Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyện Tình Trên Phá Tam Giang

chuyen tinh tren pháDu tắt máy cho thuyền của minh tiến từ từ vào khoảng nước trống dành cho chỗ họp chợ mỗi ngày, rồi dùng mái chèo bơi nhẹ vào khu chợ nổi. Đã gần 4 giờ sáng một vùng đầm phá Tam Giang còn chìm trong bóng đêm bỗng sáng dần lên từ những ánh đèn pin. Ánh đèn pin từ tám hướng đổ về theo sự di chuyển của hàng trăm chiếc thuyền bé nhỏ rải rác khắp nơi. Rồi những chiếc thuyền ấy tiến đến gần nhau khiến ánh đèn chụm lại, tạo nên một điểm sáng lớn giữa mênh mông sông nước. Đó là cảnh họp chợ tại chợ nổi thôn Mỹ Thạnh khi chúng ta quan sát từ trong bờ. Trên đầm phá, tiếng mái chèo khua nước, tiếng gọi bạn í ới, tiếng cười đùa của các ngư dân rộn ràng khi gặp nhau. Không ai biết cái chợ nổi Mỹ Thạnh có từ bao giờ, Du chỉ biết từ nhỏ đã theo ba mạ đi bán tôm cá đánh bắt được trên đầm phá là đã thấy nó rồi. Ngày trước nó chỉ là nơi họp chợ của dân trong làng trong việc mua bán trao đổi thủy hải sản. Bây giờ cái chợ nổi nầy là nơi họp chợ của cả một vùng đầm phá vì sự lâu đời và sự di chuyển thuận tiện của nó. Khi bóng đêm còn chưa tan hết, chợ đã bắt đầu đón nhận những ghe thuyền của người dân sống bằng nghề sông nước sau một đêm đánh bắt vất vả đổ về đây và thương lái cũng chờ đón để mua. Cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng khoảng một hai giờ rồi tan. Người bán muốn bán nhanh để về nhà thu xếp ngư cụ, công việc gia đình, ngủ một giấc để chuẩn bị cho buổi đánh bắt ngày hôm sau, còn người mua hay thương lái cũng muốn mua nhanh để kịp phiên chợ sáng của chợ huyện, chợ lớn thành phố, nếu họp chợ quá lâu tôm cá sẽ không còn tươi ngon nữa hoặc lỡ cả một phiên chợ không bán được. Cả một khoảng sông nước sáng lên từ những ánh đèn pin như thế xen lấn trong tiếng ồn ào làm cho chợ nổi càng lúc càng thêm đông đúc, náo nhiệt.

Tuy goi là chợ nhưng đa số ai đến họp chợ ở đây đa số đều biết nhau, biết tên họ, quê quán tuổi tác của nhau khác với những ngôi chợ trên bờ. Ngoài việc mua bán tôm cá thủy hải sản cũng là dịp mọi người thăm hỏi sức khỏe công việc của nhau, thông tin cho nhau những tin tức mà họ nghe được chẳng hạn cái chết thương tâm của hai đứa con ông An đuối nước khi đi bắt nuốc, đám ma của ông Lê được nhiều quan chức đến điếu vì con ông đang có chức quyền cao ở tỉnh…Chính vì thế buổi họp chợ ngoài việc mua bán, trao đổi còn là niềm vui của những người quen biết được gặp nhau.

Cô Nụ một thương lái quen cho chiếc xuồng nhỏ của mình cập mạn thuyền của Du cười bổ bả:

- Thế nào chú Du, đêm qua đánh bắt được nhiều chứ, có gì bán cho tôi nào?

Du cười nhẹ:

- Ít thôi cô ạ nhưng bù lại có mấy con cua nên cũng bù cho một đêm vất vả.

- Cậu đưa đây cho tôi cân nhé.

Nói xong cô Nụ nhanh nhẹn đở lấy cái xô đựng thủy sản từ tay Du, phân loại và lấy cân cân lấy, tính toán rồi lấy tiền trả cho Du, sau đó dùng mái chèo bơi đi. Du hỏi với theo:

- Cô Nụ ơi, có thấy thuyền của Duyên đến họp chợ chưa cô nhỉ?

Vừa bơi thuyền cô Nụ vừa trả lời:

- Chưa thấy bóng dáng cô ấy đâu, chắc một lát nữa đến thôi mà, cậu chờ đi, chưa gì đã nhớ rồi à?

Du còn nghe tiếng cười có vẻ đùa vui của người đàn bà trong gió. Kệ cô ta đi, có gì mà mình phải mắc mớ giấu diếm nhỉ? Trai gái lớn lên yêu nhau là chuyện thường tình mà. Du cười một mình và cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Anh và Duyên từ nhỏ sống cùng thôn, tuy nhà một đứa ở đầu thôn còn một đứa ở gần cuối thôn, cả hai cùng học chung lớp từ tiểu học, lên cấp 2, chưa hết cấp 3 phải bỏ học vì hoàn cảnh. Mỗi ngày đi học cùng về chung một đường, ngày mưa cũng như ngày nắng nên tình cảm cũng tự nhiên mà đến vậy thôi. Hoàn cảnh mỗi đưa nghỉ học có hơi khác nhau. Năm Du học lớp 10, một hôm ba Du đi giăng lưới ở phá về đột ngột cảm lạnh rồi mất, Du phải nghỉ học thay ba kiếm sống trên phá, còn Duyên học xong lớp 11, mạ cô bỗng dưng bệnh qua đời, ông già buồn tình bỏ bờ xuống nước, suốt ngày ở trên chồ lấy công việc đánh bắt, chăm nom nò sáo nuôi thủy sản để làm vui. Thương ông già cô đơn, một mình thui thủi sống đơn độc giữa bốn bề sóng nước mênh mông, bệnh tật thất thường ai lo? Duyên đành nghỉ học theo ba ra chồ để sống. Thời gian hai đứa từ đó gặp nhau cũng ít ỏi đi, thường ở phiên chợ sớm nầy thôi nên mặc dù mua bán đã xong Du cũng nấn ná chờ Duyên đến.

Du chèo thuyền len lỏi vào chợ nổi tìm Duyên. Duyên đã thấy thuyền Du từ xa nhưng còn bận xem cân hàng lấy tiền đã, hơn nữa vội gì lên tiếng người ta để ý. Duyên biết khi cân cá xong thế nào Du cũng tìm nàng. Du cho thuyền cập mạn song song với thuyền của Duyên hỏi:

- Cân xong chưa Duyên?

Duyên nhìn anh nói nhẹ:

- Gần xong rồi anh. Anh chờ em một chút nhé.

- Ừ! Thì chờ.

Cả hai cho thuyền thong thả rời chợ nổi, Du cầm một chiếc hộp nhỏ đưa sang cho Duyên nói gọn lỏn:

- Tặng em.

Duyên dừng tay chèo đón lấy:

- Gì vậy anh?

- Đoán đi.

- Không đoán cũng biết. Cái kẹp tóc đúng không?

Du chưng hửng ngạc nhiên:

- Sao đoán hay vậy.

Duyên cười:

- Ông nầy mau quên quá.

- Quên sao?

- Chẳng phải mấy hôm trước anh nói trên nhà chồ gió thổi nhiều lắm, làm tóc Duyên rối hết rồi nhìn coi không đẹp để anh mua cái kẹp tóc cho Duyên.

- Ừ nhỉ. Anh mau quên thật. Còn gói thuốc bánh nầy em đưa cho ba nhé.

Duyên nhìn Du cười cà rởn:

- Cho người ta nói lại đó. Ba của ai nè.

- Thì ba của Duyên.

- Nhưng ai gọi là ba:

- Thì ba của Duyên cũng là… ba của anh mà. Nói chi ngộ hè.

- Cưới con người ta hồi nào mà gọi là ba?

- Trước sau gì cũng gọi là ba. Gọi trước cho quen miệng không được sao?

- Anh khôn thí mồ. Mà anh mua thuốc cho ba hoài, ổng hút càng nhiều càng ho thêm có ích chi mô?

- Người già quen tật khó bỏ được mà, em hiểu cho ba đi. Hơn nữa ở chồ bốn bề lộng gió, lạnh người hút cho ấm mà.

Đến một chỗ rẽ, họ chia tay. Duyên cho thuyền ra phá về chồ, còn Du hướng lên bờ để lo cho một ngày mới đang chờ đợi phía trước. Lòng họ cảm thấy ấm áp một chút vì được gặp nhau dù chỉ là giây phút ngắn ngủi.

Từ ngày ba mất, Du phải bỏ học, thay ba kiếm sống trên phá để lo cho mạ và đứa em gái đang tuổi ăn tuổi mặc, con bé lại sắp thi tốt nghiệp nên cũng cần được chăm sóc nhiều hơn. Mạ đôi khi trái gió trở trời lại lăn ra bệnh, tất cả gánh nặng cơm áo Du đều phải cáng đáng lo toan nhưng anh không phiền hà về chuyện đó. Cũng như dân vạn chài, sáng sớm Du đã dong thuyền ra phá để thả lừ bủa lưới, buổi trưa khoảng 2 giờ lúc nầy nước cao, con nước đứng, tôm cá đi ăn nhiều là có thể kéo lừ thu hoạch. Sau đó lại chọn hướng gió thả lừ tiếp, mỗi tay lừ dài khoảng 10m, dân chài nào cũng có vài chục hoặc hàng trăm tay lừ như thế. Đợt thả lừ nầy chờ nửa đêm là kéo lên thu hoạch và đem ra chợ sớm để bán. Thuở ba Du còn sống, tôm cá còn nhiều giăng lưới thả lừ không đi xa mấy, đánh bắt tôm cá cũng đủ cái ăn cái mặc hằng ngày, tuy không khá giả hơn ai nhưng không phải lo toan nhiều về cuộc sống. Nay tôm cá ngày một ít đi, người ta lại đánh bắt nhiều, có kẻ lại dùng xung điện, lưới cào để tận diệt, tôm cá nào sinh sôi nẩy nở cho kịp để thỏa mãn lòng tham của con người kia chứ, nên muốn đánh bắt được nhiều tôm cá thuyền càng lúc càng phải đi xa bờ hơn nữa.

Hoàn cảnh của gia đình Du đã khổ mà nhiều gia đình trên đầm phá cũng khổ không kém, Có người nghèo đến nỗi không sắm được chiếc thuyền để bủa lưới thả lừ, ngày ngày chỉ biết mò trìa, suốt ngày ngâm mình trong dòng nước lạnh lẻo để bắt trìa cũng chỉ đủ miếng cơm hằng ngày. Đó là chưa nói đến chuyện thời tiết, mấy hôm vừa rồi xảy ra một tai nạn rất thương tâm làm chết cả gia đình. Anh Hải ở thôn bên đang kéo lừ bỗng cơn dông từ đâu ập đến, sóng duềnh cao làm thuyền lật, anh cố gắng kéo vợ con lên bờ, đuối nước cả gia đình cùng chết, đau đớn hơn thuyền của người mẹ chồng kéo lưới gần đó nghe tiếng người đàn bà kêu cứu nhưng sóng lớn quá không thể nào đến được, chừng biết ra người bị nạn là gia đình con trai mình khóc hết nước mắt. Cũng có người may mắn thoát chết, đó là vợ chồng anh Phiên ở Điền Hải.Đêm đó thuyền thả lưới gặp sóng to, gió thổi mạnh làm chiếc thuyền dạt ra cửa biển. Hai vự chồng cố gắng chèo chống đở đến kiệt sức cho đến khi thuyền sắp chìm. Họ đánh liều bỏ thuyền cột phao vào người rồi để mặc cho người trôi theo dòng nước. Cũng may sóng đây họ tầp vào đê chắn sóng và họ được một chiếc tàu cá cứu sống. Biết được điều đó, Du cũng không thấy buồn cho hoàn cảnh của mình.

Một buổi sáng, thuyền chú Ba Địa – bạn của ông Bảy, ba Duyên cập vào nhà chồ, chú cột dây, gọi ông Bảy ơi ới rồi cùng ông Bảy đem lên nhà chồ mấy can nước, một số vật dụng cần thiết mà ông Bảy nhờ mua như mắm, muối xà bông, bột ngọt. Từ ngày vợ mất, ông Bảy buồn tình ra chồ sống, ít khi lên bờ. Mấy thứ lặt vặt thường hay nhờ chú Ba Địa lên bờ mua hộ vì chú về nhà trên bờ thường xuyên. Ông Bảy gọi Duyên đem bình rượu thuốc mà ông ngâm để dành khi có bạn đến chơi, Duyên lúi húi ra sau nướng miếng khô cá cho hai ông nhấm rượu. Nhìn theo Duyên chú Ba Địa hỏi ông Bảy:

- Con nhỏ năm nay bao nhiêu rồi anh?

Ông Bảy nhìn ông bạn già của mình:

- Chậc. Ông hỏi tui mới nhớ. Con nhỏ năm nay đã hai hai còn gì. Mới đây mau quá. Mạ nó mất đã năm năm rồi, lúc đó nó mới mười bảy tuổi. Tui bỏ ra đây sống một mình, nó thương tui bỏ học ra đây sống cùng tôi cho tới bây giờ.

- Con gái lớn rồi phải lo dựng vợ gả chồng cho nó đi chớ. Ông không nghe người ta nói có con gái trong nhà như hủ mắm treo đầu giường sao?

Ông Bảy vặn vẹo:

- Chú nầy nói lạ, con mình mình biết chứ. Nó đâu phải như con gái người ta lo ăn diện đâu mà chú lo.

- Tui nghe nói nó với thằng Du con bà năm Nghĩa quen nhau lâu rồi đó.

- Chuyện nầy tui biết. Hai đứa nó sống cùng thôn, từ nhỏ tới lớn học chung lớp chung trường mà. Tính tình thằng Du cũng là đứa hiều hậu tui cũng ưng, mà nói thật hoàn cảnh của nó nghèo quá tui không đành cho con Duyên chịu khổ.

- Ừ! Bạn già với nhau thì tui nói vậy, thàng Du tui cũng chịu chứ con của bà Thu ở nhà hàng bên Cồn Tộc hay thằng con của thằng cha Nhung trưởng công an xã là tui không ưng cái bụng đâu đó.

- Chuyện của gia đình tui mà chú khéo lo. Thôi vô một ly cho ấm bụng cái đã.

Duyên ở bên trong đang trở miếng khô cá, nghe hết. Cô tủm tỉm cười. Cô biết ông Bảy thương cô nên nói vậy thôi. Ngọn lửa trên bếp bập bùng làm hồng thêm má người thiếu nữ, chợt cô giật mình khi nghe tiếng cha gọi:

- Duyên ơi, đang nướng cá à. Có mùi khét rồi đấy. Cái con nầy…

Khi chú Ba Địa về rồi, ông Bảy ngồi trầm ngâm một mình,lặng im không nói năng nhưng trong bụng ông nghĩ lung lắm: Duyên năm nay cũng đã hai hai rồi chứ còn nhỏ nhít gì nữa đâu, ở cái xứ đầm phá nầy ngày xưa ở cái tuổi ni đã là đàn bà một nách mấy con rồi chứ có phải sống độc thân như vậy đâu. Từ ngày vợ mất ông cảm thấy hụt hẩng trong lòng, bỏ ra chồ ở, vui cùng sông nước. Con bè thương cha ra chồ để săn sóc ông bỏ cả ước mơ làm cô giáo của mình. Ông biết thế nên ông thương con bé lắm chứ. Ông cũng biết tình cảm của con gái ông với thằng Du ở đầu thôn, hai đứa học chung quen nhau từ thời để chỏm, tắm còn ở truồng làm gì lão không biết, tánh tình cũng hiền hậu ăn ở tử tế mọi xóm giềng, ông không có gì chê trách nếu Du làm rể ông, nhưng ngặt nổi thằng nầy gia đình nghèo quá, một mình gồng gánh chuyện gia đình, mẹ già ốm yếu ho hen, còn đứa em gái còn đang học hành, gả con gái cho nó liệu con mình có chịu khổ nổi hay không? Hay vài ba bửa lại cắn đắn bỏ nhau thì khổ đời con gái ông tội nghiệp. Mà có phải con Duyên không ai để ý đến đâu. Bà Thu chủ nhà hàng ở Cồn Tộc, có của ăn của để lại là mối quen biết làm ăn, chuyên thu mua tôm cá nò sáo của gia đình ông nhiều lẩn ướm hỏi Duyên cho con trai bả, mới hôm qua đây thôi chứ có xa xôi gì đâu khi lão đem tôm cá cho nhà hàng bả còn dạm hỏi, nhắc lại nếu ưng con bả thì sau đám cưới bà ta giao lại nhà hàng nầy cho vợ chồng nó, bả rút về Huế lo mấy cửa hàng hải sản ngoài đó. Lão có lạ gì thằng Quân con bà Thu đâu, nó ỷ gia đình giàu có khá giả, không chịu lo học hành. Học chưa hết lớp mười hai đã bỏ ngang,tối ngày đàn đúm ăn nhậu, phá trời không mời thiên lôi, tuy chưa có tai tiếng gì nhưng ông không ưa ngữ thanh niên ấy, Ông nhớ hôm Duyên đi cùng ông đến nhà hàng để cân cá, nó nhìn con Duyên chăm chú như muốn ăn tươi nuốt sống con bé, Duyên không thích cái nhìn như muốn lột da lột thịt nó nên nó đứng tránh xa ra dù thằng Quân cố tình bắt chuyện, chớt nhã. Lão biết hết chớ, nhưng lão tảng lờ thản nhiên như không biết. Mấy lần sau Duyên ghét không đi theo ba nữa, thằng Quân thấy lạ lân la hỏi ông:

- Ủa! Hôm nay cô Duyên không đi với bác sao?

Ông ầm ừ cho qua chuyện:

- Nó bận rồi.

Thằng Quân nhìn ông như dò hỏi:

- Chắc má con có thưa chuyện hỏi cưới Duyên cho con với bác rồi chứ?

Ông trả lời gọn lỏn:

- Có.

Thằng Quân háo hức:

- Con thật lòng thương Duyên. Rồi bác nghĩ sao?

- Nghĩ sao là nghĩ sao?

- Bác ủng hộ chứ?

- Cậu nầy hỏi lạ? Chuyện ăn ở một đời của nó sao lại hỏi tui, sao cậu không hỏi con Duyên? Nó ưng đâu tui gả đó.

- Bác nói là Duyên ưng ngay mà.

- Tui là cha nó nhưng chuyện nầy là tự nó quyết định cậu ơi.

Ông Bảy biết về làm dâu nhà bà Thu thì Duyên sung sướng đấy, được làm chủ cả người ta, thậm chí muốn gì có nấy, không còn phải ngày đêm sống trên nhà chồ nhỏ bé chật chội, hằng ngày đối mặt với sóng nước mênh mông, vắng người hiu quạnh nhưng biết sống có lâu bền không khi có thằng chồng phá gia chi tử, tối ngày chỉ lo nhậu nhẹt đàn đúm. Lại nữa, còn lão Nhung, trưởng công an xã, mượn cớ đi tuần tra bọn ngư tặc lộng hành thường hay ăn trộm tôm cá của bà con trên đầm phá ghé nhà chồ của ông thường xuyên, mỗi lần có chút rượu vào là lời ra hỏi cưới con Duyên cho thằng con trai thứ của chả. Lão Nhung tâng bốc thằng con trai thứ lão thấu trời xanh: nào là đẹp trai có phong độ như tài tử ci-nê-ma, nào là sui gia với chả tôm cá trong nò sáo của lão không thằng ăn trộm nào dám sờ mó tới, ông cứ yên tâm ngủ thẳng cẳng…Ai mà không biết tánh khí thằng con trai lão Nhung: vợ chồng lão chiều chuộng con quá mức nên thằng nhỏ có thèm học hành gì đâu, ham đua đòi ăn diện, mai xe nầy một xe nọ, học chưa xong một nghề để nuôi thân thì lấy gì để nuôi vợ con. Lão chỉ ừ hử cho qua chuyện vì thẳng thừng từ chối thì mích lòng, hơn nữa lão cũng không nở xa con, nó luôn biết ý cha không bao giờ làm ông buồn lòng, nếu ông muốn đám nào chắc nó sẽ nghe theo dù nó không muốn. Thôi thì cứ thư thả đã. Hôm lão Nhung rề rà câu chuyện cưới hỏi, cũng có mặt chú Ba Địa nhà chồ gần đó, chú nói kháy một câu:

- Vậy chớ hôm nọ hồ của nhà ai bị bọn trộm khoắng gần sạch hết mấy trăm ký cua vậy ta?

Lão Nhung chưng hửng mặt quạu quọ:

- Tui mà bắt được bọn ăn trộm cua trong hồ của tui là tui xử liền. Cái thứ không biết kiêng nể ai cả. Chú đừng tưởng tui bỏ qua chuyện đó nghe, tui đang tìm kiếm thủ phạm đó. Còn cái nò sáo của chú đó, khéo mà trông chừng, kẻo nó ra tay thì đừng trách tui không nói trước à nghe.

Rồi chả đứng lên, phủi đit cái phạch, quày quả bước xuống đò nổ máy đi mất. Hai ông già còn ở lại đưa mắt nhìn nhau phá lên cười.

Du cho thuyền ra phá từ lúc nắng chiều đã nhạt. Anh thông thả neo thuyền chổ anh đánh dấu thả lừ buổi trưa. Giờ nầy còn sớm, anh nhìn những sợi nắng còn sót lại trong một ngày sắp tàn rải trên sông một màu đỏ ửng lấp lánh. Anh trông về phía xa, chổ nhà chồ của Duyên mà thấy nhớ và thương cô tha thiết, không biết cô giờ nầy đang làm gì có nhớ anh không? Tội nghiệp cô, sống thui thủi trên nhà chồ nhỏ bé kia, làm bạn với sóng nước mênh mông bên ông già trầm lặng ít nói, luôn đau đáu nhớ thương người vợ đã mất chắc cô buồn lắm. Chẳng có ai làm bạn để chia sớt nỗi vui buồn. Anh muốn giúp cô thoát khỏi nỗi buồn hiu quạnh kia nhưng anh biết phải làm gì bây giờ, hoàn cảnh của anh chắc cô cũng hiểu, chờ đợi có lẽ là một sự bất công đối với cô, con gái có thì, anh nằm xuống khoang thuyền, lấy bao thuốc rút một điếu gắn lên môi, đốt lửa rồi chợt thở dài buồn hiu.

Đêm đã dần khuya, trời bắt đầu trở gió, từ xa vài tia chớp ngoằn nghoèo rạch những vết chân chim lên bầu trời tối sẩm, Du thầm nghĩ có lẽ khuya nay trời mưa. Anh hy vọng kéo lừ xong trời hãy mưa. Gió bắt đầu thổi, mưa bắt đầu trút nước, sóng lô nhô từng đợt sóng .Cái lạnh như len vào từng thớ thịt của anh. Anh lặng lẽ cắm cúi kéo lừ, trút cá dính trông lồng vào xô. Bỗng anh nghe trong tiếng gió, có tiếng ai kêu cứu. Anh ngừng tay lắng nghe. Đúng rồi có tiếng người kêu cứu, hình như xuất phát từ nhà chồ của Duyên thì phải. Đúng là tiếng Duyên rồi. Chuyện gì thế. Anh vội buông lừ xuống nước nổ máy. Con thuyền chồm lên sóng, băng băng hướng về phía nhà chồ. Trong giây phút nầy sau Du cảm thấy con thuyền đi sao chậm thế. Tiếng kêu cứu càng lúc càng rõ hơn, đúng là tiếng Duyên:

- Cứu, cứu với. Ai cứu với.

Thuyền anh lướt tới ánh lửa trên nhà chồ mỗi lúc một gần. Trên nhà chồ Duyên đã thấy dáng thuyền của anh. Cô bụm tay nói to giọng như bị tiếng mưa át đi:

- Anh Du ơi cứu ba em với. Bọn trộm cá, bọn trộm cá…

Tiếng cô như nấc nghẹn lại. Du nhìn về phía nò sáo thấy hai chiếc thuyền đang nhầp nhô trên sóng, tiếng ông Bảy hét lên dữ dội:

- Lũ ăn cướp. Bọn bây là một lũ ăn cướp.

Ông đưa chiếc chèo giơ cao đánh vào lũ trộm cá. Một đứa đỡ mái chèo của ông giật mạnh làm ông lúi húi ngã sấp, thuyền chao đảo rồi lật úp. Du giận dữ hét lên một tiếng thật lớn tăng tốc cho thuyền mình đâm thẳng vào mạn thuyền của bọn trộm cá. Chiếc thuyền dạt qua một bên, chao đảo chòng chành như sắp lật. Hoảng hốt hai tên trộm nổ máy cho thuyền chạy ra xa trốn mất. Du vội vàng đỡ lấy ông Bảy người bấy giờ đã mềm nhủn bất động:

- Bác Bảy ơi có sao không? Con là Du đây bác Bảy ơi.

Trên chồ Duyên cũng sợ hãi không kém:

- Anh Du ơi! Ba em có sao không?

Du lính quính:

- Anh cũng không biết nữa. Phải đưa bác đi cấp cứu thôi.

Du đón vội Duyên xuống thuyền rồi nhắm hướng bờ mà lướt tới.

Mấy hôm nay nằm trong trạm xá làm ông Bảy cảm thấy khó chịu, buồn bực không yên. Một phần ông thấy mình bất lực trong việc bảo vệ tài sản của mình. Ai đời có trộm đến nhà chẳng những không bắt được chúng mà còn bị bọn chúng đánh cho bất tỉnh. Một phần mắc cở với Du, thấy mình có lỗi với nó quá. Đáng lý ra mình nên tin tưởng nó hơn, giao con Duyên cho nó sớm hơn nếu lỡ ông có mệnh hệ nào con nhỏ biết nương tựa vào ai. Nếu không nhờ có Du đêm ấy không biết ông có còn sống không? Âu là trời muốn thử lòng ông đây mà. Hàng xóm đến thăm, ai cũng mừng cho ông tai qua nạn khỏi. Thằng cha Nhung cũng đến thăm càm ràm:

- Đã trộm cá còn đánh người tội nặng đây. Phen nầy tui quyết bắt cho được bọn ác ôn nầy. Tui đã nói với ông rồi làm sui gia với tui là bọn chúng không dám đụng tới nò sáo của ông mà.

Thằng cha Nhung đi rồi, chú Ba Địa xí một tiếng rõ to:

- Chả là cái gì mà bọn trộm sợ chứ. Tối ngày chỉ lo tìm cách gài độ ăn nhậu là hay nhất.

Ông Bảy không nói gì, liếc nhìn ra ngoài sân thấy Du và Duyên đang ngồi trên băng đá trò chuyện với nhau, mặt mày đứa nào đưa nấy hình như tươi rỡ. Chắc tụi nó mừng ông sắp xuất viện về nhà đây mà. Mấy hôm nay cực cho chúng nó quá. Mấy ngày ông nằm đây, Duyên phải chầu chực lo cơm nước thuốc thang cho ông, chuyện nò sáo ông giao cho ông bạn già là chú ba Địa coi giùm, còn thằng Du nó cũng lăng xăng chạy tới chạy lui lo lắng cho ông như chính cha ruột của nó không bằng. Tới bây giờ ông mới cảm thấy mình già rồi, cần có một người đàn ông khỏe mạnh trong nhà để con gái của ông có nơi nương tựa gởi gắm. Ông tính rồi qua tết thong thả sẽ làm đám cưới cho hai đứa rồi giao hẳn nò sáo, hồ nuôi tôm cho chúng làm ăn. Ông sẽ lên bờ sống. Trong thâm tâm ông cảm thấy mình có lỗi với vợ quá. Ai đời thương vợ mà lại bỏ tuốt ra ngoài chồ sống mấy năm nay để bả nằm hiu quạnh một mình giữa những người xa lạ, thương vợ gì kỳ vậy ta?

Mấy hôm sau trước khi ra chồ trở lại, ông Bảy ra phần mộ của bà, bày mâm quả, đốt nhang khấn nguyện:

- Bà nó ơi, có sống khôn thác thiêng về đây chứng giám cho lòng thành của tui đối với bà. Qua tết tui sẽ làm đám cưới cho con Duyên và thằng Du. Chắc bà biết thằng Du con chị năm Nghĩa ở đầu thôn của mình chớ. Nó là thằng tốt đáng tin cậy. Tui giao con Duyên cho nó, giao hết tài sản trên đầm cho tụi nó. Tui lên bờ sống với bà. Bà chờ tui với nghe bà ơi.

Khói hương từ những cây nhang bốc lên, thoang thoảng bay trong gió sao nghe thấy có mùi thơm lạ.

Switch mode views: