánh cũng to nhỏ khác nhau, thứ đẩy tay thứ đạp chân. Riêng chiếc khung bán áo di động này lạ, chưa thấy xuất hiện nhiều. Trông nó khá buồn cười vì quá trống rỗng, giản dị.

Chiếc cộ còn cẩn thận thêm một chiếc dù vải bạt hẳn hoi gắn cao để che bóng mát. Hầu hết hàng hóa đi dạo đều dầm mưa dãi nắng. Nếu không che đậy, quần áo mới dưới những cơn nắng rực lửa của Sài Gòn, qua vài buổi dầu dãi rất dễ phai màu thành cũ kỹ. Trên kèo dù cũng treo vài chiếc áo móc vào quanh đấy để từ rất xa, người ta đã nhìn thấy rõ hàng hóa, giống như những cây sào cao nghệu treo túm khoai, bắp, dưa… để bẹo hàng ở mỗi ghe chợ nổi miền Tây vậy. Tất cả trên kèo dù và thanh ngang cộ đều treo khoảng vài chục chiếc áo thung và quần short của nam, áo thung và áo kiểu dành cho nữ.

Từ xa đã nghe tiếng vọng lại: Quần áo thun một trăm ngàn bốn cái! Đó là giọng rao như hét của chủ chiếc xe vừa đẩy tới. Anh ta hơi thấp và mập, còn trẻ và trông lanh lợi.

Tiếng rao lanh lảnh khiến ai nghe cũng chú ý, ít nhất cũng dừng lại nhìn một chút dẫu không mua.

“Một trăm bốn cái áo mới tinh, hàng xổ kho rẻ mạt.” Đúng là rẻ mạt, rẻ hơn hàng “si đa” là đồ cũ của các nước viện trợ. Một bành hàng “si đa” tháo ra, tùy độ đẹp và mới để vào các tiệm lớn, rồi cứ thế từ từ đi xuống qua các loại cửa hàng cho tới cuối cùng đổ đống như núi trên mặt đất bán cho người lao động nghèo. Sau này, hàng “si đa” hầu như không còn mà thay thế bằng hàng trong nước sản xuất bởi rất nhiều xưởng may nhỏ ra đời. Gọi là xưởng nhưng mỗi xưởng có khi chỉ vài ba máy may.

Tôi nghe giọng rao quen vội vàng bước ra vì cứ tới khoảng 9 giờ sáng thì anh chàng này đẩy chiếc cộ ngộ nghĩnh qua cửa. Có lẽ đã đi khoảng đường khá xa nên anh ta thường dừng nghỉ chân trước cửa nhà tôi có bóng râm của nhiều cây cối.

Vài người tiến lại gần chắc nhằm nhìn xe hơn ngó quần áo. Thấy mọi người hiếu kỳ, anh ta bắt chuyện ngay, cũng là một cách khiến khách hàng chú ý. Các câu chuyện kể lể bao giờ cũng gây sự hiếu kỳ với những người chung quanh.

Anh ta chỉ chiếc cộ:

-Tôi đóng cái khung đẩy đi này còn rẻ hơn người ta đóng xe ba bánh. Chỉ cần bốn cái bánh nhỏ khỏi bơm, khỏi vá, khỏi thay vỏ xe, ruột xe là dư sức đi khắp thành phố. Quần áo lại là loại hàng nhẹ nhàng không nặng nề cần tốn nhiều công sức để đẩy.

Một, hai người nhấc chiếc áo ra xem, chắc là tiện tay nhiều hơn muốn mua. Anh ta giải thích thêm với tôi: Lúc này mùa mưa có hôm rớt bão, có hôm nắng oi bức, không ai muốn ra ngoài đi xa mua sắm. Tôi đẩy cái xe này cười chào, khách cũng thấy vui mà mua giúp.

Tất cả quần áo treo hết lên thanh, không có cái nào xếp chồng lên nhau nên mọi người dễ ngắm dễ lựa, lấy ra tròng thử vào người. Thử không thích rồi trả lại, ướm cái khác. Hàng bình dân nên tha hồ cầm lên bỏ xuống mà chủ vẫn vui vẻ.

Thật ra so với sạp hàng trong chợ, thậm chí hàng rũ dưới đất thì số lượng quần áo treo lưa thưa như vậy quá ít nhưng chắc vốn liếng chỉ có thế. Anh ta tỏ vẻ thật thà: Thật ra thì mỗi cái áo thung tôi lấy vốn cỡ hai chục ngàn, bán ra hai mươi lăm ngàn không lời bao nhiêu. Chủ yếu lấy công làm lãi.

Giá chiếc áo chỉ bằng ly sinh tố vỉa hè. Vì rẻ nên người ta dễ mua. Áo mua xong không vừa ý mặc vài lần bỏ đi cũng không tiếc. Thật ra các loại áo rẻ tiền này trông màu sắc tươi tắn nhưng khi giặt mau phai màu, thung mau giãn, tuy không rách đường chỉ may nhưng rất nhanh thủng lỗ chỗ, chỉ mấy tháng thải ra làm nùi giẻ chùi chân.

Tôi hỏi: Chắc lời lắm nhỉ. Hàng bình dân một vốn bốn lời. Mỗi ngày đủ tiền nuôi gia đình không? Có bằng các chị đi bán vé số mỗi ngày kiếm gần hai trăm ngàn?

Anh bán hàng lắc đầu: Bán vé số chỉ dành cho phụ nữ, người già và trẻ con người ta thương mà mua. Đàn ông, thanh niên chẳng ai đi bán vé số. Chính vì quần áo dễ bán nên nhiều người ra bán quá. Tôi chịu khó đi rạc cẳng cả ngày cũng chỉ kiếm hơn một trăm ngàn đủ sống qua ngày chứ không dư. Tôi sống có một mình. Thằng em đi làm ở Bình Dương, bà xã ở dưới quê cũng không cần gửi tiền về.

Tôi hỏi: Quê anh ở đây à, anh nói có vẻ hơi nặng như người xứ Quảng.

Anh ta đáp: Tôi ở Bình Định vào Nam lấy vợ Vĩnh Long. Vợ tôi chèo đò ngang rồi sau đó đi bán trái cây ở Phụng Hiệp gần chợ nổi.

Vậy anh lên Sài Gòn sống không có bà xã hay sao? Vợ tôi nuôi thêm hai con heo tạm đủ sống. Dưới quê, ai cũng cần cù chăm chỉ nhưng không có nhiều việc để làm. Tôi lên thành phố tìm cơ hội may ra dành dụm chút ít mới nghĩ đến việc sinh con. Dù sao mỗi tháng tôi cũng về quê thăm bà xã một lần.

Dân nhập cư hiếm ai được sum họp vợ chồng mà thường chia rẽ, vợ một nơi chồng một nẻo như vậy cả. Chỉ có điều với ít quần áo hàng hóa thế này mà hy vọng dành dụm sinh con, nuôi con thật đáng khâm phục chứ chẳng chơi. Thảo nào dân các tỉnh cứ lũ lượt kéo về Sài Gòn vì buôn bán cách nào cũng đủ sống.

Anh ta tỏ ra không giấu giếm: Vừa rồi Tân Bình bán hàng loạt đồ thung kiểu này. Có lẽ hàng may ồ ạt rồi tiêu thụ không kịp nên người ta bán tháo. Được dịp, nhiều người buôn bán quần áo vải vóc đổ lên đó. Tôi cũng theo mấy người bạn tới mua rồi đóng cái xe đẩy này đi bán rong trong lúc chưa tìm được việc gì khác khá hơn. Nhất là loại áo thun mới cắt chỉ này rộ lên nhiều lắm, bán cả tháng nữa không hết. Cho nên ngày nào tôi cũng lên chợ đầu mối sớm lấy hàng mới đi bán.

Chợ Tân Bình bao giờ cũng là chợ bán sỉ quần áo thuộc loại bậc nhất Sài Gòn cùng với chợ Bình Tây. Vì thế dân bán lẻ khắp nơi đều lấy hàng ở đấy mang về các chợ nhỏ hay xuống tỉnh để bán. Vải dư thừa ứ đọng từ các hãng lớn hoặc vải đầu cây thỉnh thoảng thanh lý được các xưởng nhỏ mua lại rồi cắt may thành quần áo bán rẻ. Một loại hàng khác là quần áo dội khẩu tức do lỗi nào đó không xuất khẩu được, mang ra tiêu thụ trong nước do tốt hơn nên giá cao hơn loại hàng bình dân này một chút.

Tôi nhìn lên chiếc dù che khá rộng, hỏi: Có phải cây dù này lúc anh ngừng đẩy xe, trương ra để che nắng hay không.

Đúng thế. Cây dù này trước đây tôi mua ở chợ Bà Chiểu của ông sửa đồng hồ. Ông ta vừa bán vừa cho tôi đấy. Chú biết tại sao không?

Anh ta tiếp: Ông ta trúng được bốn tờ vé số độc đắc nên nghỉ làm để nhậu. Bán tháo cái tủ kính nhỏ sửa đồng hồ và cây dù này.

Thật đúng là cuộc đời đủ chuyện hỷ nộ ái ố quanh những người buôn bán nhỏ.

Anh bán hàng lại chào mời:

-Hôm qua bác mua cái áo thung đang mặc đó thật vừa vặn quá. Hôm nay bác mua thêm cái áo có cổ mùa mưa mặc cho ấm.

Tôi nói: Nãy giờ anh cũng bán được hai cái áo rồi. Tôi mua giúp thêm cái quần short nữa thôi.

Tôi cầm gói quần mới mua trong khi anh ta vội vã đẩy xe. Trời vừa nắng chang chang thoắt âm âm như báo hiệu cơn mưa sắp đến.

Chợt tôi nghe có tiếng xe máy chạy ồ ồ đến rồi dừng, lại một tiếng rao quen thuộc khác quen thuộc giấc xế mỗi ngày: Chuối sáp dẻo Bến Tre thơm ngon. Chuối mới nấu đến đây còn nóng hổi.

Chuối sáp không cần để chín mới nấu cho nên không nhúng hóa chất, ăn vào không hại sức khỏe. Tôi mua nửa nải mười lăm ngàn. Anh bán chuối cám ơn rồi vội vã rồ máy cho xe chạy đi theo hướng anh bán quần áo thun vừa đẩy. Anh này bán trái cây, vợ bán bánh kẹp, con gửi dưới quê bà ngoại nuôi, trông lúc nào cũng tất tả, chẳng mấy khi dừng lâu như các hàng khác. Những người bán hàng rong bất kể nắng như thiêu, mưa xối xả, vẫn rong ruổi để kiếm miếng cơm cho họ hoặc gia đình họ giữa cuộc sống bộn bề.

Switch mode views: