main billboard

“Giết nhau chẳng cái lưu cầu ... Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?”


codon
(Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)

“Hãy giữ cho tôi những gì tôi yêu quý: cha mẹ, anh em, bạn bè và ngay cả kẻ thù của tôi, để không bao giờ tôi phải thấy, mùa hè không hoa đỏ thắm, cái lồng không chim, cái tổ không có con ong và cái nhà không con trẻ.” Victor Hugo (1802-1885)

Có người cảm thấy buổi sáng một mình cô đơn và buồn bã, nhưng theo tôi một mình buổi tối mới buồn thấm thía. Nhiều khi trên đường lái xe về nhà buổi chiều một mình, khi thấy trời đã bắt đầu tối, phố xá đã lên đèn, tôi bỗng tự hỏi, buồn biết bao nếu đêm nay không có một nơi để về, hay về một nơi hiu quạnh!

Biết bao người cô đơn, không gia đình, tối nay về nhà một mình, bật đèn, nhóm bếp sửa soạn cho bữa ăn tối, và trên bàn ăn chỉ có một mình. Không một tiếng nói, cũng không nghe một tiếng cười. Bữa ăn một mình trong một tiệm ăn đã buồn, nhưng còn có tiếng nói xôn xao, có sự hiện diện của mọi người chung quanh, có người hầu bàn bưng lại cho bạn ly cà phê nóng, nhưng tối nay trong căn phòng vắng vẻ này, bữa ăn một mình lặng lẽ, nỗi cô đơn như thấm đẫm vào lòng.

Và những kẻ không nhà, đang tìm một góc phố khuất gió, trải chiếc chăn ố vàng, cố tìm một giấc ngủ để ngày mai trở dậy, tiếp nối một ngày không có một niềm hy vọng.

Tôi có một người bạn là bác sĩ về hưu, ở New York, sắp xếp thời gian rỗi rảnh của anh để viếng thăm và an ủi thường trực những bệnh nhân cao niên đang ở trong “hospice hospital,” nghĩa là nơi an dưỡng cuối cùng, vì những bệnh nhân này không còn sống bao nhiêu ngày nữa. Một tuần, năm ngày, vào buổi sáng, anh đến thăm viếng, trò chuyện và tâm sự với bốn bệnh nhân, mỗi người nửa giờ, cho đến khi họ qua đời, thì anh lại tìm những bệnh nhân khác để thay thế vào.

Nghe anh trò chuyện và kể cho nghe những công việc làm của anh, vì đã có kinh nghiệm nằm dài ngày ở bệnh viện và trung tâm phục hồi (rehab center), tôi khuyên anh, thay vì sắp xếp thời gian đi thăm những người bệnh của anh vào buổi sáng, anh nên thay thời khóa biểu lại buổi chiều. Buổi sáng bệnh viện lúc nào cũng bận rộn, đông người, bác sĩ đi khám bệnh, y tá săn sóc, lấy máu, do nhiệt độ, y công vào phòng quét dọn, làm vệ sinh, nên bệnh nhân không thấy buồn. Nhưng vào buổi chiều thì rất vắng vẻ. Thời gian ở bệnh viện, tôi nhìn ra cửa, thấy nắng chiều nào cũng xuống bên kia dãy nhà đối diện, mặt trời xuống thấp dần, khuất sau những dãy nhà, rồi đến lúc trời tối hẳn. Đó là lúc nhớ nhà, nhớ vợ con nhất, nói chung là nhớ đến không khí ấm cúng sinh động của bầu không khí gia đình.

Rồi đêm xuống, đêm lúc nào cũng dài hơn ngày, nhất là những giờ thao thức!

Được trung tâm phục hồi cho tôi về nhà đúng chiều Ba Mươi Tết năm ấy, tôi mừng ứa nước mắt.

Tôi nghĩ đến những người già trong nhà dưỡng lão hay những “hospice,” những người rất ít có cơ hội được trở lại nhà như những bệnh nhân qua một thời gian điều trị trong bệnh viện. Đối với những người đã “lú lẫn,” nhớ nhớ, quên quên thì còn đỡ khổ, nhưng nếu còn minh mẫn, sáng suốt, những người này sẽ buồn biết bao! Bệnh nhân, ngoài sự cô đơn của một người tù, còn cái đau của thể xác.

Chúng ta đang sống trong một gia đình đông người, bỗng một hôm vì một lý do nào đó, gia đình đi du lịch, công tác hay về quê, để chúng ta phải sống một mình vài ngày trong một căn nhà rộng lớn, thử xem sự trống trải cô đơn là to lớn đến dường nào! Rồi còn những hoàn cảnh ly dị, hay người còn người mất, cô đơn luôn luôn là liều thuốc độc giết người:

“Giết nhau chẳng cái lưu cầu

Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?”

Trong cuộc chuyện trò mới đây trên nhật báo Người Việt, người nhạc sĩ bát tuần, độc thân, nhạc sĩ Lam Phương cho biết bây giờ ông sống một mình, với gia đình người em. “Cuộc sống rất giản dị: tối ngủ, không thức khuya. Sáng thức sớm, rồi ăn uống, ngủ trưa. Cuộc đời có vậy thôi!” Nghe ông nói, tôi cũng thấy cuộc sống cuối đời của ông cũng có phần tẻ nhạt và chắc chắn là ông rất buồn.

Và ao ước cuối đời của ông là gì, “Có một người bạn để mình hủ hỉ những lúc buồn. Bạn gái! Thế thôi. Bạn thôi!” Đến tuổi này, ai cũng hiểu, ông Lam Phương không cần phải nói thêm hai chữ “bạn thôi!”

“Hủ hỉ” trong tiếng Việt có nghĩ là chung sống với nhau đầm ấm, sớm tối, vui buồn có nhau. Dù chỉ “hủ hỉ” mà không cần “hú hí” cũng đã vui rồi.

Vậy thì các bạn của tôi, đang có một ông chồng bất như ý hay có một bà vợ lắm lời, nhưng sống với nhau, ban đêm khi tối lửa tắt đèn, mùa Đông còn nghe hơi ấm của nhau, ban ngày còn nghe tiếng nói của nhau, dù khi nặng khi nhẹ, âm thanh có thể thay đổi, có khi giận dữ, ồn ào, nhưng như vậy là hạnh phúc rồi. Người bạn của tôi, ngày đó, khi nàng đã đành đoạn bỏ tổ ấm ra đi, chàng sợ cả tiếng điện thoại reo, sợ cả tiếng đồng hồ gõ giờ, và nhất là sợ buổi chiều, vì sau buổi chiều, đêm sẽ đến.

Ai cũng sẽ phải đến một ngày thia lia không còn chậu, và chậu cũng nhớ thia lia!

Nhan đề bài viết hôm nay của chúng tôi là “Buổi tối một mình!” Các ông, các bà cứ tưởng tượng đi, tối nay về nhà ăn tối một mình, lên giường một mình, thức giấc quờ tay sang bên cạnh, chỉ thấy một nửa chiếc giường rộng trống vắng. Không nghe ai nói cũng không nghe ai cười, và chắc chắn đêm nay sẽ là một đêm khó ngủ!