Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyện lẩn thẩn

mua thu bo laiLong hân hoan bước đi trên vỉa hè đường Ngô Quyền, thị xã Mỹ Tho. Lâu lắm, ngót ba mươi năm rồi, chàng mới trở về thành phố nầy, thành phố đã chứng kiến những bước chập chững vào đời của chàng – nơi chốn đã chứng kiến niềm xúc cảm của chàng trai lãnh những đồng lương đầu tiên trong đời mình, những đồng tiền đầu tiên do công lao học hành, do “cơm cha áo mẹ chữ thầy” mang lại! Cái thành phố đầu tiên đón nhận người giáo sư trẻ mới ra trường ấy lại là nơi chứng kiến mối tình đầu đời của chàng khai sinh: Điệp.

Và Long đang bước những bước bồi hồi, rộn rã trên lối đi quen thuộc ngày xưa để thăm lại Điệp. Mấy mươi năm qua mà tâm hồn lẫn thể xác chàng vẫn còn những háo hức, những sung mãn, những bén nhạy của thuở mới lớn. Đây rồi, khoảng sân trước của nhà Điệp. Nhưng sao nhiều cây thế, toàn loại cây lá nhỏ như cây chùm ruột, và trồng không hàng lối, thậm chí trồng ngay trên lối vào nhà. Long đã phải luồn lách qua các thân cây mới đến được cửa nhà. Hình như chàng có lẩm bẩm vài tiếng than phiền về lối trồng cây tắc trách này, vì chàng vừa nghe ông bố Điệp lên tiếng, “cứ lên Đoàn mà khiếu nại.”

À, ông bố Điệp mới lạ lùng: ông đứng rình rập ở đâu đó để nói cái “ý kiến” khiếu nại, xong lại biến mất, và lúc Long bước vào nhà mới lại thấy ông ta. Chàng cung kính chào ông, rồi tiến sâu vào trong chàng gặp mẹ của Điệp. Bà cụ vẫn khả ái, hiền từ như xưa, còn ông cụ vẫn khó ưa như cũ! Rồi Long hỏi thăm về Điệp. Bà cụ thản nhiên nói, “cháu nó đi về rồi”. Long chẳng hiểu lắm câu nói của bà ta nhưng vẫn thản nhiên bước vào căn buồng của Điệp. Chàng nhìn thấy Quyên, cô bạn hàng xóm của Điệp, nằm trên giường, mắt nhắm nghiền như đang ngủ nhưng môi bỗng mấp máy, “em vừa mới chết”. Điều lạ lùng là Long thấy người con gái nằm đó là Điệp, mặc dù khuôn mặt là Quyên! Long nghẹn ở cổ, không thốt được một lời, nhìn chỗ khác. Bỗng chàng nhận ra một thanh niên nãy giờ vẫn ngồi ở đầu giường của Điệp, mà lúc mới vào không kịp quan sát bao quát nên chàng đã không thấy. Thanh niên kia khẽ gật đầu chào Long. Rồi Long thấy khó chịu nhận ra hắn ta là tình địch cũ của mình. Quái, chỉ khoảnh khắc sau gương mặt của anh chàng lại hiện nguyên hình cậu bạn trai của Lan, con gái út của Long bây giờ. Chàng hơi ngỡ ngàng: tận bên Mỹ, thằng này dẫn xác về đây làm cái giống gì thế nầy? Rồi Long nói lí nhí vài tiếng với hắn, và buồn cười là chàng không biết mình đang nói gì, chỉ biết chàng không thấy thoải mái chút nào với sự hiện diện của thằng nhóc này ở đây.

Ông Long chợt thức giấc. Như mọi khi thì ông chưa vội mở mắt. Ông ta có thói quen mỗi khi thức giấc vào buổi sáng vẫn nhắm nghiền mắt lắng nghe các âm thanh chung quanh mình, từ tiếng chim hót trên cành cây cao bên ngoài cửa sổ phòng ngủ đến tiếng động quen thuộc trong bếp mà ông hình dung bà Long đang chuẩn bị bữa điểm tâm - một thói quen “mới tập thành” từ hai năm nay, tức từ khi ông nghỉ hưu. Và không cần xem đồng hồ, ông vẫn biết mỗi khi ông thức dậy là đã bảy giờ hơn. Con người ông là một loại đồng hồ báo thức. Nhưng hôm nay thì khác. Vừa thức giấc, ông mở lớn đôi mắt còn ngái ngủ, nhìn lên trần nhà, rồi nhìn bâng quơ ra phía cửa sổ, nơi có mấy cành lá lao xao trong gió nhẹ, vì trong lòng đang có một cái gì khiến ông nghĩ ngợi. Chiếc đồng hồ trên bàn con cạnh đầu giường chỉ tám giờ hơn. Sáng nay ông Long dậy muộn hơn thường lệ. Ông nhớ lại giấc mơ đêm qua. Quái, ba mươi năm rồi, từ ngày xa Điệp, người con gái ông yêu đầu tiên, không bao giờ ông nằm mơ thấy nàng. Thảng hoặc, do tình cờ của liên tưởng, ông có nhớ đến Điệp trong chốc lát, cái ý nghĩ như một cơn gió nhẹ thoáng qua rồi thôi, không gian vẫn biền biệt xa. Thấy mình trở về thăm Điệp trong giấc mơ đêm qua, một giấc mơ đầu Ngô mình Sở như bao giấc mơ, khiến ông Long rất ngạc nhiên. Ông chẳng hề có một mảy may bận tâm về tung tích người con gái xa xưa ấy, từ khi không lấy nhau được vì trở lực của gia đình mình. Vậy mà đêm qua ông đã trở về thăm nàng trong mơ – mà lại là một chuyến trở về viếng linh cữu cố nhân! Ông bận tâm vì giấc mơ báo một tin chẳng lành về nàng. Mấy mươi năm nay Điệp trôi nổi ở chân trời góc bể nào? Ông Long chợt thấy một thoáng ngậm ngùi. Từ bấy đến nay bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, gió mưa nào, bão tố nào, cơn nắng hạ nào đã làm tàn phai, héo hắt đời nhau! Có thể nàng vừa mới từ giã cõi đời lắm phiền muộn, lắm phong ba bão táp này và về báo mộng cho ông chăng? Trước kia ông Long vẫn thường nhạo báng những ai tin vào những điều mộng mị. Hôm nay ông bỗng nghĩ ngợi về một giấc mơ của chính mình. Đầu óc ông cứ xoay quanh câu hỏi, “Điệp vừa chết thật sao? Có phải nàng về báo mộng cho ông hay chăng?” Ô hay, nàng chết, hay ông chết, hay một người nào đó chết, là chuyện thường, có can dự vào đời nhau đâu mà bận tâm. Điều đó đúng, nếu tin do một người nào đó báo. Đằng này, tin được nhắn đến ông trong một giấc mơ thì thật khác thường. Ông Long quan tâm đến cái chết của người con gái tên Điệp thì ít, mà quan tâm đến giấc mơ thì nhiều. Ông muốn biết thực hư của sự việc. Nhưng bằng cách nào?

Mỗi khi ông Long có một niềm vui, hay một bực mình, hoặc một lo âu, ông thường đến tâm sự vơi người bạn già mà ông hay đi lại quen thân từ nhiều năm nay. Đó là vợ chồng bác sĩ Trang ở cùng thị trấn với ông. Bác sĩ Trang cũng xuýt xoát tuổi ông Long, nhưng vẫn còn hành nghề. Ngoài tư cách xứng hợp, ông Long còn mến phục bác sĩ Trang vì sự uyên bác của ông nầy. Quái, cái ông lang tây nầy sao cái gì cũng biết, cả những lãnh vực ngoài tâm chuyên môn của ông ta rất xa. Mình sẽ hỏi hắn ta nghĩ gì về hiện tượng thần giao cách cảm; có hay không có chuyện đó. Ông Long nghĩ vậy, và muốn đến gặp ông Trang ngay.
*
* *
Ông Long mở đầu câu chuyện:
Cậu có bao giờ tìm tòi nghiên cứu về những giấc mơ không?
Ông Trang hơi nhướng mắt nhìn bạn, đoạn trả lời:
Tớ có đọc một số tài liệu nghiên cứu về hiện tượng mộng mị, nhất là công trình của Sigmund Freud, hồi trước ở bên nhà. Nhưng tại sao hôm nay ông bạn lại hỏi tôi bất ngờ thế?
Chẳng giấu gì cậu, đêm qua tớ mơ một giấc mơ lạ lùng, và tớ nghĩ ngợi hoài…
Ông Long thuật lại giấc mơ của mình, rồi hỏi ông Trang:
Cậu có tin là giấc mơ này có tính cách báo mộng? Điệp, người yêu cũ của tớ có lẽ vừa chết và về báo tin cho tớ. Từ xưa đến giờ tớ không hề tin những chuyện báo mộng mà mọi người chung quanh hay kể, nhưng giấc mơ này làm tớ khó nghĩ, tớ tin có một cái gì linh ứng trong mơ. Có hai điều làm căn bản cho cảm giác đó. Thứ nhất, mấy mươi năm nay không bao giờ tớ mơ thấy người xưa cả; ngay cả thời kỳ còn yêu nhau, nghĩ đến nhau từng giờ, từng phút, mà chả đêm nào tớ mơ thấy nàng cả. Thứ hai, tại sao lại mơ thấy nàng báo tin chết rõ ràng như thế?
Ông Trang pha trò:
Tớ nghĩ cậu nên gọi qua Cali hỏi ông Huyện Đề cho chắc ăn.
Cậu vừa nói cái gì? Ông Huyện Đề là ai?
Bộ hồi trước năm 75 ở bên nhà cậu chưa xem trên đài truyền hình Sài Gòn vở kịch “Ông Huyện Đề” à?
Chưa.
Nhà mô phạm có khác, ít chịu xem ba cái trò diễu cợt mất nết. Tớ nhớ Văn Chung thủ vai Huyện Đề thật tuyệt. Tớ kể sơ lược cậu nghe. Ông Huyện Đề là thầy chuyên đoán điềm giải mộng cho khách hàng đánh số đề. Một bà thân chủ đêm trước nằm mơ thấy con chuột. Bà thắc mắc đó là điềm lành hay dữ, hoặc giả thần linh mách như vậy thì đánh số đề gì. Ông Huyện Đề hỏi thân chủ rằng con chuột bà thấy trong mơ lớn hay nhỏ. Bà ta cho biết nó không lớn lắm, cũng không nhỏ lắm. Ông Huyện Đề phán rằng hễ chuột lớn là con voi, mà chuột nhỏ là con heo, và ông bảo thân chủ hãy đánh số 36, tức là con voi, rồi đánh ngược lại 63, tức con heo, cho chắc ăn!
Ông Long cười bò ra và nói:
Cái năng khiếu khôi hài của cậu làm cậu thuộc làu ba cái màn diễu đó, chứ ai mà nhớ lâu vậy. Nhưng mà giấc mơ của tớ cũng “nghiêm chỉnh” không thua gì giấc mơ của cái bà đánh đề kia, có điều là tớ không vụ lợi. Ý cậu bảo tớ gọi qua Cali là vì nghệ sĩ Văn Chung hiện định cư bên đó phải không?
Đùa cho vui. Bây giờ tớ nói đứng đắn nhé. Nghề của tớ là chữa trị bệnh tật thể xác, nên tớ không tìm tòi sâu vào địa hạt phân tâm học của Freud, với lại thuyết của Freud vẫn còn gây bàn cãi. Nhưng tớ thấy công trình nghiên cứu của ông ta quả đã soi rọi vào thế giới kỳ bí của tâm linh, của tiềm thức để con người không còn nhìn những cơn mộng một cách thần linh hay viển vông nữa.
Theo Freud, ngoại trừ một số ít giấc mơ bệnh hoạn liên quan đến sự trục trặc một bộ phận nào đó của cơ thể mà còn quá sớm ý thức chưa ghi nhận nhưng tiềm thức đã cảm được; những giấc mơ đó có tính cách “tiên tri” - một điềm báo trước người mơ sẽ mắc một chứng bệnh nào đó – và ngoại trừ một số giấc mơ do kích động của ngoại giới trong lúc ngủ, còn lại mọi giấc mơ “lành mạnh” đều là một hình thức nào đó của một ước vọng được toại nguyện.
Nhưng giấc mơ của tớ có phản ánh một ước vọng nào đâu. Một đàng, nó là đầu Ngô mình Sở, đàng khác, nó mang đến một biến cố tớ chẳng hề mong: cố nhân đã qua đời!
Cái vẻ đầu Ngô mình Sở của những giấc mơ là do hiện tượng biến dạng, hiện tượng ngụy trang, theo Freud, nhưng nó dài dòng văn tự lắm; ở đây tớ chỉ chú ý đến cái chết của người yêu cũ của bạn. Có hai giả thuyết. Một là nó bắt nguồn từ một ước mơ “lâu đời” của bạn, có thể trước khi nàng ta trở thành người yêu của bạn. Hai là một sự biến dạng của giấc mơ, một sự biến dạng đi đến nghịch đảo của dạng nguyên thủy, nghĩa là thấy chết tức là sống. Trong trường hợp nầy, ước vọng thực sự của bạn là muốn người yêu cũ vẫn sống! Ước vọng đó ngấm ngầm, tiềm tàng, vô thức, bỗng trỗi dậy,và được thực hiện trong mơ.
Thôi đi cha Huyện Đề! Tớ chẳng hiểu mô tê gì cả. Tớ chẳng bao giờ có một ước vọng như cậu suy đoán. Nhưng tớ hỏi cậu, tại sao mấy chục năm nay không nằm mơ, đùng một cái, người xưa hiện về báo mộng?
Ông Trang nhìn bạn mấy giây, rồi hỏi:
Cậu cố nhớ lại trong ngày hôm qua, hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, cậu có nghĩ đến hoặc nhìn thấy một hình tượng nào trong số những sự vật cậu thấy trong giấc mơ không?
Cậu hỏi mông lung quá, làm sao tớ kiểm chứng hết được.
Có gì đâu, này nhé, đêm qua cậu mơ thấy những gì? Nào là căn nhà cha mẹ cô gái, thằng bạn trai của con gái cậu, và gì nữa?
Mấy cây chùm ruột trước nhà nữa. À, tớ nhớ ra rồi! Trưa hôm qua lái xe từ New York về, tớ chợt thấy bên đường một cây giống như cây chùm ruột mọc chơ vơ trên một mỏm đất trống. Hình ảnh đó gợi nhớ một trại hè năm nào lâu rồi, lúc tớ dạy tại một trường trung học ở miền Trung. Lúc bấy giờ cuộc tình của hai đứa vừa đổ vỡ, và cây chùm ruột mọc hoang trên một gò đất nơi trường tớ dựng trại đã làm lòng tớ buốt nhói khôn cùng. Tớ nhớ đến cây chùm ruột trước nhà Điệp, rồi tớ nhớ Điệp, nhớ quay quắt và đau khổ… Sau này, thỉnh thoảng tớ có thấy lại loại cây đó, nhưng với thời gian, mọi sự nguôi ngoai dần, cây xưa chỉ gieo vào lòng một hoài niệm dửng dưng.
Ông Trang vừa gật gật cái đầu tóc muối tiêu vừa nói:
Tớ có câu giải đáp cho cậu rồi: cái cây giống cây chùm ruột mà cậu thấy hôm qua là đầu dây mối nhợ của giấc mơ đấy. Nếu cậu chỉ thấy cây ấy, và thôi không nhớ gì đến chuyện xưa, hoặc liên tưởng đến một chuyện nào khác, thì có thể cậu đã không nằm mơ gì ráo, hoặc mơ một giấc mơ hoàn toàn không giống giấc mơ đêm qua. Chính hoài niệm đi kèm theo cây chùm ruột đã làm chạy cuốn phim dĩ vãng của cậu. Nguyên nhân của giấc mơ thường thường là những ấn tượng in trong trí mình ngày hôm trước. Tớ nói nguyên nhân chứ không nói “chất liệu” làm nên giấc mơ, và đó là một chuyện khác nữa. Giấc mơ tuyển chọn “tài liệu” từ mớ “hồ sơ” tồn trữ trong ký ức để dựng cuốn phim cho ta xem trong giấc ngủ; giấc mơ không sáng tạo ra dữ kiện. Nó có thể lựa chọn “vật liệu” từ bất cứ đoạn đời nào của ta, miễn là luồng tư tưởng liên kết được sự việc trong ngày đó với sự việc quá khứ đã ngủ yên. Và lối chọn lựa của nó lạ lùng ở chỗ là những gì ít quan trọng nhất, ít được ta ý thức nhất lại có cơ may nhiều nhất được xuất hiện trong mơ! Vì thế cậu đừng lấy làm lạ rằng trong thời kỳ cậu và Điệp say đắm với nhau nhất cậu lại không hề nằm mơ thấy nàng – và chắc chắn nàng cũng chẳng hề mơ thấy cậu trong thời kỳ đó.
Ông Long, bị thu hút bởi bài giảng về “đoán điềm giải mộng” của ông Trang, nói:
Bây giờ tớ mới hiểu. Những điều cậu vừa nói, tớ nghiệm thấy đúng. Về chi tiết cây chùm ruột thì tớ hiểu, nhưng cái vụ cây trồng lộn xộn,và vụ khiếu nại Đoàn, tớ không hiểu. Đoàn là cái quái gì?
Ông Trang suy nghĩ ít giây rồi nói:
Chữ “Đoàn” làm tớ liên tưởng đến Đoàn 776 là đơn vị phụ trách hệ thống trại tù giam giữ anh em mình ở ngoài Bắc trước năm 1979, còn vụ trồng cây tớ cũng lại liên kết với thời gian ở tù ngoài Bắc, tức là năm nào vào ngày lao động đầu năm âm lịch bọn tù mình cũng phải đi “trồng cây nhớ ơn Bác”! Cậu cũng như tớ, trong ký ức vẫn còn tồn trữ mớ hình ảnh đó, mà giấc mơ đã lôi ra cắt xén, ghép thành “phim”. Và như tớ vừa nói khi nãy, giấc mơ thường chọn những mẩu ký ức vô nghĩa nhất để làm vật liệu. Những chi tiết như Đoàn 776 hay một đoàn nào khác trông coi tù, và việc tù đi trồng cây đầu năm thật ra đều vô nghĩa với chúng ta; điều quan tâm của chúng ta là mình bị tù, điều quan tâm của chúng ta là đến khi nào mình mới được thả về! Phải thế không cậu?
Có lý. Nhưng lạ lùng thật, trong mơ thì râu ông nọ đem cắm cằm bà kia! Khó hiểu.
Đó là hiện tượng biến dạng, hiện tượng ngụy trang, vốn là ngón nghề của mọi cơn mộng.
Thấy ông Long vẫn còn vẻ “mán rừng” về những điều kỳ quặc của thế giới mộng mị, ông Trang tiếp:
Nhưng hơi đâu mà bận tâm. Không ai hiểu hết cũng như không ai chấp nhận hết những thuyết về hiện tượng mộng, vốn là một thế giới bí ẩn.
Ông Long biểu đồng tình:
Thế giới tâm linh không sờ mó được, không đo lường được, làm sao kiểm chứng được.
Rồi như sực nhớ điều gì, ông Long nói tiếp:
À, tớ nhớ một điều lạ. Có một lần tớ nằm mơ thấy mình đối chất với một người Mỹ. Trong giấc mơ tớ đã sử dụng một nhóm chữ mà lúc thức dậy tớ rất ngạc nhiên, vì nó không giống như lối nói thông thường của tớ, và tớ không nghĩ nó đúng văn phạm, hay đúng lối dùng của người Mỹ. Ít lâu sau đó, tình cờ đọc trên báo Mỹ, tớ thấy lại rõ ràng nhóm chữ tớ đã dùng trong giấc mơ trước đó.
Ông Trang nói:
Không ít người nằm mơ như thế, tuy chi tiết khác nhau. Freud giải thích hiện tượng đó như thế này. Mọi sự vật đã lọt vào tri giác ta thì chúng ở lại, nằm trong ký ức, chứ không mất đi đâu cả. Lắm lúc một sự việc bị chôn vùi trong tiềm thức lâu,và sâu thẳm đến nỗi nếu có được gợi lại ta vẫn phủ nhận là đã từng nghe, thấy, biết tới v.v. Rồi do khả năng kỳ lạ của ký ức trong lúc ngủ, nó được lôi ra cung cấp cho giấc mơ “vật liệu” để làm việc. Có thì giờ, cậu chiêm nghiệm, đối chiếu những gì trong mơ với kinh nghiệm đã qua có thể cậu sẽ tìm ra manh mối của tất cả. Tớ lặp lại cái ví dụ rất điển hình mà Freud đã kể trong một cuốn sách của ông. Triết gia Delboeuf (đồng thời với Freud) trong một giấc mơ thấy một loại thảo mộc mà ông ta biết cả tên khoa học là asplenium. Lúc thức dậy ông rất ngạc nhiên vì ông không hề biết loại cây đó, và càng không biết cái tên bằng tiếng La Tinh kia. Mãi mười sáu năm sau, tại nhà một người bạn, tình cờ ông trông thấy một cuốn album chứa những loại hoa ép khô. Ông lần giở từng trang và bỗng bắt gặp đúng nhánh lá của loại cây ông đã thấy trong giấc mộng, và bên dưới có ghi chữ “Asplenium” bằng bút tích của chính ông! Thì ra đây là tập hoa ép mà ông đã thực hiện với sự trợ giúp của một nhà thực vật học để làm quà cưới cho em gái ông ta cách đó mười tám năm.
Ông Long gục gặc cái đầu tỏ vẻ thích thú:
Cái ví dụ thật tuyệt vời. Vậy mới thấy ký ức của con người thật không lường nổi. Hôm nay tớ phải nhận cậu là sư phụ. Sư phụ đã gỡ rối tơ lòng cho đệ tử về chuyện mộng mị.
Hai người đều cười ầm lên sau câu nói của ông Long. Bỗng sực nhớ nãy giờ chưa mời nước bạn, ông Trang nói:
Ý quên, khách uống cái gì đi chứ?
Cho tớ xin một ly nước lạnh thôi.
Ông Trang mở tủ lạnh, lấy bình nước ra rót đầy hai ly, rồi bưng trao cho ông Long một ly, đoạn trở lại vị trí cũ của mình. Hợp một ngụm nước, ông Long trở lại đề tài về giấc mơ:
Hồi nãy cậu nói về sự biến dạng trong giấc mơ, nhưng tớ không có ý niệm về vấn đề đó.
Ông Trang mỉm cười, có vẻ hài lòng thấy người bạn già của mình cáng lúc càng bị lôi cuốn vào đề tài bất chợt nầy:
Chỉ có giấc mơ ở trẻ con là không bị biến dạng, dễ giải đoán. Chúng ước muốn những gì, chúng nằm mơ gần như thế. Giấc mơ ở người lớn phần nhiều bị biến dạng. Con người là một sinh vật phức tạp, cả trong đời thường lẫn trong mơ. Xã hội, đạo lý, lòng tự ái, v.v. khiến cho những hành xử của nó không đơn giản chút nào! Lúc nào ta cũng sống trong một tình thế phải chống đỡ, phải phòng thủ; ta chống đỡ với xã hội, với chính nội tâm của ta nữa. Những cư xử giữa con người với nhau trong cuộc sống hằng ngày đều biến dạng mà ta không ý thức. Một người bạn đưa cho cậu xem một bài văn hắn ta vừa hoàn tất, và bài ấy “ngửi không vô” nhưng cậu phải khen hay, sâu sắc, v.v. Ý thích của tôi một đàng, lắm khi tôi phải nói một nẻo khác, và vân vân. Và chúng ta mang tất cả những trói buộc, những hệ lụy của đời sống lúc thức vào giấc ngủ, vào tiềm thức. Sinh hoạt trong mơ cũng thế. Những sự việc trong mơ bị biến dạng, bị ngụy trang để mình không nhận ra cái nghĩa đích thực của chúng, để loại bớt cái thú tính từ trong sâu kín của con người, tức từ cái tự ngã và bản ngã hạ cấp, để siêu ngã của ta dễ chấp nhận. Freud chỉ lấy một hiện tương xã hội để người đọc dễ hình dung ý niệm biến dạng trong mơ: nếu một người muốn bài công kích chính quyền của mình thoát khỏi kiểm duyệt, để đến tay người đọc, thì người ấy phải viết thế nào để có thể che mắt chính quyền. Đại khái, giấc ngủ là một sự tiếp tục của ý thức dưới một trạng thái khác, trạng thái mà ta gọi trạng thái ngủ, chứ không phải “ngưng sống”…
Ông Long thấy vấn đề muốn đi vào sương mù, nên đổi hướng câu chuyện:
Tớ thấy trong mơ con người vẫn không hoàn toàn tự do, vẫn còn bị trói buộc đủ mọi bề! Không biết loài vật thì sao nhỉ? Tớ thấy con chó của tớ thỉnh thoảng cũng nằm mơ, cậu ạ. Nó sủa ú ớ, và chân đạp lia lịa. Tớ phải đánh thức nó. Và tớ nghĩ chắc giấc mơ của loài vật không bị biến dạng như cậu nói đâu; chúng mơ ước gì, chúng đâu có sợ ai biết, nên chắc chúng mơ thoải mái, không cần che đậy! Tớ lại nghĩ, trong muôn loài, con người là sinh vật ít tự do nhất, cậu nghĩ sao?
Ông Trang cười lớn:
Cậu đúng là một kẻ viết lách!
Ông Long cũng bật cười:
Bộ cậu định nói giới viết lách là loại người hay thắc mắc lẩm cẩm vậy à? Cậu cứ bảo thẳng tớ lẩn thẩn cho được việc.
Ông Trang cười xòa:
Không phải thế. Đầu óc tớ là đầu óc chuyên viên, tớ chỉ deal với sự kiện và mối tương quan giữa chúng, còn đầu óc cậu là thái độ một “nhà tư tưởng”, cậu ưa đi tìm bản thể của vấn đề.
Câu chuyện của tụi mình đúng là chuyện trò lẩn thẩn của người già, phải không cậu?
Ông Trang nheo mắt, buông một câu bông đùa mà chính ông ta cũng không rõ nó là bông đùa hay nghiêm trang:
Cậu nói riết rồi cũng đúng đấy!

Switch mode views: