main billboard

Trong một thời gian mà chính trường nước Mỹ tràn ngập những bản “tuýt” trong 140 chữ chứa đầy những lời lăng mạ và vu khống, người ta có thể nhìn vào tấm gương John McCain để nhớ lại “một nước Mỹ khác!”


john mcCain 1
Thượng Nghị Sĩ John McCain (1936-2018)

Người dân Mỹ mang hoa và di ảnh Nghị Sĩ John McCain đặt trước văn phòng của ông ở Phoenix, Arizona, hôm 26 Tháng Tám, 2018, bày tỏ lòng tiếc thương, một ngày sau khi John McCain qua đời. (Hình: Getty Images)

Năm 2000, Nghị Sĩ John McCain muốn được đảng Cộng Hòa đưa ra tranh cử tổng thống. Ông bị George W. Bush đánh bại. Năm 2008, ông McCain được toại nguyện nhưng lại thua Barack Obama. Ông thua một phần cũng vì di sản của ông Bush: Kinh tế Mỹ đang rơi vào cơn “Đại Suy Thoái” và dân Mỹ bắt đầu chán cuộc chiến tranh Iraq bắt đầu 5 năm trước đó.

Nhưng trong tang lễ của cố nghị sĩ McCain, hai đối thủ cũ George W. Bush và Barack Obama được mời tới đọc điếu văn. Họ sẽ bày tỏ lòng kính trọng đối với một con người đặt danh dự và nghĩa vụ lên trên quyền lợi cá nhân mình, trong thời chiến cũng như thời bình.

George W. Bush không quên rằng John McCain đã bỏ qua những đòn tranh cử (nhiều khi không hoàn toàn trong sáng), mà ủng hộ hầu hết các quyết định quan trọng nhất của vị tổng thống cùng đảng trong hai nhiệm kỳ.

Barack Obama chịu ơn John McCain ngay trong lúc hai bên đang giành nhau Tòa Bạch Ốc. Trong một cuộc tập họp vận động tranh cử, có người tới ủng hộ McCain đã nói rằng ông Obama theo đạo Hồi và không sanh ở nước Mỹ. McCain không làm ngơ để cho lời lăng mạ đó tiếp tục được truyền đi. Ông lên tiếng cải chính mạnh mẽ; nói rằng mặc dù ông và Obama bất đồng chính kiến nhưng Obama vẫn là một con người đàng hoàng đáng kính trọng!

Trong một thời gian mà chính trường nước Mỹ tràn ngập những bản “tuýt” trong 140 chữ chứa đầy những lời lăng mạ và vu khống, người ta có thể nhìn vào tấm gương John McCain để nhớ lại “một nước Mỹ khác!” Ông John McCain yêu nước Mỹ cổ truyền đó. Ông từng nói đã khám phá ra tình yêu nước của mình khi bị giam trong nhà tù ở một nước khác.

Trong một bài tưởng nhớ McCain, nhà báo David Brooks đã nhắc đến lời Javier Gomá Lanzón, một triết gia Tây Ban Nha, nói rằng việc giáo dục về đạo đức hầu hết là do sức mạnh của những tấm gương trong đời sống. Cuộc đời McCain là một tấm gương đáng quý cho thanh niên nước Mỹ cũng như các nước khác.

Khi đi lính, ông đã bị thương nặng trong một tai nạn cháy trên hàng không mẫu hạm; nhưng lúc bình phục ông vẫn xung phong bay đi chiến đấu. Sau hơn 20 phi vụ bay vào vùng trời quân địch ở Hà Nội, ông bị hỏa tiễn Nga bắn hạ, chịu tra tấn, hành hạ. Khi cai ngục tính thả ông khi biết ông là con của vị đô đốc chỉ huy hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, John McCain đã từ chối.

Ông tôn trọng quyền bình đẳng giữa những đồng ngũ cùng bị tù, theo quy tắc ai đau yếu hơn hoặc làm tù binh sớm hơn phải được thả trước. Ông cũng không cho quân địch một cơ hội lợi dụng danh nghĩa gia đình mình để tuyên truyền. Gia đình McCain đã tham gia quân đội từ cuộc khởi nghĩa giành độc lập của nước Mỹ. Ông nội và cha ông đều đã được phong hải quân đô đốc. Khi từ chối ân huệ của quân địch, ông biết rằng sẽ bị trả thù; những trận đánh đập, tra tấn lại tiếp tục. Khí phách đó làm gương cho mọi thanh thiếu niên bất cứ thời đại nào, ở nước nào.

Trong cuộc đời chính trị, John McCain thường theo chủ trương của đảng Cộng Hòa, nhưng do lòng tin vào các nguyên tắc bảo thủ nguyên thủy như Nghị Sĩ Barry Goldwater mà ông kế nhiệm ở Arizona năm 1986, chứ không để tinh thần giáo điều và óc bè đảng chi phối.

Khi chạy đua với Tổng Thống George W. Bush năm 2000, ông vẫn khăng khăng giữ lập trường chống việc trợ cấp cho các trại chủ trồng bắp ở Iowa, vì chính phủ can thiệp vào giá cả, trái với quy tắc tự do kinh doanh và phí phạm ngân sách. Ông biết lập trường bảo thủ ròng đó, dù biết rằng có thể mất phiếu của cử tri Iowa, là xứ trồng bắp mà cũng là nơi bỏ phiếu bầu sơ bộ sớm nhất.

Ở trong Thượng Viện Mỹ, ông thường đồng ý với đảng mình, như khi ông bỏ phiếu bác bỏ dự luật cải cách y tế sau này thường gọi là ObamaCare. Nhưng đến khi đảng Cộng Hòa muốn xóa bỏ đạo luật đó, năm 2017, thì McCain lại bỏ phiếu chống. Vì các cử tri nghèo của ông ở Arizona sẽ bị mất nhiều quyền lợi y tế nhờ đạo luật đó, sau 5 năm thi hành; mà xóa luật đó đi thì họ sẽ mất mà không có gì thay thế.

Tinh thần phi đảng phái đó thể hiện rõ nhất khi ông cộng tác với các nghị sĩ cả hai đảng những lúc cần viết các đạo luật có ích lợi chung. Ông là đồng tác giả với Nghị Sĩ Dân Chủ Russell Feingold, đưa ra dự luật cải tổ việc đóng góp vào quỹ tranh cử, để chống lại ảnh hưởng của đồng tiền trên đời sống chính trị.

Ông John McCain tích cực đóng vai giám sát của một đại biểu Quốc Hội. Ông đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ Quốc Phòng Mỹ về một bản hợp đồng với công ty Boeing, thuê hàng chục máy bay của Boeing để chở dầu cho Không Quân Mỹ. Ông thấy các điều kiện thuê mướn có vẻ làm lợi cho Boeing quá đáng. Cuối cùng ông tấn công thẳng vào Darlene Druyun, người phụ trách tiếp vận cho Không Quân. Các cuộc điều tra sau đó đã đưa bà Druyun ra tòa lãnh chín tháng tù với tội đã chấp thuận bản hợp đồng thuê với giá quá đắt, vì bà này muốn khi nghỉ hưu sẽ về làm việc cho công ty Boeing.

John McCain đã kết bạn được với các chính trị gia khác đảng, vì tinh thần công bình, tương kính khiến mọi người tôn trọng nhân cách của ông. Nghị Sĩ Dân Chủ Russell Feingold công nhận rằng McCain có thể là một vị tổng thống rất giỏi. Sau khi hai người cùng đi vận động cho đạo luật cải cách tài chánh trong các cuộc bầu cử, họ đã trở thành bạn thân mặc dù vẫn bất đồng chính kiến. McCain chủ trương phải tăng ngân sách quốc phòng, bảo vệ một lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, còn Feingold muốn dành tiền cho các dự án xã hội.

Nghị Sĩ Feingold mới kể vài kỷ niệm với McCain cho thấy con người hài hước trong ông. Một lần trong trụ sở Thượng Viện, hai người ngồi than với nhau về tình trạng các bạn đồng viện hai đảng cách biệt quá. Feingold nói, “Mai mốt anh làm tổng thống thì tôi sẽ cô đơn.” McCain gạt đi: “Không! Không! Tôi sẽ mời anh vô nội các!” Cười một lát, McCain nói tiếp: “Nhưng anh không thể giữ Bộ Quốc Phòng được!”

Đạo luật mang tên McCain-Feingold đã nổi tiếng. Một lần, ông McCain nói đùa: Nhiều cử tri Wisconsin cứ tưởng rằng McCain là tên tục của Nghị Sĩ Feingold! Năm 2006, John McCain cầm đầu một phái đoàn qua Iraq, đã mời Feingold tham dự. Trên chuyến máy bay về, mọi người bảo nhau tình hình xuống dốc ở đó và các kế hoạch đối phó của quân đội Mỹ. Feingold đã lên tiếng phê bình rằng các kế hoạch đó là vô vọng. Một vị thống đốc tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa khó chịu, hỏi McCain: “Mang cái anh này đi với mình làm cái gì vậy?”McCain trả lời ngay: “Tôi mời Russ đi cùng bởi vì hắn là đứa trước sau như một. Trước hay sau, lúc nào hắn cũng sai hết!”

Một điều McCain cũng trước sau như một là ông đề cao tự do dân chủ và không những chống đối mà còn thù ghét các chế độ độc tài.

Năm 2005, khi qua Việt Nam nhân ngày 30 Tháng Tư, ông đã tỏ ý tiếc rằng trong cuộc chiến tranh Việt Nam miền Bắc thắng trận là một kết thúc sai lầm. Cộng Sản Việt Nam đã đỏ mặt khi nghe nhận xét đó, sau khi họ đã được ông McCain giúp trong việc nối lại bang giao với Mỹ.

Ông McCain luôn tin tưởng rằng việc nước Mỹ tham chiến ở Việt Nam để chống Cộng Sản xâm lăng là chính đáng. Nhưng ông cũng tin rằng nếu được giao thương với nước Mỹ, kinh tế Việt Nam sẽ lên, người dân đủ sống hơn thì mới đòi các quyền tự do dân chủ.

Khi đến Việt Nam ông luôn tiếp xúc với những người tranh đấu cho nhân quyền, như Luật Sư Lê Quốc Quân mới kể lại. Ông không quên các quân nhân Việt Nam đã chiến đấu cùng một phía với ông, cho nên ông tích cực vận động cho các chương trình ODP cũng như HO.

Quý vị có thể đọc những lời viết về cố Nghị Sĩ JohnMcCain của những người trong nước như Lê Quốc Quân, Hoàng Hưng, Huy Đức, được dẫn trên nhật báo Người Việt.

Trong số những người sẽ khiêng quan tài của ông John McCain khi hạ huyệt có những chính khách thuộc hai đảng và bạn bè, nhưng cũng có một người Nga mới 38 tuổi. Đó là một nhà báo đã chống đối chế độ độc tài tham nhũng của Vladimir Putin từ khi cựu gián điệp KGB này bắt đầu mị dân, đàn áp các tiếng nói độc lập.

Vladimir Kara-Murza đã làm cho báo Novye Izvestia từ năm 16 tuổi, rồi làm cho các đài truyền thanh, truyền hình, làm phái viên của báo Kommersant tại London, rồi làm phái viên ở Washington cho đài BBC. Ông đã sản xuất những phim tài liệu vạch rõ hình ảnh thật của xã hội Nga dưới chế độ Putin, trong đó có một phim mang tên nhà chính trị Nemtsov, người đã bị chết một cách mờ ám trước kỳ một bầu cử Quốc Hội Nga. Ông bị cách chức sau khi làm trưởng văn phòng cho đài RTVi tại Washington trong chín năm. Năm 2012, ông là một trong những người vận động Quốc Hội Mỹ làm đạo luật “Magnitsky,” trừng phạt các lãnh tụ chính trị và đại gia Nga đã giúp Putin đàn áp đối lập. Kara-Murza là một người được John McCain giúp đỡ thành lập tổ chức “Open Russia.”

McCain thù ghét các chế độ độc tài!

John McCain tin tưởng rằng nước Mỹ phải đóng một vai trò làm gương cho cả thế giới về những giá trị tiêu biểu của nước này: Dân chủ tự do; Quyền làm người; Quyền bình đẳng giữa mọi người cũng như giữa các dân tộc. Cuộc đời ông là một tấm gương trọng danh dự, bao dung, không mang thù hận cá nhân, đặt nghĩa vụ trên tư lợi.

Ông cũng có nhiều tật xấu, nhất là khi còn trẻ. Ở học viện hải quân, ông là một sinh viên sĩ quan bị thi hành kỷ luật nhiều nhất, ra trường hạng thứ năm tính từ dưới lên. Ông nóng tính, ham đánh bài, và còn nhiều nhược điểm khác. Nhưng giữa những khuyết điểm đó, không ai phủ nhận được là một ông mang nhân cách chính trực chói sáng. Chúng ta sẽ nghe những nhận xét về tư cách của John McCain từ miệng các đối thủ cũ của ông như George W. Bush và Barack Obama. Họ sẽ nói những lời thành thật tự đáy lòng. (Ngô Nhân Dụng)