Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cành lê hoa mùa đông

canh le hoa mua dongTrần ngước mắt lên nhìn chiếc đồng hồ tròn mặt đen trên vách tường nhà bếp. Chín giờ ba mươi. Không tệ lắm, chàng nghĩ, chỉ tốn bốn mươi lăm phút để sửa soạn một bữa điểm tâm cho ba nguời. Trên chiếc bàn ăn nhỏ, ba đĩa sứ màu trắng đựng hột gà “ốp la” và mấy miếng “ham” thái mỏng. Ở giữa bàn là một chiếc đĩa nhựa hình bầu dục trên đặt ba ổ bánh mì nhỏ nướng quá lửa, một lọ tiêu, một chai xì dầu lớn, một hộp giấy đựng sữa tươi, và một cuộn khăn giấy chưa khui. Trần xoa tay, nhìn chiếc bàn ăn lần cuối rồi bước đến căn phòng nhỏ, nơi có những âm thanh xôn xao từ chiếc TV vọng ra sau cánh cửa đóng kín. Trần mở cửa, thò đầu ra vào phòng quan sát. Trên chiếc giường nhỏ chăn gối bừa bộn, An Bình và Thanh Bình, hai đứa con gái nhỏ của chàng đang dán mắt vào chiếc TV ở góc phòng. Chàng lắc đầu nhìn con, cố tình lớn giọng để át tiếng ồn ào từ chiếc máy truyền hình:

“Mời hai tiểu thư ra ăn sáng. Nhớ tắt TV”.

“Con phải coi Power Ranger mà ba!”

Thanh Bình phản đối

“Chút nữa coi tiếp. Bây giờ ra ăn sáng để nguội hết.”

Hai đứa nhỏ rời khỏi phòng một cách luyến tiếc. Trần rót sữa vào hai chiếc ly thủy tinh đặt cạnh mấy đĩa thức ăn, bảo con:

“Hai đứa ăn đi, xong uống hết ly sữa cho ba.”

“Con muốn ăn cereal,” An Bình nhăn nhó, “Ăn thịt không tốt đâu!”

“Ai nói với con vậy?”

“Mẹ. Cô giáo cũng nói vậy nữa. Cereal có fiber.”

Trần đứng lên, với tay nhấc hộp cereal duy nhất trên đầu tủ lạnh. Hộp nhẹ tênh. Anh kê hộp vào tai, lắc lắc làm bộ nghe ngóng rồi hỏi lớn, ra vẻ khôi hài:

“Hello, hello. Có ai ở nhà không?”

Hai đứa nhỏ cười khúc khích. Trần ngồi xuống, bảo con:

“Thôi hai con ăn đỡ đi. Nhà hết cereal rồi.”

Lại có tiếng của An Bình:

“Sao bánh mì của ba đen thui vậy?”

“Tại nó bị cháy. Lựa chỗ không cháy mà ăn.”

“Mẹ nói ba không biết cook!”

Phải rồi, chàng nghĩ, Hạ vẫn nói hoài câu đó. Em mà bịnh một cái là nhà này ăn mì gói.

Bữa ăn sáng trôi qua khá nhanh. Hai đứa nhỏ vào phòng coi tiếp chương trình hoạt họa sáng thứ Bảy. Trần ngao ngán nhìn mớ thức ăn còn thừa khá nhiều trong mấy chiếc đĩa. Uổng công trình sửa soạn cả buổi sáng! Có tiếng cửa phòng mở ra rồi khép lại nhẹ nhàng trong lúc chàng lúi húi cho mớ thức ăn thừa vào thùng rác. Chàng quay lại. An Bình đứng ở cửa phòng nhìn chàng mỉm cười.

“Sao con không coi TV nữa?”

“Con không muốn nữa. Ba có đi làm không?”

“Không. Hôm nay ba ở nhà với mấy con mà!”

“À há!”

An Bình reo lên như khám phá ra một điều gì mới lạ. Trần có thói quen đến sở làm vào sáng thứ Bảy. Không ai bắt buộc, nhưng chàng nhận thấy mình có thể giải quyết được nhiều công việc hơn trong cái không khí tĩnh mịch của văn phòng vào ngày cuối tuần. Bây giờ, chàng muốn dành hết những giờ phút có được của hai ngày thứ Bảy và Chúa Nhật cho hai đứa con gái nhỏ của chàng. Bởi vì, theo thỏa thuận, chàng chỉ được gặp con vào những ngày này mà thôi.

Lúc Trần dọn dẹp xong mớ chén đĩa, kim đồng hồ nhà bếp chỉ đúng mười giờ sáng. Lúc này Thanh Bình cũng đã thôi xem TV. Hai chị em chúng nó đang lúi húi tô vẽ trên những tờ giấy in chàng mang về từ chỗ làm để làm giấy nháp. An Bình chín tuổi và Thanh Bình nhỏ chị hai tuổi. Lúc đặt tên cho con, Trần chỉ mong chúng nó có một tuổi thơ êm đềm. Vậy mà…

Có tiếng chuông điện thoại reo. An Bình ngẩng lên hỏi:

“Con bốc điện thoại được không ba?”

Không đợi anh trả lời, nó nhanh nhẹn rời ghế, chạy đến chỗ đặt chiếc điện thoại cầm tay trên chiếc bàn nhỏ cạnh chiếc sofa.

“Hello?”

“…”

“Dạ phải… Dạ khỏe.”

“…”

“Dạ có ạ. Cô chờ ba con một chút…”

An Bình mang chiếc điện thoại cầm tay đến gần chàng, nói nhỏ:

“Cô Loan đó ba.”

Giọng nói của đứa nhỏ bình thản, và khuôn mặt không lộ vẻ gì khác thường. Trần thở phào, đón lấy chiếc điện thoại, nói nhỏ vào ống nói:

“Hello? Loan đó hả?’

“…”

“Ờ đúng rồi. Mới đón mấy cháu về tối hôm qua.”

“…”

“Thì còn phải hỏi! Cả tuần cha con mới gần nhau mà. Sáng nay anh còn làm điểm tâm cho tụi nó nữa.”

“…”

“Bị sắp nhỏ chê quá trời! Tại chúng nó được mẹ săn sóc quen rồi, anh không bì được.”

“…”

“Anh… lớn rồi, có thể tự lo cho mình. Vả lại, cũng đâu có ai tình nguyện đâu!”

“…”

“Vậy sao? Ai vậy? Loan có thể cho anh biết được anh không?”

“…”

“Hỏi trái tim mình hả? Vụ này hơi kẹt, tim anh nó vừa câm lại vừa… điếc, chắc cũng còn khá lâu mới hỏi thăm nó được.”

“…”

Có tiếng An Bình kêu lớn phía sau:

“Ba ơi ba! Lại coi Thanh Bình vẽ ba với mẹ nè!”

Trần lật đật lấy tay che miệng ống nói của chiếc điện thoại, quay lại trả lời con:

“Ờ ờ. Ba tới liền…”

Chàng quay lại, tiếp tục cuộc điện đàm dang dở:

“Loan nói tối nay hả? Lỡ hứa với mấy đứa nhỏ dẫn chúng đi Chuckee’s Cheese hôm nay. Hay là Loan đến chơi với tụi này?”

“…”

“Anh hiểu, thôi để dịp khác. Loan đã hứa thì nên giữ lời. Cha con anh OK mà.”

“…”

“Vậy à? Loan không nói thì anh cũng chẳng biết là Tết nhứt đến nơi rồi! Đi chợ Tết thì chắc mấy đứa con anh thích lắm. Cũng phải mua cho chúng một chút quà.”

“…”

“Đồng ý. Chiều thứ Bảy tuần tới anh ghé đón Loan. Đi chơi vui vẻ nghen. Bye.”

Trần cúp điện thoại, bước đến chỗ hai đứa nhỏ, tự nãy giờ vẫn chờ chàng đến thưởng ngoạn công trình của chúng. Trên tờ giấy khổ rộng ở chiếc bàn cà phê là một mớ hình thù hỗn độn, xanh đỏ tím vàng. Có hoa, có lá, có những khuôn mặt người, lệch lạc, biến thể. Chàng cố nín cười, hỏi:

“Trời ơi! Ai vẽ mà đẹp quá vậy?”

Thanh Bình hớn hở lên tiếng:

“Con đó ba. Ba có thấy mẹ không? Mẹ thoa son đó.”

Trần nhìn theo ngón tay nhỏ nhắn của con. Một vòng tròn bằng bút chì màu từ đó tỏa ra những con giun quấn quíu màu đen (Hạ uốn tóc quăn), hai chấm tròn to tướng màu xanh… lá cây (Hạ thích vẽ quầng mắt xanh dương nhạt) và một vành bán nguyệt đỏ rực (thật ra, màu son môi ưa thích của Hạ nhạt hơn nhiều.)

“Mẹ đẹp không ba?”

“Đẹp lắm.”

Trần trả lời. Chàng biết mình nói thật. Không khó khăn lắm, chàng nhận ra… chính mình trong cái hình tròn kế bên Hạ với mớ tóc chỉa ra như lông nhím và cái miệng có những cọng râu màu… tím nham nhở. “tại sao râu ba màu tím?” Trần than thở. Hai đứa nhỏ cười vang, thích thú.

“Vậy còn An Bình và Thanh Bình của ba đâu?”

“Đây nè, đây nè!”

Hai đứa nhỏ tranh nhau chỉ rối rít. Bỗng dưng bức tranh nguệch ngoạc của đứa bé bảy tuổi trông rất thực, rất quen thuộc. Chàng cũng có một tấm hình như thế. Hạ và chàng đứng ở phía sau hai đứa con nhỏ, tươi cười. Hình chụp ở trong khu công viên quốc gia cạnh hồ nước trên núi. Bức hình vẫn được chưng ở bàn giấy của chàng, từ dạo đó.

Trần chợt tỉnh giấc. Có tiếng sột soạt ở phía ngoài cánh cửa phòng ngủ của chàng. Mới sáu giờ rưỡi sáng, căn phòng tù mù trong khối ánh sáng yếu ớt chiếu ra từ ngọn đèn ngủ nhỏ xíu. Giờ này mấy đứa nhỏ còn ngủ, nhà chàng lại không nuôi súc vật. Trần khẽ khàng ngồi dậy, tiến ra phía cửa. Có tiếng hỉ mũi sụt sịt và tiếng thút thít của đứa trẻ. Trần hoảng hốt, mở cửa thật nhanh. Ngồi bệt dưới thảm, lưng tựa vào bức vách dọc hàng lang dẫn đến căn phòng ngủ nhỏ. An Bình đang ngồi khóc thút thít. Thấy chàng, nó chồm dậy ôm lấy cha, òa lên nức nở. Trần cuống quít, ẳm con ra phòng khách, dỗ dành.

“Con sao vậy? Con thấy ác mộng… ờ… ờ bad dream hả?”

“Dạ.”

An Bình trả lời, giọng đứt quãng trong cơn nức nở.

“Có ba đây rồi, con đừng sợ. Mà con thấy gì vậy?”

“Con thấy ba…”

Nó bỗng òa lên khóc trở lại. Trần cuống quýt, ôm lấy con, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó. Đợi cho cơn nức nở của đứa nhỏ dịu xuống, chàng nhẹ nhàng hỏi tiếp:

“Con thấy ba làm sao?”

“Con thấy ba đi chơi bỏ con với Thanh Bình ở nhà một mình”

“Ba đâu có bỏ đi chơi hồi nào đâu? Đó chỉ là nằm mơ thôi mà.”

Môi dẩu lên, An Bình phụng phịu:

“Có mà! Mai mốt ba đi chơi với cô Loan đó!”

Trần ngớ người. Thì ra nó nghe hết cuộc điện đàm buổi sáng hôm qua giữa Loan và chàng.

“Cô Loan rủ ba đi chợ Tết mua quà cho con. Cha con mình cùng đi với nhau mà.”

“Con không muốn.”

Trần làm lành:

“Con không muốn đi chợ Tết thì thôi vậy. Mình đi nơi khác chơi.”ộpHo65

Đứa nhỏ trả lời, giọng nghiêm trang:

“Con không muốn ba đi chơi với cô Loan!”

Trái tim Trần chợt đập hụt một nhịp. Chàng chới với cúi xuống nhìn con. Đứa nhỏ đưa cặp mắt nhòa lệ nhìn chàng. Cặp mắt này… cặp mắt này… giống Hạ quá đi thôi. Anh với em đến đây là hết thật rồi…

Trần buồn rầu hỏi nhỏ:

“Con không thích cô Loan sao? Ba thấy cô ấy hay chiều mấy con lắm mà…”

“Không phải đâu! Tại con không muốn mẹ khóc hoài!”

“Chuyện gì mà khóc hoài? Mà có ai làm gì mẹ con đâu?”

“Cũng tại Barbie đó!”

“Barbie?”

“Barbie cô Loan mua cho Thanh Bình đó. Mẹ hỏi của ai cho, con nói cô Loan bạn của ba. Mẹ giật lấy liệng thùng rác. Thanh Bình khóc quá trời. Rồi mẹ ôm Thanh Bình khóc hoài làm con cũng khóc theo!”

Trần vừa cảm động vừa bực mình. Chàng bảo con:

“Thôi để ba mua cho con búp bê khác.”

“Mẹ mua cho Thanh Bình rồi ba. Giống y như Barbie của cô Loan.”

An Bình ngưng lại rồi giật gấu áo anh, giọng van lơn:

“Nghe ba! Ba đừng đi chơi với cô Loan nữa nghe ba?”

Trần thở dài đánh sượt, trả lời:

“Thì thôi vậy! Tuần tới ba dẫn mấy con đi chợ Tết!”

“Đi chợ Tết làm gì hở ba?”

“Thì… thì… đi mua đồ. Mua quần áo mới cho mấy con.”

Trần lúng túng trả lời. Chàng có dự tính chuyện mua sắm, Tết nhứt gì đâu!

“Mình kêu mẹ đi chợ Tết mua đồ nghe ba?”

Trần ngạc nhiên. Con nhỏ này được voi đòi tiên!

“Tại sao lại phải đi chung với mẹ?”

“Tại mẹ nói ba không biết mua đồ!”

Lúc nào cũng mẹ! Mẹ thế này, mẹ thế kia. Mẹ bảo thế này, mẹ bảo thế kia! Anh chả được tích sự gì cả. Mua món đồ nào cũng vừa xấu lại vừa đắt. Trần ngần ngừ trả lời con:

“Mẹ đâu có muốn đi chung với ba. Mẹ đi với boyfriend của mẹ mà.”

“Mẹ đâu có boyfriend! Chú Phong chỉ là friend của mẹ thôi mà. Chú ấy đòi dẫn mẹ với mấy đứa con đi restaurant mà mẹ đâu có đi. Mẹ nói khi nào ba đón con với Thanh Bình là mẹ về bên bà ngoại mà?”

Nó ngập ngừng một chút rồi nói tiếp:

“Hay là để con gọi mẹ bên bà ngoại cho ba nói chuyện nghe ba?”

Chàng bối rối nhìn con, lòng phân vân không biết nên trả lời như thế nào. An Bình, vẫn khuôn mặt lem luốc những vệt nước mắt, ngước nhìn anh. Đôi mắt của nó trong quá, sáng quá, lấp lánh một niềm hy vọng…

Trần đứng dậy, kéo tấm màn che cửa sổ qua một bên. Mặt trời đã lên, ánh nắng ban mai làm lấp lánh những giọt sương trên đám lá xanh mơn mởn của cây lê hoa trước hiên nhà. Những chiếc lá non! Chàng thật là vô tình. Mùa Đông đã thật sự đi qua mà chàng đâu có hay. Khi chàng dọn đến khu apartment hai phòng này thì trời đã vào Thu. Những chiếc lá trên cành lê hoa đã trở màu và bắt đầu rơi rụng. Suốt mùa Đông, chàng đã quá quen thuộc với những cành lê hoa trơ trụi in hình trên nền trời xám xịt. Chàng cũng xám xịt và trơ trụi suốt mùa Đông…

Một cơn gió sớm thổi qua, những chiếc lá nhỏ màu lục nõn trở mình uốn éo. Ở phía dưới gốc lá, những nụ hoa non nhú ra chi chit, “Không biết những nụ hoa này có kịp nở đúng vào dịp Tết hay không?” Trần tự hỏi. Trần thích hoa lê. Ở thành phố của chàng, có một con đường trồng toàn loại cây này. Vào dịp Tết âm lịch, cây trổ bông, từng chùm. Hoa lê màu trắng, có năm cánh trông giống như hoa mai. Hoa nở nhiều đến độ, trông từ xa, mỗi cây lê hoa trở thành một đóa hoa trắng khổng lồ. Những khi có dịp đi ngang khu này vào mùa hoa nở, Hạ cứ trầm trồ một cách thèm thuồng, Phải chi mình xin được một cành lê về chưng mấy ngày Tết…

Lại một cơn gió thổi qua. Những chiếc lá non lại uốn éo, chen lấn, xô đẩy nhau trên cành. Những chiếc lá non của mùa Xuân, của hy vọng. Hy vọng của Hạ, hy vọng của Loan, hy vọng của chàng, hy vọng của mấy đứa con chàng. Hy vọng cũng chen lấn, kèn cựa, xô đẩy nhau để tìm đất sống, để có cơ thành tựu. Có lần chàng lẩn thẩn tự hỏi phải chăng hy vọng chỉ hướng về tương lai. Chàng nghĩ những cành lê hoa đơn giản hơn mình nhiều. Chúng nằm lặng lẽ, trơ trụi trong mùa Đông giá lạnh để ấp ủ nhựa cây cho lũ lá non và những nụ hoa yêu kiều khi mùa Xuân đến. Nếu chúng cũng rắc rối như chàng, con đường có nhiều cây lê hoa mà Hạ và chàng vô cùng ưa thích rồi sẽ tiêu điều biết bao!

Gấu áo Trần chợt bị ai đó giật nhè nhẹ. Chàng cúi xuống. An Bình đã đến bên cạnh chàng từ lúc nào. “Con gọi mẹ nghen ba?” Nó nũng nịu nhắc lại câu hỏi.

Switch mode views: