Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Công ty dầu lửa Citgo, « mỏ vàng » ở Bắc Mỹ của Venezuela

citgo chicago.jpg


Một trạm bán xăng dầu của Citgo ở Chicago, Hoa Kỳ.
Sdi-jr/wikimedia.org

 

Trong cuộc chiến tranh giành quyền lực hiện nay tại Venezuela, giữa tổng thống Nicolas Maduro và tổng thống tự phong Juan Guaido, bên cạnh việc phải có sự ủng hộ cần thiết của quân đội, nguồn thu từ dầu lửa cũng là một yếu tố có vai trò gần như quyết định với tâm điểm là Citgo có trụ sở ở Houston, Hoa Kỳ.

Trong tình cảnh kinh tế hiện nay của Venezuela, tương quan lực lượng sẽ nghiêng hẳn về phe nào nắm được chi nhánh ở Bắc Mỹ của tập đoàn dầu lửa quốc gia PDVSA.
Thế nhưng, Citgo, một doanh nghiệp của Nhà nước Venezuela trên lãnh thổ Hoa Kỳ lại ít được biết đến.

Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng chính trị, cả hai phe đều tìm cách kiểm soát được Citgo.
Ngày 25/01/2019, tổng thống tự phong Juan Guaido tuyên bố muốn nắm quyền quản lý lĩnh vực dầu lửa qua việc chỉ định một bộ trưởng Dầu Lửa mới, thay lãnh đạo tập đoàn PDVSA cũng như lãnh đạo chi nhánh Citgo ở bên Mỹ.

Sau đó, ngày 29/01/2019, Hoa Kỳ ra lệnh cấm Citgo chuyển tiền về công ty mẹ PDVSA bằng cách phong tỏa các tài khoản của chi nhánh này.
 Về phần mình, Nicolas Maduro thề thốt là sẽ quyết làm mọi cách để phản đối quyết định của Washington, vu cáo Hoa Kỳ « đánh cắp » chi nhánh Citgo.
Nga có lợi ích tài chính trong chi nhánh Citgo cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ Hoa Kỳ.

Vài nét về Citgo

Theo website France 24, từ nhiều năm qua, Citgo là máy in tiền và là nguồn tài chính cho phép chế độ của Maduro tồn tại.
 Công ty này sử dụng 3.500 nhân viên, có 5.000 trạm bán xăng dầu và 3 nhà máy lọc dầu trên lãnh thổ Mỹ.

Được thành lập năm 1910 bởi doanh nhân Mỹ Henry Doherty, Citgo (có tên gọi trước đây là Citi Service & Co) đã nhanh chóng phát triển thành một đế chế dầu lửa sau khi phát hiện ra các mỏ dầu trong khu vực El Dorado, tiểu bang Kansas.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Citgo là một trong 10 tập đoàn dầu lửa lớn nhất Hoa Kỳ.
Năm 1986, tập đoàn dầu lửa quốc gia Venezuela PVDSA mua lại 50% vốn cổ phần của Citgo và đến năm 1990 thì làm chủ toàn bộ công ty này, mở đường PVDSA tiến vào thị trường Bắc Mỹ.

Từ đó, Citgo độc quyền lọc và phân phối dầu lửa nhập từ Caracas.
Năm 1999, khi lên nắm quyền, cố tổng thống Hugo Chavez đã tập trung phát triển Citgo và biến công ty này thành cỗ máy in tiền tài trợ cho các chương trình xã hội tại Venezuela.

Từ nhiều năm qua, cho dù quan hệ ngoại giao giữa Venezuela và Hoa Kỳ có xấu đi, điều này không hề ảnh hưởng đến hoạt động của Citgo.
Có thể nói, việc Hoa Kỳ nhập khẩu dầu lửa của Venezuela đã giúp cho chế độ Hugo Chavez, rồi Nicolas Maduro thực hiện các chính sách mà hiện nay chính quyền Donald Trump đang chỉ trích và chống lại.

Dầu lửa Venezuela và lợi ích của Mỹ, Nga, Trung Quốc

Theo một số thẩm định, Venezuela chỉ sản xuất khoảng một triệu thùng dầu thô mỗi ngày và một nửa được xuất sang Hoa Kỳ cho Citgo.

Với ba nhà máy lọc dầu và tham gia vốn vào nhiều dự án ống dẫn dầu lửa, Citgo trị giá 10 tỷ đô la.
Trong năm 2018, Citgo có thu nhập ròng là 500 triệu.

