main billboard

“Tất cả người Việt qua đây đều do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong khi ở Thái kiếm việc làm dễ hơn vì việc thì nhiều mà người ít.”

 

ngviet datthai 1
Từ trái: cô Nguyễn Thị Ngọc, anh Cao Lâm, và cô Hồ Hoàng Quỳnh Hương. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

BANGKOK, Thái Lan (NV) – Chỉ tay về phía những người bán trái cây, nước ép trên những chiếc xe đẩy quanh các chợ trời ở Bangkok, Thái Lan, người bạn đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ nói với tôi rằng, “Tôi dám chắc với cô 99% họ là người Việt Nam.”

Mặc dù họ rao hàng, mời chào bằng tiếng Thái, tiếng Anh, nhưng khi bạn tôi hỏi chuyện họ bằng tiếng Việt, họ trả lời ngay bằng tiếng Việt.

Dĩ nhiên, họ là những người kiếm sống bất hợp pháp nơi đây. Và, họ không phải là số nhỏ. Thống kê của chính phủ Thái Lan hồi đầu Tháng Chín, 2018, cho biết có đến khoảng 50,000 người Việt Nam làm việc bất hợp pháp trên đất Thái.

Theo chân người bạn, tôi đến một nhà thờ ở Bangkok vào một sớm Chủ Nhật nhân có Thánh Lễ Việt để tìm gặp, để được nghe những buồn vui của đời kiếm sống “chui” của những người tôi gọi là đồng bào.

Sang Thái dễ kiếm việc, dễ kiếm tiền, nếu chịu khó

Mỗi tháng một lần, những người Việt xa xứ lại có mặt tại ngôi nhà thờ có các linh mục giảng bằng tiếng Việt, rộn rã, tưng bừng như hội. Trong khi có những người chỉ mất độ 30 phút để đến nhà thờ, thì cũng có người phải đi nhiều chuyến xe mất 4-5 tiếng mới đến nơi. Họ giống nhau ở một điểm là ai cũng ăn mặc thật đẹp và hầu như toàn giọng miền Trung.

Trong “bộ vía” quần tây sậm, áo sơ mi trắng bỏ vào quần, chân mang giày tây, anh Lê Ngọc Thành, người Hà Tĩnh, một trong số những giáo dân đi lễ hôm đó, cho biết, “Tôi sang đây đã 10 năm. Trước ở quê không có việc làm, tôi đi để tìm cơ hội. Công việc của tôi từ lúc sang Thái đến giờ là may gia công.”
ngviet datthai 2
Anh Lê Ngọc Thành, một trong những người Việt chọn Thái Lan làm nơi mưu sinh kiếm sống. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Theo anh Thành, “Tất cả người Việt qua đây đều do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong khi ở Thái kiếm việc làm dễ hơn vì việc thì nhiều mà người ít.”

Sống tha hương lâu hơn anh Thành là anh Cao Lâm, một thành viên trong Ban Mục Vụ Di Dân Người Việt trên đất Thái. Anh Lâm sang Thái từ năm 2002.

“Tôi ở Thanh Hóa, không có công ăn việc làm, khổ quá thì bỏ đi thôi, đi từ năm 2002, qua đây thấy có cơ hội làm ăn nhiều hơn,” anh Lâm nói.

Anh cho biết thêm, “Người lao động Việt ở Thái khoảng 50,000, trong đó không ai thống kê được bao nhiêu là bất hợp pháp, nhưng tôi nghĩ hầu hết đều là bất hợp pháp vì họ đi bằng hộ chiếu du lịch. Không ai có giấy tờ đi làm. Chính phủ Thái chỉ cấp giấy phép làm việc cho những người làm nghề xây dựng và đánh cá, mà chúng tôi không làm được những nghề đó.”

Công việc của anh Lâm sau 17 năm ở Thái là “mở xưởng may gia công kiếm sống.”

Với gương mặt tròn tròn, nụ cười luôn rạng rỡ, cô Hồ Hoàng Quỳnh Hương trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 38. Hương cũng đã có 11 năm làm việc ở Thái, nhưng “đi đi về về chứ không phải ở luôn.”

“Lý do tôi qua đây là vì đường đi gần và tiền môi giới không đắt, người dẫn đi qua đây tìm việc cho mình cũng không đòi hỏi nhiều, chỉ cần có hộ chiếu là được,” Hương nói.

Cô cho biết, “Phụ nữ sang đây thì tùy theo lứa tuổi, nhưng dễ nhất là làm nhà hàng, làm bồi bàn, tiếp tân. Nhớ ngày đầu mới sang, tôi đi làm chỉ được 70 ngàn tiền Việt (khoảng $3), nhưng sau một tháng tôi đã có thể nói được tiếng Thái, tiếng Anh, lương tôi lên đến 300 ngàn (khoảng $13). Còn giờ thì bọn tôi có rất nhiều việc để làm. Một ngày tôi có thể kiếm ra tầm vài triệu (từ $100 trở lên) là bình thường.”

Để kiếm được nhiều tiền, như Hương nói, cô phải làm rất nhiều, từ phụ bán quán, coi quán, đến giúp việc nhà theo giờ, việc gì cũng làm, mà làm giỏi thì người nào cũng muốn mướn. “Có khi làm không hết thì tôi nhận việc rồi giới thiệu cho người khác đang rảnh để làm. Cho nên tôi thấy công việc không khó kiếm nếu mình nỗ lực, phấn đấu.”
ngviet datthai 3
Rất nhiều người Việt Nam sang Thái Lan sinh sống bẳng nghề buôn bán trái cây tại các ngôi chợ trời. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong chiếc áo dài vừa vặn với dáng người thanh mảnh, nước da trắng, Nguyễn Thị Ngọc, 28 tuổi, cũng người Hà Tĩnh, sang Thái được 4 năm rưỡi.

Câu chuyện của Ngọc khá đặc biệt. Theo lời cô kể, cách đây 4 năm, chồng cô cũng sang Thái đi làm. “Hôm đó, tài xế chở mọi người đi làm bị ngủ gật, đụng vào một xe khác, khiến 13 người Việt chết cháy, trong đó có cả một linh mục, vụ đó báo chí có đưa tin nhiều lắm.”

“Hiện giờ công việc của em cũng ổn. Em làm ở quán ăn, nhưng chủ thương nên mỗi lần em về ít lâu thì chủ lại gọi sang kêu qua đi làm. Họ là người Thái nhưng thương mình lắm, dù quán đã đầy người làm nhưng họ vẫn luôn dành chỗ chờ mình. Chủ bảo em rằng công an Thái không cho người Việt ở đây làm nữa nhưng người ta vẫn đồng ý bảo lãnh cho em ở lại làm. Mình tạo được cho người ta lòng tin nên họ quý mình lắm,” Ngọc tâm sự.

Cô nói thêm, “Công việc không đến nỗi cực lắm, làm tối ngủ ngày, khỏe hơn ở nhà làm ruộng. Mức lương cơ bản tính ra tụi em được khoảng 3 triệu rưỡi tiền Việt (khoảng $150), nhưng mà tiền bo mình có nhiều hơn lương.”

Trẻ nhất trong những người tôi gặp là Trần Quốc Vương, 24 tuổi, cũng người Hà Tĩnh. Rất cởi mở, em kể, “Em qua gần 8-9 năm rồi, bắt đầu đi làm khi 15 tuổi, cũng vì cuộc sống vì đồng tiền, học xong lớp 7 đã bỏ học, rồi đi làm. Khi đó có người cậu đưa đi. Đợt đầu qua em đi ‘rửa đọi’ (rửa chén) cho nhà hàng năm tháng, rồi em về Việt Nam. Ở nhà được một năm thì cậu lại gọi điện kêu sang làm cho cậu.”

Nếu như hầu hết người Việt sang Thái đều làm việc không giấy phép, thì anh Nguyễn Đình Huân, cũng đến từ Hà Tĩnh, sang Thái đã 10 năm, may mắn làm việc cho một công ty của Thái nên họ lo giấy tờ hợp pháp cho anh.

Anh Huân cho biết, “Người Việt sang đây chủ yếu là Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, ngoài Bắc cũng có nhưng không nhiều. Chủ yếu họ đi bằng đường bộ, đi từ Hà Tĩnh, qua Lào rồi vào Thái, đi bằng xe.”

“Người Việt mình đi kiếm kế sinh nhai, chứ không phải đi chơi, nên cũng phức tạp lắm. Trong nước, như Sài Gòn thì không nhận lao động miền Trung nữa, nên họ phải tìm cách đi chỗ khác làm ăn, phải bỏ xứ đi qua những nước như Thái, Lào, Mã Lai để kiếm kế sinh nhai. Nhưng đi mà không có hợp đồng lao động, khổ lắm,” anh Huân bày tỏ nỗi cảm thông.

“Chính quyền Thái rất tốt’ dù ‘ai cũng phải nuôi công an Thái”

Ngoài việc mở xưởng may mặc, anh Cao Lâm cho rằng mình có một công việc nữa là “nuôi công an.”

“Ở đây, ai cũng phải nuôi công an hết,” anh nói. “Mình nuôi công an bằng cách gặp trực tiếp đồn trưởng, đồn phó để chi tiền, cứ mỗi đầu người là 500 bath/tháng, hai đồn thì là 1,000 bath cho mỗi đầu người, nhà mình có 10 người thì mỗi tháng tốn 10,000 bath. Đó cũng là số tiền nhiều, nhưng bắt buộc phải chi.”

Do là người sống lâu năm tại đây, lại “nuôi công an,” nên cả anh Lâm lẫn anh Thành đều “chưa gặp vấn đề gì với công an.” Nhưng, theo anh Thành, “người khác thì bị nhiều. Lý do vì họ mới sang, công ăn việc làm chưa ổn định, ở chỗ này thấy không làm được thì đi chỗ khác, trong khi di chuyển như vậy mà công an biết thì họ bắt xét giấy tờ, nếu hộ chiếu còn hạn thì họ thả, không thì họ bắt nhốt.”
ngviet datthai 4
Anh Cao Lâm, một trong những người Việt sang Thái lâu năm làm ăn sinh sống bằng nghề may mặc. (Hinh: Ngọc Lan/Người Việt)

Là người có kinh nghiệm “vào tù ra khám” trên đất Thái, Vương kể, “Sau khi qua đây làm được gần bốn năm thì em bị công an bắt lần đầu tiên. Khi đó họ thảy em vào trại dành cho người phạm tội, vừa vào là họ cạo đầu trọc liền. Em ở tù 1 ngày thì anh em chạy tiền chuộc em ra hết 70 ngàn bath (khoảng $1,700).”

“Một tuần sau đó em lại bị bắt, tốn thêm 5,000 bath nữa. Khi đó công an bảo em đi nơi khác làm, vì đã có người chụp ảnh gửi cho họ rồi thì họ sẽ đến bắt nữa. Thế nên em và bố phải đi làm xa, khoảng 2 năm sau thì xuống khu Bangkok này,” Vương tâm sự.

Anh Thành giải thích cách thức người Việt có thể làm ăn ở Thái, dù bất hợp pháp, “Việt Nam chưa ký hợp đồng lao động hợp pháp với Thái Lan nên bọn tôi không có giấy tờ hợp pháp. Vì vậy, mỗi tháng mình phải đi gia hạn hộ chiếu một lần, nếu điều kiện kinh tế khó khăn hơn thì mình bỏ hộ chiếu luôn, 10 năm mới quay trở về quê một lần, khi đó bắt buộc phải có người đưa về.”

Ngọc cho hay, “Tụi em bên này tự ăn, tự ở, tự thuê phòng trọ, tiền ‘tò’ hộ chiếu (gia hạn) mỗi tháng từ 1,800 đến 2,000 bath, hết vào trong lương. Tiền bo thì để gửi về quê lo cho gia đình con cái, dư nữa thì để dành.”

“Do quy định của chính phủ Thái là mỗi người chỉ được ở đây 30 ngày, thế nên ‘tò hộ chiếu’ nghĩa là mỗi tháng mình phải đóng dấu ra khỏi Thái Lan, rồi đi vào Campuchia hay Lào để được đóng dấu của nước đó, rồi mới quay trở lại đóng dấu xin vào đất Thái,” Ngọc cắt nghĩa.

Dù phải “nuôi công an” và mỗi tháng phải làm thủ tục “tò hộ chiếu,” nhưng anh Thành cho rằng, “Theo tôi thì chính quyền ở đây rất tốt. Họ biết mình là người sống bất hợp pháp, nhưng họ chấp nhận cho mình mất tiền ‘nuôi công an’. Như huyện này có Sở Di Trú công an đóng ở đây, mình lên báo cho họ biết là nhà mình có bao nhiêu người Việt tạm trú, rồi mỗi tháng họ đến thu tiền ‘bảo kê’, và như vậy thì đời sống cũng an toàn.”

Cô Hương thì nhìn cuộc sống nơi này bằng tấm lòng chứa đựng sự tri ân, “Tôi thấy sống ở Thái này cũng đơn giản. Hồi anh trai tôi bị mổ lá lách, đưa vào bệnh viện họ lo hết, không có tiền họ cũng giúp đỡ cho ra chứ không bắt ép mình. Khi đó họ nói chi phí tầm 10 triệu (khoảng $450) nhưng bọn tôi nói chỉ có 2 triệu thì họ cũng lấy và làm thủ tục cho về, không gây khó khăn gì, có hộ chiếu hay không hộ chiếu gì họ cũng cứu mình trước.”

Vui buồn trên đất Thái và ước mơ trở lại quê nhà

Nếu anh Thành, cũng như Hương, Ngọc đều mỗi năm cứ đến dịp Tết Nguyên Đán là trở về thăm gia đình, ông bà, bố mẹ, anh em, thì Cao Lâm đã hơn 10 năm không hề về Việt Nam, vì “ngại về, không muốn về, về không vui.”

“Tôi qua năm 2002, đến 2007 thì quen một cô bên này rồi dắt về Việt Nam cưới, cưới xong thì lại sang ở luôn cho đến 10 năm không hề về Việt Nam ăn Tết.”

Anh Thành, anh Lâm, Ngọc và hầu hết những người chọn con đường mưu sinh không giấy tờ này, còn có chung một điểm nữa là con cái họ đều ở lại quê nhà với ông bà, họ hàng để có thể đến trường học chữ.

“Ở đây không có giấy tờ trẻ con đâu vào trường học được. Nên mỗi khi tụi nhỏ được nghỉ thì ông bà lại đưa các cháu qua đây thăm bố mẹ,” anh Lâm nói.

Ngọc tâm sự, “Em ở đây chỉ một mình bươn chải, đi làm về chỉ có ngủ, không có thời gian đi chơi. Em có hai con, nhưng giờ chỉ còn một, đứa đầu bị tim bẩm sinh mất cách đây 8 năm, 4 năm sau thì đến ông xã mất. Đứa nhỏ còn lại ở với ông bà nội. Mỗi năm em được gặp con hai lần, một lần là vào Mùa Hè Tháng Sáu cũng là giỗ chồng em, lần thứ hai là dịp Tết.”

Với Hương thì “Cuộc sống chỉ là sáng đi làm, lãnh tiền, tối về ngủ, sáng ra lại đi làm, không đi chơi đâu hết. Khi bệnh hoạn thì cũng có anh em người Việt sống gần giúp đỡ lẫn nhau.”

“Bọn em đi làm từ lúc 16 tuổi đến giờ chưa biết cái chơi cái vui là gì. Từ nhỏ đến giờ đã 38 tuổi, em được đi đám cưới một lần. Thế nên chỉ có Chủ Nhật đi nhà thờ là vui nhất, được mặc đồ đẹp, được trang điểm, còn ngày thường đi làm xong thì về nhà ngủ. Mỗi ngày ở chợ hết 15 tiếng, về nhà ngủ có mấy tiếng nên cũng chỉ thuê một phòng để ở là đủ, không cần gì hơn. Tiền làm ra tụi em gửi về xây nhà cửa cho bố mẹ, dư tiền thì cứ mua đất để đó,” Hương nói cùng nụ cười hài lòng.

Đó cũng là lý do Hương xác định “không về Việt Nam, chỉ thích ở đây, vì đã nhiều lần về quê đầu tư mà thất bại hết.”

Ngược lại, khi nghe hỏi “Em có nghĩ sẽ làm hoài trên đất Thái không?” Vương trả lời ngay, “Khi em có được một số vốn ổn định, chắc chắn em sẽ trở về nhà làm ăn, vì không gì tốt bằng mình sống ngay trên đất mình.”

“Chẳng qua vì cuộc sống nên mình phải sang đây, chứ đi làm mà cứ nấp nấp, trốn trốn, không thoải mái trong tâm được, đi đâu cũng sợ hãi, trốn tránh, đi làm phải trốn cái ni cái tê, nhưng vì cuộc sống mình phải chịu như vậy. Em nghĩ ai cũng muốn khi có tiền thì về mở một tiệm gì làm ở nhà cũng được, không đâu tốt bằng ở nhà của mình hết,” chàng trai 24 tuổi bộc bạch.

Ngọc thì đang cố gắng làm một căn nhà cho hai mẹ con, “làm nhà xong em sẽ tiếp tục để dành kiếm chút vốn mở một cái gì kinh doanh lập nghiệp ở nhà, đi làm thế này chỉ một thời gian thôi chứ mình không ở trên đất Thái này suốt đời được.” (Ngọc Lan)