main billboard

“Với 34 lần đại hội thường niên, các cựu quân nhân Quân Cụ đã không chỉ quy tụ được trên 300 thành viên mà còn liên lạc được với hàng trăm Quân Cụ khác ở khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ, Âu châu (Pháp) và Canada, kết được mối dây thân hữu bền vững.”


cuc quancuWESTMINSTER (NV) - Hội Ái Hữu Quân Cụ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) sẽ tổ chức ngày hội ngộ lần thứ 35 vào ngày 6 Tháng Chín, 2015, tại nhà hàng Diamond Seafood trên đường Lampson, thành phố Garden Grove.

Ông Nguyễn Hữu Phái trong Ban Chấp Hành Hội cho biết, “Hội Ái Hữu Quân Cụ được thành lập từ năm 1980 đến nay đã được 35 năm với 34 cuộc hội ngộ quy tụ hơn 300 thành viên. Hàng năm có hai lần gặp gỡ là Tân Xuân Hội Ngộ và Đại Hội Thường Niên. Mục đích khi anh em thành lập Hội là để có cơ hội gặp lại nhau, hỏi han nhau xem ai còn ai mất đồng thời gom góp nhau khi cần phải giúp đỡ các cựu Quân Cụ còn kẹt lại ở quê hương.”

“Với 34 lần đại hội thường niên, các cựu quân nhân Quân Cụ đã không chỉ quy tụ được trên 300 thành viên mà còn liên lạc được với hàng trăm Quân Cụ khác ở khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ, Âu châu (Pháp) và Canada, kết được mối dây thân hữu bền vững.”

Ngành Quân Cụ trong QLVNCH trực thuộc Cục Tiếp Vận trong Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Nhiệm vụ của ngành là tạo tác, phân phối và điều độ khí cụ các loại như quân xa, chiến xa, quân trang và quân dụng cho các đơn vị trong quân đội theo nhu cầu. Đồng thời có trách nhiệm sửa chữa và đại tu tất cả các phương tiện nêu trên. Ngành Quân Cụ đã đồng hành và giữ vai trò yểm trợ cho QLVNCH suốt trong thời gian chiến tranh, ngăn chặn sự xâm lăng của Cộng Sản.

Theo Lược Sử Quân Lực VNCH của hai tác giả Trần Ngọc Thống và Hồ Đắc Huân, ngành Quân Cụ được chính thức thành lập từ Tháng Tám, 1954. Đó là thời kỳ QLVNCH hình thành, qua ba giai đoạn.

Từ 1955 đến 1960 là giai đoạn tiếp nhận vật liệu được Pháp chuyển giao cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam khi rút lui sau Hiệp Định Giơ Ne Vơ. Giai đoạn này cũng là giai đoạn thành lập các đơn vị từ Trung Ương đến Địa Phương để phù hợp với nhu cầu chiến trường và sự phát triển của quân đội VNCH.

Qua giai đoạn hai là sự phát triển mạnh từ tổ chức cho đến nhân lực. Quân số toàn ngành trong giai đọn này lên tới 16 ngàn người.

Giai đoạn sau cùng từ 1973 cho đến 1975 là giai đoạn cải tổ tiếp vận toàn diện. Mục đích của việc cải tổ này là kết hợp các ngành tiếp vận trong QLVNCH như Quân Cụ, Công Binh, Quân Y, Truyền Tin và Quân Nhu vào thành một đơn vị duy nhất để các binh đoàn chỉ đến một nơi nhận lãnh hàng tiếp liệu.

Sự tổ chức của ngành Quân Cụ, ngoài Trung Ương thì các địa phương (Quân Khu) cũng có một hay hai Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận để yểm trợ các binh đoàn đang tham chiến được nhanh chóng và hữu hiệu.

Theo các cựu quân nhân niên trưởng trong ngành Quân Cụ, có một số quân nhân từ thời Quân Đội Quốc Gia Việt Nam còn trong tổ chức Liên Hiệp Pháp nhưng phần nhiều đã được giải ngũ khi đáo hạn tuổi. Những cựu quân nhân này đã góp nhiều công lao trong thời gian Pháp chuyển giao ngành cho Quân Đội VNCH. Số quân nhân trẻ sau này trong ngành Quân Cụ đều xuất thân từ các quân trường lớn của VNCH, nhiều người còn được tu nghiệp tại Hoa Kỳ để về điều hành những khí cụ mới từ sự viện trợ to lớn của Hoa Kỳ.

Tất cả các anh em trong ngành Quân Cụ, dù từ thời Pháp cho đến sau này, tuy không trực diện với chiến trường nhưng với tinh thần trong phương châm của ngành là “Chiến cụ tinh, Quân nhuệ khởi,” người lính Quân Cụ VNCH đã đóng góp vào những chiến thắng vang danh của các đơn vị tinh nhuệ trong QLVNCH.

Đặc biệt phải kể đến các chiến sĩ Quân Cụ trong các trung đội sửa chữa lưu động, các toán sửa chữa chiến xa, xe xích, các toán sửa chữa trọng pháo, các toán tháo gỡ và phá hủy đạn dược, là những chiến sĩ luôn phải đối mặt với Cộng Sản trên chiến trường vì nhiệm vụ phải luôn theo sát các đơn vị tác chiến. Có thể nói, trong những chiến thắng vang danh của QLVNCH, người lính Quân Cụ đã đóng góp, trong âm thầm, gian lao, xương máu của mình.

Quý độc giả từng là chiến sĩ Quân Cụ VNCH muốn biết thêm chi tiết về buổi kỷ niệm này, xin liên lạc (714) 548-7699, (714) 638-7339. (N.H.)