Tuy nhiên, theo số liệu của KBC Advanced Technologies, cơ quan tư vấn làm việc cho Citgo thì hiện nay, mỗi ngày Citgo chỉ nhập khẩu khoảng 175 nghìn thùng dầu thô của Venezuela, tương đương 20% tổng xuất khẩu « vàng đen » của nước này.
Thực ra, Venezuela còn xuất khẩu dầu lửa sang Trung Quốc và Nga, chủ yếu để trả tiền lãi cho các khoản nợ của Caracas.

Nếu như Trung Quốc là chủ nợ số một thì Nga đứng hàng thứ hai.
Và Matxcơva áp dụng một chiến lược năng động, tấn công : cung cấp vũ khí cho quân đội Venezuela và thông qua tập đoàn dầu khí Nga Rosneft, tiến hành đầu tư trực tiếp vào các hoạt động khai thác dầu khí của Venezuela.

Rosneft hiện diện trong 5 dự án quan trọng.
Để bảo đảm cho các khoản đầu tư cũng như trong trường hợp PDVSA không đủ khả năng thanh toán nợ và lãi, Nga sẽ trở thành chủ sở hữu 49% công ty Citgo.
Điều này giải thích vì sao Nga theo dõi sát sao cuộc chiến tranh giành quyền làm chủ chi nhánh Bắc Mỹ này của PDVSA.

Theo ông Russ Dallen, chủ tịch tổng giám đốc ngân hàng đầu tư Caracas Capital, được France 24 trích dẫn, Citgo như con gà đẻ trứng vàng, tài sản có giá trị nhất hiện nay của chế độ Maduro trên thị trường tài chính, nên Venezuela sử dụng công ty này như một sự bảo đảm để đi vay và tình hình hiện nay giống như cảnh một chủ sở hữu đi thế chấp ba lần ngôi nhà của mình.

Do vậy, khó mà hình dung nổi là chế độ Maduro có thể tồn tại nếu để mất đi một nguồn tài chính như Citgo.
Theo giới chuyên gia, tất cả phụ thuộc vào khả năng của PDVSA có nhanh chóng tìm ra người mua – như Nga, Trung Quốc, Iran – để có thể bán được số dầu lửa không xuất được sang thị trường Hoa Kỳ nữa.

Một số đối tác của Venezuela đang mừng thầm trong bụng, ví dụ Trung Quốc, vì Bắc Kinh biết rằng để có tiền, Venezuela sẽ phải bán tống bán tháo số dầu lửa tồn đọng nói trên.

Cuộc chiến pháp lý giành quyền kiểm soát Citgo

Để có thể kiểm soát được Citgo, tổng thống tự phong Juan Guaido và Hoa Kỳ sẽ phải đọ sức với Maduro trong trận chiến pháp lý.
Câu hỏi đặt ra là liệu Guaido có đủ phương tiện nhân lực và pháp lý hay không ?

Các chuyên gia dầu lửa Mỹ cho rằng một mình Guaido khó có thể làm được, trừ phi có sự ủng hộ của Mỹ.
 Tuy nhiên, vụ việc này khá tế nhị, bởi vì nhiều công ty Mỹ trông ngóng nhiều vào việc tịch biên Citgo để được bồi thường các khoản đầu tư bị mất do chính quyền Caracas tiến hành quốc hữu hóa trước đây.

Nếu trao « tay hòm chìa khóa » của Citgo cho phe Guaido thì hy vọng này gần như tiêu tan.
Mặt khác, mọi thay đổi lãnh đạo ở Citgo đều phải có sự chấp thuận PDVSA và chủ tịch của tập đoàn dầu lửa quốc gia Venezuela, ông Manuel Quevedo hiện vẫn trung thành với Maduro.

Chủ tịch của Citgo là người nhà của cố tổng thống Hugo Chavez.
Nhân vật này vừa được gọi về Caracas và một nhóm lãnh đạo Citgo được cử sang Bahamas, nơi mà Citgo có văn phòng đại diện.

Yếu tố thứ hai là nếu PDVSA quyết định cắt nguồn cung ứng dầu thô cho các máy lọc dầu của Citgo thì sự hấp dẫn của chi nhánh này trong con mắt giới tài chính sẽ bị giảm đi đáng kể..

Chính vì thế, tổng thống tự phong Juan Guaido nhấn mạnh là ông không chỉ tìm cách thay thế ban lãnh đạo Citgo mà muốn « dọn dẹp » lại cả ban lãnh đạo của tập đoàn dầu lửa quốc gia PDVSA.

Cuộc chiến giành giật quyền kiểm soát Citgo chưa ngã ngũ.
Theo nhật báo Mỹ New York Times, sau khi cho phép chế độ của Chavez và Maduro tồn tại bất chấp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, giờ đây, Hoa Kỳ muốn Citgo đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình tái thiết kinh tế Venezuela thời hậu Maduro.


Switch mode views: