Thăm trường huấn luyện chó dẫn đường người khiếm thị
- Chúa Nhật, 04 tháng Giêng năm 2015 11:48
- Tác Giả: Thiên An/Người Việt
SYLMAR, California (NV) - Từ khi sinh ra đến khi được hai tuổi, vượt qua vòng tuyển chọn và đến tay người khiếm thị, một chú chó cần khoảng $40,000 cho chi phí nuôi và huấn luyện. Với người khiếm thị, những "người bạn nhỏ" này là những món quà hoàn toàn miễn phí từ các tổ chức nhân đạo tại Mỹ.Mất khoảng hai năm để huấn luyện một chú chó dẫn đường cho người khiếm thị. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Tò mò về việc huấn luyện chó dẫn đường sau những lần chứng kiến người khiếm thị cùng chó từ đi học, đi làm bằng xe bus, đến đi du lịch, đi máy bay..., chúng tôi liên lạc với Guide Dogs of America, trường huấn luyện chó dẫn đường cách Little Saigon khoảng một giờ xe về hướng Bắc.
"Chẳng thú vị như nhiều người nghĩ đâu," bà Lorri Bernson, nhân viên ban ngoại vụ của trường, cho biết. "Công việc tỉ mỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ, mỗi ngày các bài học cứ lặp đi lặp lại đến khi các chú chó quen thì thôi."
Bà Bernson mời chúng tôi đến dự buổi lễ tốt nghiệp khóa học cuối cùng trong năm của người khiếm thị.
Từ phải: ông Adam Ohnstad, chú chó Hawk, và bà Green người tình nguyện
chăm sóc Hawk trong hai năm qua. Hình chụp tại buổi tốt nghiệp cuối năm 2014
của Guide Dogs of America. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Kẻ vui, người buồn, và những chú chó "thiên thần"
Hơn một giờ và hai mươi phút lái xe cuối cùng cũng đưa chúng tôi đến ngôi trường Guide Dogs of America. Tuy vẫn thuộc Los Angeles, khu vực này nằm rìa ngoài phía Bắc chứ không ở trung tâm.
So với hai trường huấn luyện chó dẫn đường khác của California và 14 trường của tất cả những tiểu bang còn lại, đây là trường gần Little Saigon nhất.
Guide Dogs of America là một trường và tổ chức vô vụ lợi. Theo tài liệu của trường, trường ra đời năm 1948, khi một người khiếm thị có tên Joseph Jones bị từ chối không cho nhận nuôi chó dẫn đường vì ông đã 57 tuổi. Ông kêu gọi sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân và thành lập Guide Dogs of America.
Cho đến nay, hoạt động của trường vẫn hoàn toàn dựa vào sự đóng góp công sức và tiền bạc của tình nguyện viên và mạnh thường quân. Người khiếm thị, khi ghi danh nhận nuôi chó, không phải chi trả cho bất kỳ chi phí nào.
Buổi tốt nghiệp mà chúng tôi tham dự là khóa học thứ 385 của trường. Khóa học kéo dài 28 ngày, gồm 3 huấn luyện viên có bằng hành nghề của tiểu bang, 10 người khiếm thị ở nội trú, và 10 chú chó trong độ tuổi 2 đến 2.5 tuổi đã được các tình nguyện viên nuôi và dạy trước đó.
Khó mà diễn tả được các cung bậc cảm xúc của những bài diễn văn hôm đó. Những người thầy gửi gắm hy vọng vào tương lai nay sẽ khác của các học sinh. Những người khiếm thị xúc động vì chính thức được trao cho "người bạn nhỏ" cũng là "cặp mắt" sẽ đồng hành cùng họ mọi lúc mọi nơi. Những người tình nguyện vừa hãnh diện vì chú chó của mình- "những chú chó giỏi nhất trong những chú chó giỏi nhất"- nay ra đi phục vụ tha nhân, vừa không cầm được nước mắt khi nói câu từ biệt...Tình nguyện viên huấn luyện chó trong hai năm, trước khi trả về trường để trao cho người khiếm thị. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Càng khó hơn nếu phải mô tả những chú chó hôm đó. Sau một tháng rời chủ cũ, kiên trì học và phục vụ người chủ mới, buổi tốt nghiệp là lần đầu tiên các chú gặp lại người chủ cũ- người đã nuôi chúng từ bé đã hơn hai năm.
Những người chủ cũ được mời lên sân khấu trước. Khi ban tổ chức nêu tên, người học viên khiếm thị cùng chó tiến lên sân khấu, ngồi cạnh người chủ cũ. Các chú chó đang lặng lẽ đi bên cạnh theo tốc độ và sự ra lệnh của người chủ mới, khi vừa đến chỗ ngồi cạnh người chủ cũ thì mừng rỡ quẫy đuôi liên hồi. Chúng ngồi cạnh chủ mới mà cặp mắt thì không rời người cũ.
"Thiên thần" là hai chữ được lặp đi lặp lại trong những bài diễn văn khi chủ mới và chủ cũ nói về chú chó của mình.
Có lẽ họ nói không sai, vì chỉ một tỉ lệ rất nhỏ các chú chó có thể vượt qua được hết lần tuyển chọn và huấn luyện này đến lần tuyển chọn và huấn luyện khác. "Sứ mệnh" của các "thiên thần" bắt đầu từ khi nhân viên nhà trường tuyển những chú chó trưởng thành giỏi nhất và khỏe mạnh nhất để sản sinh thế hệ tiếp theo, nối tiếp bởi các vòng tuyển lựa để đưa về cho tình nguyện viên nuôi dạy, lại một lần tuyển lựa khác trước khi đưa về cho học cùng người khiếm thị, và cuối cùng là vượt qua khóa học và khóa thi cuối cùng trước khi "tốt nghiệp."Lứa chó con mới nhất, đang chờ tình nguyện viên mang về nuôi và huấn luyện. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Đào tạo "thiên thần"
Buổi lễ tốt nghiệp kết thúc, chúng tôi và nhiều người khác ở lại để được một nhân viên đưa đi thăm một vòng ngôi trường.
Một vài người trong nhóm cho biết có người nhà bị khiếm thị và muốn tìm hiểu để ghi danh vào chương trình. Những người còn lại thì vì tò mò, mến mộ. Sau khi chứng kiến những cảm xúc từ buổi tốt nghiệp, việc người ta cảm thấy khâm phục và yêu mến ngôi trường đào tạo "thiên thần" này cũng là điều dễ hiểu.
Trong một phòng học của tòa nhà, người nhân viên tên Sam chào đón khách tham dự. Bên cạnh ông là chú chó giống Labrador Retriever màu đen tuyền độ một tuổi. Bản thân ông Sam cũng tình nguyện nhận chó về huấn luyện, có kinh nghiệm gần hai mươi năm và chín chú chó.
Tuy chỉ có ba trong số tám con trước đây là "tốt nghiệp," ông Sam cho biết đó là một tỉ lệ được xem là thành công.
Theo lời ông, từ khi các chó được sanh ra đến khi trường chọn để giao cho người khiếm thị, trung bình chưa đến 30% sẽ vượt qua vòng huấn luyện và đến tay người khiếm thị. Những chú chó "career change"- "đổi nghề" vì lý do tính cách, sức khỏe hay tuổi tác- sẽ được vào chương trình nhận nuôi thông thường.
Hiện tại, số người xin được nhận nuôi chó của Guide Dogs of America nhiều đến mức họ phải chờ ít nhất sáu năm mới đến lượt xét đơn.Nhân viên Guide Dogs of America và chú chó nhỏ đưa khách đi thăm trường. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Ông Sam cũng đưa chúng tôi qua các khu vực khác bên ngoài tòa nhà chính.
Đằng sau văn phòng của Guide Dogs of America là một sân cỏ lớn, được thiết kế với những ngọn đồi nho nhỏ và những táng cây lớn, xanh mát như một công viên. Đây là một trong những nơi dành cho các chú chó tập luyện, trước khi ra đường phố thực sự.
Guide Dogs of America có một khu nhà tách biệt với những chiếc chuồng lớn dành cho các chú chó trưởng thành. Tại đây, những chú chó hai năm tuổi được người tình nguyện trả lại trường để chuẩn bị chính thức làm việc với người khiếm thị. Trong bốn tuần, người khiếm thị đến đây, "nội trú", tập sống và đi lại bên cạnh những người bạn nhỏ mà họ sẽ cùng sinh hoạt trong khoảng 10 năm sắp tới.
Theo ông Sam, một chú chó có thời gian làm việc khoảng 8-10 năm, trước khi "về hưu" và cho người xin nhận nuôi. Thông thường, người chủ hiện tại của chúng được ưu tiên để tiếp tục giữ chúng.
Cạnh khu nhà của các chú chó lớn là khu sinh sản của các chó bố mẹ và khu chăm sóc những chú chó con. Không chỉ chọn lựa chó bố, chó mẹ, nhà trường một lần nữa chọn ra các chú chó con khỏe mạnh nhất và có tính cách phù hợp: phải thông minh nhưng không được quá hiếu động.
Theo ông Sam, hai giống chó phổ biến nhất tại trường là Labrador Retriever và Golden Retriever. "Vì bản tính của các giống chó này là làm vui lòng chủ. Chúng sẽ quên mình để phục vụ, miễn sao là chủ hài lòng..." ông Sam cho biết.
Ông Sam trả lời các thắc mắc của chúng tôi, từ việc làm thế nào để ghi danh nhận nuôi chó đến việc xin trợ cấp chính phủ để có chi phí chăm sóc chúng. Chú chó đen tuyền của ông Sam nằm yên bên cạnh khi ông nói chuyện, chỉ đứng lên khi bước đi cùng chủ và khi được cho phép "giải lao." Khoảng một năm nữa thôi, chú sẽ từ biệt ông Sam để thực hiện nhiệm vụ được trao phó ngay từ khi mới chào đời: phục vụ những người khiếm thị.
--
Liên lạc tác giả: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
--
Thông tin của Guide Dogs of America có tại trang mạng: guidedogsofamerica.org, số điện thoại: (818) 362-5834. Hội người khiếm thị quốc gia NFB, học bổng, và các chương trình hữu ích khác: nfb.org.
Tin mới
- Sài Gòn, thành phố ẩm thực đa quốc gia - 06/01/2015 11:41
- Người già kiếm cơm giữa Sài Gòn - 03/01/2015 14:14
- Nhà báo và mặt trận An Lộc (P3) - 03/01/2015 14:08
- Nhà báo và mặt trận An Lộc (P2) - 03/01/2015 14:02
- Nhà báo và mặt trận An Lộc (P1) - 03/01/2015 13:51
- Ai đứng phía sau trang “Chân Dung Quyền Lực” - 02/01/2015 19:53
- Sài Gòn và ‘chiến dịch’ thu gom người ăn xin, lang thang - 01/01/2015 23:29
- Mùa Đông trên biên giới Việt – Lào - 01/01/2015 11:41
- 2014: Vài sự kiện đáng nhớ - 01/01/2015 00:41
- Tết Tây ở “Phố Tây” Sài Gòn - 30/12/2014 12:49
Các tin khác
- Nạn trộm cắp bùng phát ở miền Trung - 27/12/2014 14:04
- Sinh viên kiếm cơm mùa Giáng Sinh - 27/12/2014 13:56
- Tiếng lóng mới cho các quán nhậu - 23/12/2014 15:36
- Nhà sàn Tây Nguyên - 20/12/2014 14:24
- Việt Nam đang 'chảy máu' nhà cổ - 20/12/2014 14:05
- Thượng Viện Canada mở lại hồ sơ Hiệp Định Paris 1973 - 19/12/2014 18:13
- Chợ nhỏ Sài Gòn, chợ của người nghèo - 18/12/2014 01:08
- Rượu giả từ Trung Quốc tràn lan dịp Tết - 17/12/2014 00:54
- Các quán nhậu đang thi nhau tàn sát thiên nhiên - 17/12/2014 00:43
- Campuchia từ chối trục xuất người Thượng theo yêu cầu của VN? Quốc Việt, thông tín viên RFA - 17/12/2014 00:35