Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vận động Giáo hoàng Phanxicô kiêng thịt 40 ngày trước Lễ Phục Sinh

careme


Một biểu tượng của Mùa Chay (Carême).Capture d'ecran

 

Giới bảo vệ môi trường vận động giáo hoàng Phanxicô kiêng thịt 40 ngày trước Lễ Phục Sinh.
Quốc Hội Miến Điện lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp nhằm giảm bớt quyền hạn của Quân đội.
 Liên Hiệp Châu Âu được lợi khi Mỹ-Trung đối đầu thương mại, theo một nghiên cứu mới của Liên Hiệp Quốc.
Sáng kiến « Đêm Ý Tưởng » của Pháp, với chủ đề chính « Đối mặt với hiện tại », được hưởng ứng tại 70 quốc gia.

Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Ngày 6/2/2018 vừa qua, báo chí tại gần 20 quốc gia đồng loạt đăng tải lá thư ngỏ - do thiếu nữ Genesis Butler, 12 tuổi, người Mỹ thảo ra - gửi đến Đức giáo hoàng Phanxicô đề nghị Ngài thực hành chế độ ăn hoàn toàn không có các thực phẩm có nguồn gốc động vật trong Mùa Chay, kéo dài 40 ngày trước dịp Lễ Phục Sinh.

Bức thư ngỏ (1) cổ vũ Đức giáo hoàng ăn kiêng và thông qua Ngài là hàng trăm triệu người Công Giáo, với mục tiêu ngăn chặn nạn phá rừng để có đất cho chăn nuôi, ngăn chặn biển bị khai thác cạn kiệt, khiến các loài sinh vật nhanh chóng trên đường tuyệt diệt, cũng như hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bởi chăn nuôi là một nguồn khí thải hàng đầu.

Thư ngỏ cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc ăn kiêng là để hạn chế nạn lãng phí thực phẩm và bảo vệ sức khỏe, bởi ăn nhiều thịt là một nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tại những quốc gia phát triển, trong lúc rất đông dân cư tại các nước nghèo lại thiếu thực phẩm.

Hạn chế ăn thịt, cá cũng là để giảm ô nhiễm môi trường, do chăn nuôi là nguồn gây ô nghiễm nghiêm trọng.
Cũng như hạn chế nỗi đau khổ của hàng tỉ động vật nuôi, thường phải sống hàng ngày trong các môi trường hết sức khắc nghiệt, do phương thức chăn nuôi theo lối công nghiệp.

Theo cô Genesis Butler, thời gian hành động của nhân loại không còn nhiều.
Mười hai năm để ngăn ngừa Trái đất bị hâm nóng quá 2°C, bởi vượt quá cái ngưỡng này thảm họa sẽ khôn lường, và thời gian còn ít hơn rất nhiều để ngăn chặn cuộc đại diệt chủng sinh giới đang diễn ra.

Kêu gọi khẩn thiết của cô Genesis Butler được hiệp hội Million Dollar Vegan hậu thuẫn.
Hiệp hội nói trên hứa, nếu giáo hoàng nhận lời, thì một triệu đô la (do Blue Horizon International Foundation tài trợ) sẽ được chuyển cho một số hoạt động từ thiện, theo lựa chọn của Ngài.

Với người phụ trách của chương trình tại Pháp, ông Flavien Bascoul, lối ăn kiêng này hoàn toàn không xa lạ với quan điểm của người Thiên Chúa Giáo về quan hệ giữa con người và động vật, cũng như với các giá trị mà giáo hoàng cổ vũ : Tình thương, lòng bác ái và thái độ bất bạo động.

Thời gian 40 ngày trước Phục Sinh, thường gọi là « Mùa Chay » là một giai đoạn rất quan trọng đối với người Thiên Chúa Giáo.
Sau đây là giải thích của cha Gilbert Nguyễn Kim Sang (giáo xứ Việt Nam tại Paris), về ý nghĩa của Mùa Chay (Carême) và việc ăn chay nói riêng trong dịp này đối với dân Công Giáo lâu nay :

« (Tên kỳ Carême) xuất phát từ chữ quarantaine, tức bốn chục ngày để tưởng nhớ đến Chúa Giê Su ở trong sa mạc, đọc kinh, ăn chay để chuẩn bị cho sứ vụ của Ngài.
Cho nên gọi là Mùa Chay để chuẩn bị tâm hồn giáo dân, để mừng Chúa Kitô tử nạn và phục sinh.
Trong Mùa Chay này, Giáo hội kêu (gọi) tất cả giáo dân sống tinh thần hãm mình.

Theo luật của Giáo hội hiện giờ, chỉ có hai ngày ăn chay kiêng thịt, có nghĩa là giảm phần ăn của mình, thay vì mình lấy tiền ăn no, thì mình có thể giảm bớt để bố thí cho người nghèo (cha Sang cho biết thêm : trước đây trong các nhà dòng khổ tu, vẫn có truyền thống ăn chay kiêng thịt trong suốt 40 ngày này).

Thứ Tư Lễ Tro là khai mạc Mùa Chay 40 ngày và thứ Sáu Tuần Thánh là trước Lễ Phục Sinh.

 Hai ngày đó là (bắt) buộc. Còn tất cả các ngày khác, thì ai có thể làm được gì thì làm, trong tinh thần hãm mình cầu nguyện, để dọn mình mừng Lễ Phục Sinh.
Không chỉ về vấn đề thức ăn mà thôi, mà kể cả trong vấn đề cuộc sống, sinh hoạt, để sửa đổi khuyết điểm của mình, để mà cố gắng hơn trong vấn đề tinh thần đạo đức, vấn đề thiêng liêng, chẳng hạn đọc kinh, đi lễ, làm những việc bác ái, nhằm chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh cho sốt sắng ».

Sự sống :Món quà tặng của Thiên Chúa

Đức giáo hoàng Phanxicô vốn nổi tiếng với thông điệp « Laudato si'» (tức Ngợi ca Thiên Chúa)(công bố năm 2015), có tựa đề phụ :
« Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta ».
Thông điệp lên án chủ nghĩa tiêu thụ, sự phát triển kinh tế vô trách nhiệm, kêu gọi nhân loại hành động nhanh chóng và thống nhất chống suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, để bảo vệ « sự sống - món quà tặng của Thiên Chúa » (2).

Tuy nhiên, những người chủ trì chương trình Million Dollar Vegan không dám chắc là Đức giáo hoàng đã hiểu rõ ngành chăn nuôi đang gây ra các thảm họa cho hành tinh chúng ta như thế nào.

Lãnh đạo chương trình Million Dollar Vegan, ông Matthew Glover, khẩn thiết « với lòng kính cẩn » kêu gọi giáo hoàng cố gắng thực hiện chế độ ăn kiêng này trong Mùa Chay, để nêu gương, để cho thấy sự nhất quán giữa tuyên bố và hành động.

Cũng hiệp hội Million Dollar Vegan cung cấp trên trang mạng của mình một « cẩm nang hướng dẫn ăn chay trong Mùa Chay », với các phương pháp ăn cân bằng, đủ dinh dưỡng, bằng nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý).

Về cuộc vận động nói trên, phóng viên tuần báo Công Giáo Pháp Pèlerin - linh mục Dominique Lang - nhận xét : đây là một trong số nhiều thử nghiệm trong những năm gần đây, nhằm nối kết các nỗ lực tâm linh trong dịp 40 ngày trước Lễ Phục Sinh, với thông điệp Laudato si’, kêu gọi nhân loại tập trung toàn lực bảo vệ sinh thái, của Đức giáo hoàng Phanxicô.

Phong trào Thiên Chúa Giáo vì Trái đất (Chrétiens unis pour la terre - CUT) có trụ sở tại Pháp, từ năm 2013 bắt đầu vận động các tín đồ Thiên Chúa ăn chay hoàn toàn trong Mùa Chay, cùng với một cẩm nang hướng dẫn, cả về chế độ ăn và cả về mặt tâm linh.

Bà Laura Morosini, một người sáng lập phong trào CUT, hoan nghênh sáng kiến của thiếu nữ Hoa Kỳ, cho dù có phần dè dặt với tuyên bố giật gân, với khoản tiền treo thưởng một triệu đô la đầy chất Mỹ, cũng như phương thức ăn chay cụ thể mà Million Dollar Vegan chủ trương.
Hiện tại, Vatican chưa có phản ứng chính thức nào về lời đề nghị này.

Cải tổ Hiến pháp Miến Điện : Aung San Suu Kyi thách thức giới quân sự

Tại Miến Điện, tiến trình dân chủ hóa bị bế tắc cho dù một chính phủ dân sự lên nắm quyền, sau cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2015.

Lý do là Quân đội tiếp tục nắm giữ nhiều bộ chủ chốt trong chính quyền, và đặc biệt là kiểm soát 25% ghế nghị sĩ, cho phép bác bỏ mọi đề xuất thay đổi Hiến pháp, vốn giới hạn chặt chẽ quyền lực của chính phủ dân sự, cũng như không cho phép một người như bà Aung San Suu Kyi, có thân nhân là người nước ngoài, được phép trở thành tổng thống.

Tuy nhiên, cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, lãnh đạo trên thực tế của chính phủ dân sự, vừa có một bước đi bất ngờ.

Ngày 06/02/2018, Quốc Hội với đa số thuộc đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của Aung San Suu Kyi đã phê chuẩn việc thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp.
Thay đổi Hiến pháp là cam kết tranh cử của Aung San Suu Kyi, từ năm 2015, vì sao bà lại đưa ra sáng kiến vào lúc này, lần đầu tiên sau hơn ba năm cầm quyền ?

Sau đây là lý giải của thông tín viên Elize Hunt từ Rangoon :

« Theo Hiến pháp Miến Điện, phải được sự đồng ý của hơn 75% nghị sĩ Quốc Hội mới có thể sửa đổi được Hiến pháp.
Với 25% số ghế trong Quốc Hội, phe Quân đội hoàn toàn có thể phủ quyết bất cứ đề xuất nào.

 Như vậy, rất ít có khả năng Hiến pháp Miến Điện sẽ được sửa đổi trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, việc thành lập một ủy ban xem xét sửa đổi Hiến pháp như vậy cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa một bên là Quân đội và bên kia là chính quyền dân sự.

Chúng ta đang ở thời điểm một năm trước cuộc tổng tuyển cử tại Miến Điện.
 Đó chính là lý do vì sao bà Aung San Suu Kyi đã đưa vấn đề cải tổ Hiến pháp lên bình diện hàng đầu.
Đây chính là cam kết tranh cử của bà Aung San Suu Kyi 4 năm về trước.



Lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện Aung San Suu Kyi (P) gặp ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhonn, Naypyidaw, ngày 01/02/2019.
Thet AUNG / AFP

Trong những tuần gần đây, Aung San Suu Kyi đã đến thăm nhiều khu vực của các sắc tộc thiểu số ở Miến Điện.
Hôm qua (tức ngày 6/2), bà đã đến thăm bang Shan ở miền bắc, sau khi thăm bang Kachin láng giềng, và bang Chin ở miền tây.

Đây là các khu vực mà chiến sự vẫn tiếp diễn giữa các nhóm nổi dậy vũ trang và Quân đội Miến Điện, bất chấp quyết tâm thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình của Aung San Suu Kyi.

Các bang nói trên cũng là những khu vực đông đảo cử tri bỏ phiếu cho các đảng phái của các sắc tộc thiểu số. Đây là một thách thức đối với đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ do Aung San Suu Kyi lãnh đạo, trước cuộc bỏ phiếu năm 2020.

Trong cuộc bầu cử bán phần tháng 11 năm ngoái, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ bị mất 6 trên 13 ghế, đặc biệt tại các vùng sắc tộc thiểu số này ».
Cho dù Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ không cho biết cụ thể muốn sửa đổi điều khoản nào trong Hiến pháp, chỉ riêng việc lập ra một ủy ban sửa đổi đã khiến giới quân sự cảm thấy bị đe dọa.

Vào tuần trước, trong một phiên họp, các nghị sĩ quân đội đã phản đối bằng cách nhất loạt đứng lên, im lặng trong nhiều phút.
Rốt cuộc đề xuất lập Ủy ban sửa Hiến pháp đã được Quốc Hội thông qua với 67% phiếu.

Châu Âu hưởng lợi khi Mỹ-Trung đối đầu thương mại

Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung gây thiệt hại cho hai bên nhưng mang lại lợi ích cho một số quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Âu.
Trên đây là kết luận của một điều tra của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (CNUCED), được đưa ra hôm thứ Hai, 04/02.

Nghiên cứu mang tên « Chiến tranh thương mại, kẻ mất và người được » chỉ ra là, trong số 250 tỉ hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc bị Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu, thì chỉ có 6% là được thay thế bằng hang hóa sản xuất tại Mỹ, 12% được các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục duy trì, 82% còn lại lọt sang các nước khác.

Cũng tương tự, trong số 110 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Mỹ bị tăng thuế, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ dành được 5%, các doanh nghiệp Mỹ giữ lại được 10%, 85% còn lại « bị mất » vào tay các nước khác.

Khối châu Âu là bên hưởng lợi nhiều nhất, với 70 tỉ đô la hàng hóa trong tổng số trao đổi thương mại Mỹ - Trung.
Cụ thể là khoảng hàng hóa xuất sang Mỹ tương đương 50 tỉ đô la, vốn do Trung Quốc đảm nhiệm, nay do châu Âu, và 20 tỉ hàng từ Mỹ xuất sang Trung Quốc.

Nhật Bản, Mêhicô và Canada là ba quốc gia được hưởng lợi khác, với mỗi nước thêm 20 tỉ hàng xuất khẩu. Tiếp theo đó là Úc, Brazil, Ấn Độ, Philippines, Pakistan, Việt Nam…

Tuy mang lại lợi ích cho một số bên, nghiên cứu nói trên cũng chỉ ra là các hệ quả tiêu cực của cuộc chiến thương mại toàn cầu, xét về toàn thể, có thể lớn hơn so với các hệ quả tích cực.

Một trong các ví dụ là đối với Brazil, tuy bán được nhiều đậu tương hơn cho Trung Quốc, do giá nhập khẩu đậu từ Mỹ vào Trung Quốc tăng, nhưng đổi lại, các doanh nghiệp Brazil sử dụng đậu tương trong chăn nuôi lại phải đối mặt với giá cả tăng vọt do nhu cầu đột biến từ Trung Quốc.

Trả lời RFI, bà Pamela Coke Hamilton, một phụ trách tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển cảnh báo, nếu Mỹ - Trung không đạt thỏa thuận sau ngày 01/03 tới, cuộc chiến về thuế tiếp diễn, thì tác động tiêu cực toàn cầu sẽ rất lớn :

« Các tác động sẽ rất nặng nề. Chúng ta sẽ chứng kiến nền kinh tế giảm tốc, đặc biệt do sự bất ổn định của các thị trường tài chính và của nguyên liệu. Các nền kinh tế nhỏ, vốn nhạy cảm hơn với các cú sốc bên ngoài, sẽ bị ảnh hưởng.

Chúng ta cũng sẽ phải sẵn sàng đối phó với nhiều cuộc chiến tiền tệ và phá giá đồng tiền.
Thất nghiệp sẽ tăng cao, do tình trạng kinh tế suy thoái, kết hợp với lạm phát. Và đặc biệt là nguy cơ chiến thương mại lây lan, do việc mọi quốc gia đều sẽ muốn tham gia cuộc đua, và đến lượt mình cũng áp đặt các hàng rào thuế quan mới ».

« Đêm Ý Tưởng » cho những ai khó ngủ

Tham dự chương trình « Đêm Ý Tưởng » (La Nuit des idées) lần thứ tư - theo sáng kiến của Pháp – năm nay có 120 thành phố, ở 70 quốc gia.

Đêm Ý Tưởng thu hút nhiều thành phố Colombia, Tunisia hay Afghanistan.
Hơn 1.000 triết gia, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội… tham gia dẫn dắt các cuộc trao đổi trong Đêm Ý Tưởng 31/01/2019, với khoảng 200.000 người trực tiếp tham gia. Hơn 40 triệu dân mạng quan tâm đến sự kiện này qua #lanuitdesidées.

Với chủ đề chính lần này « Đối mặt với hiện tại », hàng loạt vấn đề nhức nhối của xã hội đương đại được đề cập, theo triết gia Mathieu Potte-Bonneville, người điều phối Đêm Ý Tưởng 2019.

« Vòng xoáy điên rồ » của một tư tưởng « bệnh hoạn »

Nhà nhân chủng học Pháp Philippe Descola và nghệ sĩ Mỹ Theaster Gates, giáo sư môn nghệ thuật thị giác, là hai khách mời danh dự của bộ Ngoại Giao trong sự kiện này (3).

Nhiều câu hỏi được đặt ra với hai ông về mối quan hệ giữa Con người và những tồn tại không phải là người hay « Tồn tại phi nhân » (non humains), giữa Con người và Môi trường, giữa Thiên nhiên và Thành phố - những chủ đề trung tâm trong các suy nghĩ hiện nay về tương lai của thế giới.



Nhà nhân chủng học Philippe Descola (giữa) trong buổi mở màn Đêm Ý Tưởng lần thứ tư, bộ Ngoại Giao, Paris, 31/01/2019.
Capture d'ecran / MAE

Trả lời RFI, nhà nhân chủng học Philippe Descola lưu ý là cần thoát khỏi « vòng xoáy điên rồ » hiện nay tại châu Âu hay một bộ phận khác của thế giới, do tư tưởng coi thế giới của các Tồn tại phi nhân chỉ là đối tượng để Con người khai thác, cho sự sung túc, cho hạnh phúc của Con người.

Quan điểm chia rẽ và đối lập Con người với Thiên nhiên hoàn toàn không phải là điều phổ quát, có mặt trong mọi nền văn minh, như nhiều người lầm tưởng.
Đối với nhiều cộng đồng người, các tồn tại trong thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, cũng có linh hồn, mà con người có thể giao tiếp với chúng bằng nhiều con đường khác nhau.

Nhà nhân chủng học nhấn mạnh là quan điểm chia rẽ Con người với Thiên nhiên là « một căn bệnh tư tưởng », có thể để lại « những hệ quả bi thảm ».
Philippe Descola hy vọng những dịp như Đêm Ý Tưởng có thể giúp giảm bớt phần nào các hậu quả của tư tưởng bệnh hoạn này.

Pali – Pali : Phải chăng xã hội Hàn Quốc đang đi quá nhanh ?

Lần thứ hai thủ đô Seoul, Hàn Quốc, đón sự kiện Đêm Ý Tưởng, được tổ chức tại Bảo tàng nghệ thuật của Đại Học Quốc Gia Seoul.
Chủ đề chính lần này là « Pali – Pali : Phải chăng xã hội Hàn Quốc đang đi quá nhanh ? » Phóng sự của thông tín viên Louis Palligiano từ Seoul :

« Tiếng chuông vừa vang lên khởi đầu cho một thực nghiệm lạ thường của nghệ sĩ Sabaï Ramedhan-Lévi.
Trong thực nghiệm này, công chúng được mời đoán thử xem, trong im lặng, độ dài thực sự của một phút đồng hồ.

Tại gian phòng lớn này, 400 người đã tham gia thảo luận về một chủ đề ám ảnh xã hội Hàn Quốc, như lời giải thích của ông Jean – Christophe Fleury, giám đốc Viện Pháp tại Hàn Quốc.

‘‘Pali Pali’’, một diễn đạt rất ưa thích của người Hàn Quốc, liên quan đến nhiều chủ đề, từ các vấn đề cách tân công nghệ, quan niệm khác biệt giữa các thế hệ… Mọi người đến tham gia rất đông đảo’’.

Công chúng, đa số là sinh viên, vẫn nán lại sau các cuộc tranh luận bàn tròn, để vừa dùng nước, vừa đối thoại với các diễn giả Pháp và Hàn Quốc.
Trợ lý thị trưởng thành phố Rennes, Katja Krüger, có mặt tại chỗ, cho biết cô rất ấn tượng bởi không khí say sưa ở đây.

‘‘Pali Pali’’, trong tiếng Hàn có nghĩa là ‘‘nhanh lên, nhanh lên’’, là một diễn đạt được người dân xứ Hàn sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.
Giới trẻ Hàn Quốc suy nghĩ thế nào về hiện tượng này ? Nữ sinh Jiyoung Hae-na cho chúng tôi biết quan điểm của cô : ‘‘Tôi phải vào nhà vệ sinh một chút ! Vì tôi cần thời gian để thở’’.

Các thảo luận trong Đêm Ý Tưởng tại Hàn Quốc kéo dài đến hơn 23 giờ 30 phút. Những người tham dự rõ ràng đã quyết định dành thời gian cho việc này ».

Ghi chú

1. Bài « Le pape mis au défi de devenir vegan pendant le Carême », báo La Croix, ngày 06/02/2019.
2. Thông điệp Laudato si' của Đức giáo hoàng Phanxicô về « Chăm sóc ngôi nhà chung », bản dịch của linh mụcAug. Nguyễn Văn Trinh, đăng tải trên trang nhà của Ủy ban Mục vụ Di dân, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Thông điệp Laudato Si’ so sánh ý nghĩa của mệnh lệnh hành động khẩn cấp vì sinh thái hiện nay với sứ điệp Pacem in terris – Hòa bình trên thế giới của giáo hoàng Gioan XXIII, cách nay nửa thế kỷ, để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân vào thời điểm đó.
 Tiếp theo đó, tất cả ba vị giáo hoàng kế nhiệm, Phaolô VI, Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI, đều lên án mức độ tàn phá thiên nhiên khủng khiếp của các xã hội công nghiệp.
 Ngay từ năm 1971, giáo hoàng Phaolô VI đã nói đến việc «khai thác vô tội vạ thiên nhiên, con người phải đối mặt với một hiểm họa là sẽ tàn phá thiên nhiên, và trở thành tế vật » cho chính sự tàn phá này.

3. Đêm Ý Tưởng tại bộ Ngoại Giao Pháp, ngày 31/01/2019.

Switch mode views: