'Festival Hoa Ðà Lạt' nhìn từ hướng khác
- Thứ Bảy, 28 tháng Mười Hai năm 2013 11:22
- Tác Giả: Nguyễn Tấn Cứ
ÐÀ LẠT (NV) - Khi những cây anh đào trụi lá. Hoa dã quỳ tàn lụi. Gió thổi cuồng lên khắp núi đồi. Ðà Lạt bắt đầu cho một mùa lễ hội rực rỡ của hàng ngàn loại hoa.
Trời lạnh từ 10 đến 15 độ. Nắng vàng rực, áo len khăn quàng màu sắc tràn ra đường. Ðà Lạt báo hiệu một mùa vui chơi đang tới...
Hotel hạng sang 3, 4 sao đã bị “order” trước, khách sạn, nhà nghĩ được giữ chỗ kín mít từ mùa Thu. Các nhà hàng ăn uống chuẩn bị thực phẩm đầy kho để đón một lượng khách khổng lồ từ khắp nơi từ Sài Gòn ào ào đổ lên.Bảng hiệu quảng bá lễ hội hoa Ðà Lạt của các công ty quảng cáo tài trợ. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
Các hãng xe khách giường nằm cao cấp Phương Trang-Thành Bưởi... luôn ở tư thế quay vòng “return” “cho những cuộc chuyên chở du khách liên tu bất tận suốt ngày đêm Từ Sài Gòn đến Ðà Lạt... cho đến khi bố thắng bốc mùi khét lẹt mới thôi.
Phương tiện hàng không cũng không chịu thua kém với những chiêu “khuyến mãi” vé máy bay giá cực rẻ dành cho những ai từ phía Bắc muốn đến Ðà Lạt để tham dự Festival Hoa 2013.
Hãng hàng không VieTjel AiR bán tuyến Vinh-Hà Nội- Ðà Lạt chỉ có 480 ngàn đồng. Khứ hồi chỉ gần hơn 900 ngàn đồng là có thể đến xứ sương mù bất cứ lúc nào.
Trong khi chờ đợi tuyến đường cao tốc - Quốc lộ 20 - đang hình thành với 8 làn xe chạy suốt từ Long Thành-Dầu Giây-Ðồng Nai đến Ðà Lạt chỉ cần 4 giờ so với 8 giờ hiện nay thì đi máy bay vẫn là chọn lựa tối ưu so với du khách đi xe đò.
Sân Bay Liên Khương đã được tân trang lại làm mới hơn để có thể đón hàng ngàn du khách quốc tế Việt kiều nước ngoài sẽ bay trực tiếp từ Singapor, Philippin, Australia, Mỹ, Pháp đến Ðà Lạt.
Khi kinh tế đất nước đang trên đà lao dốc thì kinh doanh ngành “công nghiệp không khói” này trở nên một nghề không vốn mà bốn lời. Vì không cần một đồng xu nào chính quyền địa phương vẫn thu vào đầy hầu bao sau mỗi mùa lễ hội.
Ai đó có thể không sai chút nào khi nói rằng: Ðà Lạt đang càng ngày càng xuống cấp, bị phá nát bởi những cái đầu hạt đậu. Kiến trúc Ðà Lạt đang bị phá nát bởi những tay quản lý đô thị với kiểu qui hoạch bờ thửa rào giậu của nông dân.
Hãy nhìn vào khu vực trung tâm bây giờ người ta sẽ không nhận thấy đâu là Ðà Lạt nữa. Nhà cao tầng mọc lên như những cuốn phim khoa học giả tưởng.
Lô nhô lốc nhốc trồi lên trụt xuống nhếch nhác như một khu ổ chuột sang trọng bát nháo nào đó ở Sài Gòn.
Và nó không dừng lại ở đó khi những “chung cư cao tầng” - Ðiều không thể với kiến trúc ở địa hình đồi núi - được chính quyền bật đèn xanh cho xây dựng lên để có thể chứa những hộ dân bị “thu hồi giải tỏa” với giá “đền bù như không” để lấy đất bán cho các tay tư bản đỏ làm khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp. Xây dựng lên và để đó mà không có ma nào ở.
Người sành chuyện bảo đó chỉ là một cách “rửa tiền” của các quan tham nhũng mà thôi.
Những công trình “để dành” đó luôn nằm ờ xa thành phố ở tận trong những cánh rừng như Hồ Tuyền Lâm, Suối Vàng Dankia, Langbiang Lạc Dương. Chúng đang bị tàn phá không thương xót, bị băm nát từ bên trong bởi những kiến trúc có một không hai nằm ngay trong tim rừng thông bạt ngàn của Ðà Lạt.
Người ta thường hay hỏi vì sao Ðà Lạt càng ngày càng nóng hơn, mưa nắng cũng thất thường nhiều hơn. Vì sao mặt hồ Xuân Hương luôn có “lam tảo” bốc mùi hôi thối xuất hiện vào những ngày khô nóng. Vì sao các cô gái dễ thương kín đáo má đỏ môi hồng ngày nào của Ðà Lạt, bây giờ bỗng nhiên trở chứng “ngựa” hơn khi dám mặc cả quần short tới bẹn, áo thun ba lỗ sát nách khoe đầy đủ vòng số 1, 2, 3 trắng nõn lang thang ra đường cho các ông tha hồ ngắm.
Ðà Lạt trở nên kỳ dị “sexy” hơn với đám đông du khách Tây Ta lẫn lộn từ miền xuôi tràn lên vào những mùa lễ hội.
Da thịt cứ phô ra ngời ngời. Ðà Lạt tự nhiên mưa rơi sương mù thông reo bỗng nhiên biến thành xi măng cốt thép, thành một nơi đầy màu sắc đa chủng tộc, một bức tranh lập thể mang tên “Ðà Lạt bê tông thời @.”Một nữ du khách chụp hình trong lễ hội hoa. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
Một Ðà Lạt đầy vết thương “lở lói” như vậy mà sao không bao giờ thôi hết lôi cuốn hút du khách ở khắp nơi tìm đến. Có người nói rằng Ðà Lạt vẫn quyến rũ là vì - bởi so với những nơi khác ở trên đất nước này Ðà Lạt vẫn là một cô gái lành lặn nhất đáng để mất tiền mà không hối tiếc.
Ðà Lạt có nóng hơn đó nhưng vẫn đủ lạnh để có thể co ro khi đêm về. Mưa nắng vô chừng nhưng khi mưa thì chắc chắn cũng đủ làm cho bạn than lên như Lê-Uyên Phương rằng “Trời mưa mãi mưa hoài...” và sương mù nữa có lúc nó đi đâu mất và có khi lại quay về đầy phố ngập phường.
Năm nay Lễ Hội Hoa Ðà Lạt sẽ được kéo dài từ trung tuần tháng 12. Chính thức khai hội từ Giáng Sinh cho đến hết Tết Tây, trước đó là những hoạt động như “Tuần lễ văn hóa Pháp ở Ðà Lạt” cùng các chương trình ca nhạc, chiếu phim Pháp lưu động ngoài trời do chính các nhạc sĩ, ca sĩ Pháp biểu diễn.
Lễ Hội Hoa là nơi triển lãm trưng bày mua bán của các nhà làm vườn trồng hoa chuyên nghiệp của nông dân Ðà Lạt. Nơi các công ty kinh doanh hoa lớn của thế giới hội ngộ ở Ðà Lạt như Hasfarm. Holand, Pháp, Ðức, Ý... Việt.
Một lễ hội đường phố tưng bừng với đêm rượu vang miễn phí ngay trung tâm khu Hòa Bình Ðà Lạt. Với đua xe đạp, đua thuyền, cưỡi ngựa quanh hồ Xuân Hương. Rộn rã với lễ hội thời trang, hóa trang ca nhạc triển lãm nghệ thuật tranh ảnh và dĩ nhiên không thể thiếu màn pháo hoa hoành tráng trên mặt hồ Xuân Hương trong đêm bế mạc.
Tất cả đều chuẩn bị cho một cuộc trình diễn ngoạm mục để dân kinh doanh và chính quyền thành phố thu lợi nhuận vào được hết cỡ với giá cả dịch vụ được “tăng lên” gấp hai ba lần ngày thường.
Như một bài hát được “cover” lại nhiều lần không hề thay đổi là Ðà Lạt luôn luôn “cháy phòng” khách sạn, nhà nghỉ vào những dịp lễ tết.
Không thay đổi vì như các ông chủ hàng ăn, khách sạn vẫn nói, “Một năm mới có một lần nên tha hồ ‘chặt chém’ tăng giá gấp hai ba lần để bù lại vào những tháng ngày dài phòng không nhà vắng...”
Vẫn biết “sẽ bị” như vậy nhưng không hiểu sao du khách vẫn ầm ầm leo lên núi cao - lang thang ngủ bờ ngủ bụi vì có trả tiền cao cũng tìm không ra phòng - để rồi than thở ra về vì biết mình đã bị “quả lừa” tàn bạo như thế nào khi đi ăn uống mua sắm.
Vậy thì vì sao Ðà Lạt vẫn quyến rũ du khách đến nơi này. Câu trả lời không hề khó, vì không ở đâu có cái máy “điều hòa” tuyệt vời như Ðà Lạt. Ðến đây người ta vẫn có thể cảm nhận được cái “phúc lợi”mát lành đặc biệt Trời cho này. Ngay cả những người đang quản lý điều hành đang phá nát khai thác cạn kiệt nó cũng hiểu là mình đang được “tận hưởng” giàu lên nhờ cái không khí vàng duy nhất có này.
Vì đó là một thiên nhiên kì diệu. Ðà Lạt như một con thú hoang luôn luôn có thể tự làm lành vết thương của mình cho dù con người tham lam ngu dốt đang tâm săn bắn hái lượm sử dụng muốn giết chết nó chết dần mòn.
Nhiều tiếng chuông cảnh tỉnh đã được gióng lên, nhiều cuộc hội thảo mở ra để tìm con đường sống cho Ðà Lạt và nó đã được nhiều tổ chức nước ngoài quan tâm. Ðặc biệt là Pháp. Họ khẩn thiết kêu gọi chính quyền và người dân cần phải biết dừng lại sau khi đã tàn phá mải miết từ sau 1975 đến nay - với những cuộc du canh du cư vô tổ chức không hạn độ từ phương Bắc tràn vào.
Những cánh rừng bị cày nát vì những cơn đói kinh niên sau mấy chục năm xây dựng CNXH ở Miền Bắc đã trở thành “đại nạn” cho những cánh rừng nguyên sinh của Tây Nguyên (dường như không bị hủy hoại gì mấy bởi bom đạn của chiến tranh) trong đó có Ðà Lạt. Rừng Tây Nguyên đã trở thành những nông trường, nông trại trà café bạt ngàn... cho đến khi họ những con “quỉ đói” đó hiểu ra rằng màu xanh nguồn nước đã không còn gì nữa ngoài những ngọn đồi trọc trắng xóa...
Với thiên nhiên thì không bao giờ quá muộn khi biết dừng lại và cùng hưởng lợi từ nó. Festival Hoa Ðà Lạt là một dấu chỉ cho thấy con người đang tự phục thiện chính mình. Những kẻ cầm quyền đang ý thức rằng không thể ăn mãi của rừng mà không “trả lại cho rừng” hoàn lại những gì đã cướp lấy từ rừng.
Ý tưởng cần phải có một một Ðà Lạt cho tương lai sau khi đã tàn phá hủy diệt nó khi chính quyền thành phố Ðà Lạt và chính phủ Trung ương Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch bảo tồn và nhân rộng Ðà Lạt ra ngoại vi với sự trợ giúp của những chuyên gia qui hoạch kiến trúc của Pháp. Những kẻ “thực dân” đã phát hiện hình thành nên Ðà Lạt và đến nay sau “120 năm kỷ niệm Ðà Lạt hình thành phát triển.” Bây giờ cũng chính những tên “đế quốc giẫy chết” kẻ thù của giai cấp ấy lại quay trở lại để bảo trợ xây dưng lại cái Paris bé nhỏ đang hư hao này.
Người ta có quyền hy vọng rằng Ðà Lạt sẽ phục sinh qua những mùa Lễ Hội Hoa này, nhưng người con dân Ðà Lạt có quyền hy vọng rằng: Khi con thú đã no nê rồi nó sẽ phải nằm yên cho thiên nhiên Ðà Lạt hồi sinh cho dù đã quá muộn.
Và biết đâu khi vết thương đã lành thì những con vật vô thần kia cũng sẽ biết thay đổi, biết sống chung thân thiện với cái môi trường mà chúng đã tham lam cào cấu cắn xé tan hoang qua mấy chục năm dài...
Related news items:
Tin mới
- Lịch của Nhựt Thanh bị tẩy chay vì in tiểu sử lãnh đạo CSVN - 08/01/2014 16:38
- Nỗi lòng của những người bán hàng đêm - 06/01/2014 00:57
- Hải chiến Hoàng Sa, 40 năm nhìn lại - 05/01/2014 16:15
- Tommy Lý đeo chân giả, diễn break-dance khắp thế giới - 05/01/2014 15:56
- 38 người Việt được đưa khỏi Tacloban bởi 1 người… không tổ quốc - 04/01/2014 13:39
- Bao nhiêu Hiệp hội nữa sẽ được lập ra? - 04/01/2014 01:00
- Sài Gòn và ‘điệp khúc’ đào đường cuối năm - 29/12/2013 16:32
- Một năm buồn nhiều vui ít của ngành cà phê - 29/12/2013 01:40
- Cảnh đời trốn nợ cuối năm - 26/12/2013 22:33
- Nhậu bình dân ở Sài Gòn - 26/12/2013 22:25
Các tin khác
- Tuổi hưu và phúc lợi ở Mỹ - 18/12/2013 20:47
- Huế Rặt - 17/12/2013 12:46
- Nổi Trôi Theo Vận Nước Một Thời Dược Sĩ Bán Cà Phê Vỉa Hè - 14/12/2013 14:43
- Chạm vào mùa Ðông Sài Gòn - 14/12/2013 12:45
- Trứng Cũng Lắm Nhiêu Khê: Mã Số Lý Lịch Của Trứng Gà - 12/12/2013 23:13
- Nông dân trồng lúa vẫn quá nghèo - 12/12/2013 15:17
- Trên ngọn Everest: xưa và nay - 12/12/2013 12:54
- “Giải mã” gia tộc 6 đời dư ngón chân tay - 11/12/2013 21:56
- Thiệp Giáng sinh và Tết cho tù nhân lương tâm - 10/12/2013 19:53
- Sài Gòn và hủ tíu ‘take away’ - 10/12/2013 16:34