Thượng Đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên ở Việt Nam: Cả ba bên cùng có lợi
- Thứ Tư, 06 tháng Hai năm 2019 20:05
- Tác Giả: Thanh Hà
Bích chương tuyên truyền cho Đảng Cộng Sản Việt Nam được thấy trên đường phố Hà Nội ngày 23/01/2019.
REUTERS/Kham
Hôm qua, 05/02/2019, trong Thông Điệp Liên Bang, tổng thống Donald Trump đã chính thức thông báo Việt Nam là nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên trong hai ngày 27 và 28/02.
Trong nhãn quan của cả Washington lẫn Bình Nhưỡng, việc chọn Việt Nam vừa "thuận tiện" vừa "an toàn".
Theo giới quan sát, sự kiện ngoại giao này mang lại mối lợi cho cả ba bên.
Chỉ vài thập niên sau chiến tranh Việt Nam, Washington đã trở thành một trong những đối tác thân thiết của Hà Nội.
Về phương diện kinh tế, Việt Nam đã nhanh chóng thoát khỏi nghèo khó để trở thành một trong những nền kinh tế năng động của Đông Nam Á, một đối tác thương mại đáng tin cậy của Hoa Kỳ trong khu vực.
Bắc Triều Tiên chấp nhận chọn Việt Nam vì cả hai nước cùng đi theo mô hình xã hội chủ nghĩa.
Nhưng câu hỏi giờ đây là việc chọn Việt Nam làm điểm hẹn thứ nhì của hai nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên, Hà Nội có lợi gì ?
Mối lợi đối với Việt Nam
Ngay khi có những đồn thổi, dự báo, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố là Việt Nam sẵn sàng tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần hai.
Vậy, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì ?
Giới chuyên gia nêu ra nhiều "mối lợi".
Thứ nhất là trong quan hệ với nước láng giềng sát cạnh là Trung Quốc.
Hãng tin Mỹ AP trích lời chuyên gia Murey Hiebert, thuộc khoa Đông Nam Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS, trụ sở tại Washington cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với Trung Quốc, tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên tạo điều kiện cho chính quyền Hà Nội "củng cố vai trò của Việt Nam trên sân khấu quốc tế".
Việt Nam đang muốn tìm kiếm thêm những điểm tựa để làm đối trọng với Bắc Kinh.
Thứ hai là đối với Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi để hai ông Trump và Kim gặp nhau trên đất Việt giúp Hà Nội "ghi điểm" với Washington.
Đây là cơ hội giúp Việt Nam thắt chặt thêm quan hệ với Mỹ, nhất là trong bối cảnh, hai quốc gia này cần có nhau, cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược để làm đối trọng với Trung Quốc.
Sau cùng, dù muốn hay không, thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un vào cuối tháng này thu hút sự chú ý của toàn thế giới vào Việt Nam.
Đây sẽ là một cơ hội bằng vàng để quảng bá cho hình ảnh của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Hãng tin AP trích lời chuyên gia Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS tại Singapore cho rằng, du lịch và đầu tư vào Việt Nam có triển vọng tăng lên sau thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên lần này.
Mỹ và Bắc Triều Tiên có lợi gì ?
Đương nhiên không phải tình cờ cả Donald Trump lẫn Kim Jong Un cùng đồng ý gặp nhau tại Việt Nam.
Theo phân tích của chuyên gia Lê Hồng Hiệp, qua quyết định này nguyên thủ Bắc Triều Tiên và Mỹ cùng bắn đi một tín hiệu mạnh với cộng đồng quốc tế rằng, tương tự như trong quan hệ giữa Washington và Hà Nội, Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên cũng mong muốn có những bước đột phá, để hai quốc gia thù nghịch có thể sang trang lịch sử, cùng bắt tay hợp tác và xây dựng một "thế giới tươi đẹp hơn".
Thêm vào đó, trở lại Việt Nam sẽ giúp cho tổng thống Hoa Kỳ làm một công đôi việc.
Hãng tin Pháp, AFP trích lời chuyên gia Cheon Seong Whun thuộc viện nghiên cứu ASAN tại Seoul cho rằng, Mỹ có thể dùng lá bài Việt Nam để dằn mặt Trung Quốc.
Ai cũng biết Bắc Kinh là điểm tựa chính của chế độ Bình Nhưỡng, cả về mặt kinh tế, lẫn chiến lược.
Trong chưa đầy một năm Kim Jong Un đã bốn lần sang Bắc Kinh hội kiến ông Tập Cận Bình và đôi bên đồng ý "nghiên cứu và phối hợp để giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên, đặc biệt trong tiến trình đàm phát giải trừ hạt nhân".
Còn đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đến Việt Nam có thể là nhất cử, lưỡng tiện bởi vì Việt Nam cũng giống như Bắc Triều Tiên, « quản lý » được truyền thông báo chí, một quốc gia an toàn và thậm chí Kim Jung Un có thể đến Việt Nam bằng đường sắt.
Thứ nữa, đây cũng là cơ hội để nguyên thủ Bắc Triều Tiên viếng thăm Việt Nam.
Lần cuối cùng lãnh tụ Bắc Triều Tiên công du Việt Nam Việt Nam là vào năm 1958, khi cha đẻ của nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, Kim Nhật Thành – ông nội của đương kim lãnh đạo Bình Nhưỡng, dừng chân tại Hà Nội.
Trong suốt sáu thập niên qua, bang giao hai nước vẫn tốt đẹp, cả về chính trị lẫn kinh tế. Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Bắc Triều Tiên.
Cuối cùng, lựa chọn của Mỹ và Bắc Triều Tiên đều làm hài lòng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vì Việt Nam có quan hệ hữu hảo với cả 3 nước này.
Tin mới
- Thái Lan : Chị gái nhà Vua và lãnh đạo tập đoàn quân sự tranh cử thủ tướng - 08/02/2019 23:29
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-2-20198 - 08/02/2019 23:10
- Báo chí Ý náo động bởi quan hệ Roma – Paris căng thẳng - 08/02/2019 21:16
- Đức không muốn gạt tập đoàn Hoa Vi khỏi mạng 5G - 08/02/2019 20:56
- Công ty dầu lửa Citgo, « mỏ vàng » ở Bắc Mỹ của Venezuela - 08/02/2019 17:09
- Paris : Chảy máu bất động sản và xói mòn dân số - 08/02/2019 16:48
- Hoa Vi : ngòi nổ của chiến tranh viễn thông Trung-Mỹ - 08/02/2019 01:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-2-20198 - 08/02/2019 01:28
- Pakistan thả thủ lĩnh Baradar : Cơ hội hòa bình chưa từng có cho Afghanistan - 08/02/2019 00:39
- Mỹ và Bắc Triều Tiên cố đạt thỏa thuận trước thượng đỉnh ở Việt Nam - 07/02/2019 21:37
Các tin khác
- Thượng Đỉnh Trump-Kim lần II: Mỹ chọn Việt Nam để chiêu dụ Bình Nhưỡng - 06/02/2019 19:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-2-20198 - 06/02/2019 18:57
- Thông điệp Liên Bang: Tổng thống Mỹ tiếp tục đòi xây tường biên giới - 06/02/2019 18:29
- Donald Trump thông báo gặp Kim Jong Un tại Việt Nam cuối tháng Hai - 06/02/2019 17:39
- Tin chính thức: Trump - Kim hẹn gặp nhau ở Việt Nam - 06/02/2019 07:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-2-20198 - 05/02/2019 21:43
- Zuckerberg biện hộ cho vai trò tích cực của Facebook - 05/02/2019 20:25
- Thời sự năm Kỷ Hợi qua tiên đoán của các thầy phong thủy - 05/02/2019 17:24
- Giáo hoàng thăm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất - 04/02/2019 20:18
- Mùa Xuân qua những ca khúc bất hủ - 04/02/2019 19:59