Đi bước nữa
- Thứ Sáu, 12 tháng Mười năm 2018 08:01
- Tác Giả: Minh Thùy
Nói có bóng đèn làm chứng, ông Củng đâu dám đi bước nữa.
Lửa lòng ông chưa nguội – ông đoan chắc như vậy. Những đêm vò võ trước cái Ti vi trong phòng ngủ, xem tiết mục sexy show, thằng Tiểu đồng của ông – với thời gian nay đã đổi tên Lão Ngoan đồng – cứ nhấp nha nhấp nhổm không để ông yên, đến phát bực.
– Hồi xưa có tới ba bà, gây nội chiến tùm lum, từng bị vợ chánh lên án treo “có ngày bị bà tùng xẻo mất giống!” chưa tởn sao. Nay già rồi, ráng sống cho yên thân đi!
Ông đành ngậm câm ôm mối hận lòng. Nhưng khi trời đã gọi, làm sao thoát khỏi lưới tình!?
***
– Nước sôi đây, làm ơn tránh ra, bước qua bên kia giùm đi ông anh!
“Ông anh!” Ông đang ngủ mê chăng? Hơn 30 mùa lá đổ rồi hôm nay mới có người gọi ông anh! Kỳ diệu quá!
Quay lại ngay. Một cô sồn sồn cỡ U-40 đang bê cái nồi lớn bốc khói, mắt cười tít, đứng sau lưng, ngó ông chờ đợi. Đột nhiên ông biến thành Hercule: “Để tôi phụ một tay với nào!” Hai bàn tay ông chụp ngay thành nồi, kéo nồi nước lèo với cô ta đi phăng phăng. Rất may lúc nào ông cũng chỉnh tề mũ với găng tay, phòng chống bão tuyết, nếu không dám phỏng rộp hết cả 10 ngón.
Sau khi tốn mất 12 Euro cho 3 tô bún lẩu Thái chay – hôm đó ông nhất định không để mắt vô hàng ăn nào khác, chỉ xơi món lẩu Thái – ông xớ rớ hoài bên quầy thực phẩm, ban tổ chức bèn tấn phong cho ông chức “phó chủ tịch gian hàng lẩu Thái” của người đẹp Kim Huê. Gian hàng hôm đó sao mà đông, đâu thiếu việc cho sếp phó. Chủ tịch lẩu Thái lại hay lên tiếng:
– Có ai rảnh rỗi, làm ơn vô bếp lấy thêm rổ rau!
– Ai dư tay cho mượn, kéo thùng nước lèo qua bên kia giùm em!
Ông hớn hở giơ tay:
– Có tôi đây. Xì, chút việc này tôi chỉ quệt ngón tay là xong!
Ông xăng xái đi ra đi vô như con thoi, tiếp tế rau sống, nước lèo, chanh ớt, liên tục cho gian hàng. Cô Huê hôm ấy sao hay cười, cái mũi hỉnh như trêu ông, đôi mắt lá răm hướng về ông lóng lánh như sóng nước, làm chân ông lúc lắc như đang đi đò. Ông quên béng lũ con, dâu với rể, cháu nội cháu ngoại đang chen nhau ở hội trường xem văn nghệ.
Dân Việt ở nước Đức này sống rải rác xa xôi, đâu mấy khi có dịp để hội tụ nhau. Họ chỉ chờ ngày Tết, ngày lễ Phật lên chùa, trước mua vui ở kiếp này, sau cúng dường lấy phước đức cho kiếp sau, rất biết lo xa cho hậu vận. Đêm văn nghệ thường chỉ có ca sĩ cây nhà lá vườn, nhưng chùa đôi khi cũng móc nối được vài ca sĩ hạng hai từ bên nhà hay bên Mỹ qua giúp vui, thiên hạ kéo nhau đi xem dù chưa biết ca sĩ kia hò hát ra sao. Những gian hàng bánh trái, thức ăn, thức uống, đủ món chay chế biến bày ra phục vụ khách thập phương.
Tối qua ông tính làm reo không đi chùa, mặc lũ con kêu réo. Nghĩ đi nghĩ lại, không đi thì lỗ, tụi nó thích đóng kịch xã hội tình cảm, thì ông chơi lại kịch tấu hài. Đám con ngày thường chả nhớ gì đến ông, ngay khi ông gọi điện thoại than van: bị dị ứng phấn hoa, chảy nước mắt, nước mũi lúc đầu mùa hè; bị nặng đầu, đau lưng khi trời trở lạnh, hỏi thăm tụi nó có bệnh như ông không. Bà con gái lớn tỉnh bơ phang lại ông:
– Con đâu có ở không như Papa đâu mà đau lưng, đau đầu với hắt hơi sổ mũi. Tập chịu đựng cho quen đi!
Gót chân trái đau nhói cả năm, mỗi khi bước xuống xe Bus ông tưởng như có gai đâm gót chân. Chàng rể quý vỗ vai ông nói:
– Papa cứ liên tục đi bác sĩ gần nhà, nhiều lần chắc hết đau. Phải tự cứu mình trước khi trời cứu!
Ông giận đời, ngậm câm. Tuy vậy những buổi lễ hội thì tụi nó không quên ông.
Lúc đầu ông hơi bị xúc động vì tình cảm cha con, dù xưa kia có thời gian dài ông bỏ bê mẹ con chúng nó. Dần dần ông khám phá ra tụi nó chỉ diễn kịch với đời, săn đón, đưa ông đến đám đông để chứng tỏ lòng thành với cha trước mắt thiên hạ. Kịch hạ màn, tụi nó quẳng ông về nhà, lại chỉ mình ông với bốn bức tường. Sáng pha cafe, nhai bánh mì một mình. Cơm trưa, cơm tối lui cui tự nấu, quần áo sứt chỉ, sứt nút tự khâu lấy. Đầu tháng đi ra Sở xã hội, xếp hàng lãnh tiền trợ cấp, dè xẻn cho đủ sống. Biết thân phận, chưa bao giờ ông mở miệng hỏi xin hay mượn tiền đám con khi muốn mua sắm.
Đôi khi có đứa ra lệnh cho ông qua điện thoại:
– Papa đóng bộ quần áo đi, lên đồ cực đẹp nhé, mang giày chứ đừng đi sandal, thò đôi vớ bẩn hay vớ thủng lỗ ra, bêu riếu lắm. Papa đứng trước cửa, tụi con tạt qua đón Papa lên chùa luôn.
Ông phang lại:
– Tao cóc cần tụi mày, đồ sĩ diện hảo, giả nhân giả nghĩa. Khi nào muốn tao tự đi xe điện, xe Bus lên chùa mình tao.
Ông ở nhà, nằm quay mặt vô tường giả ốm, rên hừ hừ, hận đời đen bạc. Ngày xưa tới ba bà đánh nhau giành mình, bây giờ sa cơ thất thế, một thân trơ trọi, chỉ còn làm bạn với cái Ti vi.
Bà vợ chánh – mẹ đám con ông – đã bỏ ông ra đi hơn 10 năm trước vì bệnh ung thư. Hai bà bé, trẻ hơn ông cả một con giáp, ngày xưa ông nâng ông hứng như hứng hoa, vì hai bà mà ông với bà chánh đánh nhau đến chục bận, mấy phen đưa nhau ra tòa. Vừa khi đổi đời, hai bà ôm tiền bỏ rơi ông, trôi dạt tận bên Úc, không biết sao lại quen nhau, thành bạn nhau, đồng thanh lên án ông “thứ người háo sắc, háo danh, hai tay mà bắt ba cá…” rủ nhau sang sông với hai ông Việt kiều bên đó. Còn trơ lại bà chánh tiếc của, nhất định không ly dị để khỏi chia gia tài, cấm cẳng sống bên ông, mang nỗi hận ông đến tận ngày chết. Tám lần vượt biên, bị tù, bị lường gạt, đời ông lại trắng tay, không danh, không tiền, không tình.
Lễ Vu Lan năm nay ông Củng thấy mình như được đầu thai lại. Định mệnh như gõ cửa đời ông lần nữa. Sáng sớm, nghe điện thoại đứa con gái út rủ đi chùa, ông hăng hái giở áo vest với cà vạt đóng bộ, đi giày đen bóng, đội nón phớt, thêm cái ống điếu cán bọc vàng dắt bên khóe mép cho ra vẻ VIP mới về hưu, chỉ thiếu cây gậy. Không sao, thiếu nó lại chứng tỏ ông còn khỏe, còn xuân.
Năm bà con gái rúc rích cười sau lưng bố:
– Papa hôm nay lên chùa kiếm dzợ hả papa? Trông Papa “bô giai” quá!
– Cài thêm cánh hoa trắng lên túi áo là Papa trông như chú rể mới dậy thì đi rước dâu đấy!
Ông hảo ngọt ưa nịnh, hưng phấn xoa thêm nước hoa hiệu Joop lên cái đầu hói, hai bên thái dương, râu ria nhẵn nhụi, ông thấy da mặt còn láng bóng, tâm hồn phơi phới, chạnh nhớ thời vang bóng xa xưa, ôm đàn guitar lên sân khấu nhà trường ngân nga: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dạo muôn tiếng tơ….” khiến bao trái tim kiều nữ thổn thức.
– Hôm nay nắng ráo đẹp giời. Mấy đứa đứng quanh Papa chụp vài tấm ảnh đi. Đứa nào đẹp nhất thì đứng cạnh Papa.
Bà con gái lớn giống mẹ nhất, xấu nhất trong ngũ long công chúa, cảm thấy bị xúc phạm, đốp thẳng:
– Papa cúp bình thiếc rồi mà vẫn còn háo sắc hả Papa.
Bị đánh trúng tim đen, ông đổ quạu:
– Tao nói đùa thế thôi mà mày nghĩ cong nghĩ vẹo…Sao giống mẹ mày thế, mở mồm ra là xỉa xói.
– Con nghĩ thẳng nói thẳng đó chứ, mà Papa không được nói động đến mẹ. Chuyện cũ khó quên, nhớ đấy Papa.
– Đừng đem mẹ mày ra hăm dọa. Tao sợ gì ai…
Ông ngưng bặt. Những cặp mắt mang hình viên đạn đang bắn tua tủa vào ông, tụi nó bênh mẹ chầm chập. Bình tro với di ảnh mẹ, chúng nó đã đưa vào chùa vì thấy ông cứ để tàn hương lạnh ngắt, bụi phủ bàn thờ quanh năm. Chúng nó đâu biết làm gì có tình yêu giữa ông với vợ, khi ông bắt buộc phải chia tay “mối tình đầu” để lên xe hoa với bà vì cái gia tài kếch sù nhà bà, cho vừa lòng cha mẹ ông. Từ họ Lê ông đổi sang họ nhà vợ, họ Cự, biến thành Cự Củng, để sáng giá dòng họ ông. Bà vợ tiểu thư mang mối khinh rẻ ngầm ông chồng xác xơ, chỉ có cái mác sinh viên luật, nhờ của hồi môn tuởng nắm chắc linh hồn ông trong tay. Bỗng một ngày tỉnh cơn mê khi khám phá ra phòng nhì của ông – không phải một mà đến hai – ở hai thành phố núi và biển. Bà ra quyết định:
– Một là ông từ bỏ hai con ngựa cái đó, trở về với vợ con, tôi xí xóa tội lỗi cho ông. Hai là ông ra đi với cái quần xà-lỏn thôi.
Tình yêu tạo ra sức mạnh, ông đập bàn, hét lớn:
– Tôi có quyền làm gì tôi muốn, con giun bị xéo quá phải quằn. Bà bỉ thử tôi bấy lâu nay, làm gì nào, thử làm đi… ông đếch sợ.
– Tôi đưa ông lên được thì cũng đưa ông xuống được, rồi biết tay tôi….
Bà ta làm thật. Ông văng mất chức giám đốc công ty xuất nhập cảng, hơi bị hụt hẫng chới với. Nhờ láu lỉnh phòng bị, ông đã dấm dúi cất riêng một khoản tiền lớn ở ngân hàng, nên sau đó vẫn rủng rỉnh, sống đời hai vợ sướng như tiên. Đến khi đổi đời, cả hai cùng mất trắng, đành phải tái hồi bám víu vào nhau vì cùng có tên trong giấy bảo lãnh của đứa con đang du học bên Đức.
***
Đêm thu lạnh, ông Củng vẫn cố đứng chờ ở trạm xe điện, lấp ló sau tấm bảng quảng cáo, lòng phập phồng sợ cô Huê nghe ai rủ rê quá giang theo xe họ về nhà thì lỡ thời cơ, lại sợ đám con cháu ông nhìn thấy. Huê đã ghé tai ông nói nhỏ rồi:
– Tối nay lúc về ông anh ra đầu đường chờ em nhé, mình cùng đi xe điện ra Bahnhof (nhà ga) để tâm sự, chứ ở đây đông người đâu nói gì được.
Trái tim nẩy mạnh, ông suýt ngã luôn vô nồi lẩu Thái đương sôi vì cảm-động-đậy. Dễ có hơn 40 năm chẳng còn ai để ông hò hẹn. Ông bồn chồn, xe điện sắp tới mà cô này lần chần gì trong đó lâu thế.
Đây, cô Huê tay xách túi nặng chạy ra khỏi cổng chùa.
– Mọi người cứ rủ em ở lại xem văn nghệ, sáng mai hẳn về.
– Văn nghệ có gì mà xem, về nhà nghỉ ngơi. Làm công quả cho chùa thế đủ rồi, bán hàng hai ngày từ sáng đến tối chắc Huê mệt nhiều đấy.
– Mệt thật cơ, em cũng nói thế, với lại để anh về một mình thì phải tội chết.
Huê lại cười:
– Em ra trễ cứ sợ anh bỏ về mất.
– Làm sao về được. Anh đã nói chờ là sẽ chờ kia mà, dù cho…
Câu thơ cũ của thi sĩ nào tự dưng hiện về trong đầu ông: “Anh vẫn chờ dù em lỗi hẹn. Quả tim người khó hiểu tại sao.” Nhưng ông không dám thốt ra, thời cơ chưa chín muồi. Ông nhích người sát vào Huê, quàng tay qua vai cô. Huê để yên, đêm khuya trời se lạnh, cả hai dường như đều thấy cần cái lò sưởi. Ông thấy đoạn đường hơn nửa giờ đến Bahnhof sao ngắn quá, từ đó hai người phải chia tay về hai thành phố khác nhau.
– Anh phải về tận Koblenz kia à, xa quá, giờ này còn tàu về không?
– Anh cũng chưa biết, để ra Bahnhof xem bảng giờ tàu chạy mới biết.
Xe điện chạy lên dốc cao, nhìn xuống trung tâm thành phố Frankfurt tràn đầy ánh đèn trắng, xanh, vàng, đỏ lấp lánh như những giọt lệ rưng rưng. Cô Huê se lòng, nói nhẹ như hơi thở:
– Nhiều hôm làm ca tối, đi về nhà giữa khuya lạnh lẽo, em mới thấm thía câu “thân gái dặm trường” vừa nhớ nhà, vừa tủi thân tha hương xứ người.
Ông nghe mà tràn ngập niềm thương cảm:
– Anh cũng vậy. Một thân quạnh quẽ giữa đời. Vậy em sống bên này một mình sao, qua đây từ lúc nào, làm sao đến được nước Đức này?
– Em đi lao động bên Tiệp, vất vả lắm. Vừa nghe tin bức tường Berlin đổ, em cố gắng đi mấy lần đều bị bắt lại. Sau em phải chi đến 5.000 Mark để có người dẫn đi, qua ngã biên giới đường rừng mới thoát, cạn hết cả tiền dành dụm sau mấy năm lao động. Thế kể là còn may. Em có đứa bạn gặp tên dẫn đường lưu manh, cũng là đồng hương đồng nghiệp đấy, gạt lấy hết tiền lại còn hãm hiếp, bỏ rơi giữa rừng. Nó lang thang trong rừng cả tuần, không tìm được lối ra, vừa đói vừa rét, sợ gặp chó săn, sau lính biên phòng Đức tìm thấy nó, đưa vào trại tị nạn. Giờ nó hóa ra nửa tỉnh nửa điên, tội lắm.
– Thế em được giấy tờ ở lại nước Đức chưa?
Huê nước mắt lưng tròng nghẹn lời:
– Thôi anh đừng hỏi đến chuyện đó, em buồn lại muốn tự tử. Hay tối nay anh về nhà em, em sẽ kể hết cho anh biết. Đời em lận đận lắm.
Ông Củng thấy người lâng lâng. Cái điều ông mắc nghẹn cả ngày nay không dám nói thì Huê đã nói thay cho ông, nhẹ nhàng sao.
***
Tối hậu thư cài ngay cửa phòng ông: “Papa đi đâu vắng? Tụi con điện thoại nhiều lần không gặp. Có chuyện phải họp hội đồng gia đình giải quyết. Chủ nhật này tụi con đến, phiên họp mở tại nhà Papa.”
Ông Củng buột miệng:
– Tiên sư chúng mày, ông là bố mày, cần gì thì phải chờ ông về, không được ra lệnh cho ông.
Chửi xong, ông lại lo. Chuyện gấp là chuyện gì, hay tụi nó ông đã đánh hơi ra cái love story của ông?
Ông giấu kín hơn mèo giấu. Lễ cưới chớp nhoáng của ông với Huê hồi tháng trước ở Lâu đài Biebrich bên sông Rhein chỉ có mình ông với Huê, thuê 2 nhân viên tại đó làm nhân chứng. Ông chọn ngày thứ tư giữa tuần không có du khách ghé thăm lâu đài. Cô Huê cũng đồng ý chiến thuật “đánh nhanh rút gọn” để bên địch không kịp trở tay.
Khi lên “phương án xây dựng” đám cưới, hai người bỗng dưng thấy quanh mình có nhiều kẻ địch quá, nhìn đâu cũng thấy địch: đám con ông Củng, thêm dâu với rể, bà con bên vợ ông, bạn bè ông, người thân quen xa gần của Huê. Kẻ địch giấu mặt mà nguy hiểm nhất là ông Đức già, chồng hụt của cô mấy năm trước!
Ông Củng bần thần mấy ngày khi đọc giấy báo từ Sở xã hội là Huê đã phạm tội trước kia. Cô khóc nức nở với ông:
– Tội nợ gì đâu, em bị tố cáo đấy! Sau khi bị bác đơn tỵ nạn, nhận giấy Abchiebung (trục xuất) em lo sợ đến phát ốm. May sao người bạn giới thiệu lão Joachim cho em, đứng ra tìm luật sư giúp em được tạm hoãn trục xuất. Nhưng sống với nhau cả năm, em hầu hạ phục dịch đủ điều mà lão không chịu ký giấy hôn thú, lại hay ghen bóng ghen gió. Một lần lão ta tìm ra tấm ảnh cũ em chụp với anh đội trưởng lao động bên Tiệp, thế là cơn ghen nổi lên, lão ta đánh mắng em, đi ra Sở xã hội tố cáo em đi làm nhà hàng chui, không báo cáo, để lãnh tiền trợ cấp xã hội. Em bị phạt đến 6.000 Euro kia đấy.
– Muốn tố cáo phải có chứng cớ chứ, lão ta lấy gì mà tố?
– Có đấy, em đi làm chui dành dụm tiền gửi về bên nhà để bố mẹ nuôi con em, em ly dị trước khi đi lao động. Không ngờ Joachim bắt được mấy biên nhận em chuyển tiền, đem copy, thủ kỹ, giờ đưa ra làm chứng cớ tố cáo.
– Thằng đàn ông như thế thì tồi quá, mà đàn ông Đức đấy.
– Thế mới khốn khổ. Em hãi quá, đã bỏ chạy mà đến giờ lão ta vẫn chưa buông tha, cứ rình rập ghen tuông.
Ông Củng sợ thót tim, mấy lão già Đức hay thủ súng trong nhà để tự vệ, biết đâu có ngày nó phát giác ra ông, dám thịt ông lắm. Thế này thì chí nguy, phải cưới liền tay thôi. Ông càng thương cảm số phận bèo dạt mây trôi của Huê, cam đoan sẽ làm giấy tờ bảo lãnh cho đứa con trai 12 tuổi sang Đức.
Ông làm cuộc đổi đời lần nữa, di tản đến nhà Huê với túi quần áo. Cô sống ở thành phố nhỏ khá xa nơi ông, không thể về nhà ông vì không dám bỏ ngang việc làm ở công ty đóng gói.
Cả ngày ông lướt Internet xem tin tức, đọc truyện chưởng, xem DVD ca nhạc hết Thúy Nga-Paris, Vân Sơn lại Asia, không biết ở đâu mà Huê có đầy tủ, chắc từ nguồn sang băng lậu! Được ăn ngon miệng mà chả phải lui cui nấu nướng, Huê chu đáo làm sẵn trước khi đi làm. Khi về, hớn hở ôm hôn ông ngay cửa, rất tây, dịu dàng hỏi:
– Anh tắm chưa, em pha nước nóng vào bồn, rồi massage cho anh nhé!
Hai người ôm nhau trong bồn tắm, hôn nhau, tát nước vào nhau, đùa giỡn như trẻ con. Ông phơi phới trẻ lại đến hơn chục tuổi. Bữa cơm tối nơi phòng khách, dưới ánh đèn vàng ấm cúng, cô đút từng thìa cơm cho ông. Tối đến lại đấm lưng, bóp vai cho ông, chiều chuộng ông như ông hoàng. Hai bà bé ngày xưa chưa từng yêu chiều ông như thế. Trái tim ông muốn reo lên khúc hát:
“I love you, baby. And if it’s quite alright. I need you, baby. To warm a lonely night…Oh, pretty baby. Don’t bring me down, I pray…”(*)
Ông gọi Huê là “pretty baby”. Và cô thì thầm: “Anh là cứu tinh của đời em, là chúa của lòng em!”
Điều duy nhất làm ông buồn là Huê chưa chịu vào giường với ông, viện lẽ đang phải điều trị bệnh. Ông nài nỉ:
– Đêm lạnh quá, mình nằm bên nhau cho ấm. Lò sưởi 37 độ vẫn tốt hơn lò sưởi gas em ạ.
Huê nói:
– Em bị khối u, bướu lành thôi, may biết sớm, đã cắt rồi, nhưng bác sĩ bảo phải kiêng nửa năm mới mau khỏi. Anh hiểu cho em.
Tất nhiên ông phải hiểu thôi, giấy tờ chứng bệnh của bác sĩ rành rành ra đó. Mà trông Huê còn tươi tắn, son trẻ lắm, thân hình còn lẳng chắc. Huê ít tuổi hơn đứa con gái lớn ông đến chục tuổi. Đêm đêm nằm co ro ở phòng khách, ông với Lão Ngoan đồng thấp thỏm không sao chợp mắt được, trong khi cô Huê ở phòng ngủ đánh ngon một giấc đến sáng. Đôi khi Huê đi cùng về nhà ông, chỉ được nửa buổi là cô thúc giục ông ra đi, sợ chạm mặt đụng độ đám con ông. Chính ông khi nhớ đến những đôi mắt mang hình viên đạn hầm hầm nhìn ông, cũng hơi hoảng, huống gì Huê.
***
Những đôi mắt đang bắn vào ông toé lửa như muốn thiêu sống ông. Bà con gái lớn mở màn lên tiếng, bao giờ cũng là nó, ra cái điều chị cả:
– Papa không thiết gì danh dự mình thì cũng phải nhớ tới mẹ con chứ! Mẹ ngày xưa là bà thương gia nổi tiếng cả nước, còn con mẹ ranh này là dân cu-li, chỉ đáng làm người ở cho nhà mình. Papa muốn bỉ thử linh hồn mẹ con sao?
– Còn thể diện tụi con, ở đây ai cũng biết tụi con là kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ. Papa dư biết điều đó mà.
– Mẹ ranh đó chỉ lợi dụng cái quốc tịch Đức của Papa thôi, được giấy tờ chính thức ở lại đây rồi là nó tếch đi đấy, thiên hạ sẽ cười vào mũi cho xem: già mà còn dại.
– Chẳng thà ký giấy hôn thú giả cho bà nào đấy có khi còn vớ được 20.000 Euro. Dám bị mất cả chì lẫn chài với mẹ ranh rồi. Ký ca ký cóp cho cọp nó xơi, nó xơi bao nhiêu tiền của bố già rồi? Gì chứ cọp cái thì nó xơi gớm lắm!
Ông con trai chì chiết, là nhân viên ngân hàng đầu óc nó chỉ biết Dollar với Euro, làm sao hiểu được tiếng gọi con tim! Ông Củng điên tiết, bỉ thử chính ông, còn chịu đựng được, chứ sỉ nhục người tình “pretty baby” của ông thì đâu có yên. Ông gom hết sức, đá tung cái bàn gỗ sồi giữa phòng khách văng vào tường, mặt kính vỡ toang.
– Đừng có lên lớp tao. Tao đã sống hơn 10 năm thờ mẹ chúng mày rồi, mà tao cũng là người, là đàn ông, bao lâu này chúng mày có quan tâm gì tới tao.
– Thế Papa quan tâm gì đến tụi con? Hồi xưa Papa chỉ chạy theo tiền với sắc, tụi con học hành ra sao, thi cử thế nào, Papa có bao giờ biết đâu.
– Tao không quan tâm thì tụi mày vẫn sống kia mà. Có chết thằng tây nào đâu! Chúng mày mặc sức yêu ai, lấy ai, lấy đến mấy thằng, tao có ngăn cản đâu mà giờ tụi mày cấm duyên tao. Bây giờ đời tao, tao lo. Tao dại tao chịu. Tụi mày biết gì về người ta mà nói, hoàn cảnh cô ta khổ thế kia, cô ta thương yêu chăm sóc cho tao thật tình. Chúng mày đừng đem bằng cấp ra lòe thiên hạ, bộ tưởng người đời không biết rõ mặt thật chúng mày sao, thử soi gương mà xem, mẹ kiếp, làm như danh giá lắm đấy!
Lời cuối cùng của ông như một đường gươm, đang hùng hổ hỏi tội ông, cả đám xám mặt, ngưng bặt. Ông bỏ mặc chúng nó câm lặng nhìn nhau, ra khỏi nhà, đi lang thang qua mấy con đường, ra bờ sông Rhein, là nơi ông hay tha thẩn một mình, nhớ tiếc dĩ vãng vàng son và suy ngẫm cuộc đổi đời.
Phải để chúng nó đối mặt với chính lương tâm chúng. Đẹp đẽ gì đâu. Bà con gái lớn đang sống với tên chồng hờ người Đức thứ ba, cứ vô tư đi qua đời 3 ông Đức mà không có hôn thú, lại hay lên lớp đạo đức, bỉ thử ông nhiều nhất. Mấy đứa kia có chồng Việt thì mang bụng bầu ễnh ra trước ngày cưới. Ông ngậm đắng nghe thiên hạ cười diễu khi dự đám cưới con ông: “mang bầu mà cưới mới ngoan”.
Thằng quí tử út có cô vợ Đức thứ hai thì răn đe ông: “Còn của cải cất giấu đâu thì lo viết di chúc trước đi. Rồi vô nhà dưỡng lão mà sống cho an toàn, có y tá chăm sóc, chứ không ai lo cho đâu.”
Chúng nó bỏ rơi ông bấy lâu. Gần cuối đời ông mới tìm ra được “khối tình con” an ủi trái tim quạnh quẽ mà chúng chả chịu để ông yên. Nếu có chết cũng có người khóc bên quan tài ông, hàng tháng có người ra mộ thắp nến, đặt hoa lên mồ ông. Trông mong gì đám con bội bạc này.
Từ khi ông ra lệnh: “Không đứa nào được bén mảng tới đây dạy đời tao, từ nay không cha con gì nữa” kể như đoạn tình phụ tử. Ông phấn khởi trang hoàng nhà cửa, thay thảm mới, treo màn cửa mới, đặt thêm mấy chậu hoa ngoài balcon, ra vào hưng phấn hát một mình:“…là đưa í a đưa nàng, anh đưa nàng dề dinh…”. Mắng chửi đám con bạo miệng như thế chứ lòng ông cũng hồi hộp, cái tình yêu muộn màng làm ông thấp thỏm không yên. Ông đã chi 3.000 Euro để cô Huê mua vé máy bay về nước đón con sang. Ông muốn đi cùng nhưng Huê sợ ông sức khỏe yếu, đi mệt người sinh bệnh, mà cô chỉ về có 2 tuần. Cô nháy mắt với ông đầy ý nghĩa, cười tình:
– Anh phải giữ gìn sức để chúng mình bên nhau chứ. Mình còn nhiều thời gian với nhau kia mà.
Không lẽ để vợ về nhà với hai tay không, ông rút tiền trong Sparbuch (sổ tiết kiệm) cuốn sổ ông dấu kín như Top Secret, đưa 10.000 Euro để Huê chi tiêu và cho bố mẹ, anh chị. Họ hàng nhà cô được tiền ông biếu cho, nhìn ảnh ông sang trọng khí phách thế này phải tạ ơn Trời Phật đã ban cho cô Huê gặp người lý tưởng.
Nhưng hơn tháng nay tâm hồn ông xao xuyến. Huê mang được đứa con sang tưởng đã yên thì lại phát sinh nhiều chuyện, phải lo giấy tờ, tìm trường cho nó đi học, phải tìm việc làm nơi khác lương cao hơn để chăm lo cho nó. Như một nhà đầu tư biết tính đường dài, Huê đề ra kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất:
– Giờ có Pass Đức rồi, em phải làm việc full time để 5 năm sau vào quốc tịch Đức. Thế mới yên chí được.
Tiền trợ cấp xã hội của ông đâu đủ đùm bọc hai mẹ con. Nơi ông ở là một làng nhỏ không có cả tiệm bánh mì thì kiếm đâu ra việc. Cô đi đến mấy thành phố lớn, xoay việc như chong chóng, chả còn thì giờ đến thăm ông, chỉ điện thoại cho ông hằng tuần thăm hỏi, hứa hẹn tha thiết:
– Hai đứa mình sống xa nhau thế này em khổ tâm lắm. Anh yên tâm nhé, em thu xếp mọi việc xong, thuê nhà rộng hơn thì anh về ở chung với mẹ con em. Hiện nay em phải ở tạm nhà chị bạn.
Ở tạm đâu thì Huê không cho biết rõ. Cũng không thấy Huê lên chùa làm công quả nữa. Nước Đức thì mênh mông, biết em về đâu.
Huê vẫn hẹn, ông vẫn chờ. Câu hát…anh đưa nàng dề dinh… nay đổi khác, u hoài hơn: Chờ em chờ đến bao giờ. Mấy thu thuyền đã xa bờ…
Ông đi ra bờ sông thường hơn, một mình bên ghế đá bẻ bánh mì vụn cho chim ăn, suy tư về cuộc đời nhiều hơn. Đầu ông hói trọi, mấy sợi tóc bạc lơ thơ cuối cùng đã rời xa ông. Lưng ông khòm xuống, bây giờ có cây gậy làm bạn với ông.
Ông đâm ra yêu thơ Kiều, ngày ngày lật truyện Kiều ra bói quẻ, thầm mong gặp đoạn Thúy Kiều tái ngộ Kim Trọng, nhưng cái trang ông gặp phải nhiều nhất lại có câu:
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời.
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm…
--------------------------------
(*)Lời bài hát Can’t Take My Eyes Off You của nhạc sĩ Frankie Valli
Related news items:
Tin mới
- Trốn Trại - 03/11/2018 14:25
- Những hố chân voi trong lòng người - 03/11/2018 14:20
- Vách Đá - 27/10/2018 16:31
- Chia ly nghẹn ngào - 27/10/2018 16:26
- Đám cưới ngày xưa - 27/10/2018 16:21
- Cuộc ly hôn trên núi cao - 20/10/2018 15:23
- Mùa thu tội nghiệp - 20/10/2018 15:13
- Năm Tháng Hoàng Hôn - 20/10/2018 15:09
- Hai Ðường Thẳng Song Song - 12/10/2018 23:14
- Cuối Nẻo Đường Đời - 12/10/2018 23:02
Các tin khác
- Khúc vĩ cầm trong nghĩa trang! - 06/10/2018 15:00
- Cái Bóng của Vị Thầy Tu - 29/09/2018 15:46
- Cánh Cửa Sổ - 29/09/2018 15:39
- Chuyện Tình Trên Phá Tam Giang - 29/09/2018 15:34
- Du sinh hồi hương - 22/09/2018 03:57
- Vịt kiều dzề thăm quê - 22/09/2018 03:53
- Vợ chồng trẻ - 22/09/2018 03:44
- Quê Ngoại - 14/09/2018 16:13
- Cái Gói - 14/09/2018 16:10
- Một Thuở Học Trò - 14/09/2018 16:04