Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Xâm mình – nghệ thuật và nhân bản dưới mắt người trong cuộc (Kỳ 1)


1-Người phụ nữ gốc Việt hiếm hoi làm công việc ‘xâm mình’

ORANGE, California (NV) – Phòng xâm Lincoln Ave Tattoo Studio nằm trên đường Tusin, thuộc thành phố Orange, có đến 11 ghế xâm (station). Trong đó, ghế đầu tiên lớn nhất, ngay khi đẩy cửa bước vào là của người gốc Việt duy nhất làm việc nơi đây. Đặc biệt, đó lại là một phụ nữ. Tên cô là Thủy Trần.

Đến giờ phút này, Thủy Trần được xem là một trong hai phụ nữ gốc Việt hiếm hoi làm công việc của người họa sĩ “tattoo” trên đất Mỹ.

xamminh 1
Thủy Trần, một trong hai phụ nữ gốc Việt hiếm hoi làm công việc của một họa sĩ xâm hình tại California. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Người vẽ truyện tranh đi học vẽ… xâm

Sang Mỹ từ ngày đầu năm 2010, Thủy, người phụ nữ có dáng dấp của một sinh viên hơn là của phụ nữ sắp bước vào tuổi 40, gần như bắt tay ngay vào công việc “xâm hình” tại tiểu bang Massachussets, nơi khách hàng hầu hết là người da trắng. Chỉ trong một thời gian ngắn làm việc, Thủy trở thành người mang lại thu nhập cao nhất cho tiệm.

Thủy dọn về miền đất ấm California từ năm 2014, sau khi gia đình tan vỡ, và được những người đam mê với nghệ thuật xâm hình biết đến từ hơn một năm rưỡi qua những đường xâm khéo léo, mềm mại nhưng lại tinh xảo, sắc nét.

“Tôi bắt đầu học xâm hình ở Việt Nam từ năm 2004, khi đang là một họa sĩ vẽ truyện tranh cho Nam Hàn,” cô cho biết.

Con đường dẫn người họa sĩ này đến với nghệ thuật xâm khá thú vị. “Một hôm, tôi nhìn thấy người ta có cái hình xâm trên người, thấy hay hay, nên tôi cũng đi xâm cho mình một cái. Về ngắm nghía hình xâm đó thấy thú vị, thế là tôi tìm hiểu rồi quyết định đi học nghề này luôn,” Thủy nhớ lại.

Biết xâm, Thủy “luyện tay nghề” bằng cách xâm cho bạn bè, “rồi người này giới thiệu người kia, tôi bắt đầu lấy tiền công, và rồi theo luôn nghề này lúc nào không hay.”

Xuất thân là một người vẽ truyện tranh nên việc học xâm của Thủy dường như dễ dàng hơn so với rất nhiều người.

Thủy chia sẻ, “Do mình đã có năng khiếu vẽ rồi, cho nên đi vào nghề này mình thấy dễ lắm, chỉ học trong vòng một tháng thôi, chủ yếu là học cách sử dụng máy xâm, kim xâm, chứ để làm đẹp hay xấu thì do năng khiếu trời cho. Người có năng khiếu vẽ thì học xâm rất dễ.”

“Ai cũng có thể xâm được, nhưng với người thợ không biết vẽ thì họ chỉ làm theo mẫu có sẵn, còn người biết vẽ sẽ biết phân biệt đẹp, xấu. Ví dụ như khách đưa mẫu muốn xâm một bông hồng, với con mắt họa sĩ, mình sẽ biết mẫu đó đẹp hay xấu để góp ý với khách, có người không rành thì không phân biệt được, đưa sao làm vậy,” Thủy giải thích ích lợi của người họa sĩ khi dấn thân vào nghề xâm.


xamminh 2
Một hình xâm do Thủy Trần thực hiện (Hình: Thủy Trần cung cấp)

Tính nhân bản của nghệ thuật xâm hình

Xã hội ngày càng phát triển, cách nhìn của nhiều người đối với việc xâm hình cũng thay đổi theo hướng người ta nhìn đây như một loại hình nghệ thuật hơn là dấu hiệu của “dân anh chị, băng đảng.”

Là người tự xâm lên hai chân mình chân dung của chồng và con, Thủy nói như tâm sự, “Càng làm công việc này, tôi càng nhìn thấy tính nhân bản sâu sắc của nó, không như người ta vẫn thường nghĩ không tốt, không hay về những người đi xâm hình.”

“Ngoài những người chọn xâm mình như một loại hình nghệ thuật, cũng có rất nhiều người cắn răng chịu đau đến xâm hình vì muốn thể hiện tình cảm của mình với những người thân yêu,” Thủy chia sẻ.

Một người phụ nữ 62 tuổi, lần đầu tiên trong đời bước vào tiệm xâm hình. Lý do? Bà có hai người con trai vừa mất, một chết khi đi lính, một qua đời vì ung thư. Bà xâm lên lưng cặp cánh thiên thần, một bên là ngày sinh, một bên là ngày mất của hai người con.

Một người đàn ông có hai đứa con nhỏ, một trai một gái cũng qua đời. Anh tìm đến người thợ xâm, xâm hình một thiên thần che chở cho hai đứa bé. Đó là hình xâm đầu tiên của anh. Sau khi xâm xong, anh bật khóc vì xúc động.

Lần khác, có ba mẹ con của gia đình người Việt cùng đến xâm. Người mẹ đã gần 60. Cả ba người cùng xâm hình người con trai ngoài 20 mới qua đời để bày tỏ tình cảm thương nhớ tột cùng.

Đó là một trong số nhiều câu chuyện dẫn đưa nhiều người đến phòng xâm hình mà Thủy có dịp chứng kiến, lắng nghe.

“Nếu một gia đình cùng nhau đi chụp một tấm hình lưu niệm cả nhà, luôn cả khung để treo cũng chỉ tốn vài chục đồng. Nhưng người ta lại sẵn sàng bỏ ra $350 cho một gương mặt để xâm lên người. Người ta chấp nhận trả giá, vừa đau vừa tốn tiền, để sở hữu bức hình đó dính trên người vĩnh viễn,” cô nói.

Người họa sĩ xâm suy ngẫm, “Giá trị của những người đi xâm hình là ở chỗ chịu đau đớn, vì nếu hoàn toàn không đau thì chưa chắc người ta đã thích xâm, mà cũng chưa chắc mình đã có thể lấy tiền được của người ta vì thấy nó dễ dàng để có quá. Ý nghĩa của xâm hình là vô giá, nỗi đau để có được hình xâm là vô giá.”

xamminh 3
Mỗi hình xâm chứa đựng trong đó một câu chuyện đầy tính nhân bản. (Hình: Thủy Trần cung cấp)

Nỗi đau để có hình xâm là vô giá

Tiếp xúc nhiều với những khách hàng là người gốc Việt, Thủy nhận xét, “Người Việt mình thích xâm rồng, cá chép vì trong suy nghĩ của họ đó là những con vật mang lại sự may mắn. Một số người lại chọn xâm hình 12 con giáp theo ý nghĩa phong thủy.”

Bên cạnh đó, theo Thủy, “Có nhiều người lớn tuổi đến xâm hình theo chủ đề VNCH, họ xâm hình cờ VNCH, hay xâm bản đồ Việt Nam. Mỗi người tìm thấy ý nghĩa riêng trong mỗi bức hình họ chọn. Có người chọn hình xâm với lý do đơn giản là họ thấy nó đẹp.”

Hình lớn nhất mà người thợ có thể xâm có kích cỡ bằng… nguyên tấm lưng của khách. Tất nhiên, không hình nào có thể lớn hơn thế.

“Rất nhiều người xâm hết cả lưng,” Thủy vừa tỉ mỉ điều khiển chiếc kim xâm trên mình khách, vừa trò chuyện.

Người thợ có gương mặt đầy cá tính, đeo kính cận, áo sơ mi dài xắn tay, cột vạt trước, quần jean có nhiều lỗ rách, nói thêm, “Khách nào đã chọn xâm nguyên lưng thì không còn sửa được nữa, trừ chuyện đổi màu.”

“Thời gian xâm cho một người khách lâu nhất là khoảng 10 tiếng. Dĩ nhiên trong 10 tiếng đó cũng có lúc nghĩ giải lao. Khi xâm sẽ bị đau từng phần, thì mình xâm chỗ này xong, chuyển qua chỗ kia, nó đau chừng nửa tiếng sẽ hết, cứ thay đổi như vậy cho đến hết,” với những người đam mê với nghề, dường như cứ nói về công việc đang làm là họ có thể nói không dứt, Thủy cũng thế. Đầy hào hứng.

Một điều khá ngạc nhiên, đó là khi ngồi quan sát Thủy xâm, tôi không thấy máu rướm ra như trong suy nghĩ.

Cô giải thích, “Trừ những hình xâm cũ xâm quá sâu, giờ phải sửa, để màu vô thì có thể làm rỉ máu, còn lại, như chị thấy, da mình mở ra để đưa mực vô nhưng không bao giờ chảy máu. Khi lành thì nguyên lớp mày tróc ra, tróc ra có màu luôn, nhưng màu còn giữ lại trên da cũng y chang như lúc mới xâm.”

Nhìn người đàn ông với vẻ mặt thanh thản đang nằm nghiêng để Thủy xâm thêm những chi tiết trên bức hình còn dở dang, tôi hỏi, “Có đau không?” – “Chỉ thấy nhột nhột,” ông trả lời.

Tuy nhiên, khi máy xâm gắn 27 kim của người thợ tiến dần xuống vùng eo thì gương mặt người khách bắt đầu thay đổi. Sau khi nhìn thấy vài cái nhíu mày của khách, Thủy đề nghị bôi thuốc tê vào trước khi xâm tiếp.

Cô cho biết, “Trong khi xâm, người thợ chỉ được dùng thuốc tê 5% thôi. Thuốc tê giúp đỡ đau phần nào nhưng giá trị của những người đi xâm hình là ở chỗ chịu đau đớn, vì nếu hoàn toàn không đau thì chưa chắc người ta đã thích xâm.”

Quả thực, ngay khi có dùng thuốc tê thì người thợ cũng phải dùng kim thực hiện động tác gọi là “mở da,” giống như rạch nhiều nhát lên da để thuốc tê ngấm vào. Và như thế cũng là đau đớn.

xamminh 4
Thủy Trần đang xâm hình cho khách tại Lincoln Ave Tattoo Studio (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Thời “sửa” nhiều hơn “xâm”

“Bây giờ người ta đi sửa nhiều hơn đi xâm. Khách của tôi hiện giờ có tới 60% là đi sửa hình xâm,” Thủy cho biết.

Vừa cầm chiếc máy xâm gắn 17 kim chấm mực tô màu một hình xâm cũ trên cánh tay một khách hàng nữ, người thợ xâm vừa giải thích, “Sửa hình xâm có hai kiểu. Thứ nhất là sửa lại hình cũ bị phai mờ do kỹ thuật xâm hồi trước không đẹp. Khách muốn giữ nguyên hình cũ và làm cho mới lại. Cách thứ hai là do hình xâm cũ quá xấu quá tệ, khách muốn thay bằng hình khác, hay lỡ xâm tên người yêu, gương mặt người yêu, dù là hình xâm rất đẹp, nhưng giờ chia tay rồi nên họ không còn muốn giữ lại nữa, muốn che nó đi.”

Người khách mà Thủy đang thực hiện công việc sửa hình xâm có xâm hình một con rắn, nhưng “thấy nó không may mắn, gặp nhiều chuyện không vui, nên tôi muốn xóa, thay bằng hình một đóa hoa hồng,” như người khách cho biết.

Khi nghe tôi thắc mắc, “Liệu một hình đã được xâm thì có cách nào xóa đi vĩnh viễn, trả lại làn da như cũ được không?” Thủy trả lời, “Có một kiểu xóa bằng tia laser để lấy mực xâm ra. Nhưng phải làm rất nhiều lần, và không người thợ nào bảo đảm rằng làm trong bao nhiêu lần thì sẽ lấy hết mực được.”

Thay vào đó, phần nhiều người “chơi hình xâm” sẽ chọn cách “che phủ,” tức là dùng một hình xâm mới chồng lên hình xâm cũ.

Tuy nhiên, “Hình xâm nào có thể che phủ được còn tùy thuộc vào vị trí của hình xâm cũ.”

“Hình xâm mới dùng che phủ luôn luôn phải lớn hơn hình xâm cũ, và vì thế xung quanh đó phải còn da trống để người thợ có thể xâm, thêm chi tiết, tạo thành hình mới,” Thủy diễn giải.

xamminh 5
Thủy Trần đang tự xâm hình cho chính mình. (Hình: Thủy Trần cung cấp)

Vui buồn của nghề xâm

“Cái khó nhất của công việc xâm là gì?”

“Là khách không nghe theo lời mình,” người thợ xâm nói ngay khi nghe hỏi.

Tại sao như vậy, cô giải thích, “Xâm không khó, ai xâm cũng được. Nhưng làm sao có hình xâm đẹp mới là điều đáng nói. Xâm không phải là dùng màu sơn lên, không thích thì chùi đi, sơn cái khác. Còn xâm là vĩnh viễn, cho nên, người họa sĩ biết nhìn để chỉ ra cho khách thấy thế nào là đẹp, thế nào là nên làm, hay không nên làm. Nhưng nhiều khách không hợp tác, cứ muốn theo ý mình, dẫn đến nhiều khi hình xâm trở nên tầy quầy tùm lum, lại tìm đến mình để sửa.”

“Thà là tôi không làm, còn hơn cho ra một tác phẩm xấu. Chính vì vậy đôi khi tôi cũng làm mất lòng khách vì không chiều khách. Mà chiều sao được vì xâm là vĩnh viễn trên da chứ có phải là đùa đâu. Hơn nữa, xâm là còn để người khác nhìn vào. Người ta nhìn thấy chê xấu quá thì sao. Cái khó của nghề này là ở chỗ đó thôi.”

Như một “phát hiện”, Thủy “tiết lộ,” “Mà nghề này ngộ ở chỗ mình cũng không giải thích được là ai đi xâm hình rồi thì hầu như cũng bị nghiện hết. Có người nghĩ là làm nail thì còn có khách tới lui, còn xâm xong một lần là khách đi luôn. Nghĩ vậy là lầm. Một người đã xâm rồi thì chắc chắn sẽ quay lại nữa. Mỗi năm ít nhất xâm hai, ba lần, năm nào cũng xâm, từ từ sẽ đầy hết người.”

“Thường lúc đầu khách hay chọn xâm kín, không muốn người khác nhìn thấy. Sau đó thấy đẹp, họ lại muốn cho hình xâm lộ ra. Lần tiếp, họ sẽ chọn xâm ở những nơi người khác dễ nhìn thấy nhất. Tâm lý của những người đi xâm là vậy đó,” Thủy nói thêm.

Cô kể, “Có khách từng hỏi tôi có bỏ gì vô mực không mà sao xâm về cứ thấy thiếu thiếu hoài nên lại cứ muốn đi xâm thêm. Có khách trong thu nhập hằng tháng đều để dành một khoản chi cho xâm. Còn khách Mỹ trắng thì hay xâm mỗi tháng một hai lần, mỗi lần $100-$150, nhưng mỗi tháng đều muốn có thêm hai hình xâm mới. Riết rồi hình xâm có trên khắp người.”

Một buổi ngồi xem cảnh ra vào tấp nập nơi dành riêng cho người bị quyến rũ bởi những màu mực xâm, tận mắt chứng kiến những thân mình không còn được bao nhiêu chỗ da trống, mới càng hiểu hơn lời thú nhận của những khách hàng mà tôi có dịp trò chuyện tại phòng xâm, “cứ nhìn thấy chỗ nào da còn trống là lại muốn bỏ mực vô tiếp.” Đồng thời, cũng thấy quý trọng hơn tâm sự của những người chịu đau vì những lý do đầy nhân bản.

(Kỳ 2: Câu chuyện sau mỗi bức hình xâm)

Switch mode views: