Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Con chó đi lạc

con cho di lacChú Cân khập khiểng chưn thấp chưn cao đi vô nhà bếp, cặp mắt ngó láo liêng. Căn bếp khá rộng, đồ đạc ngổn ngang. Chú thấy thầy An đương ngồi lặt một thúng rau muống, lá héo vàng bên cạnh hồ nước, vách đầy rêu xanh. Lần nào cũng vậy, khi đi ngang đây chú cũng thấy mấy thầy giáo làm anh nuôi, lặt rau. Hôm nay lại tới phiên thầy An. Cái ông thầy nầy dạy Sử mà lại có ngón đờn thật ngọt. Mấy ngón tay ổng lặt rau, cũng lanh như khi ổng gảy trên dây đờn. Thầy An thấy chú Cân lò dò tới, bèn hỏi:

-Chú muốn kiếm cái gì vậy ?

-Bữa hổm tôi có để một cuộn dây luộc trên đầu tủ, bữa nay sao mất tiêu kiếm hổng ra?

Nói rồi chú định quay đi. Cả người chú choán hết cái khung cửa cây nhỏ xíu.

Trong nhà bếp, ngoài nồi nêu, soong chảo, chén dĩa, còn có một đống cuốc xẻng của ban lao động để ngổn ngang bên vách. Thầy An đưa tay chỉ một nùi dây dừa móc trên cây cột đen xám vì khói bếp:

-Phải chú muốn kiếm sợi dây nầy không ?

Chú mừng rỡ vói tay lấy, miệng trả lời:

-Ừa, vậy mà nãy giờ tôi kiếm hoài hổng thấy.

Cầm cuộn dây dài trong tay, dáng vui vẻ chú hỏi:

-Bữa nay thầy trực nhà bếp hả ? Sao hôm qua tôi cũng thấy thầy ở đây ?

-Đáng lẽ bữa nay tới phiên thầy Định. Nhưng tôi không thích dạy, bèn kiếm cách đổi với thẩy... Làm bếp cực nhưng khỏi phải nhức đầu.

Nói tới đó thầy bèn so sánh:

-Lẩm rẩm vậy mà tôi thấy chú ngon lành. Cả cái trường nầy có chú là sướng. Trên thì có anh Chín hiệu trưởng, kế đó là chú...

Rồi như sợ bị hiểu lầm, thầy An tiếp:

-Ở thời nầy không dính líu tới ngụy quân ngụy quyền, không nhà cửa, đất đai, tiền bạc mà lại có bà con cách mạng làm lớn thì là hạng nhứt, phải không chú Cân ?

Chú Cân vừa dợm đi, vừa trả lời:

-Trong trường ai cũng nói y như thầy mà tôi thấy có sướng gì đâu. Tháng nào tôi cũng được tuyên dương cá nhân tiên tiến...

Rồi chú hạ thấp giọng, ngập ngừng:

-Tiên tiến mà không có tiền cũng hổng sướng...

Nói xong chú quay ra, cái chưn có tật đi khập khiễng, tay tháo lần cuộn dây. Sợi dây dừa nhỏ bằng ngón tay út được tuôn ra thẳng dài kéo lệt bệt trên sàn xi măng. Chú thắt một mối ở đằng đầu, lấy tay ướm ướm cho mối thắt chặt lại.

Nắng đã bắt đầu nong nóng. Ngoài sân trường ánh sáng chói chang. Căn phòng của chú Cân ở cuối sân, cạnh kho chứa đồ cũ của nhà trường, cách nhà bếp một khoảng đất trống cỏ mọc lan tràn. Chú không có thì giờ để làm cỏ dọn dẹp.

Từ sáng sớm phải mở cổng trường, quét lớp quét sân. Công việc bề bộn kéo dài mãi cho đến chiều tối, nhứt là cho đến mấy ngày gần Tết như lúc nầy. Trong lớp ngoài sân chỗ nào cũng rác ngập đầu. Chú lo dọn dẹp hằng mấy chục phòng học vừa đủ hết hơi, còn sức đâu mà lo tới cái phòng riêng nữa. Cái phòng chỉ dành để ngủ, có được một cái giường và một cái bàn còn dùng được. Bên vách để một đống đồ cũ vụn vặt gồm có bàn học trò, ghế ngồi gãy chưn, bảng viết lủng lổ.

Hồi sáng nầy lúc trời còn lờ mờ tối, chú đương ngủ bỗng giựt mình vì nghe tiếng lục đục dưới gầm giường. Cứ tưởng là có ăn trộm, chú nằm im để lắng nghe. Có tiếng quào rột rột ở bên vách, hồi lâu có tiếng gâu gâu nho nhỏ. A, thì ra có con chó đi lạc vô phòng. Đương ngủ bị phá đám đâm bực mình, thuận tay chú với lấy thanh củi để kế bên quăng mạnh. Khúc củi lớn nặng, trúng cái bịch trên lưng, con chó kêu ẳng ẳng cong đuôi chạy mất.

Chú nằm cố ngủ nướng thêm một chút. Trời còn tối mò mò, giấc ngủ không chịu đến. Nằm trên giường mà đầu óc chú nghĩ ngợi lan man. Còn mấy ngày nữa là hết năm. Làm việc quần quật mà vẫn không dư một đồng một chữ để ăn Tết. Cuộc đời không buồn mà vẫn chưa thấy gì vui. Ngày tháng cứ lần lượt qua, tết nhứt tới hồi nào không hay. Đã trên hai mươi năm giúp việc cho trường nầy, chú quen mặt hầu hết các thầy cô giáo. Có người đổi tới rồi có người đổi đi.

Riêng năm nay, mới có mấy tháng mà trường đổi tới ba ông hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng cũ người Bắc di cư, dáng nghiêm nghị, nói năng điềm đạm, chững chạc. Tuy vậy có nhiều lần ông nói chú không hiểu. Một hôm ông nhờ chú mua dùm gói thuốc hút. Chú lấy tiền rồi đi vụt ra cửa. Ông nói :

-Không gấp, làm gì mà cuống lên thế ?

Chú nghe xong ngạc nhiên quay trở lại, hỏi :

-Ông nói cái gì tôi không hiểu, cuống lên là cái gì ?

Thấy cái mặt chú ngơ ngác, mấy ông giáo sư ngồi bên cười ầm lên. Một lần khác trong bữa tiệc tất niên, ông hiệu nhờ chú mua thêm một ít lạc rang. Chú ngó quanh ngó quất, cuối cùng khều khều thầy Định hỏi nhỏ:

-Lạc rang là món gì vậy ?

Đến khi được thầy Định giải nghiã cho biết, chú tiu nghỉu:

-Sao ổng hổng chịu nói đậu phọng, tui đâu có hiểu tiếng Bắc !

Dù vậy chú vẫn kính nễ ông hiệu trưởng vì ông học rất giỏi. Các thầy cô giáo sư cùng học sinh cũng kính trọng và thương yêu ông lắm. Riêng đối với chú, ông hiệu rất vui vẻ, dễ chịu. Thỉnh thoảng ông thường cùng chú tâm sự. Chú ít nói mà thích nghe. Có món gì ngon ông thường rủ chú cùng ăn. Tình thầy trò cũng như tình anh em. Rồi ngày cách mạng về, ông hiệu của chú bị bắt đi học tập nơi khỉ ho cò gáy nào cũng không biết nữa. Chú buồn lắm. Ông hiệu mới tới người Nam, nghe nói lúc trước làm giáo viên bên trường tiểu học, có theo Việt Cộng một thời gian. Ông nầy thì quá tốt đối với chú, nói tiếng Việt Nam dễ nghe. Ngày ông mới về trường, trong buổi họp hội đồng giáo viên, ông đã mời chú ngồi ở hàng ghế danh dự rồi ca tụng chú không tiếc lời. Chú cảm động muốn khóc. Đầu óc suy nghĩ hoài mà cũng không hiểu tại sao mấy ông giáo sư học giỏi như vậy mà lại không được khen, trong khi đó sức học của chú còn thua mấy đứa học trò lớp nhỏ.

Chú có hỏi thầy An, thầy nầy giải nghiã:

-Nhà trường xã hội chủ nghiã đặt nặng trọng tâm lao động. Người nào lao động giỏi thì người đó được khen. Chú lao động giỏi nhứt, nhiều nhứt ở đây thì được khen là phải rồi, thắc mắc gì nữa...

-Ủa, tôi tưởng là trường dạy đọc sách với làm toán chớ. Ai ngờ bây giờ lại dạy lao động, ngộ quá hả. Mà nói vậy đi học làm chi, dốt như tui coi bộ sướng hơn...

Thầy An gật đầu nói nho nhỏ:

-Bây giờ tụi tôi muốn dốt hết mà không được. Lỡ học giỏi, khổ muốn chết. Chú thấy ông hiệu của mình không ?

Rồi cũng không bao lâu lại đổi tới ông hiệu mới nữa. Ông nầy cũng người Bắc nhưng là đảng viên, tánh tình lại khó chịu. Tiếng Bắc của ông lại khác xa ông hiệu cũ. Ông nói nhiều chữ khó hiểu quá. Cái gì mà "đại bộ phận" "hạ quyết tâm" "chủ yếu " "động viên" "quản lý "... chú hoàn toàn mù tịt. Ông khó tánh nên chú không dám hỏi lại. Phần lớn chú phải đoán mò, nhiều khi lịnh một đàng mà làm một nẻo. Ông lại ưa rầy la nạt nộ nhân viên. Thỉnh thoảng còn đi vô phòng chú ngó từ trên xuống dưới, lấy món nầy món kia đem về phòng riêng để dùng. Tết nầy chắc ông ta ở lại trường chớ làm sao mà về Bắc ăn Tết cho kịp...

Nghĩ vẩn nghĩ vơ một lúc chú chợt nhớ tới con chó. Phải chi có được một con như vậy cũng đủ vui với bà con lối xóm ba ngày Tết.

Ừ, mà tại sao chú không bắt lấy con chó đó làm thịt ? Hình dáng con chó hồi nãy hiện rõ trong đầu. Nó đứng gần cái cột vuông, bụng thon lưng dài, bốn cẳng cao cao, lông vàng vàng, cái đuôi chỏng lên trời. Cái loại chó vàng nầy có hạng lắm chớ. Ông già Sáu ở cuối xóm trong những cơn nhậu ba ngù thường ngâm nga câu thiệu "nhứt mực, nhị vàng, tam khoang, tứ đốm". Nó chỉ thua có con mực, còn loại chó đốm, chó vá, chó cò là đồ bỏ. Trời ơi, con chó ngon lành đứng ngay trước miệng, vậy mà chú tính không ra, đầu óc tối tăm thế nào mà lại đánh đuổi nó đi. Thiệt là uổng của trời. Có cái ngu nào lớn hơn cái ngu của chú sáng hôm nay hay không ?

Chú tức mình lấy tay đập xuống giường rồi chỗi dậy. Rửa mặt qua loa, chú cầm lấy cây chổi, bắt đầu công việc của một ngày. Công việc nhàm chán đã hai mươi năm qua không thay đổi. Từ các lớp chú quét lần ra ngoài hành lang. Rác rến đầy khắp. Chú phải đem ra đổ ở hố rác nhiều lần. Mãi cho đến cuối sân, trong ánh sáng mờ mờ, chú chợt thấy con chó đi vẩn vơ xung quanh gốc điệp, cái mình tròn lẳn, cái bụng thon thon. A, nó vẫn còn đây. Chú cố nhớ lại ở cái xóm nầy, gần trường học đâu có ai có con chó giống con nầy. Chắc là ở xa đi lạc, không có gì phải bận tâm. Chú lại gần lấy cây chổi đập đập, đe dọa. Con chó quay đầu lại nhìn, bốn chưn từ từ bước tới. Chú lùa nó lần về phòng. Không ngờ con vật lại dễ thương ngoan ngoãn đến như vậy. Nó đi từ từ mà không chạy. Con chó quên mất khúc củi và người quăng. Đến khi nó lọt vô trong phòng chú đóng ập cửa lại, khoá kỹ rồi yên chí trở ra tiếp tục công việc cho xong.

Buổi sáng đó chú quét mấy cái hành lang dài mà không thấy mệt. Xong rồi chú đi lại nhà bếp để kiếm sợi dây cột chó. Khi thắt xong cái mối thì chú đã về tới trước cửa phòng. Bên trong có tiếng chó gâu gâu. Chú mở khoá, đưa tay đẩy nhẹ cửa. Con chó lạ vẫn còn đứng ở đầu giường nhìn chú gừ gừ, mắt ngơ ngác. Con chó dài đòn mà mập, bốn cẳng thon thon cao cao, cái đuôi dựng đứng. Chú làm bộ không ngó tới nó, lo làm một vài công việc khác. Con vật không đề phòng đi đi lại lại bình thản, cái đuôi nghiêng ngả như cái cán cờ. Chú Cân nắm chắc sợi dây, xuất kỳ bất ý vòng vô cổ chó giựt mạnh. Con chó hoảng hốt, tông chạy ra cửa. Cả thân hình nó bị sợi dây ghì mạnh, hai chưn trước bị giựt lên hỏng đất, hai chưn sau khụy xuống, cổ bị xiết chặt. Bốn chưn nó cựa đạp lung tung, miệng kêu ăng ẳng thiệt lớn nhưng tới lúc bị nghẹt thì chỉ nghe tiếng khè khè. Nó đành chịu trận nằm im. Chú Cân lui cui cột đầu dây còn lại vô gốc cột, miệng cười hể hả, trong bụng khoái chí. Đúng là của trời cho. Cái số được ăn ngon thì dẫu nằm nhà đồ ăn cũng tới ngay miệng.

Chú Cân càng suy nghĩ càng sung sướng. Chú khoái chí xách cái ấm nước bằng nhôm đen thui đi ngay ra nhà bếp để nấu một bình nước trà. Thầy An vẫn còn ngồi đó nhưng đang nấu cơm cho buổi ăn trưa. Cơm đã gần chín. Chú Cân lại gần đặt ấm nước ở bếp kế cận:

-Tết nầy thầy có về Sàigòn không ?

-Về chớ chú. Mai là tôi đi. Mùng sáu mới trở lên.

Chú Cân cười cười:

-Phải thầy không về, ở lại trường ăn Tết với tui. Vui lắm. Tui vừa bắt được con chó ngon lành, định rủ thêm vài người bạn lối xóm với mua vài lít rượu đế là có một cái Tết huy hoàng. Mà thầy có thích ăn thịt chó không ?

-Tiếc quá, tôi chưa được ăn lần nào. Không phải không ăn được nhưng gia đình không cho ăn nên thôi. Chớ rắn rùa, lươn, ếch, chuột, dơi gì tôi cũng làm ráo nạo. Nhiều khi cũng muốn thử một lần cho biết nhưng chưa có cơ hội...

Chú Cân hứng chí:

-Ờ, ờ, có dịp nên thử một lần, ngon lắm. Không có loại thịt nào qua nổi. Thôi Tết nầy ở lại đây đi. Con nầy mười người ăn cũng không hết. Thầy không nghe mấy ông giáo Bắc kỳ nói sao -"sống trên đời không ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không." Tôi cam đoan thầy ăn thử một lần thì mê luôn. Người ta nói như vầy -thịt chó dính vô kẻ răng quên không xỉa, ba ngày miệng vẫn còn thơm !

Thầy An cười ngất:

-Thôi thôi, chú Cân ơi ! Tôi tin rồi, nói nữa nghe phát thèm. Tết nầy tôi dám ở lại lắm à nghen... Thế nào tôi cũng phải ăn một lần cho biết. Mà chú có biết cách làm thịt không?

Chú Cân trợn mắt khoa tay:

-Nghề ruột của tôi mà thầy. Ở xóm nầy ai muốn" hạ cờ tây" là phải nhờ tôi đó. Làm riết rồi đâm quen tay. Nội cái vụ cột bốn chưn cũng phải có cách, không phải dễ đâu. Nè nghe, trước hết mình phải cột chặt miệng nó lại cho khỏi cắn. Rồi cột hai chưn sau lại với nhau. Hai chưn trước mình bẻ ngoặt lên trên lưng rồi mới cột dính lại. Cột như vậy thì nó hết dãy dụa. Rồi mình lựa cái mạch máu lớn ở trên cổ mà cắt. Khi nào nó sùi bọt mép ra là chết...

-Ủa, chớ chú không bỏ vô bao bố dìm xuống sông cho chết sao ?

-Làm như vậy thì dễ hơn nhưng mình không làm món tiết canh được. Tui làm theo cách của người Bắc, thịt nó trắng ngon hơn. Còn nhận nước thì thịt đỏ bầm hết ngon. Còn cái vụ làm lông phải thui bằng rơm thiệt kỹ, nếu không vậy thì hôi, khó ăn. Lúc bắt đầu làm, phải nấu một nồi nước sôi lớn, khi cắt tiết xong, lấy gáo múc nước sôi xối từ từ cho đều. Khi nhổ lông phải cho khéo đừng để tuột da. Nhổ rồi lấy rơm đốt để thui. Không được đốt nóng quá, ngọn lửa phải đều, lấy quạt quạt nhè nhẹ cho lửa táp đều đặn vào thân chó. Bao nhiêu lông còn sót lại đều phải đốt cho cháy sạch. Da bắt đầu vàng từ từ. Nhưng phải tránh đừng để ngọn lửa nóng hăng quá, da nứt hết. Khi nào thấy da vàng đều, mỡ bắt đầu chảy ra bốc mùi thơm là được. Hấp dẫn lắm thầy An ơi, lúc đó mình tự nhiên nghe đói bụng rồi lại thèm một ly đế nữa...

-Uả, vậy là chú làm món thịt chó nướng hay thịt chó quay hả ?

Chú Cân cười khoát tay:

-Đâu phải, nãy giờ là tui chỉ mới làm lông thôi. Còn phải rửa lại cho thiệt sạch, rồi để lên trên một cái nia lót lá chuối, lấy dao mổ bụng, cắt đầu, cắt bốn chưn để riêng. Còn bộ đồ lòng phải làm cho thiệt kỹ. Ruột non để dành làm dồi. Đừng có cắt cái bao tử với ruột, để hai thứ dính nguyên như vậy. Cái bao tử cắt phân nửa ở trên, phân nửa dưới dính với ruột phải xát muối, cạo rửa cho thiệt sạch, lộn vô lộn ra cho kỹ. Rồi mình lấy cái bao tử làm cái quặng để nhét huyết, mỡ, đậu xanh, rau thơm vô rồi luộc. Nên nhớ nhét lưng lưng thôi. Vì khi nấu, đậu xanh nó nở ra, dồn cứng quá, khúc dồi nó bể thì hư hết. Nước luộc đó mình bỏ vô vài nắm gạo, một lon đậu xanh, nấu chung với tim, gan, phèo phổi, thì có được một nồi cháo thượng hảo hạng. Cháo bào ngư ở Chợ Lớn cũng không bằng...

Câu chuyện đến hồi gay cấn, cái món thịt chó nghe mà sao hấp dẫn như vậy.

Người nói lẫn người nghe, cả hai đều ứa nước miếng, bụng đói cồn cào. Chú Cân định tả tiếp các món khác bỗng thấy anh Chín hiệu trưởng chợt đến, chú ngưng ngang. Các giáo viên khác lục tục kéo vào nhà bếp. Anh Chín đứng ngay ở khung cửa hẹp, hỏi giọng hách dịch:

-Sáng nay chú làm gì mà để một đống rác ngùn ngụn ở giữa sân thế kia ?

Chú Cân bị hỏi bất thần, không kịp chuẩn bị, lính quính trả lời lắp bắp:

-Tại, tại, con chó...

Anh Chín hỏi dồn:

-Con chó nó làm ra được đống rác đấy hả ? Mà chú nói con chó gì đấy ?

Chú Cân thiệt thà khai ra:

-Dạ, dạ, sáng nay tự nhiên có con chó nó chun rào vô trường. Em chờ hoài không thấy ai kiếm nên biết chó đi lạc không có chủ, em mới bắt..

Anh Chín hiệu trưởng nghe tới đây bèn sửa lại điệu bộ nghiêm trọng, ngó lướt qua các giáo viên đứng vây quanh.

-Rồi chú để nó ở đâu, đã làm thịt chưa ?

-Dạ, dạ chưa. Em còn cột nó ở trong phòng.

Anh Chín suy nghĩ thiệt lẹ trong đầu rồi cười gằn, miệng nói trơn tru:

-Chú có biết con chó đó của ai không ? Tôi nói cho biết, nó là của tôi. Tối hôm qua tôi xin được của một người quen.

Chú Cân nghe xong rụng rời. Giấc mơ mới có nửa chừng thì bị sụp đổ. Mồ hôi rịn ra lấm tấm trên mặt. Hình ảnh con chó thui vàng ngậy chập chờn. Mùi mỡ thơm phảng phát đâu đây. Những khúc dồi luộc, những miếng thịt nướng, thịt luộc trong ba ngày Tết lởn vởn trong đầu. Chú biết là anh Chín hiệu trưởng nói láo để giựt cho bằng được con chó, nhưng biết làm sao bây giờ. Chú đành nuốt nước miếng... rồi ngó qua thầy An. Thầy An cũng biết rõ câu chuyện y như chú vậy nhưng đành câm miệng, không dám có ý kiến. Bộ muốn đi học tập bỏ vợ bỏ con chết đói sao mà dám chọc giận xếp lớn. Thầy đành cười cười, dáng tự nhiên, không lộ vẻ binh ai. Tuy trong thâm tâm thầy đứng về phe chú Cân, đồng thời cũng tự thấy tủi nhục. Nhìn sự bất công mà không dám can thiệp thì thiệt là hèn. Ôi, cái nợ cơm áo khiến người ta ích kỷ nhỏ mọn.

Trong cái giây phút căng thẳng đó, tự nhiên chú Cân đâm nổi khùng sẳng giọng:

-Anh Chín nói láo để giựt con chó của tui. Anh nói con chó của anh xin, vậy chớ lông nó màu gì ? Chó mực, chó cò, chó vện hay chó vá, chó bẹc-giê ? Anh nói trúng, tôi trả liền.

Cái phản ứng của chú Cân quá dữ dội, anh Chín hiệu trưởng không ngờ tới.

Đám thầy giáo thấy tình hình căng thẳng, đều đổ dồn lại để coi. Họ thấy cái mặt của anh Chín từ màu đỏ đổi sang màu vàng, từ vàng đổi thành xanh, rồi cái môi anh run run.

Làm ra dáng thật tự nhiên, anh vỗ vai chú Cân:

-Chuyện không có gì, chú đừng có nóng. Tôi đã làm gì nào. Ối dào, con chó ấy hở. Hôm qua trời tối quá, tôi nhìn không rõ lắm... hình như nó màu trăng trắng...

Anh nói xong liếc nhanh qua mặt chú Cân. Thoáng thấy chú nhếch mép vẻ tỉnh táo, anh nghĩ là trật nên tiếp theo:

-Mà cũng hơi vàng vàng.

Rồi anh tiếp luôn cho chắc ăn:

-Cũng có vài đốm đen đen.

Chừng như cảm thấy câu trả lời chưa vững, bên ngoài có tiếng mấy thầy cô giáo xì xào, đối phương có vẻ chưa nao núng, anh Chín tỏ dáng thân thiện:

-Thôi tôi đề nghị với chú Cân thế nầy nhé - mình thịt chung rủ anh em trong trường đánh chén với nhau một bữa bằng thích. Con chó của tôi cũng như của chú... mà cũng là của chung hết cả thẩy anh em ở đây. Ta cùng nhất trí nhé !

Chú Cân lấy lại bình tĩnh, không còn sợ hãi chút gì nữa. Chú gằn giọng:

-Anh nói trật lất. Con chó gì mà màu vàng vàng, đen đen, trắng trắng. Tui không trả. Anh làm gì tui thì làm. Đi tới đâu tui cũng tới...

Nói xong chú đứng dậy bỏ đi ra, mặt hầm hầm. Chú Cân bữa nay ngon lành thiệt. Chỉ độ một lát, cả trường từ thầy đến trò, ai cũng biết cái tin sôi động hấp dẫn là chú Cân dám chơi anh Chín hiệu trưởng. Tất cả đều hả hê sung sướng vì được người thay mình mà trả hận dùm. Nhưng cái niềm vui đó chỉ kéo dài được cho tới chiều. Gần giờ tan học, người ta thấy chú Cân lôi con chó vàng, cái đuôi chỏng lên trời, tay cầm mảnh giấy lên trình diện trên ty, cái mặt méo xẹo. Mảnh giấy có ghi mấy hàng chữ viết tay nguệch ngoạc: "...có con chó của Ty Giáo Dục đi lạc vô Trường Cấp Ba Thị Xã. Yêu cầu đồng chí hiệu trưởng cho người tìm kiếm và giao hoàn về Ty ngay trong chiều nay...." Cái miếng giấy đáng ghét đó ở bên dưới lại có đóng dấu son đỏ chói với chữ ký của Sáu Việt, trưởng ty, rõ ràng. Chú Cân làm sao dám cãi.

Ánh nắng buổi chiều còn vương trên các đọt cây ven đường. Cái khoảng cách từ trường đến Ty bữa nay sao mà xa lơ xa lắc !

Chiều ba mươi Tết năm ấy, ở nhà anh Sáu trưởng ty có một bữa tiệc thịt chó.

Mọi người đã say ngà ngà. Đầy bàn chén dĩa ly tách ngổn ngang. Trong phòng mùi thịt nướng thơm phức, mùi rượu đế cay nồng. Anh Chín hiệu trưởng với tay lấy một cặp chả, gỡ ra để vào đĩa trước mặt anh Sáu:

-Mời anh Sáu dùng thử một miếng chả nướng. Chả nầy nướng bằng than tàu, quạt liền tay cho mỡ rỏ xuống than rồi nó bốc khói, khói quyện lấy vào miếng chả... Anh để ý nhé, nó thơm quá đi mất anh ạ. Ôi chao, cái mùi thơm phưng phức, thơm quá là thơm !

Sáu Việt miệng hớp một ngụm rượu, tay tuốt gắp chả, gật gù:

-Đúng đấy, con chó béo bở như thế nầy, phải dành cho dân cán bộ Hà Nội chính cống bọn mình bồi dưỡng mới đúng. Chứ để cho bọn Nam bộ ấy mà thịt con cầy nầy thì phí lắm. Tụi nó có làm ra trò trống gì. Giá mà không có mưu kế của chúng mình thì nó đã lọt vào tay cái thằng gì... gì ấy nhỉ, ôi chao hỏng bét ! Cứ kể như là vất đi....

Switch mode views: