Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giấc mơ của những người Mường không còn trẻ


THANH HÓA (NV) - Với những đồng bào Mường ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, nếu như trước đây chừng ba năm, giấc mơ của họ là được có chén cơm, manh áo và được có một căn nhà bằng gạch ngói thay thế cho mái nhà tranh thì hiện tại, giấc mơ của đồng bào Mường đã hoàn toàn ngược lại.

nguoimuong bacu
Người phụ nữ Mường và những trái sung chuẩn bị cho bữa cơm chiều. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

Sở dĩ đồng bào Mường đều có giấc mơ như vậy bởi vì hình như đời sống mới đã không những không hợp mà còn làm cho bà con mất quá nhiều.

*Nạn xì ke ma túy rình rập

Với đồng bào Mường phía Tây Thanh Hóa, việc đồng áng, làm rừng và trồng cây ăn trái trên các triền đồi mặc dù không mang lại kinh tế khấm khá bởi đất đai cằn cỗi nhưng ít nhất, điều này cũng làm bà con đủ ấm bụng, vượt qua cái đói và rét lạnh và làm cho tâm hồn người Mường lúc nào cũng xanh mướt một màu núi rừng.

Nhưng núi rừng bây giờ không còn huyền nhiệm, tâm hồn con người cũng trở nên cằn cỗi, trơ trọi mặc dù đời sống cơm áo có khá hơn trước đây. Như lời của bà Biện, sống ở Ngọc Lặc, người có đứa cháu ngoại bị dính nạn xì ke ba năm nay, than thở: “Bây giờ chẳng còn gì nữa đâu!”

“Trước đây trai trẻ trong bản thương người già lắm, lo làm ăn để có hạt ngô, củ sắn, trái mận mà người già đi bán kiếm tiền mua lạng thịt, mua hạt muối, lon gạo. Còn bây giờ, đám trai trẻ còn xúc cả gạo của người già mà đi bán để ăn chơi!”

“Không hiểu sao tụi trẻ bây giờ sa đọa quá, kể từ ngày cái đường mòn Hồ Chí Minh này được mở rộng và xe cộ qua lại, quán xá mọc lên khắp nơi thì thanh niên trong các bản làng đều hư hỏng cả, tụi nó đua đòi, mua sắm xe cộ, không có tiền đổ xăng thì đi bắt trộm gà vịt để đổ xăng, ban đầu thì bắt trộm của cha mẹ, hết rồi thì chuyển sang bắt trộm của hàng xóm. Mà chúng nó có làm ăn gì đâu, chỉ đổ xăng để chạy đua thôi!”

“Thì tiền đền bù đất mở đường cũng được một ít, khi đường ra mặt tiền rồi thì nhà nào có đất lâu năm, đất ở thì bán tháo để mua cái ti vi, cái tủ lạnh, cái đầu máy video, nói chung là mua sắm đủ thứ cho đến lúc hết tiền thì ra thân ăn mày, đi làm thuê. Nhiều người bán sạch đất rồi mua sắm bậy bạ, cuối cùng nghèo đói không có đất để làm. Khổ trăm bề!”

nguoimuong bep
Bếp của một gia đình Mường gồm sáu người ở Ngọc Lặc. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

“Nạn đánh đề, bài bạc bây giờ nặng lắm, toàn là dân nhà cái ngoài Hà Nội vào đây làm ăn cả, rồi con gái trong làng cũng hư hỏng, đỏng đảnh chẳng lo làm ăn hay học hành gì mà cứ chăm chuốt suốt ngày rồi hẹn hò. Nhiều đứa tìm cho ra chồng thành phố, chồng đại gia gì đó, cuối cùng có chửa hoang, hỏng đời.”

“Nạn xì ke thì nhiều rồi, giờ tối đến tụi nó tụm năm tụm bảy ngoài đường mòn chờ có người đi qua thì trấn lột, cướp bóc. Một nhà mà nuôi một thằng xì ke thì chỉ có nghèo tới mạt, không tài nào mà ngóc đầu lên nổi đâu. Có con gà con vịt gì nó cũng bắt đi bán, thậm chí trong nhà có cái điện thoại cha nó đang gọi mà nó cũng cướp ngang mang đi bán để hít. Nói chung là buồn lắm!”

*Tương lai trống rỗng

Cảm giác hoang mang về tương lai và tuyệt vọng trong hiện tại chiếm số đông trong đồng bào Mường ở Tây Thanh Hóa. Mặc dù đời sống cơm áo gạo tiền của bà con bây giờ không đến nỗi thiếu trước hụt sau như xưa nhưng bù vào đó, đời sống bà con luôn hoang mang trong một tương lai cụt ngủn.

Khái niệm tương lai cụt ngủn là lời than thở, nỗi lo của ông Nhọ, một chủ gia đình Mường ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ông cho rằng người Mường với đà hiện tại, sẽ chẳng bao lâu nữa, nạn diệt chủng sẽ đến vì nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính mà ông bày tỏ: “Nạn lai chạ và không có đất để canh tác là hai thứ mũi nhọn nhanh chóng đâm nát trái tim người Mường.”

“Cái mũi nhọn thứ nhất là nạn lai chạ, ở đây không nhìn cũng thấy, hầu hết con gái Mường bắt đầu rục rịch tìm chồng thành phố và bắt đầu tránh con trai Mường bởi con trai Mường nghèo khổ, không có tương lai. Mà con trai Mường thì thất nghiệp, lại gặp nạn xì ke nên mất hết điểm trong mắt con gái ở đây. Mà con gái Mường không lấy con trai Mường thì không lẽ đi mơ chuyện con gái dưới xuôi chạy lên đây làm dâu người Mường, chuyện này là không tưởng.”

nguoimuong nha
Nhà người Mường bên đường Trường Sơn. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

“Một khi con trai Mường dần dần bị ế vợ, mối nguy nòi giống hiện dần ra. Trong khi đó, con gái Mường chắc gì đã lấy được tấm chồng tốt nơi thành phố, mọi chuyện cứ như vậy đảo lộn cả lên! Với đà này, chừng mươi năm nữa thôi chỉ thấy toàn người Mường già, hiếm thấy con nít.”

“Hơn nữa, bây giờ rừng làm gì còn để mà làm. Vì người Mường vốn dĩ khai canh núi rừng tự nhiên để làm rẫy, gieo hạt hoặc trồng cây ăn trái. Và mấy chục năm nay bà con cứ cặm cụi làm, có ai biết gì đâu mà xin cái sổ đỏ hay sổ hồng gì đấy. Ðùng một cái, nhà nước thu hồi rừng. Có rất nhiều nhà mất rừng đã trồng mấy chục năm nay vì không có mấy cái sổ này.”

“Nhưng nếu cái sổ đó quan trọng sao ngay từ đầu chính quyền xã, huyện không phổ biến, không nói cho bà con biết để mà làm sổ, đằng này bà con cày xới, vun trồng và đặt hy vọng vào đó để rồi mất trắng. Mà đồng bào trên núi nếu không có rừng thì còn gì là đời sống. Tương lai nghe có vẻ cụt ngủn, chẳng hy vọng gì!”

Hai chữ “cụt ngủn” của ông Nhọ nghe ra chứa đầy hụt hẫng. Bởi đúng như lời ông nói, hiện nay, khi lên Trường Sơn, đến Ngọc Lặc, vào các bản làng Mường, có vẻ như rất khó để tìm một bản làng Mường đầy đủ tính chất, dáng vẻ Mường như xưa mà đôi khi cứ ngỡ như đang lạc vào một xóm nào đó trong thôn quê miền Bắc và xóm này có điệu sống cực kỳ ba rọi, chẳng ra quê mà cũng chẳng ra tỉnh, nhà nào cũng có tường rào bịt bùng trong một khu vườn chật chội! Người Mường trước đây không bao giờ sợ trộm cắp, bây giờ thì rất khác mặc dù họ cũng chẳng có gì đáng giá trong nhà!

Giấc mơ của những đồng bào Mường bây giờ chỉ đơn giản thôi, đó là được sống lại những ngày bình yên và hồn nhiên ngày xa xưa. Bởi chỉ có như vậy, người Mường mới được là người Mường.

Switch mode views: