Chuyện tình ấp chiến lược
- Thứ Hai, 14 tháng Mười Một năm 2016 08:47
- Tác Giả: Nguyễn Trãi
Năm tôi đang học đệ Tam của một trường Trung Học công lập lớn nhất thành phố, chiến tranh đang bắt đầu bò về với thôn xóm làng mạc, nhất là những Xã Thôn phía bên trong làng của tôi gần vùng núi, nơi mà VC tối tối hay lén lút về bắt dân nộp lúa gạo.
Cũng vào năm này chính quyền Xã kêu gọi, thông cáo yêu cầu người dân phải làm Hàng Rào Ấp Chiến Lược. Tôi không hình dung ra được Ấp Chiến Lược là như thế nào, theo họ nói thì rào vây cái làng của mình lại bằng cây để ngặn chận VC đêm hay ngày trà trộn vào thôn ấp. Dĩ nhiên phải có hai cái cổng, một ở đầu làng, một ở cuối làng và đêm đến sẽ có Dân Nhân Tự Vệ có trang bị súng đạn gác suốt đêm.
Kể ra cũng làm trở ngại không ít cho du kích muốn về làng không dễ dàng như ngày trước nữa, và chuyện Ấp Chiến Lược trở thành sự thật. Mỗi gia đình phải có nghĩa vụ đóng góp cho Làng bao nhiêu trăm cây để làm hàng rào, mỗi cây dài 4 dến 5 mét, và phải thẳng thớm suôn sẻ, cây nào cũng to bằng bắp tay cùng cở như nhau mới làm hàng rào được.
Gia đình đóng góp số lượng cây theo số lượng người trong gia đình, ví dụ một người phải đóng ba trăm cây, gia đình tôi có 7 người thì 2100 cây. Trong thời hạn ba tháng phải đóng góp đủ số lượng cây cho từng gia đình. Được một điều là Ban Tổ Chức phụ trách Ấp Chiến Lược lo phần mướn xe “be”, cứ mỗi cuối tuần hai ngày nghỉ là chở tất cả những người có nghĩa vụ chặt cây làm Ấp Chiến Lược chạy vào một khu rừng cách xa làng tôi đến 40 cây số. Nơi đó là khu rừng thưa có cùng nhiều giống cây có cùng kích thước cho tiêu chuẩn làm hàng rào Ấp Chiến Lược.
Tôi vì là đứa con trai trong ba chị em, nên ngày thứ bảy và chúa nhật nào cũng thức dậy sớm lúc 4 giờ sáng để tháp tùng theo đoàn người trong cùng một làng đi chặt cây bó lại từng bó, đến giờ hẹn chất lên xe và chở về. Chặt làm sao cho đến khi nào đủ hai ngàn một trăm cây thì thôi.
Vùng chặt cây cũng gần triền núi của Quận Cam Ranh, đất vùng này pha cát và có lác đác nhiều bông mai rừng, cho nên cũng thấy nên thơ hấp dẫn lắm. Chuyện đáng nhớ không phải là bông mai rừng mà tôi cũng từng chặt nhiều bó đem về cắm trong nhà khi gần Tết đến, mà là chuyện một người con gái cùng đi chặt cây Ấp Chiến Lược như tôi.
Yến, người con gái cùng làng nhưng ở xóm ngoài còn tôi ở xóm trong, cũng từng quen biết gặp nhau mỗi khi tôi ra xóm ngoài. Chị ruột của Yến là vợ của Cậu tôi, không phải Cậu ruột mà là Cậu họ vì đối với má tôi là chị em chú bác. Thực ra giữa tôi và Yến không có bà con nhưng thuộc loại bà con “thông gia”.
Yến cũng từng ngày cuối tuần đi chặt cây cùng với toán của tôi, vì vậy mỗi khi chung xe là thường ngồi gần nhau chuyện trò bình thường. Tôi con trai mới lớn lần đầu tiên tiếp xúc với con gái nên rất nhút nhát mặc dù không có tình ý gì với nhau. Cũng vì đi chung trong những chuyến chặt cây cho nên thường hay gần gũi và thân thiện, nhiều khi còn nhau bó cây cho nhau. Giữa một khu rừng mênh mông, không biết cả hai vô tình hay cố ý theo bản năng, thường tìm những chỗ vắng người để hai đứa chặt chung, làm như nơi người con gái ấy có sức thu hút đặc biệt nào đó.
Tôi không biết mình bắt đầu nhớ nàng từ lúc nào, nếu như năm ngày còn lại bận đi học không phải đi vào rừng, mỗi khi nghĩ tới nàng là lòng dạ bồn chồn lâng lâng làm sao đó. Điều này chắc không xảy ra nếu như những người bà con quen biết trong cùng một chuyến chặt cây không “cắp đôi” hai đứa chúng tôi với nhau. Mới đầu chỉ là những lời vui chơi nói qua nói lại của những người cùng chuyến xe, nhưng riết rồi thành thói quen ghiền được nghe họ nói. Người ta nói “lửa gần rơm không trèm cũng trụa”, tôi cũng không biết đó là đã yêu chưa nhưng sao vắng nhau không gặp thì nhớ quá, ban đêm nhiều khi không học bài được nếu phải nghĩ tới Yến.
Yến chưa bao giờ nói một lời yêu tôi, nhưng ánh mắt cử chỉ lúc nào cũng trìu mến. Yến thuộc loại con gái hay mắc cỡ, e thẹn giấu kín tâm trạng, “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Gần nhà Yến có cô bạn thân của Yến là Mùi, không biết Yến có thố lộ gì không nhưng Mùi như thấy được tình cảm của hai người và thường đóng vai trò “chim xanh” cho hai đứa chúng tôi gặp nhau tại nhà Mùi. Con trai mới lớn nhát quá, gặp nhau tim đập mạnh hồi hộp, không dám cầm tay và nói gì nhưng cả hai nghe trong lòng rộn ràng, ngực đánh thình thịch. Không gặp chịu không nổi nhưng lúc gặp lại không nói được gì.
Cũng đã mấy tháng - hay cả năm không chừng - trôi qua trong nhớ nhung nghĩ về nhau. Một bữa tôi liều lĩnh nhờ Mùi nhắn giùm hẹn cho tôi gặp Yến, tôi quyết định nắm tay nàng và nói: “Yến ơi, chiều mai tôi mời Yến đi coi ciné nhen, hai giờ tôi chờ Yến ngoài ngả ba đường”. Tôi chưa bao giờ tỏ tình và nói lời nào trước đó, vậy mà giờ này lại bạo dạn hẹn người ta đi ciné, thật là hết biết. Tôi nghĩ Yến chắc sẽ “giẫy nẫy la làng” và phản đối, nhưng không ngờ nàng nhẹ gật đầu. Tôi rất vui và hồi hộp chờ đợi tới ngày mai lúc hai giờ.
Tôi đạp xe đạp ra ngả ba đầu làng là điểm hẹn không thấy nàng đâu, tôi bắt đầu thất vọng và nghĩ rằng nàng cho tôi leo cây. Được một lúc tôi thấy nàng xuất hiện với chiếc áo sơ mi màu tím, màu mà tôi yêu thích - chắc do sự ngẫu nhiên chứ tôi chưa bao giờ nói cho nàng biết sở thích yêu màu tím của tôi. Tôi thấy nàng từ xa nhưng không có tỏ vẻ gì là hẹn gặp tôi cả, nàng lặng lẽ đi bộ qua mặt tôi và cứ đi mãi trên quốc lộ làm như đi với mục đích của riêng nàng. Tôi luýnh quýnh đạp xe theo bên cạnh nàng và nói Yến lên xe tôi chở đi. Thực tình tôi cũng chưa dám xưng anh và gọi nàng bằng em nữa. Tình cảm ban đầu ôi sao ngây ngô khờ khạo lắm.
Yến cũng không trả lời và vẫn lặng lẽ bước đi làm như tôi và nàng không hề quen biết. Tôi cảm thấy khó chịu về bản tính của người con gái lúc này. Mãi cho đến một đoạn đường khá xa, Yến nghĩ chừng như không còn ai có thể thấy Yến có hẹn để đi cùng với tôi, nàng mới yên tâm ngồi sau xe đạp. Tôi hỏi: “Sao Yến phải đi đến mãi ở đây như thế này?” Yến bảo: “Nếu không, có ai thấy thì chết Yến mất!”
Bản tánh nhút nhát nhưng tràn ngập tình cảm chất chứa bên trong đã nhiều tháng qua, đúng là đàn bà con gái thật khó hiểu. Yến đã bằng lòng cho tôi chở đi coi ciné như thế này là thay thế trăm ngàn lời nói yêu tôi rồi. Xem như hôm nay là ngày kỷ nìệm lớn lao nhất của đời con trai mới lớn của tôi.
Vào trong rạp chiếu phim, tôi nghe trống ngực nàng đánh thình thịch vì hồi hộp, sợ sệt mặc dù tay tôi chỉ cầm tay nàng trong suốt thời gian chiếu phim và tôi cũng vụng về chỉ dám đặt lên má nàng một cái hôn nhẹ mà thôi. Tình yêu dại khờ của thuở học trò ngộ quá, vậy mà tôi cảm thấy sung sướng vô ngần.
Từ dạo ấy tôi thấy nhớ nàng nhiều hơn, nhiều đêm bỏ học bài tôi tìm đến nhà nàng với hy vọng nàng đang ra sau nhà làm chuyện gì đó như rửa chén… để tôi chỉ cần gặp một chút. Thiệt là ngộ, nàng đã yêu tôi nhưng giữ rất kín không hề thố lộ một lời, nàng cũng biết có một sự ngăn cách vì “ bà con thông gia” giữa Cậu tôi và chị nàng. Có phải đó là trở ngại để cho nàng không dám thốt nên lời chính thức yêu tôi?
Nhưng sức mạnh của tình yêu vẫn đủ sức để tạo nên cơ hội bày tỏ tình cảm đan kín trong lòng. Nàng tìm cách xin làm thợ may cho một người cô của tôi trong một cái quán may giữa đường từ nhà tôi đến nhà nàng để mỗi ngày tôi đi học được thấy nhau. Không hiểu cả hai đã vô tình để lộ ánh mắt cử chỉ như thế nào mà những người trong quán may đều âm thầm hiểu rằng hai đứa tôi có tình ý với nhau.
Xa không gặp thì nhớ quay quắt, và tôi tin nàng cũng giống như vậy, nhưng khi gặp thì làm như chỉ là người quen không hề thương yêu gì hết. Tôi chưa bao giờ thố lộ tình cảm của mình cho ai biết, thế mà Ba Má tôi lại có lần cảnh cáo tôi rằng: “Ba nói cho con biết, con Yến là em vợ của Cậu con, Ba không đồng ý cho con quen với nó.” Vậy là sao hả trời? Sao lại đến tai người lớn rồi!
Tôi không nói gì cho Yến biết chuyện ba tôi cảnh cáo, vì chỉ đẩy cho nàng xa tôi thêm, tôi lặng lẽ đi lính để không ở trong làng tôi nữa. Ngày mai tôi được Trung Tâm 2 Tuyển Mộ Nhập Ngũ chở tôi lên đường thì tối hôm đó tôi tìm đến nhà bạn nàng, nhờ Mùi nhắn cho tôi gặp để từ giã. Mùi hay tin tôi đi lính cũng xúc động và vội vàng đến nhà Yến cho Yến hay có tôi đang chờ tại nhà Mùi.
Yến đến ngay và tôi làm ra vẻ xúc động báo cho nàng biết: “Ngày mai anh đi lính, em ở lại bình yên”. Bất ngờ quá, Yến nghe như sét đánh và cầm lấy tay tôi bóp chặt mà không nói lời nào. Trong ánh đèn dầu le lói của nhà Mùi, tôi nhìn thấy rõ hai giọt nước mắt lăn từ từ trên má nàng. Yến cũng bị xúc động mạnh trước tin chia tay này. Tôi chỉ can đảm kéo mạnh người Yến ngả vào người tôi, tay ôm choàng sau lưng nàng mà nghe hai con tim đập thình thịch.
Tôi hôn lên mái tóc nàng nghe lòng rạo rực. Yêu là như vầy sao hả? Tôi chưa xác định được thế nào là yêu, nhưng cảm xúc lại dâng trào. Cũng đã khuya rồi, sợ làm phiền nhà của Mùi, tôi bảo em về đi kẻo nhà em đi kiếm. Giây phút ấy tuyệt vời lưu luyến làm sao, rồi chúng tôi cũng xa nhau từ ấy.
Trong thời gian huấn nhục tại Quân Trường, nàng có gởi thư thăm tôi. Thư của người con gái quê biểu lộ tình cảm mộc mạc bình dị và rất chân thật, dường như tôi cũng đọc được ý tưởng xa xa rằng nàng vẫn chờ đợi ngày gặp tôi ….
Tôi ra trường và đi biền biệt, coi như một kỷ niệm đầu đời của đứa con trai mới lớn, và tôi cũng quên dần theo năm tháng chiến chinh. Đến một ngày tôi được phép trở lại quê thăm cha mẹ, được tin Yến đã lấy chồng, người chồng không ai khác hơn là bạn học một lớp với tôi. Người bạn ở sát nhà nàng “chỉ cách giậu mùng tơi” giống như lời trong một bài hát nào đó. Tôi không thấy buồn mà mừng cho nàng đã tìm ra điểm tựa. Người bạn cùng lớp này cũng đã biết Yến thương tôi và chờ đợi, và có lẽ trong tình cảm người con gái cũng dễ xiêu lòng khi sự đợi chờ trong vô vọng. Ân đã đánh liều bắn tiếng muốn cưới nàng làm vợ, và Yến đã dễ dàng ngã trong vòng tay của Ân.
oOo
Buổi chiều xuống rất nhanh trên vùng trời Đồng Xuân-La Hai, một quận lỵ nhỏ nghèo xác xơ nằm lọt thỏm trong các dãy núi bao quanh. Một thung lũng khô cằn có một Quận lỵ và một Bộ Chỉ Huy Chi Khu. Quận Đồng Xuân cách Thành Phố Tuy Hòa Phú Yên cũng phải 45 cây số, muốn đến Đồng Xuân La Hai người ta phải đi bằng xe đò từ Tuy Hòa đến ngả ba Chí Thạnh, rồi từ đó chuyển sang một loại xe nhỏ hơn, chạy đường lộ xấu hơn, khoảng 15 cây số nữa mới đến Đồng Xuân- La Hai.
Tình hình an ninh ở đây trở nên tồi tệ hơn khi có nhiều đơn vị địch xuất hiện lăm le muốn nuốt Quận này vào tay giặc. Một Liên Đoàn Biệt Động Quân phải vào đây hành quân tiêu diệt địch kéo dài ba tháng sau khi ổn định mới rút đi. Dĩ nhiên có các đơn vị Quân Đội cơ hữu của Chi Khu là các Đại Đội hay Liên Đội Địa Phương Quân trú đóng xung quanh vùng. Một Pháo Đội Pháo Binh sáu khẩu đại bác 105 ly và hai khẩu 155 ly của tôi cũng được chiếm đóng bên này đầu cầu nằm thoai thoải trên triền núi thấp cùng chung với Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân được tăng phái từ Sài Gòn ra. Hai đơn vị nằm cạnh con đường chính trước khi đến Quận đường.
Mưa bắt đầu rơi nhẹ và bầu trời đen nghịt mây, báo hiệu sắp có mưa lớn, tôi lái chiếc xe jeep chạy một vòng cuối trước khi băng qua cầu La Hai để trở lại đơn vị của mình sau khi vào một tiệm sách. Khi chiếc xe vừa đến khoảng đất trống dành cho các loại xe đến và đi tại Quân này mà người ta thường gọi là Bến Xe Đồng Xuân.
Một người đàn bà đang xách cái giỏ có vẻ như đi từ xa đến thăm người thân, đang lớ ngớ nhìn dáo dác, vẻ mặt hoảng hốt lo sợ, tôi chạy ngang qua bất ngờ nhìn thấy đó là Yến, người bạn gái hay cũng còn gọi là người “ tình” đầu đời của mình cách đây mười năm. Nàng vẫn còn giữ dáng nét cũ của ngày xưa nên tôi rất dễ dàng nhận ra.
Tôi bước xuống xe đến trước mặt nàng: “Yến, có phải là Yến không? Sao em ở đây?” Yến tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên tột cùng khi nhìn thấy tôi tại nơi này, khi mà lòng nàng đang hoang mang lo sợ giờ này không còn chiếc xe lam nào để về điạ danh Xuân Lãnh, nơi chồng nàng đóng quân.
Yến bối rối thấy rõ, chen lẫn sự vui mừng gặp lại tôi, cũng đã mười năm liền kể từ khi hai đứa đi chặt cây làm Ấp Chiến Lược. Yến tỏ ra dạn dĩ hơn ngày xưa nhiều, bất ngờ nàng nắm lấy tay tôi biểu lộ sự xúc cảm của một thứ tình cũ hiện về. Nàng nói vội vã trong nét mừng vui:
“Anh Trãi, anh cũng ở đây sao? Em đi thăm anh Ân, chồng em; xe đò bị kẹt ở Hảo Sơn Vũng Rô vì Việt Cộng ra chận xe đò đóng thuế nên em tới đây trễ quá, giờ này không còn xe để đến chỗ anh Ân nữa. Em đang lo quá, không biết phải làm sao bây giờ…”
Phải nói rằng “Mười Năm Tình Cũ”, bây giờ tôi xúc động quá khi đứng trước mặt nàng. Yến không thay đổi mấy, chỉ thấy dày dạn hơn, không còn nhút nhát e thẹn như ngày xưa. Vẫn mái tóc đen mướt và dài ngang vai, nét đẹp sau mười năm vẫn vậy. Tôi liếc nhanh trên thân thể nàng xem người con gái đã thành đàn bà sau mười năm ra sao. Nụ cười, và nhất là ánh mắt rất có duyên của nàng, vẫn còn đọng như xưa. Tôi bị xúc động choán ngộp tâm tư, phải mất mấy giây sau mới nói nên lời.
“Đơn vị của anh đóng ngay đây gần ba tháng rồi, thật là bất ngờ gặp lại em trong hoàn cảnh lửa đạn như thế này! Bây giờ không có xe nào đến chỗ chồng em đâu. Mà anh Ân đóng ở đâu và làm gì?”
Yến trả lời:
“Dạ anh Ân đang là Địa Phương Quân của Chi Khu này đóng ở Xuân Lãnh cả năm nay.”
“Thôi em hãy về chỗ đơn vị anh ngủ đỡ sang mai có xe về chỗ anh Ân.”
Tôi vừa nói vừa nắm lấy tay Yến. Yến chớp mắt tỏ vẻ cám ơn và dạ rất ngọt vì không còn cách nào khác. Không biết nếu không gặp tôi thì thân nàng sẽ như thế nào qua đêm nay vì ở đây không có người quen không có nhà trọ mà là nơi đang đánh nhau.
Tôi chở Yến về đơn vị, sau khi dùng cơm chiều, trong khi tôi bảo người lính giúp tôi hằng ngày đặt thêm một ghế bố trong phòng của tôi cho Yến ngủ tạm một đêm, tôi đưa Yến ra cái nhà lục giác mái lợp bằng tranh thường làm nơi ngồi nghỉ lúc thanh thản sau những buổi cơm chiều.
Yến ngồi trên chiếc ghế gỗ đóng bằng thùng đạn Pháo Binh hình thù cũng giống như ghế sopha trong phòng khách gia đình. Tôi ngồi đối diện nàng và bắt đầu gợi lại tất cả những kỷ niệm, hình ảnh cũ ngày xưa. Một khúc phim quay chậm trở về trong ký ức, niềm cảm xúc dâng lên y như ngày nào quen nhau.
Yến bảo tôi:
“Em yêu anh thật nhiều, em buồn đến tận cùng nỗi nhớ khi nghe tin anh đi lính và cố ý đợi chờ anh về để mình lấy nhau. Anh tàn nhẫn với em lắm, không tin tức thư từ gì hết….”
Nói đến đây thì những giọt nước mắt từ hai bờ mi nàng lăn dài trên má. Tôi công nhận tất cả lời nàng nói là đúng. Tôi đang nghe lòng mình ray rứt một chút hối hận về chuyện không trở về, không thư từ. Chắc cũng tại chuyện “bà con” mà ba tôi đã cảnh cáo chăng? Tôi đến ngồi chung ghế với nàng, vòng tay sau lưng kéo nàng vào thật sát. Yến ngả người hết tầm vào người tôi như một dịp được oán trách giận hờn người yêu cho hả dạ.
Yến cố phân bua cho tôi biết tại sao Yến chấp nhận lấy anh Ân, người sát hàng rào mà không hề thương yêu. “Cũng tại sự đợi chờ nào cũng có mức giới hạn của nó, em phải buông xuôi chứ không thể để đời người con gái thành lỡ thì”. Tôi không hề trách Yến sang ngang. Tại tôi hết mà. Mười năm gặp lại trong hoàn cảnh oái ăm lúc chiến trận đang còn như hôm nay. Tôi ngậm ngùi và nghĩ “âu cũng là duyên số”.
Yến đang nằm trên chiếc ghế bố nhà binh đặt song song với chiếc giường đóng bằng thùng gỗ Pháo Binh của tôi, nàng nằm bất động, không biết đã ngủ chưa, có thể thời gian đi xe đò làm nàng mệt nên dễ ngủ, có thể nàng trằn trọc với kỷ niệm cũ của tình đầu hiện về và chưa ngủ…?
Tiếng kẻng báo động cho Pháo Đội “VỀ CHỖ BẮN” vang dội giữa núi rừng Đồng Xuân. Tôi biết có đơn vị chạm địch hay bị địch tấn công nên đã xin tác xạ. Thường là do các toán Đề Lô của Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân gởi về Xin Tác Xạ khi đụng trận. Nhưng bây giờ là Điện Văn Xin Tác Xạ trực tiếp từ Chi Khu Đồng Xuân. Pháo đội của tôi có nhiệm vụ yểm trợ trực tiếp cho Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân tăng phái ở đây, và đồng thời cũng yểm trợ lãnh thổ cho Chi Khu Đồng Xuân khi cần.
Địch với quân số gấp năm lần đơn vị trú đóng tại Xuân Lãnh đã dùng chiến thuật biển người ồ ạt tấn công, đồng thời địch ngăn chận sự can thiệp yểm trợ Pháo Binh cho đồn nên đã bắt đầu mở màn bằng pháo kích căn cứ Hoả Lực Pháo Binh của tôi. Một toán đặc công đã lọt vào tới bên trong trước khi bộ binh địch xung phong qua các lớp mìn bẫy gài xung quanh đồn, nơi mà có trung úy Ân làm Trưởng Ban 3 cho Liên Đội, chồng của Yến đang có mặt tại vị trí của tôi.
Bằng giá nào tôi cũng phải cứu Đồn Xuân Lãnh, và nhất là bây giờ được biết có người bạn cùng lớp với mình trong ấy và là chồng của người tình năm xưa, càng làm tôi tăng thêm số lượng đạn được bắn đi nhiều hơn mỗi khi có yêu cầu. Vì nhiệm vụ yểm trợ trực tiếp cho Liên Đoàn Biệt Động Quân nên hệ thống liên lạc vô tuyến chỉ liên lạc trực tiếp với Các Đề Lô của Biệt Động Quân mà không có hệ thống trực tiếp với các cánh quân hay Đồn của Địa Phương Quân. Chúng tôi bắn qua trung gian của Bộ Chỉ Huy Chi Khu. Khi tôi biết có Ân, chồng của Yến đang lâm nguy, tôi yêu cầu Chi Khu cung cấp tần số liên lạc truyền tin của Căn cứ Xuân Lãnh để tôi trực tiếp liên lạc và yểm trợ .
Yến cũng đã thức giấc từ lâu khi có tiếng kẻng báo động trong Pháo Đội. Tôi ngăn không cho Yến ra khỏi hầm ngủ và không hề biết gì về căn cứ Xuân Lãnh, nơi có chồng nàng bị tấn công. Rất may mắn vì xe đò bị kẹt đường đến trễ, chứ nếu không thì đêm nay Yến có mặt cùng với chồng thì không biết phải ra sao. Tại sao có một sự trùng hợp lạ thường, Yến đến thăm chồng ngay đúng vào đêm địch tấn công căn cứ của chồng mình, và sao khiến Yến đã gặp tôi ngay đêm nay khi đơn vị của chồng đang bị tấn công. Ân hiện thời không hề biết có vợ mình ở đây, vì từ chiều tới giờ tôi không liên lạc được với đơn vị của trung uý Ân.
Có đến gần một ngàn ba trăm quả đạn 105 ly và 600 đạn 155 ly bắn để giải cứu áp lực địch đang bị tràn ngập. Trận chiến bắt đầu từ hai giờ sáng, mãi đến 10 giờ sáng hôm sau hai Tiểu Đoàn Biệt Động Quân đến nơi giải toả và đánh lui địch quân ra khỏi vùng.
Yến bồn chồn lo sợ và lần đầu tiên trong đời làm vợ lính biết chiến tranh, biết Pháo Binh bắn là như thế nào, nhưng Yến không hề biết đang bắn yểm trợ cho chồng mình đang nguy kịch. Tôi không cho nàng biết vì sợ xúc động, nước mắt của đàn bà làm rối tung sự việc.
Khi một cánh quân của Biệt Động Quân vào được trong Căn Cứ làm chủ tình hình thì tôi cũng nhận được kết quả sau trận đánh. Xác địch chết ngổn ngang xung quanh hàng rào kẽm gai vòng ngoài phòng thủ lẫn bên trong Đồn, cũng như bê bết những vết máu do đồng bọn mang đi của những quân địch bị thương. Có tất cả 44 cái xác mang dép râu nằm tại chỗ, còn bên Địa Phương Quân cũng phải trả giá rất nặng, có 62 quân nhân đền nợ Nước, trong đó có một Trung Uý, một Chuẩn Úy.
Linh tính cho tôi thấy ớn lạnh khi nghe có một Trung uý thiệt mạng vì địch ném beta vào hầm chỉ huy của Căn Cứ. Tôi liên tưởng tới người bạn học cùng lớp cùng trường với mình, và là chồng của Yến đang đứng đây. Tôi nhắm nghiền hai mắt, thầm cầu nguyện Trung uý vừa tử trận không phải là Ân. Tôi cũng chưa dám nói gì cho Yến biết trong giây phút này.
Tiếng chuông điện thoại reo trong Đài Tác Xạ, người Hạ Sĩ Quan Truyền Tin đến trước mặt tôi và nói;
“Dạ Bên Liên Đoàn muốn nói chuyện với Đại Uý”. Tôi cầm ống liên hợp và được biết Trung Tá Tống Viết Lạc, Liên Đoàn Trưởng, rủ tôi đi cùng chuyến bay đến quan sát trận chiến vừa tạm kết thúc. Ông ta đã có Sĩ Quan Liên Lạc Pháo Binh nằm cạnh Liên Đoàn mỗi khi bay thám sát, chọn bãi đáp trước khi đỗ quân, nhưng bây giờ rủ tôi đi chỉ vì tình cảm cá nhân. Tôi đồng ý ngay vì cũng muốn quan sát từ trên cao các lỗ đạn Đại Bác rơi trên mục tiêu ra làm sao, mặc dù đang có Yến trong đơn vị lúc này.
Tôi lôi theo một âm thoại viên truyền tin và mang theo cái máy PRC 25 phòng ngừa có chuyện gì thì gọi Pháo Binh bắn ngay. Chiếc trực thăng còn phải qua bên Chi Khu đón ông Chi Khu Trưởng kiêm Quận Trưởng đi cùng. Từ trên cao và cách không xa lắm tôi đã nhìn thấy cả hàng ngàn lỗ đạn in dấu khắp nơi. Pháo Đội đã yểm trợ cho Địa Phương Quân đang lúc bị tấn công và còn yểm trợ cho hai cánh Biệt Động Quân đến giải cứu. Lúc chúng tôi đặt chân xuống đất đã chứng kiến cảnh tượng trận chiến “xáp lá cà”, hai bên vật lộn nhau trong căn cứ, nhưng đa phần phe địch giành thế thượng phong vì phe ta bị bất ngờ bởi toán đặc công địch cắt hàng rào trước khi nổ súng, khi phát giác địch thì đã trễ.
Vài phút sau thêm hai trực thăng nữa của Đại Tá Tỉnh Trưởng Phú Yên cũng đáp xuống. Tôi rời đám đông và cố ý đi tìm người bạn của tôi. Tôi đã nhìn thấy Ân nằm chết ngay trong căn hầm chỉ huy của Căn Cứ vì bị ném beta.
Những chiếc trực thăng tải thương mang những người lính bị thương rời khỏi Đồn và sau cùng là xác những quân nhân tử trận đáp xuống Chi Khu. Tôi đã trở lại Pháo Đội và bảo Yến đi với tôi. Yến linh tính biết điều không may và khóc nức nở, hỏi tôi dồn dập. Tôi nghe đắng chát khô cổ họng, không thể mở miệng nói lời nào đối với cái tin đau đớn tột cùng này. Tôi chở Yến đến Bộ Chỉ Huy Chi Khu Đồng Xuân để nhìn mặt và tìm xác của Ân.
Người lính mở từng cái “giây kéo” của từng chiếc poncho ôm kín xác chết ra cho tôi và Yến nhìn mặt. Yến bật ngã xuống ngay khi nhận được xác chồng mình. Tôi bế xốc nàng lên trong khi nước mắt ràn rụa và nàng xỉu. Tôi kêu người tài xế phụ với tôi đưa nàng đến xe của tôi ngả lưng nghỉ tạm.
Tôi gặp ông Thiếu Tá Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng và đề nghị cho người vợ của Trung úy Nguyễn Văn Ân cùng ngồi chung trực thăng đưa xác chồng về Tuy Hòa để cơ quan Chung Sự lo tiếp. Đợi cho máy bay cất cánh xong tôi trở về đơn vị và chuẩn bị cùng tài xế và toán hộ tống đi Tiểu Khu Phú Yên, đến nơi lo về thủ tục Hậu Sự ngõ hầu giúp vợ Trung úy Ân phải biết làm gì. Cái khổ là Yến chỉ một thân một mình nơi xứ lạ, thủ tục nhà binh không rành, chỗ ăn ngủ khó khăn, còn tôi không thể bỏ đơn vị Pháo Binh vắng qua đêm khi không có phép. Tôi phải chạy đi chạy về trong ba ngày để giúp Yến, cuối cùng Yên cũng tháp tùng cùng chiếc xe GMC chở quan tài của chồng về quê trong nước mắt gần như cạn kiệt. Lần đầu được gặp người tình sau 10 năm và cũng là lần cuối rước xác chồng về quê nhà lo chôn cất.
Related news items:
Tin mới
- Cành lê hoa mùa đông - 05/12/2016 18:10
- Những Chuyện Buồn Vui ... - 05/12/2016 18:00
- Mùa thu cuộc tình - 05/12/2016 17:48
- Nhớ... Ngày em đi! - 24/11/2016 19:22
- Ba dòng nước mắt - 24/11/2016 16:21
- Bán chữ - 24/11/2016 16:16
- Xin Cảm Ơn Đời, Tri Ân Người - 21/11/2016 04:06
- Ngược Dòng - 21/11/2016 03:54
- Đáo hạn - 13/11/2016 16:56
- Bến nước mười hai - 13/11/2016 16:52
Các tin khác
- Làm Anh - 06/11/2016 16:12
- Tiếng Dương Cầm đã tắt… - 06/11/2016 16:04
- Chuyện Ma - 30/10/2016 16:22
- Hội ngộ - 30/10/2016 16:19
- Lời hứa bên sông - 30/10/2016 16:14
- Mùa Thu trong thi ca - 23/10/2016 14:52
- Một kiếp phù sinh - 23/10/2016 14:47
- Viên thuốc màu xanh - 23/10/2016 14:42
- Chị Bẹo - 16/10/2016 14:59
- Một thời để yêu - 16/10/2016 14:54