Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người mù và nghề tẩm quất


nguoimu 1
Những người mù tẩm quất trong giờ giải lao ngắn ngủi. RFA photo

Trong thời gian ba năm trở lại đây, những cửa hiệu tẩm quất của người mù mọc lên càng ngày càng nhiều. Và có vẻ như người ta ưa đi đến đây tẩm quất hơn là đến các dịch vụ massage của người không bị khiếm thị. Khách hàng thường chọn các dịch vụ tẩm quất của người mù bởi họ không những giúp cho khách hàng thư giãn cơ bắp mà khả năng ấn huyệt, sửa khớp và day cơ của những người mù cũng khá hay. Ngược lại, dường như người mù chẳng còn gì khác ngoài sự nhiệt thành trong công việc, tận tâm trong phục vụ. Nhưng, chỉ chừng đó, với người bình thường nghe ra quá đủ, với người mù thì đôi khi cơm chan nước mắt.

Hầu như các dịch vụ tẩm quất người mù ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang… không mấy ăn khách bởi ở đây chỉ có tẩm quất, không có dịch vụ hậu mãi như các trung tâm massge có các cô chân dài. Hầu hết những người mù trôi dạt lên các tỉnh miền núi Đông Bắc, Tây Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… Và câu chuyện kiếm cơm của những người khiếm thị ở nơi đây cũng hiu hắt buồn và lạnh lùng như những ngọn gió mùa Đông Bắc nơi biên ải.

Những chén cơm chan nước mắt

Trung, chủ một dịch vụ tẩm quất người mù ở thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: “Nói chung là thu nhập thì cái nghề của bọn em tùy thuộc vào thời gian. Khi nào đông khách thì thu nhập đủ tiền ăn, tiền nhà, không dư bao nhiêu. Còn ít khách thì mình nhịn ăn bớt cũng đủ tàm tạm. Chúng em đi làm như thế này thì đỡ gánh nặng cho gia đình. Như vậy thấy cũng an ủi chúng em lắm rồi!”.

Trung chia sẻ thêm rằng với những người như anh, khái niệm thời gian hoàn toàn mù mờ, ngày và đêm cũng một màu đen giống nhau, giữa ngày và đêm chỉ cách biệt nhau bằng âm thanh, ban ngày ồn ào, chộn rộn và nhộn nhịp, ban đêm tĩnh lặng, những người mù có thể nghe tiếng thở nặng nhọc phát ra nơi sâu thẳm sự sống của mình sau một ngày dài chật vật kiếm cơm.

Việc kiếm cơm đối với vợ chồng Trung, những người khiếm thị cùng cảnh ngộ trở nên khó khăn hơn nhiều kể từ khi anh chị sinh thêm cháu nhỏ. Việc đầu tiên sau khi sinh con, Trung phải nhờ người thân xem thử con của mình có bị mù giống cha mẹ hay không. Và kết quả thử của người thân vẫn chưa bao giờ làm cho vợ chồng Trung thấy an tâm bởi anh luôn hoài nghi rằng người thân sợ vợ chồng anh buồn nên đã nói dối anh. Bởi anh có linh cảm không được tốt cho con của anh. Mỗi khi bỏ đồ chơi để cháu nhặt thì cháu cũng quờ quạng giống như anh chị.

Và với lợi thế cả hai vợ chồng đều từng học qua khóa bấm huyệt, tẩm quất, xông hơi, anh chị luôn tự tin trong công việc, bởi mọi cảm giác anh chị đã dồn lên hết mười đầu ngón tay để day, ấn, xoa… Dường như mỗi đầu ngón tay của anh chị đều có một con mắt để đọc được cảm giác mỏi cơ, đau cơ hay nhức mỏi của khách hàng. Chính nhờ vậy mà anh chị luôn làm hài lòng khách hàng.

Nhưng, bên cạnh lợi thế đó, không nhìn thấy được bao giờ cũng là thiệt thòi lớn của người phụ nữ. Người phụ nữ khiếm thị không thể đọc được ý đồ của những khách hàng nam say rượu hoặc có tâm địa xấu. Không thiếu những trường hợp anh chị phải mời khách ra khỏi dịch vụ vì hành vi sàm sỡ của họ. Nhưng đó là một sự khó khăn, thử thách quá lớn đối với người khiếm thị nếu như khách giở thói côn đồ. Không ít lần dịch vụ tẩm quất của anh Trung bị khách đập phá rồi bỏ chạy. Cuối cùng, anh chị chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, vay mượn bạn bè mà đi sắm dụng cụ trở lại.

Tú, một tay tẩm quất người mù ở thành phố Bắc Giang, chia sẻ: “Bọn em hạn chế vì không nhìn được, không bao quát được trong công việc. Khó về trông xe (khi qua đường), không tự đi lại chợ búa một cách bình thường. Hiện tại bọn em rất khó khăn. Xã hội có người này người kia, cũng có người rất tốt, cũng có người kì thị với bọn em. Đôi khi điều đó làm bọn em ức chế và buồn. Cuộc sống nó là vậy…!”.

Tú cho biết là chén cơm của người mù, từ người mù đi bán chổi cho đến người mù đi bán vé số, bán kẹo kéo hay các dịch vụ khác như tẩm quất, hát rong… đều là những chén cơm chứa đầy nước mắt. Nỗi buồn của một người không nhìn thấy ánh sáng chưa bao giờ làm anh đổ gục nhưng đôi khi nỗi buồn của một người bị khi dễ, bị bạt ra khỏi đời sống bình thường làm anh tổn thương.

Chẳng biết tỏ cùng ai

nguoimu 2
Một người khiếm thị trên đường kiếm cơm ở Đồng Đăng, Lạng Sơn. RFA photo

Nếu như nam giới khiếm thính xem những chuyện bị khách quấy rối là một điều gì đó xúc phạm thì nữ giới khiếm thính lại xem đó là vấn đề mình phải đối phó và chịu đựng mỗi ngày để tồn tại. Huyền, chủ một dịch vụ tẩm quất người mù ở gần chợ Kỳ Lừa, tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: “Thì đó cái khó khăn của một nhân viên nữ chúng em khi làm tẩm quất ấy, người ta có người không tôn trọng, họ trêu ghẹo, nói mồm không quan trọng nhưng có những người người ta sàm sỡ với chúng em…!”.

Huyền cho biết thêm là với cô, chuyện thỉnh thoảng bị khách sàm sỡ hoặc có những lời chọc ghẹo khiếm nhã không còn là chuyện lạ. Những lúc như vậy, cô thường tìm cách bỏ ra ngoài và nhờ người chồng cũng bị khiếm thị giống cô vào thay thế. Vì sợ mất khách, thậm chí sợ khách quỵt tiền nên thường là cả hai vợ chồng ngậm đắng nuốt cay để tiếp tục phục vụ.

Bởi cách đây không lâu, Huyền từng phản ứng, dọa gọi công an khi bị khách có hành vi quấy rối thì khách quay sang tấn công chồng của cô và người chồng khiếm thị của cô bị đánh đến gãy sống mũi. Khi cả hai vợ chồng dắt đến công an thì phía công an yêu cầu phải mô tả đặc điểm nhận dạng, gương mặt của kẻ tấn công. Nghe đến đây, hai vợ chồng nuốt nước mắt ra về.

Như để kết thúc câu chuyện, Trung chia sẻ: “Cái hỗ trợ thì không đâu anh ạ. Về công việc của chúng em tự tạo dựng từ đồ nghề cho đến mọi thứ. Chỉ có người thân trong gia đình hỗ trợ cho chúng em chứ không có hội nào, nhà nước nào hỗ trợ đâu anh ạ!”.

Trung nói rằng hầu hết những người khiếm thị hay khiếm thính đi làm nghề tẩm quất hoặc bán vé số, bán chổi đều rất ngại khi tham gia hội người mù. Bởi cái hội này chẳng giúp ích được gì cho họ ngoài việc bắt họ phải đóng hội phí hằng tháng. Nếu có chăng là những người không biết làm việc gì, đến đó chẻ tre, vót tăm rồi mang ra thị trường bán dạo, sau đó mang tiền về đóng cho hội hoặc có thể bán để ăn hoa hồng. Anh khẳng định là từ khi làm nghề tẩm quất đến nay, anh chưa nhận được bất kì đồng hỗ trợ nào từ Hội người mù Việt Nam.

Switch mode views: