Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thủ tướng Na Uy phản đối Facebook kiểm duyệt hình ‘napalm girl’ của Nick Út


baochi nauy napalm girl
Trang bìa của Aftenposten, nhật báo có lượng lưu hành lớn nhất Na Uy, bày bán ở Oslo hôm Thứ Sáu. (Hình: AP/Cornelius Poppe)

COPENHAGEN, Đan Mạch (AP) – Thủ tướng Na Uy hôm Thứ Sáu thách thức việc Facebook hạn chế đăng hình khỏa thân trên mạng xã hội của họ, bằng cách đưa lên bức ảnh biểu tượng của năm 1972, trong đó một bé gái trần truồng, nạn nhân của bom napalm, vừa khóc vừa chạy ở Việt Nam.

Kết quả là Facebook lập tức lấy hình này xuống.

Tấm ảnh được giải Pulitzer Prize do phóng viên ảnh Nick Út của hãng thông tấn AP chụp, lập tức trở thành tâm điểm của đề tài tranh luận nóng bỏng về quyền tự do bày tỏ ý kiến ở Na Uy, sau khi Facebook lấy xuống khỏi một trương mục của một nhà văn Na Uy hồi tháng trước.

Nhiều người Na Uy từ đó cũng bắt đầu đưa tấm ảnh này lên mạng xã hội này để bày tỏ sự phản đối.

Trước đó, nữ Thủ Tướng Erna Solberg cũng tham gia chống đối cùng họ, và chỉ trong vài giờ, tấm ảnh do bà đưa lên cũng bị Facebook lấy xuống.

Phát biểu với hãng thông tấn NTB của Na Uy, bà Solberg nói: “Họ làm gì mà lại lấy xuống loại hình ảnh như thế này, bất kể chủ ý của họ tốt đến đâu, việc làm như vậy là cắt xén lịch sử.”

Facebook, qua một văn bản gửi đi từ tổng hành dinh của họ ở London, Anh, phúc đáp rằng “thật khó để tạo một sự phân biệt trong trường hợp nào mới có thể cho phép đăng một tấm hình của một đứa trẻ trần truồng.”

Bé gái tên Kim Phúc trong tấm ảnh nổi tiếng “napalm girl” đang trần truồng vừa chạy vừa khóc trong khi chất gây cháy của bom napalm làm tan chảy những lớp da trên thân thể.

Nhật báo Người Việt có gọi điện thoại đến phóng viên Nick Út và để lại lời nhắn, nhưng chưa nhận được hồi âm.

Nhiều thành viên của chính quyền Na Uy theo chân nữ Thủ Tướng Solberg và cũng đưa bức ảnh lên trang Facebook của họ.

Một người trong số họ là Bộ Trưởng Giáo Dục Torbjorn Roe Isaksen, người nói rằng tấm ảnh này là “tấm ảnh biểu tượng, là một phần của lịch sử chúng ta.”

Bà Solberg sau đó đưa tấm ảnh lên Facebook trở lại, lần này với một ô đen che bé gái từ bắp đùi trở lên.

Bà cũng đưa lên những hình ảnh biểu tượng khác của các biến cố lịch sử, như hình một người đàn ông đứng trước một chiếc xe tăng ở Bắc Kinh năm 1989, với mấy ô đen che nhân vật này.

Mời độc giả xem thêm video: Donald Trump: “Putin lãnh đạo giỏi hơn Obama”

Nhật báo Na Uy Aftenposten đăng tấm ảnh “napalm girl” lên trang đầu hôm Thứ Sáu và kèm theo bức thư ngỏ gửi đến ông Mark Zuckerberg, tổng giám đốc và là đồng sáng lập Facebook, trong đó chủ bút Espen Egil Hansen tố cáo mạng truyền thông xã hội khổng lồ này đã lạm dụng quyền hạn của mình.

Ông Hansen nói ông cảm thấy “bực tức, thất vọng, ngay cả sợ hãi về điều ông (Zuckerberg) làm đối với một trụ cột của xã hội dân chủ của chúng ta.”

Văn bản của Facebook có đoạn viết đáp lại: “Chúng tôi cố tìm cách cân bằng giữa việc cho phép người ta bày tỏ ý tưởng của họ trong khi vẫn duy trì một kinh nghiệm an toàn và tôn trọng đối với cộng đồng thế giới của chúng ta.”

Bản văn tiếp: “Giải pháp của chúng tôi sẽ không luôn luôn được hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách để cải tiến chính sách và phương thức mà chúng tôi áp dụng.”

Tuy nhiên, cho đến chiều Thứ Sáu, Facebook thay đổi quyết định của họ, sau khi bị dân chúng Na Uy phản đối dữ dội.

Ông Paul Colford, phó chủ tịch kiêm giám đốc về quan hệ truyền thông của AP, nói: “Hãng thông tấn AP hãnh diện về tấm hình của ông Nick Út và công nhận tầm ảnh hưởng lịch sử của nó. Ngoài ra chúng tôi dành quyền về bức ảnh đầy sức mạnh này.” (TP)

Switch mode views: