Thượng Đỉnh Trump-Kim lần II: Mỹ chọn Việt Nam để chiêu dụ Bình Nhưỡng
- Thứ Tư, 06 tháng Hai năm 2019 19:56
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Cảnh 2 phái đoàn Mỹ (p) và Bắc Triều Tiên gặp nhau như tại Singapore ngày 12/06/2018 trong bức ảnh này, sẽ tái diễn tại Việt Nam vào cuối tháng Hai 2019.
Reuters
Ngày 05/02/2019, đúng mồng 1 Tết âm lịch, tổng thống Mỹ Donald Trump như đã tặng Việt Nam một món quà quý giá: Chính thức loan báo Việt Nam là địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jung Un.
Cho dù trong những tuần lễ qua, khả năng về thượng đỉnh Trump-Kim tại Việt Nam đã được bàn tán rất nhiều, nhưng việc hội nghị được tổng thống Mỹ long trọng thông báo trong khuôn khổ Thông Điệp Liên Bang hàng năm đã góp phần thu hút sự chú ý đến vai trò quốc tế của Việt Nam.
Báo giới trong thời gian qua đã nói rất nhiều về những lý do đã thúc đẩy Mỹ chọn Việt Nam là nơi tổ chức cuộc gặp lần thứ hai giữa hai ông Donald Trump và Kim Jong Un, đồng thời phân tích thêm về nguyên nhân đã khiến Bắc Triều Tiên đồng ý với đề nghị này.
Hầu hết các nhà quan sát đều kết luận rằng: Mục tiêu của Mỹ khi chọn Việt Nam làm nơi nói chuyện với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đó là vì Washington muốn dùng Hà Nội làm một tấm gương để thuyết phục Bình Nhưỡng về những mối lợi to lớn mà Bắc Triều Tiên có thể đạt được nếu chấp nhận các điều kiện của Mỹ trong lãnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân để bình thường hóa được quan hệ song phương.
Thượng đỉnh Trump-Kim ở Việt Nam đầy ý nghĩa biểu tượng
Trong bài phân tích hôm 01/02/2019 mang tựa đề “Một hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim tại Việt Nam sẽ mang ý nghĩa biểu tượng lớn cho Bắc Triều Tiên”, nhật báo Mỹ The Washington Post không ngần ngại khẳng định rằng việc chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần II là một điều gần như là hiển nhiên.
Theo tờ báo, Việt Nam là một nước gần gũi với Bắc Triều Tiên trên rất nhiều phương diện nên dễ được Bắc Triều Tiên chấp nhận làm nơi hội họp với Hoa Kỳ.
Trước tiên hết là Việt Nam gần Bắc Triều Tiên về địa dư. Việc gần gũi địa lý này có nghĩa là là lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un có thể dùng phi cơ riêng của mình bay thẳng đến nơi họp mà không cần phải đi mượn máy bay của nước khác, hoặc phải quá cảnh một nơi nào đó để tiếp tế nhiên liệu.
Về mặt ngoại giao, Việt Nam là nước có quan hệ với cả Mỹ lẫn Bắc Triều Tiên, với đại sứ quán đặt ở Hà Nội.
Điều này tạo điều kiện cho cả hai bên tổ chức sắp xếp tốt hoạt động của lãnh đạo hai nước trong thời gian hội nghị.
Để Kim Jong Un thấy rõ chuyển biến tích cực khi cựu thù hòa giải với nhau
Và đặc biệt nhất, theo Washington Post, Việt Nam đã có một quá trình chuyển đổi theo chiều hướng tích cực mà Bắc Triều Tiên có thể học tập.
Đó là cách thức mà một nước do đảng Cộng Sản điều hành đã thành công phát triển kinh tế sau khi biến một kẻ thù – là Hoa Kỳ - thành một đối tác thân thiện.
Điều trước tiên mà Mỹ muốn ông Kim Jong Un - người chưa hề viếng thăm chính thức Việt Nam - được thấy tận mắt là đà xích lại gần nhau ngoạn mục giữa hai nước cựu thù Việt Nam và Hoa Kỳ.
Cũng như Bắc Triều Tiên, Việt Nam đã từng phải đối phó với Mỹ trong một cuộc chiến tàn khốc.
Nhưng chỉ 2 thập niên sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, hai nước đã bình thường hóa quan hệ, và kế từ năm 95 đến nay, đã có 4 đời tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam, từ tổng thống Clinton vào năm 2000, cho đến các tổng thống Bush và Obama sau đó, và gần đây nhất là tổng thống Trump vào năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, các lãnh đạo Việt Nam cũng được các tổng thống Mỹ tiếp đón ở Nhà Trắng, thậm chí ngay cả lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng được tổng thống Mỹ Barack Obama nghênh tiếp tại Washington, trở thành lãnh đạo Công Sản Việt Nam đầu tiên đến thăm Phòng Bầu Dục.
Không chỉ ở cấp chính phủ, mà đối với dư luận dân chúng cũng vậy.
Theo Washington Post, các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy mức độ tin cậy ấm áp đáng ngạc nhiên giữa hai quốc gia.
Khuyến khích Bình Nhưỡng mở cửa theo mô hình Việt Nam
Một ý tưởng thứ hai mà Mỹ không hề che giấu là khuyến khích Bắc Triều Tiên đi theo đường cải cách kinh tế của Việt Nam với sự hỗ trợ tích cực của Hoa Kỳ.
Washington Post đã nhắc lại sự kiện là vào tháng 7 năm ngoái 2018, khi đến thăm thủ đô Hà Nội của Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai gợi ý rằng Bắc Triều Tiên nên đi theo hướng phát triển mà Việt Nam đã theo đuổi.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khi ấy cho rằng: “Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác mà chúng ta có với Việt Nam ngày nay, mà trước đây không ai dám tưởng tượng ra, tôi có một thông điệp dành cho Chủ tịch Kim Jong Un…
Tổng thống Trump tin rằng đất nước Bắc Triều Tiên có thể tái tạo đường đi ấy…, Bắc Triều Tiên sẽ có kết quả tốt nếu nắm bắt ngay thời cơ”
Theo ngoại trưởng Mỹ, sự vươn lên của Việt Nam đã là một “phép màu”, và nếu lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un biết nắm bắt cơ may, thì “phép màu này có thể trở thành phép màu của Bắc Triều Tiên”
Đối với Washington Post, đặc điểm của Việt Nam là cải cách kinh tế theo hướng tạo ra một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cho phép thúc đẩy phát triển kinh tế trong khi vẫn duy trì quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.
Đó là một nhân tố có sức thu hút đối với Kim Jong Un, có lẽ cũng hy vọng là Bắc Triều Tiên có thể đi theo một quỹ đạo tương tự - và có lẽ, nhanh hơn một chút.
Washington Post ghi nhận là vào cuối năm ngoái, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã đến thăm Việt Nam, với một trong những mục tiêu là nghiên cứu chính sách Đổi Mới của Việt Nam.
Liệu Bắc Triều Tiên có sẽ thành công trong việc áp dụng mô hình của Việt Nam hay không, đây là một điều vẫn đang được tranh luận.
Có Theo Washington Post, cho dù cả Việt Nam lẫn Bắc Triều Tiên đều không phải là một nền một nền dân chủ, nhưng ở Việt Nam, quyền lãnh đạo đất nước vẫn mang tính chất tập thể, chứ không phải là tập trung trong tay một người như tại Bắc Triều Tiên.
Cho dù vậy, mô hình phát triển tại Việt Nam được cho là sẽ được Kim Jong Un quan tâm vì dẫu sao hai nước cũng gần giống nhau về quy mô của nền kinh tế.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-2-20198 - 08/02/2019 23:10
- Báo chí Ý náo động bởi quan hệ Roma – Paris căng thẳng - 08/02/2019 21:16
- Đức không muốn gạt tập đoàn Hoa Vi khỏi mạng 5G - 08/02/2019 20:56
- Công ty dầu lửa Citgo, « mỏ vàng » ở Bắc Mỹ của Venezuela - 08/02/2019 17:09
- Paris : Chảy máu bất động sản và xói mòn dân số - 08/02/2019 16:48
- Hoa Vi : ngòi nổ của chiến tranh viễn thông Trung-Mỹ - 08/02/2019 01:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-2-20198 - 08/02/2019 01:28
- Pakistan thả thủ lĩnh Baradar : Cơ hội hòa bình chưa từng có cho Afghanistan - 08/02/2019 00:39
- Mỹ và Bắc Triều Tiên cố đạt thỏa thuận trước thượng đỉnh ở Việt Nam - 07/02/2019 21:37
- Thượng Đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên ở Việt Nam: Cả ba bên cùng có lợi - 06/02/2019 20:05
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-2-20198 - 06/02/2019 18:57
- Thông điệp Liên Bang: Tổng thống Mỹ tiếp tục đòi xây tường biên giới - 06/02/2019 18:29
- Donald Trump thông báo gặp Kim Jong Un tại Việt Nam cuối tháng Hai - 06/02/2019 17:39
- Tin chính thức: Trump - Kim hẹn gặp nhau ở Việt Nam - 06/02/2019 07:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-2-20198 - 05/02/2019 21:43
- Zuckerberg biện hộ cho vai trò tích cực của Facebook - 05/02/2019 20:25
- Thời sự năm Kỷ Hợi qua tiên đoán của các thầy phong thủy - 05/02/2019 17:24
- Giáo hoàng thăm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất - 04/02/2019 20:18
- Mùa Xuân qua những ca khúc bất hủ - 04/02/2019 19:59
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-2-20198 - 04/02/2019 17:54