Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trên ngọn Everest: xưa và nay


everest 1La face Nord de l'Everest vue en direction du camp de base tibétain.

Tôi thường nghĩ về ngọn Everest như một cái đỉnh núi cao thấu trời phủ tuyết trắng tinh khôi đầy tĩnh lặng, có phần thiêng liêng nữa. Và mỗi lần nghĩ tới ngọn núi cao nhất thế giới (29,035 feet, tức 8,850m) trong rặng Himalaya này tôi lại thường nhớ tới truyện ngắn đã lâu thật lâu của nhà văn Mai Thảo, tựa là “Bản Chúc thư trên Ngọn Đỉnh Trời”. Truyện có lẽ được sáng tác vào cuối thập niên 1950 hay đầu thập niên 1960 (sau in lại trong tập truyện mang cùng tên, do Sáng Tạo xuất bản năm 1963), không lâu sau khi Edmund Hillary, gốc New Zealand, và người dẫn đường tên Tenzing Norgay, gốc bộ lạc sơn cước Sherpa ở Nepal, vào năm 1953 đã trở thành hai người đầu tiên đặt chân tới đỉnh Everest.

Everest: Xưa

Mai Thảo đặt tên cho ngọn núi trong truyện của ông là Ngọn Đỉnh Trời, nhưng đọc ai cũng biết đó là ngọn Everest. Truyện kể về một thanh niên đã leo tới gần đỉnh núi, nhưng quyết định không tiếp tục lên tới đỉnh nữa để Ngọn Đỉnh Trời mãi là một huyền bí, không thể chinh phục, và chính chàng đã buông mình xuống vực sâu chết ôm theo huyền thoại đó, để lại bản chúc thư trên Ngọn Đỉnh Trời. Mỗi người tùy theo cảm nhận chủ quan để rút ra ý nghĩa của truyện ngắn này. Riêng tôi, tôi nghĩ Mai Thảo thích cuộc hành trình hơn là điểm đến, như trong câu nói không biết của ai mà tôi rất thích: The journey is the destination – Cuộc hành trình chính là điểm đến. Mà hành trình lên Ngọn Đỉnh Trời chắc chắn có nhiều điều để ghi nhận, đặc biệt là cảnh trí của trùng trùng những ngọn núi phủ tuyết trắng tinh khôi…

everest 2Everest xưa: Trái, Edmund Hillary và Tenzing Norgay, thuộc đoàn thám hiểm Royal Geographic Society, đứng trên đỉnh Everest ngày 29 tháng 5, 1953. Trước họ đã có nhiều người leo thử nhưng chưa ai thành công, với nhiều người đã bỏ mình trong nỗ lực đầy thử thách và cam go này. Phải, Norgay dương cờ trên đỉnh Everest trong một bức hình do Hillary chụp. (Ảnh Time.com)


Everest: Nay

Cầm tờ tạp chí National Geographic số tháng 6 vừa rồi, có bài ký sự về hiện trạng của Ngọn Đỉnh Trời/Everest, tôi không khỏi sững sờ khi nhìn thấy những hình ảnh ghi lại một Everest của thế kỷ 21.

Những bức hình chụp ngày 19 tháng 5, 2012 in trong Nat Geo cho thấy giao thông bị nghẽn ở đoạn tường đá gần như dựng đứng cao khoảng 40 feet, được đặt tên là Hillary Step, ngay sát đỉnh Everest. Vì đỉnh Everest chỉ có thể chứa được vài người một lúc, nên có người phải chờ tới 2 tiếng đồng ở chân tường để tới phiên mình lên đỉnh, khiến bị mất nhiều nhiệt độ của cơ thể vì ở cao độ. Do đấy có người, như cô Shriya Shah-Klorfine, 33 tuổi, người Canada gốc Nepal, gục chết vì thiểu dưỡng khí sau khi vừa xuống khỏi đỉnh. Rồi tình trạng rác rưởi, đồ phế thải như lều, chai oxygen rỗng, đồ ăn dư, cả phân người và nước tiểu, tích lũy cả hàng chục năm, đặc biệt ở trại 4 là trạm dừng chân cuối cùng, ở cao độ 25,938 feet (7,906 mét), trước khi khởi sự hành trình lên đỉnh, không được ai dọn dẹp. Bộ Văn hoá và Du lịch của Nepal, là cơ quan trách nhiệm cấp giấy phép leo núi và những dịch vụ liên hệ, chỉ cho người dọn dẹp phần lớn ở Base Camp, còn các trại ở cao độ như trại 1, 2, 3 và 4 thì hầu như bỏ mặc.

Sao lại có những chuyện như thế này được ở trên ngọn núi cao nhất thế giới mà mình chỉ dám nhìn ngắm với sự ngây ngất chứ không bao giờ dám nghĩ tới chuyện đặt chân tới vì, trước hết, không thể có tiền để mua một cái tua có hướng dẫn giá từ 30 tới 120 ngàn Mỹ kim, với riêng giấy phép để được leo núi đã tới 10 ngàn Mỹ kim rồi?

everest 3Everest nay: Giao thông bị nghẽn trên Hillary Step, đoạn đường dốc ngay trước khi tới đỉnh, vào ngày 19 tháng 5, 2012, hình bên trái. (Ảnh của Subin Thakuri thuộc Utmost Adventure Trekking, in lại trên tạp chí National Geographic) Có người leo núi phải trải qua tới 2 tiếng tại chân tường đá dài có khoảng 40 feet bên dưới đỉnh để chớ tới phiên mình leo lên đỉnh, và cơ thể bị mất nhiệt độ vì ở cao độ. Tổng cộng có 234 người đã leo tới đỉnh vào ngày này. Bốn người đã bị thiệt mạng. Hình bên phải, đám đông người leo núi trông xa như đàn kiến bò trên đường ngang sườn Lhotse Face về phía Trại 4, trại dừng chân cuối cùng trước khi khởi sự cuộc hành trình tới đỉnh. Tình trạng thiếu luật lệ kiểm soát và sự phát triển mạnh của ngành hướng dẫn leo núi hai thập niên vừa qua đã khiến Everest trở nên dễ tới đối với dân leo núi chuyên môn cũng như không kinh nghiệm. (Ảnh Andy Bardon, Nat Geo)


everest 4Đồ phế thải tích lũy ở Trại 4 do hàng chục ngàn người leo núi bỏ lại suốt 60 năm qua. Mặc dù những nỗ lực kiểm soát ô nhiễm và thu lượm rác rưởi thành công ở Base Camp, song các lều bỏ lại, thực phẩm phế thải, thùng oxygen rỗng, và những đồ rác rưởi khác tiếp tục bị vất bỏ chồng chất tại những nơi cao độ hơn, như Trại 4 nằm ở cao độ 25,906 feet, hình bên trái. (Ảnh Mark Jenkins, Nat Geo) Hình bên phải, đoàn người leo núi đi ngang qua xác có phủ cờ quốc gia của cô Shriya Shah-Klorfine, người Canada gốc Nepal, gục chết vì thiểu dưỡng khí ngày 19 tháng 5 trong lúc rời khỏi đỉnh Everest. (Ảnh Kristoffer Erickson, Nat Geo)

Bài viết, tựa là “Maxed Out On Everest – How to Fix the Mess on Top of the World” (tạm dịch là “Nhân mãn trên Everest – Làm thế nào để sửa đổi tình trạng hỗn loạn trên tột đỉnh của thế giới”), do Mark Jenkins viết về chuyến đi hồi tháng 5 năm rồi, trong số báo Nat Geo gần đây nhân kỷ niệm 60 năm kể từ khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay trở thành hai người đầu tiên trên thế giới đặt chân tới đỉnh Everest, và 50 năm kể từ khi James Whittaker, với sự hỗ trợ của Sherpa Nawang Gombu, trở thành người Mỹ đầu tiên lên tới đỉnh này, cả hai kỳ thám hiểm này cùng diễn ra vào một ngày tháng 5, trước sau 10 năm.

Theo bài báo, tính đến nay, hàng chục ngàn người đã tìm tới Everest để tự thử thách, dân leo núi kinh nghiệm cũng như người chưa hề leo núi. Đấy là nhờ có sự ra đời của nhiều hãng bán tua có hướng dẫn đi lên Everest và các đồ trang bị nhẹ và thuận tiện. Trong số hàng mấy chục ngàn người đã đặt chân tới Base Camp, có khoảng gần 4,000 người đã đặt chân tới đỉnh Everest, có người tới hơn một lần.

Song cũng có nhiều người không bao giờ trở xuống núi nữa. Tính từ năm 1921, là năm những người chết trên Everest bắt đầu được thống kê, tới nay thì có cả thẩy 157 người leo núi và 83 người địa phương theo phụ đã bỏ mình trên Ngọn Đỉnh Trời, trong số đó: 18 người vì kiệt sức, 17 người không chịu được cao độ, sáu người bị té xuống vực, 25 người bị cóng, 18 người bị tuyết lở (avalanche), 50 người bị té, và 23 người vì những lý do khác. (Không có ai chết… như anh chàng thanh niên trong “Bản Chúc thư trên Ngọn Đỉnh Trời” cả!)

everest 5Mặc những cam go, nguy hiểm và thời tiết khắc nghiệt nơi cao độ và nhiều người đã bỏ mình trên đường lên Everest, hàng năm hàng ngàn người vẫn tìm tới đây với mơ ước được đứng trên đỉnh của Ngọn Đỉnh Trời dù chỉ vài phút. Trái, thành viên Nat Geo Hilaree O’Neill bước trên thang nhôm bắc ngang một cái vực trong vùng Khumbu Icefall, một trong những nơi nguy hiểm nhất vì băng tuyết thay đổi vị trí bất ngờ. (Ảnh Andy Bardon, Nat Geo) Phải, băng đá hình thành trên những người leo núi vào lúc 5g30 sáng ngày 20 tháng 5, 2012 khi những người leo núi này leo tới đỉnh Everest sau khi có bốn người đã gục chết gần đó, nhưng không ai trong đoàn trong hình bi tử nạn hết. (Ảnh Garrett Madison, Nat Geo)

Bị chết nhiều như vậy nhưng vẫn có vô số người ghi danh đóng tiền, để được đặt chân lên Ngọn Đỉnh Trời. Tất nhiên không phải ai cũng tới được. Trong số gần 4,000 người toại nguyện đã tới đỉnh Everest, có người tới đó hơn một lần, co tới 90 phần trăm mua tua có hướng dẫn, từ 30 ngàn Mỹ kim tới 120 ngàn, tùy theo hãng tổ chức lớn, nhỏ và trang bị như thế nào với người hướng dẫn chuyên nghiệp và kinh nghiệm tới mức nào. Những người đã bỏ mình phần lớn là đi theo những hãng nhỏ, thiếu tổ chức và trang bị.

Tỷ lệ những người tới đỉnh như ước nguyện là 56 phần trăm riêng trong năm 2012, so với 24 phần trăm năm 2000, và 18 phần trăm năm 1990. Theo Nat Geo, tỷ lệ thành công gần đây cao được như vậy là nhờ có nhiều hướng dẫn viên và đồ trang bị kỹ nghệ cao cấp (high tech) như điện thoại cầm tay, tablets, vv. khiến sự liên lạc và theo giõi thời tiết dễ dàng, bên cạnh các đồ trang bị leo núi nhẹ và hữu hiệu hơn.

Năm ngoái, các chuyến thám hiểm Everest tiêu khoảng $12 triệu Mỹ kim, và Bộ Văn hoá, Du lịch và Hàng không Dân sự thuộc chính quyền Nepal thu về hơn 3 triệu Mỹ kim tiền giấy phép leo núi. Tuy vậy những dịch vụ họ cung cấp các người leo núi từ 30 quốc gia rất hạn chế, theo một số hãng tổ chức tua leo núi. Thu nhặt rác rưởi và làm sạch các đồ phóng uế chỉ diễn ra ở Base Camp cao độ 17,290 feet/5,270 mét. Các trại ở cao độ cao hơn thì không được chăm sóc dọn dẹp. Ngoài ra, dịch vụ tìm kiếm và cứu vớt hầu như không có. Tuy nhiên, vài chủ hãng tua lại không muốn chính quyền dính thêm vô việc điều hành sinh hoạt trên Everest vì họ ngại nạn thư lại tham nhũng gia tăng khi sự kiểm soát gia tăng. Họ muốn thấy các hãng tua họp lại tổ chức một hệ thống tự kiểm soát lấy.

everest 6Hình trên là minh họa núi Everest với hai đường lên hiện được xử dụng: đường (mầu xanh) chạy theo sườn tây bắc trong lãnh thổ Trung Hoa, góc trái trên cùng; và đường (mầu cam) theo sườn đông nam nằm trong lãnh thổ Nepal, từ góc trái bên dưới tới giữa. (Minh hoạ của Nat Geo, bản điện tử của TD)

Làm thế nào để cứu vãn Everest?

Để kết luận, tác giả bài “Everest Maxed Out” Jenkins đề nghị sáu biện pháp cần thực hiện để cải tổ tình trạng “nhân mãn” trên Everest:

– Giới hạn giấy phép leo núi để hạn chế số người leo núi và Sherpa
– Hạn chế số người của mỗi đoàn để tránh tình trạng giao thông bị nghẽn trên sườn Đông Nam
– Cấp giấy chứng nhận khả năng để biết chắc là người tham gia có đủ hiểu biết về leo núi và sự an toàn
– Đòi hỏi người leo núi và Sherpas có chuẩn bị để đối phó với những thử thách của cao độ
– Đòi phải thu dọn rác rưởi và đồ phế thải nếu không sẽ bị phạt, và
– Thu nhặt xác người ngay khi nghe tin có người chết để tỏ lòng kính trọng họ và cả cho những người sống phải đi ngang qua xác người.

Tác giả Jenkins tới Everest với một đoàn thám hiểm của Nat Geo gồm khoảng 20 người, trong đó ngoài các nhiếp ảnh viên Nat Geo và lực sĩ trong đoàn North Face còn có một số nhà địa chất học thuộc Đại học Tiểu bang Montana và chuyên viên y tế của Mayo Clinic. Jenkins là một nhà leo núi kinh nghiệm. Đây là lần thứ hai ông trở lại Everest và lần đầu tiên đặt chân tới đỉnh. Theo ông, và có lẽ nhà văn Mai Thảo của chúng ta cũng đồng ý, cái chính không phải là đặt chân tới đỉnh Everest, mà là cuộc hành trình với các bạn đồng hành tới một ngọn núi tuyệt cao và là biểu tượng tuyệt vời nhất của trái đất. [TD, 2013-05]

Switch mode views: