Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Một thời để yêu

mot thoi de yeuNăm vừa ra trường, Hưng được đổi về dạy ở trường trung học Hoàng Diệu, thuộc tỉnh Ba Xuyên. Cái vùng đất cuối cùng của đồng bằng miền Nam, lầy lội ẩm ướt vào mùa mưa, bụi cát nóng bức vào mùa nắng. Miền Hậu Giang do phù sa mới tạo thành, nền đất thịt không được vững chắc như các tỉnh miền Đông. Đường sá rất mau hư, chỉ cần trải qua một mùa mưa là phải tu bổ lại.
Trường cách chợ vài con đường nhỏ. Phía bên kia là ruộng nước đầy cóc nhái, ễnh ương, đêm đêm kêu vang đầy đồng, nghe buồn não nuột. Con đường Mạc Đĩnh Chi chạy ngang trước cổng trường được tráng nhựa từ những năm trước, bây giờ còn trơ lại mặt đường đá xanh lồi lõm với những ổ gà đầy sình nước. Trong sân trường thì tệ hơn nữa vì đất thấp hơn mặt lộ. Tuy nhà trường đã hết sức sửa sang, bồi đắp nhưng chỉ vài cơn mưa là bùn lầy phủ ngập lối đi. Cỏ ống xung quanh sân, mọc cao tới ngực. Các đường mương thoát nước ra ruộng sau hè, nhiều khi tụi học trò mò bắt được cá rô, cá lóc, cá sặc. Các giàn bông giấy lá mọc xanh rì, nhánh đâm tua tủa, chú lao công người Miên phải vất vả dùng rựa mé nhánh hoài nhưng đâu cũng vào đó.

Ngày mới đến trình diện ông Hiệu Trưởng để nhận việc, Hưng nhìn cái cái sân đầy cỏ xanh với mười sáu gốc còng to cỡ hai người ôm, tàn lá rậm rạp âm u mà buồn cho cái thân phận “Tầm Dương đất trích, gối sầu hôm mai.” Năm đó Hưng mới có hai mươi ba, đen thui, ốm nhom nên cao nhòng. Ông Hiệu Trưởng thấy vẻ thất vọng của người thấy giáo mới lớn nên vỗ về an ủi:

-Đất nầy coi vậy chớ đi dễ khó về. Ở lâu thấy nó dễ thương lắm. Nội con đường Nhị Trưng có hai cái cầu Bon với cầu Quay là đi hoài cũng không hết. Nói chi tới Phú Tâm, Bãi Xàu, Kế Sách…

Hưng tức cười trong bụng. Ông già nầy tính dụ dỗ mình đây. Ở lâu thấy nó dễ thương! Trời đất! Phải ở đây thiệt lâu thì mới thấy… Vậy thì mình phải trụ trì ở cái trường Hoàng Diệu nầy bao nhiêu năm nữa mới được đổi về quê nhà ?

Thiệt ra thì Sóc Trăng đâu có buồn như Hưng tưởng. Cái thị xã Khánh Hưng ồn ào, náo nhiệt suốt ngày đêm. Người buôn kẻ bán tấp nập, xe cộ, ghe thuyền rộn rịp lưu thông, tạo nên một sinh hoạt trù phú ở miền ruộng đất cò bay thẳng cánh. Trên lề đường quanh chợ, người ta bày bán từng giỏ cần xé to, nào nhãn, táo, ổi. Những trái nhãn hái từ vườn ở Vĩnh Châu, hột đen nhánh, cơm dầy, mùi thơm nức mũi. Những trái táo lớn cỡ bằng ngón tay màu xanh xanh vàng vàng, ăn cái vị chua chua, ngòn ngọt. Những buổi trời mây âm u, đâm nhớ nhà, Hưng buồn buồn, ngồi ăn táo chấm với muối ớt một hơi gần hết cả kí lô, vậy mà cũng chưa muốn thôi…

Rồi đến những ngày tựu trường, nhìn những gương mặt sáng sủa, yêu đời của đám học trò mà vui lây. Những giọng nói líu lo, những tiếng cười đùa không dứt. Tuổi trẻ hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng quá. Hưng hoà mình trong niềm vui đó, quên mất tháng năm. Thành phố Sài Gòn với những công viên đầy lá me bay, lui dần vào quên lãng. Cho đến mùa mưa thứ ba Sóc Trăng thì một tình cờ chợt đến. Cái tình cờ không đợi nhưng nó vẫn xảy ra.

Buổi sáng sớm đó đã gần bảy giờ, Hưng dùng xong điểm tâm, ăn mặc chỉnh tề, sửa soạn đến lớp. Chàng ra đứng trước cửa nhà, ngó qua bên trường, để đợi tiếng kẻng. Nhà trọ ở ngay trước cổng chánh của trường, bên nầy đường. Trời đã dứt cơn mưa từ lâu, nhưng đường sá còn ướt sũng. Bất ngờ có tiếng con gái, ồn ào bên tai:

-Thưa thầy cho tụi em xin vào trong rửa chưn. Đường trơn, đứa nào cũng bị lọt xuống sình!

Hưng quay lại thì thấy không phải là học trò lớp mình. Cô nào cô nấy đều lạ, những chiếc nón lá nghiêng vành, che khuất vài ba khuôn mặt, chàng nhìn không rõ. Những tà áo dài trắng điểm lấm tấm vệt bùn xam xám. Chắc là tụi A1 của thầy Định.

Hưng để cặp sách trên ngạch cửa, dẫn cả đám vào sàn nước bên hông nhà. Sân rộng, hồ nước thật lớn. Các cô vội vã đưa chưn vào vòi nước để rửa những vết dơ lấm lem bùn đất. Cho tới cô cuối cùng, Hưng vô tình nhìn kỹ hơn. Cô ta có bàn chưn nhỏ gọn xinh xắn, các ngón tròn trịa, đều đặn. Đặc biệt là gót chưn đỏ hồng. Màu đỏ như son mịn. Trong đời Hưng đã thấy nhiều người đẹp nhưng chưa bao giờ để ý tới bàn chưn một người con gái. Lần đầu tiên chàng ngất ngây trước một bàn chưn đẹp. Chừng như cảm giác có gì kỳ lạ, cô học trò quay lại nhìn thì bắt gặp ánh mắt đăm đăm của ông thầy giáo trẻ. Cô gái cuống quít, bỏ vội lai quần xuống, xỏ đôi chưn hồng vô đôi guốc sơn, kéo chiếc nón lá che nghiêng cặp mắt tròn vo, đen bóng như sơn mài. Có tiếng thúc giục:

-Lẹ lên nhen, tới giờ rồi kìa !

Cả đám quay lại, cúi đầu chào Hưng, rồi kéo nhau, tuôn ra cửa, tiếng líu lo cười nói như chim. Đường sá còn đầy sình. Những bàn chưn vừa được rửa sạch, rón rén bước những bước cẩn thận trên những cục đá nhô cao. Hưng đi theo phía sau cô học trò có cái gót chưn đỏ hồng với làn da mịn mà nghe lòng xao xuyến như lần đầu tiên được cầm bàn tay run rẩy của người con gái lạ. Ôi! cái niềm vui mong manh, đơn giản nhưng trong sáng làm sao!

Từ đó, vào những buổi sáng, Hưng mong cho trời mưa để đường lầy lội. Dầu Hưng mong hay không, trời vẫn cứ mưa. Có những buổi trời mưa thật lớn, rồi cũng có những buổi trời mưa lất phất. Con đường Mạc Đĩnh Chi ngang cổng trường, bùn sình ngập tới mắt cá. Hồ nước của nhà trọ đầy tràn. Vậy mà không có người ghé xin nước, để rửa chưn !

Mãi cho đến mấy tháng sau, thầy Định dược đổi về Sài Gòn. Hưng được giao thêm Đệ Nhị A1. Ngày đầu tiên bước vào lớp, chàng bắt gặp ngay được cặp mắt to, đen như hột nhãn của người rửa chưn ngày nào, ngó chàng đăm đăm. Lật sổ ra điểm danh thì cô bé tên Trần Thị Hạnh. Hỏi thêm, thì biết nhà ở đường Nhị Trưng. Ông Hiệu Trưởng quả là một nhà tiên tri đại tài. Ba năm trước nói một câu bâng quơ -nội cái con đường Nhị Trưng, đi hoài cũng không hết. Bây giờ lời đó ứng nghiệm rõ ràng.

Có những đêm thức soạn bài tới khuya, Hưng không thấy mệt mỏi chút nào. Những bài giảng phong phú và lưu loát, nói chung cho cả lớp nhưng mà như cho riêng ai nghe. Có cái gì riêng tư không biết nữa, nó ràng buộc tâm tình chàng với cái hồn nhiên ngây thơ của cô học trò mới lớn. Làm sao Hưng quên được hình ảnh dễ thương của nàng mỗi lần đến thăm gia đình. Ba Hạnh tánh hăng say hoạt động, tuổi già nhưng còn rất trẻ trung. Ông giúp đỡ nhà trường rất nhiều và đã đảm nhiệm chức vụ Hội Trưởng Hội Phụ Huynh Học Sinh liên tiếp trong nhiều niên khoá.

Có lần đến nhà, Hạnh rót nước để mời chàng, giọng êm ái trong veo như gió thoảng. Bộ ghế ở phòng khách thì thấp, nàng phải quì xuống để đặt khay trà lên trên bàn, mái tóc ngắn ôm sát lấy khuôn mặt tròn xinh xinh. Cả người đầy nét thùy mị, dịu dàng, y như những cô gái Nhựt Bổn trong tranh.

-Ngày Chúa Nhựt mà thầy không đi chơi đâu sao ?

-Thì tôi lại thăm ông bà Hội Trưởng nè, được em cho uống nước trà ngon, cần gì phải đi đâu xa xôi chi cho mất công.

Ba Hạnh nói tiếp:

-Ông giáo sư còn trẻ mà lại học giỏi, chịu khó. Con Hạnh về thường cứ nhắc hoài những bài giảng trong lớp…

Hưng nghe khoan khoái trong bụng nhưng không biết nên trả lời ra sao:

-Dạ, tôi cũng dạy y như hồi học được ở Sư Phạm. Chắc là nhờ lớp Hạnh, học trò giỏi nhiều hơn lớp khác.

Má Hạnh xen vô:

-Ông giáo sư nói vậy chớ, chắc con Hạnh học không giỏi đâu. Tôi thấy nó về nhà đọc tiểu thuyết không hà !

Hạnh mỉm cười nhìn Hưng:

-Tại thầy biểu đó, chớ con đâu có ham tiểu thuyết. Hồi trước con thích đọc thơ… Thầy Hưng dạy văn chương mà viết văn làm thơ thì chắc hay lắm !

Hưng nghe xong, cười ngất, quơ tay:

-Nghĩ như vậy là sai rồi, cô ơi ! Thầy giáo dạy văn chương mà nói chuyện về thơ văn thì cũng như các ông thợ mộc… thợ hồ… bàn về mỹ thuật…

Hạnh tròn mắt, nhìn thầy, ngạc nhiên.

-Tôi nói thiệt mà, không phải giỡn đâu. Ở Sư Phạm hoặc Văn Khoa, tụi tôi chỉ được học cách phân tách, phê bình để giảng dạy một bài thơ hoặc một bài văn cho học trò lớp nhỏ, tàm tạm cho người chưa biết, hiểu được chút ít thôi. Nếu có cái gọi là kỹ thuật viết văn hay làm thơ mà dạy và học được, thì ai cũng thành văn sĩ hay thi sĩ hết rồi. Mà Hạnh thấy đó, người viết văn làm thơ thì nhiều mà thành danh đâu có được bao nhiêu. Đâu phải hễ in được một hay hai cuốn thơ là được người đời kêu bằng thi sĩ. Cũng vậy, đối với các giới khác, đâu phải bác sĩ là đều phát minh ra được thuốc trị bịnh, kỹ sư là chế ra được xe hơi, máy bay. Cái tài năng nghệ thuật đó, không phải do sự học… mà do thiên phú. Phải trời cho mới được !

Hạnh le lưỡi, làm ra vẻ sợ hãi.

Hưng tiếp:

-Hạnh có nghe tôi kể lần nào, câu chuyện người thợ làm bánh xe của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh chưa ?

-Dạ chưa, thầy kể cho em nghe đi !

-Lâu quá rồi, tôi quên mất tên ông vua nhưng đại khái câu chuyện như vầy. Đời xưa, có ông vua nhân lúc thanh nhàn, ngồi đọc sách, dáng điệu nghiêm trang, kính cẩn. Ở dưới thềm có người thợ làm bánh xe đương đục đẽo cồm cộp. Người thợ vừa làm việc vừa ngó ông vua. Thấy ông nầy đọc sách say mê, bèn bỏ bào, bỏ đục, bước lên thềm, vòng tay hỏi:

-Muôn tâu bệ hạ, xin cho thần được hỏi, bệ hạ đọc những gì trong đó ?

Nhà vua trả lời:

-Ta đọc những lời vàng ngọc của thánh hiền.

Ông thợ nhếch mép:

-Muôn tâu, xin bệ hạ thứ lỗi cho hạ thần. Hạ thần nghĩ là bệ hạ đọc những căn bã của thánh hiền mà thôi.

Nhà vua trợn mắt, nhìn sững ông già.

-Muôn tâu bệ hạ, thần dám liều gan nói như vậy vì có chút ít kinh nghiệm về việc nầy. Thần không dám nói đến việc kinh sách, thơ văn cao xa. Hạ thần chỉ dám nói về việc đóng bánh xe gia truyền của dòng họ nhà hạ thần thôi. Như muốn gắn cái niền sắt vô bánh xe bằng cây, thì phải cầm cây búa mà gõ từ từ. Nếu gõ nhẹ tay thì làm sao cái niền nó ôm sát được vô cái bánh. Nếu gõ mạnh tay thì bánh xe bằng cây bị nứt bể. Phải làm sao đập từng nhát búa đều đặn, nhịp nhàng khi mạnh khi yếu, khi mau khi chậm, để cái vòng sắt ôm chặt lấy cái khung bánh. Khi đã đâu vào đó rồi thì bánh xe dùng cả chục năm cũng không hư…

Đó chỉ là cái nghề nhỏ mọn, mà từ đời ông nội hạ thần muốn truyền lại cho cha hạ thần, rồi cha hạ thần muốn truyền lại cho hạ thần, cũng không thể viết ra sách được, cũng không thể nói bằng lời được. Lúc nhỏ thần muốn học, phải ngồi mà coi cái ý, theo dõi cái tình, rồi lấy cái tâm mà lãnh hội. Phải mất một thời gian lâu dài mới được như ngày nay. Nghề đóng bánh xe còn vậy, nói chi đến kinh sách, thơ văn. Làm sao mà nói được bằng lời, ghi lại bằng chữ những ý đẹp, tình cao. Cho nên hạ thần dám nói, cái mà bệ hạ đọc trong kinh sách, những cái đó chỉ là cặn bã mà thôi.

Hưng uống một hớp nước, rồi nói tiếp:

- Câu chuyện được đặt ra để chứng minh rằng, lời không nói hết được ý, ý không nói hết được tình. Mà chuyện viết văn, làm thơ là chuyện của ý với tình, làm sao cái ngôn ngữ, văn tự, của một ông thầy giáo, dầu là thầy dạy văn chương đạt tới được !

Hạnh nghe xong cười cười, nhìn chàng thật lâu, rồi nói chậm rãi:

-Thầy nói vậy thì em nghe vậy ! Để rồi em bắt chước Xuân Diệu, Huy Cận làm thơ cho thầy coi.

Hưng nhìn lại Hạnh, thương thương cái tánh bướng bỉnh:

-Cô học trò thi sĩ của tôi ơi ! Nghệ thuật là sự sáng tạo, chớ không phải bắt chước. Nếu bắt chước thì không còn là nghệ thuật nữa. Thí dụ như một ngày nào đó, có một cô bé đi học, gặp bữa trời mưa ướt át, chưn dính đầy sình bùn, đứng nghiêng mình bên hồ nước, kéo cái lai quần lên để rửa chưn. Gót chưn đỏ như son mịn, dáng vẻ thật là duyên dáng, dễ thương, ai nhìn thấy cũng yêu cũng mến. Có cô nàng nào đó, ô dề kịch cợm, thấy vậy bắt chước cũng uốn éo làm duyên, làm dáng, dậm chưn cho dính đầy bùn đất rồi dội hết cả hồ nước. Tôi nghĩ anh chàng nào mà thấy, chắc phải bỏ chạy cho thiệt xa…

Cô bé chớp mắt:
-Thầy nói thiệt hả ! Em không tin có người nào mới nhìn một cái gót chưn người lạ, mà thương liền !

Ba Hạnh ngồi im lặng nãi giờ, không hiểu nội dung câu chuyện bóng gió xa xôi của Hưng, xen vô góp lời:

-Con còn nhỏ, chưa biết hết đâu. Đời thiếu gì những điều kỳ lạ mà mình chưa biết. Như nàng Mỵ Nương, chỉ nghe tiếng sáo của Trương Chi, mà bịnh tương tư liệt giường liệt chiếu. Cái ông hoàng tử trong chuyện Tấm Cám, chỉ mới nhìn thấy có một chiếc giày mà đã chết mê chết mệt. Nói gì nhìn cả một gót chưn. Thầy Hưng nói phải đó !

Má Hạnh nhìn con gái trìu mến:

-Hồi nãy giờ cha con, thầy trò đối đáp, tôi không hiểu gì hết trơn !

Cả bốn cùng cười vang. Hạnh ôm lấy vai mẹ, nũng nịu:

-Con định làm thi sĩ mà thầy Hưng chưa gì hết, đã chê !

Khi từ giã ra về, Hưng đi sát bên Hạnh, vẻ nghiêm trang:

-Nói chơi cho vui chớ tôi vẫn mong được những bài thơ của Hạnh.

Hạnh nhìn qua chàng:

-Thầy không sợ những bài thơ của em làm dở tệ sao !

Hưng nhìn thật sâu trong mắt nàng:

-Thơ của em bài nào cũng hay hết.

Rồi nhìn ông bà Hội Trưởng còn ở phía sau, lấy hết can đảm, Hưng nói trong hơi thở:

-Riêng em, đã là một bài thơ…

Nói xong, Hưng thấy tự nhiên tay chưn luống cuống, mặt đỏ bùng bừng, tim đập thình thịch. Chàng đi một mạch ra cửa, không dám ngó ngoái lại. Lúc đó, Hạnh đứng tựa vào cánh cửa cây, đưa tay chận lấy ngực, mặt mày xám xanh.

Buổi đó cũng là lần cuối cùng Hưng đến nhà nàng. Vài tuần sau, vì một lý do hành chánh đặc biệt, Hưng bị đổi về Bình Dương, một tỉnh nhỏ của miền đông nhiều đồi dốc. Tuy trường mới đẹp hơn, lớn hơn trường xưa, nhưng làm sao nó có thể so sánh được với Hoàng Diệu bùn sình trơn trợt. Làm sao có được những ngày mưa ướt át, để đón đưa người mình yêu đến cổng trường có giàn bông giấy.

Một hôm đang ở phòng họp giáo sư, Hưng nhận được một bức thư gởi từ Ba Xuyên xa xôi, thơ của Hạnh. Mừng quá, chàng mở phong thơ màu xanh lợt mà run tay. Những dòng chữ tròn trịa, đầy đặn được viết trên tờ giấy xanh mỏng những lời thăm hỏi chân tình của người học trò cũ. Lật qua trang sau, Hưng thấy nguyên một bài thơ trường thiên tám chữ. Hưng đọc từng câu, cảm từng lời. Cho tới hai câu cuối, Hưng nghe choáng váng, tim như muốn ngừng đập. Hai câu đó như vầy:

Thầy vẫn dạy bài Việt Văn năm cũ,
Như ngày xưa, riêng đôi mắt em nghe.

Trời ơi ! quả thật vậy sao ? Hưng đứng lặng hàng giờ để nghe niềm cảm xúc lâng lâng, thấm từng tế bào tim phổi. Ít ra, trong đời dạy học, có được một người nghe chàng giảng dạy bằng cả một tấm lòng tin yêu, cũng là quá đủ !

°°°

Chiếc xe buýt từ từ đậu sát bên lề đường rồi ngừng hẳn. Hưng vịn tay vào thanh sắt lạnh ngắt, chưn dò dẫm từng bước để xuống. Từ nhà ra đến chợ, phải mất hơn bốn mươi lăm phút để đi xe. Trời bây giờ đang vào mùa đông nên lạnh giá. Tuyết rơi khắp nơi. Cả thành phố như bị bao phủ bằng một lớp bột thạch cao dầy, trắng xoá. Hàng cây thẳng tắp ven đường bị đông lạnh co ro, đưa lên trời những cành khô, khẳng kheo, trơ trụi. Từng cơn gió lạnh thổi tạt ngang, đưa những hạt tuyết xôm xốp như bông gòn bay rào rào, trên đầu trên mặt. Hưng nghe lạnh buốt như có con dao bén cứa vào da thịt. Bộ áo khoác và đôi giày, xin được ở nhà thờ hơi mỏng và quá cũ không đủ ấm. Tuần lương tới phải rán tiện tặn để mua bộ khác dầy hơn. Ở xứ nầy có lẽ nhịn ăn thì được nhưng nhịn mặc thì không xong rồi.

Đây là mùa đông đầu tiên Hưng phải chịu đựng ở cái thành phố đầy tuyết trắng. Gần hơn một năm trời chờ đợi mòn mỏi ở ngoài đảo, chàng được phái đoàn Cao Ủy Liên Hiệp Quốc cho đi định cư đến đây. Một nơi lạ hoắc, chưa bao giờ chàng nghĩ tới. Cái thân trôi nổi, ừ thì thôi, đâu cũng là nhà. Chàng chấp nhận, không so bì, đắn đo. Đi đâu cũng được, miễn là khỏi phải sống một cuộc đời cực nhục, khổ sở, dưới bàn tay sắt máu, của bọn người vô tâm.

Đường đến tiệm rất gần. Tới nơi, Hưng cởi chiếc bao tay bằng len đỏ, đã có một lỗ lủng nhỏ ở đầu ngón, đẩy cửa kiếng để bước vào trong thương xá Việt Nam. Mỗi tuần chàng đến đây để mua một số thực phẩm cần dùng. Hưng đưa tay phủi bụi tuyềt bám trên tóc trên mặt, giũ sơ qua những hạt còn bám trên aó khoác. Tóc tai rối bù, ướt đẫm. Nhìn xuống đôi giày cao cổ, nó thê lương làm sao ! Tuyết nhão quện với bùn đất biến thành bùn sình, bám vào đế giày nhoè nhoẹt. Đôi giày quá cũ, nước thấm ướt hết cả vớ. Các ngón chưn nghe lạnh ngắt.

Hưng đi thẳng vào trong, mắt nhìn lên các kệ thực phẩm để chọn lựa các thứ cần dùng. Rải rác đây đó, người mua chừng đã khá đông. Tiếng cười, tiếng nói ồn ào, tạo thành một thứ sinh khí Việt Nam. Ở xứ lạ quê người, được nghe và nói tiếng mẹ đẻ là một điều sung sướng. Cần gì câu chuyện hay hay dở, người lạ hay quen…

-Chèng ơi, ở đây mà cũng có trầu cau nữa… Có luôn xác giấy nè.

Có giọng nói của người trẻ hơn:

-Hôm trước có bán măng cụt với chôm chôm. Để ở chỗ nầy ! Mắc quá, thấy thèm, mà không đủ tiền mua.

-Mầy lại hỏi bà chủ tiệm, coi bài tứ sắc để ở đâu, tao nghe nói tiệm nầy có bán, liệu mua năm bảy bộ để dành. Tết nầy rủ mấy bà Gò Công qua đậu chến cho vui.

Hưng đi lần ra phía ngoài. Có mùi son phấn nực mũi. Một bà vừa trạc năm mươi, đứng với một thanh niên mặt mày sáng sủa, cả hai ăn mặc sang trọng. Bà ta đứng trả tiền ở quầy hàng nói với bà chủ tiệm, giọng oang oang, từ xa, ai cũng nghe thấy:

-Ở đây, khoẻ quá hở bà chị ! Có tiền là có đủ thứ. Chỉ cần nhắc cái điện thoại lên là có đồ ăn đem ngay tới miệng…

Giọng bà chủ tiệm, ôn tồn:

-Dạ, dạ, chỉ có điều trời lạnh quá. Tôi chịu hổng thấu. Phải chi kha khá một chút, dọn qua Mỹ ở ấm áp hơn…

-Ối ! Hơi đâu mà bà chị lo. Trời nóng thì có máy lạnh, mùa đông thì có lò sưởi. Ra đường mình có áo lông.

Rồi giọng bà kéo dài ra:

-Mấy thứ đó… đâu có bao nhiêu tiền ! Tôi suy nghĩ kỹ rồi, cũng nhờ có mấy ông Việt Cộng nên mới được qua đây, sống sung sướng như vầy.

Có vài người khách đứng gần, ngước mắt lên nhìn. Người thanh niên có vẻ học thức, nắm lấy tay bà:

-Sao mẹ nói vậy, mình bỏ nước ra đi là tại mấy thằng Việt cộng. Làm sao sung sướng bằng ở bên Sài Gòn, quê hương làng nước…

Rồi như để che bớt cái sơ hở của mẹ, anh ta nói tiếp:

-Xứ Canada nầy, việc ít người nhiều. Kiếm được đồng lương cũng đổ mồ hôi…

Bà chủ tiệm ngó người thanh niên cười cười. Bà khách kia quay qua con, mắng yêu:

-Ối dào, kiếm việc vất vả là mấy người thợ thuyền làm ở hãng xưởng, chứ học cao tới kỹ sư như con thì thiếu gì mấy cái công ty lớn mời, tha hồ mà chọn.

Hưng nghe hai mẹ con đối đáp, khoái chí, bèn làm bộ lựa những món hàng gần đó, để nghe thêm cho dễ. Nào ngờ, hai người đã trả tiền xong, đi mất. Chàng đâm buồn buồn, tính trong bụng định ra về. Ngước mắt lên kệ cao, Hưng vói tay lấy một thùng mì gói. Với thùng mì nầy Hưng có thể để dành, ăn được cả tháng, khỏi mất công mua lặt vặt, vừa tiện việc khỏi phải nấu nướng lôi thôi, vừa rẻ, vừa đỡ tốn tiền. Phía sau lưng có tiếng nói ấm áp của một thanh niên cất lên:

-Hay là em mua cho ba trà Ô Long uống thử coi. Anh thấy bác Tư thích loại nhãn xanh lợt nầy lắm nè. Trà Thiết Quan Âm kiếm không ra.

-Thôi, anh chịu khó đưa em qua phố Tàu, ở bển thế nào cũng có. Tánh ba thích uống trà ngon, ăn sao thì cũng được. Hồi còn ở Sóc Trăng có tiệm Quảng Trân, bán trà nổi danh. Kế bên nhà…

Hưng đương nắm lấy góc thùng mì, nghe giọng nói êm ái của người thiếu nữ, thấy quen quen. Cái giọng nói nhẹ như gió thoảng nhưng âm thanh rõ ràng đó đã nhiều lần nghe qua, làm sao lầm lẫn được. Chàng khựng lại cho đến khi nghe được hai tiếng Sóc Trăng, thì buông hẳn thùng mì trở lại trên kệ, quay lưng lại mà nhìn. Người con gái đứng trước mặt Hưng, quả thật là Hạnh. Không thể là ai khác hơn. Hạnh ngày xưa, bằng xương bằng thịt rõ ràng.

Hạnh mở to mắt:

-Thầy.. thầy qua được đây bao lâu ? Sao em không hay biết gì hết ?

Hưng còn đang choáng váng vì cuộc hội ngộ bất ngờ, chưa kịp trả lời thì Hạnh giới thiệu người thanh niên đứng kế bên, giọng hơi ngập ngừng, luống cuống:

-Còn đây là anh Lâm…anh Lâm.

Hưng bắt tay người thanh niên, miệng mỉm cười thay câu chào hỏi. Lâm có vầng trán rộng, đôi mắt thật sáng, cái mũi đẹp, khá cao và thẳng tắp. Lâm thăm hỏi chàng qua hàm răng trắng bóng, đều đặn:

-Thầy đi chợ có thường không ? Tôi với Hạnh tháng nào cũng đến đây một vài lần, vậy mà không được gặp! Ngày xưa Hạnh có được học với thầy ?

Hưng nhớ tới hình dáng tiều tuỵ của mình. Khi nãy bắt tay, cái bàn tay của Lâm mềm mại, ấm áp làm sao. Hưng cảm thấy làn da tay mình sần sùi, thô kệch, bữa nay sao nó dầy hơn bình thường.

-Ờ, ờ, tôi mới qua tới, chưa được bao lâu.

Hưng nhìn sang Hạnh. Nàng vẫn dịu dàng, xinh xắn. Trang điểm thêm một chút phấn hồng trên má, một chút son đỏ lợt trên môi, chiếc khăn len quấn hờ lên cổ, trông nàng đẹp đẽ hơn bội phần, quí phái hơn bội phần.

Bất giác Hưng đưa tay sờ lên cằm. Sáng nay trời lạnh quá, lo sửa soạn đi gấp nên quên mất việc cạo râu, râu cằm đâm tua tủa, rờ nham nháp. Tay Hưng lần lên, đụng phải cái gò má. Cái gò má thiếu thịt, xương lưỡng quyền nhô cao, kết quả của những ngày tháng lao động vinh quang. Năm năm bị đày đọa ác nghiệt ở quê nhà. Một năm trời thiếu thốn chờ đợi héo mòn ở đảo xa, tổng cộng tất cả là sáu năm. Sáu năm lầm than, khốn khó. Thời gian quá dài đủ để choán đầy hết những mùa xuân cuộc đời. Như nụ bông chỉ cần vài giờ có nắng ấm để phô sắc hương, thời gian đó đã bị một đám mây xám, âm u giăng kín. Hưng tự hỏi không biết bây giờ mình còn chút xíu phong độ nào của một ông giáo sư trẻ ngày xưa ?

-Cuộc biến động lớn lao quá. Tôi không biết gì nhiều ở Sóc Trăng.

-Dạ, ba má với em đi từ năm bảy mươi lăm. Đọc báo, nghe tin tức, thấy đất nước tang thương, đổ nát. Ba má em cứ nhắc thầy hoài, hỏi thăm mà không ai biết.

Hưng nghe xót xa. Ông bà Hội Trưởng thường nhắc đến chàng. Hạnh ơi, có bao giờ em nhắc tới tôi, một lần không? Hưng thấy tay chưn mình đâm thừa thãi. Chàng nhìn Hạnh rồi nhìn Lâm. Cả hai đứng bên nhau, tươi mát, yêu đời. Còn chàng, từ ngày đất nước đổi thay, như con cá dật dờ ngoài sông lớn. Cá nước ngọt bị đem bỏ ra biển, gặp nước mặn đã ngất ngư, còn bị sóng dập gió dồi, chịu sao cho thấu. Cái sức sống mới vừa vươn lên sắp đâm chồi nẫy lộc, bất ngờ một cơn phong ba, bão táp đổ ập đến, khiến Hưng như người đau mới mạnh. Tuy đã vượt thoát đến phần đất tự do, chắc phải cần một thời gian khá dài để phục hồi sinh lực cũ.

Sáng nay vô tình gặp Hạnh. Hình ảnh cô bé học trò dễ thương đã trên sáu bảy năm nằm lắng im trong lớp kỷ niệm thật sâu, thật dầy, được khơi bùng dậy. Hưng nhìn thật sâu trong mắt nàng để tưởng rằng mình vẫn còn được trẻ trung như xưa. Cái thời mà mỗi buổi sáng đứng trước kiếng hàng giờ để chải cái đầu, lựa từng cái áo, cái quần, đôi giày, đôi vớ… Những giờ đến lớp với niềm tin trong mắt, với nụ cười trên môi. Những buổi trưa hẹn hò, bước chưn xôn xao trên hè phố. Cái thời mà dòng máu yêu đời luân lưu trong huyết quản, bàn tay tưởng có thể ôm gọn được tương lai.

Thấy Hưng nhìn mình đăm đăm, Hạnh bối rối cúi đầu, mắt nhìn xuống mũi giày, một tay ôm chặt lấy Lâm. Hồi lâu, nàng mới hỏi qua nụ cười gượng gạo:

-Hồi nãy tới giờ gặp thầy mừng quá, quên mất hỏi thăm, chắc thầy qua đây một lượt với cô? Chắc cô cũng người Bình Dương, vì ở trên đó người đẹp nhiều lắm…

Hưng khựng lại một hồi lâu rồi nhìn bao quát cả tiệm, thủng thỉnh trả lời:

-Ờ, ờ, tụi tôi quen nhau từ hồi còn nhỏ xíu, Quên mất hỏi coi người tỉnh nào. Chắc Rạch Giá, Cần Thơ, Tây Ninh hay Biên Hoà gì đó. Đợi ngày làm đám cưới thì Việt cộng vô. Hai đứa bị đày đọa khổ sở. Tôi rủ vượt biên, bả không chịu, khăng khăng ở lại.

Hạnh chớp chớp mi mắt, vẻ xót xa, an ủi:

-Thôi, lần lần thầy ổn định đời sống rồi làm giấy bảo lãnh cho cô qua..

Hưng nhăn mặt lắc đầu:

-Cô không chịu đi đâu. Tôi đã viết thơ nhiều lần thúc hối nhưng không cách gì lay chuyển được. Loay quay một mình buồn quá. Đôi lúc thấy đời sống nhàm chán vô nghĩa. Không lý suốt đời chỉ còn biết có đi làm, đi chơi, đi ăn, đi ngủ…

Rồi Hưng ngậm ngùi:

-Ở đây một năm sáu tháng giá buốt… Nhìều khi nhìn tuyết rơi ngập trời mà thèm một chút nắng ấm quê hương, nơi đó đã một thời, tôi tìm thấy được mùa xuân.

Switch mode views: