Chìm xuồng’ vụ cá chết?
- Thứ Tư, 17 tháng Tám năm 2016 09:00
- Tác Giả: Gia Minh, RFA
Một người dân với những con cá biển đã chết trên một bãi biển ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ngày 21 tháng 4 năm 2016.
AFP photo
Người dân vẫn chờ Nhà nước giải quyết hậu quả vụ cá chết hàng loạt
Thảm họa cá chết hằng loạt do chất thải độc hại mà Formosa Hà Tĩnh thải ra ở Vũng Áng từ hồi tháng tư đến nay có được giải quyết thỏa đáng theo nguyện vọng của những người bị tác động hay chưa?
Nhận định từ ngoài
“Giải pháp đối với vụ tai tiếng cá chết của chính quyền Việt Nam vẫn chưa được nhiều dân chúng địa phương bằng lòng”, là đề tựa của bài viết của cộng tác viên Ralph Jennings đăng trên tạp chí Forbes vào ngày 11 tháng 8 vừa qua.
Theo tác giả thì sau khi 80 tấn cá chết tấp dọc dãi bờ biển các tỉnh miền Trung, dân chúng đã lên tiếng phản đối cho rằng chính quyền quá chậm trong công tác tìm kiếm nguyên nhân gây ra thảm họa đó. Một số cuộc biểu tình nổ ra nhưng bị dập tắt.
Cuối cùng Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam vào cuối tháng 6 cũng chỉ đích danh công ty Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm của thảm họa. Trong cuộc họp báo cơ quan chủ quản Việt Nam cho trình chiếu băng video thu sẵn xin lỗi của đại diện Formosa Hà Tĩnh và thông báo thủ phạm đồng ý bồi thường cho ngư dân chịu thiệt hại 500 triệu đôla Mỹ kèm theo lời hứa sẽ bảo đảm xả thải theo đúng qui định của Việt Nam.
Tác giả Ralph Jennings cho rằng những động thái đó được xem như đóng lại vụ việc mà lúc đầu rất bí ẩn không rõ vì sao hằng triệu con cá biển chết trôi giạt vào bờ từ đầu đến giữa tháng tư vừa qua.
Tuy nhiên đến khi bài báo được đăng hôm 11 tháng 8, ông Ralph Jennings viết là nhiều vấn đề vẫn còn ‘bốc mùi nồng nặc’ nếu như đi hỏi thăm dân tình.
Ý kiến đầu tiên được trích dẫn là của một người hiện là thành viên xã hội dân sự có tên Hội Anh Em Dân Chủ và từng độc lập đi điều tra thảm họa cá chết. Theo người này thì chừng 5 triệu người dân tại 4 tỉnh miền Trung chịu tác động do thảm họa cá chết vì chất thải độc hại của Formosa Hà Tĩnh.
Hình ảnh cho thấy những nạn nhân bị hư hại da vì bị phơi nhiễm độc chất trong nước biển.
Sản lượng cá mà ngư dân đánh bắt được chỉ còn chừng 1/5 so với một năm trước đây. Cá nhiễm độc bị nghi được giới làm nước nắm tiêu thụ để ướp muối lấy sản phẩm này.
Chủ nhân của những khu nghỉ dưỡng dọc bờ biển không có khách đến nghỉ.
Ý kiến người dân
Vào ngày 16 tháng 8, chúng tôi tiếp xúc với một số người dân tại khu vực bị tác động ở Vũng Áng, Hà Tĩnh để hỏi về công tác bồi thường cho ngư dân và gia đình trực tiếp chịu tác động trong vụ thảm họa cá chết thì nhận được câu trả lời gần như nhau là chẳng có mấy hỗ trợ đến tay dân cho đến nay, ngoại trừ số gạo cứu đói mấy chục kilogram từ thời gian đầu.
Một ngư dân ở Cồn Sẻ, Quảng Bình trình bày:
“Trước mắt ngư dân làm ăn khó khan: trước đây đi đánh bắt đâu trúng đó; làm được về bán cũng dể dàng. Nay thì cá, mực, tôm, ghẹ ít đi nhưng làm được về bán cũng khó hơn. Trước đây bán được 500 ngàn thì nay bán được từ 50 ngàn đến 100 ngàn thôi. Người ta không dám mua ăn mà chỉ mua cho gia súc, gia cầm ăn mà thôi.
Nay phải vay mượn hoặc nếu trước đây có một số vốn thì bỏ ra để con em học hành đã. Chờ phía Nhà nước đền tiền từ Nhà máy Formosa thì chưa biết đến ngày nào!”
Từ địa phương ngay trung tâm chịu tác động là Vũng Áng, Hà Tĩnh, một nữ thanh niên cho biết:
“Trước đây nói có đền bù mà chỉ thấy mỗi nhân khẩu được đền bù 22 kilogram gạo thôi. Còn tiền Formosa đền bù thì dân chưa thấy gì cả.
Chưa thấy xã, huyện ai về kê khai số thiệt hại của dân cả.”
Đề xuất
Những người dân chịu tác động nặng bởi thảm họa các chết hồi tháng tư vừa qua, đều có đề nghị cơ quan chức năng cần rốt ráo giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, chứ không thể lấp liếm rồi để tình trạng rơi vào quên lãng, hay ‘đánh bèo sang ao’ như cách giải mà chính quyền thường làm bấy lâu nay.
Người ngư dân ở Cồn Sẽ, Quảng Bình nêu rõ những đề xuất cho vụ việc Formosa gây thảm họa môi trường cho địa phương người này sinh sống cũng như những vùng khác:
Hiện nay nguồn nước bị ô nhiễm, cá không làm được; con em sắp nhập học mà mấy tháng trời không làm ăn gì được thì lấy tiền đâu cho con em đi học.
Một nữ thanh niên ở Kỳ Anh
“Nguyện vọng của bà con ngư dân tỉnh Quảng Bình cũng như 4 tỉnh miền trung gồm: thứ nhất buộc Nhà máy Formosa đền bù thỏa đáng cho ngư dân; thứ hai nhà nước buộc Formosa đóng cửa không cho hoạt động nữa; thứ ba chính phủ buộc phải đưa dân đi khám càng sớm càng tốt vì trong 4 tháng qua nhiều người bị nhiễm chì, nhiễm độc…”
Ý kiến đó cũng được chia sẻ bởi nữ thanh niên từ Kỳ Anh, Hà Tĩnh:
“Đầu tiên Formosa phải ra khỏi đất nước Việt Nam. Thứ hai phải đền bù thiệt hại tài sản những tháng bị ô nhiễm môi trường. Thứ ba phải cải tạo môi trường cho bà con làm ăn, sinh sống. Chứ cứ tình trạng như thế này thì không chết bây giờ cũng sẽ chết dần dần thôi.
Hiện nay nguồn nước bị ô nhiễm, cá không làm được; con em sắp nhập học mà mấy tháng trời không làm ăn gì được thì lấy tiền đâu cho con em đi học. Khi con em đi học phải chuẩn bị biết bao nhiêu thứ; nhiều gia đình khó khăn quá, đông còn thì có nguy cơ phải để con em thất học thôi.”
Những người dân trong vùng chịu tác động đều tỏ rõ cương quyết sẽ lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, thỏa đáng cho dân chịu tác động cho đến khi nào yêu cầu mà họ cho là đúng đắn như thế được đáp ứng.
“Đến khi Formosa ra khỏi Việt Nam thì dân mới không lên tiếng nữa. Khi Formosa đi rồi, dân còn yêu cầu chính quyền phải cải tạo môi trường để sống chứ không thể để như thế này được.
Như ở bên Nhật phải mất 50-60 năm mới khôi phục lại được nguồn nước, nguồn biển của họ huống gì Việt Nam là đất nước còn lạc hậu thế này. Chắc chắn không biết bao giờ mới khôi phục lại được nguồn nước, biển sạch cho dân!”
Theo tác giả Ralph Jenninings thì chỉ có duy nhất một tác động được cho là “tích cực” qua thảm họa môi trường Formosa xả thải chất độc ra biển Việt Nam khiến cá chết hằng loạt từ Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên- Huế vào đầu tháng tư vừa qua: đó là dân chúng khắp nơi tại Việt Nam nay tỏ ra quan tâm hơn đến an toàn thực phẩm. Ngay như rau ăn họ cũng phải rửa và nấu kỹ hơn.
Vấn nạn ô nhiễm môi trường cũng được dân chúng quan tâm hơn. Điều này được thể hiện qua những vụ dân mạnh dạn phản đối đơn vị gây ô nhiễm khiến họ phải chịu; dù rằng cơ quan chức năng vẫn mạnh tay đàn áp các cuộc tập trung biểu tình lên tiếng; cũng như lần lữa trong giải quyết theo yêu cầu của người dân.
Related news items:
Tin mới
- Người dân Vĩnh Tân đấu tranh vì lẽ phải - 25/08/2016 20:59
- Trẻ em bỏ học ở Quảng Bình - 25/08/2016 20:52
- Chất kịch độc cyanua vẫn còn nhiều trong cá ở Miền Trung Việt Nam - 25/08/2016 14:32
- Giáo dân Giáo phận Vinh tiếp tục biểu tình đòi đóng cửa Formosa - 21/08/2016 21:04
- Con gái ông Lê Duẩn (Kỳ 2) - 20/08/2016 17:08
- Con gái ông Lê Duẩn (Kỳ 1) - 20/08/2016 17:06
- Giao thông ở Sài Gòn như keo dính chuột - 18/08/2016 12:03
- Những tiếng vọng từ Núi Pháo - 17/08/2016 21:39
- Người mù và nghề tẩm quất - 17/08/2016 21:31
- Bi hài "thương hiệu" Bún Bò Huế - 17/08/2016 21:24
Các tin khác
- Vì sao trò chơi Pokémon Go tạo cơn sốt trên toàn cầu? - 14/08/2016 20:36
- Chuyện đoàn xe thủ tướng trong phố đi bộ - 14/08/2016 13:00
- Đến Atlanta, thử Coca-Cola - 12/08/2016 20:32
- Người Việt tự đầu độc nhau để rau, trái Trung Quốc tung hoành - 10/08/2016 17:57
- Từ Cồn Sẻ, Nghi Thiết, đến Vinh - 10/08/2016 11:55
- Nỗi khổ sau lũ ở Lào Cai - 09/08/2016 10:01
- Những mẹo vặt hay có từ lâu lắm - 04/08/2016 19:51
- Xâm mình – nghệ thuật và nhân bản dưới mắt người trong cuộc (Kỳ 2) - 03/08/2016 23:57
- Xâm mình – nghệ thuật và nhân bản dưới mắt người trong cuộc (Kỳ 1) - 03/08/2016 23:46
- Mối nguy từ những nhà hàng nổi - 03/08/2016 09:38