Rối rắm chuyện sổ đỏ
- Chúa Nhật, 08 tháng Mười Một năm 2015 11:14
- Tác Giả: RFA
Đất ruộng ở Tây Nam Bộ. RFA
An cư lạc nghiệp, ngoại trừ một số bộ lạc sống thiên di, đó là quan niệm chung của loài người trên mặt địa cầu này. Và sự an cư này biểu hiện qua quyền sở hữu về đất đai, nhà cửa. Ở những nước tiến bộ, sổ nghiệp chủ về đất đai gồm cả quyền sở hữu đất đai.
Ở Việt Nam và một số nước độc tài, phong kiến còn sót lại trên thế giới thì sổ nghiệp chủ chỉ mang tính tượng trưng, nó không cho đầy đủ quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng lâu dài, một trong ba thuộc tính của quyền sở hữu. Và mọi chuyện rối rắm phát sinh từ chỗ này.
Người dân không có quyền sở hữu đất
Một cán bộ địa chính đã về hưu, tên Nguyên, ở quận Hóc Môn, Sài Gòn, chia sẻ: “Sổ hồng (trước đây là sổ đỏ) coi như chủ quyền đó. Thời xã hội chủ nghĩa là nó công nhận chủ quyền cái nhà thôi chứ không công nhận sở hữu đất. Nó kêu là đất công hữu…”.
Theo vị cán bộ này, hiện tại, vấn đề đất đai và sổ nghiệp chủ, còn gọi là bìa đỏ và bìa hồng tại Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung có quá nhiều rối rắm, phức tạp. Suy cho cùng, sự rối rắm và phức tạp này nằm ở chỗ độc quyền, độc tài về đất đai của nhà nước mà cụ thể là đảng Cộng sản Việt Nam.
Với danh nghĩa đất đai là tài sản của toàn dân, do nhà nước quản lý, người dân hoàn toàn không có quyền sở hữu đất đai mặc dù việc mua đất ở Việt Nam khá đắt đỏ. Nếu so với các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malayxia, Lào, Thái Lan, Campuchia… Đất ở tại Việt Nam có giá cao hơn ước chừng 150% so với cùng diện tích và cùng địa hình ở các nước vừa nêu. Thậm chí ở những diện tích đất gọi là “đất vàng”, giá đất Việt Nam có thể cao gấp 500% đến 600% so với các nước trên.
Trong khi đó, hầu hết các nước trong khu vực đều cấp quyền sở hữu đất cho người dân một khi người dân đã có bề dày khai thác đất nhiều đời hoặc bỏ tiền ra mua từ quĩ đất nhà nước. Ở Việt Nam thì ngược lại, mặc dù phải bỏ ra một số tiền lớn để mua đất nhưng người dân lại không có quyền sở hữu đất.
Bất kì bìa đỏ hay bìa hồng, sổ nghiệp chủ đất đai nào dưới thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa đều chia đất làm ba hạn mục: Đất ở thuộc hạn mục sử dụng lâu dài; Đất vườn thuộc hạn mục sử dụng có niên hạn và đất ruộng thuộc hạn mục sản xuất nông nghiệp, nếu ở miền núi thì đất trồng rừng. Cả ba hạn mục này đều nhằm đề cao quyền quản lý của nhà nước.
Ông Nguyên cho rằng ở hai hạn mục đất vườn, đất lúa hoặc trồng rừng thì nhà nước quản lý là hợp lý. Nhưng đất ở lâu dài, người ta phải bỏ tiền ra mua với giá quá cao nhưng lại không có quyền sở hữu là chuyện hết sức vô lý. Bởi lẽ, chỉ giao quyền sử dụng lâu dài nghĩa là chỉ giao một phần ba quyền sở hữu, chỉ là một trong các thuộc tính của quyền sở hữu. Bởi vì quyền sở hữu có ba thuộc tính căn bản theo qui ước chung của luật quốc tế, gồm: Chiếm dụng; Sử Dụng và; Định doạt.
Trong khi đó, nhà nước chỉ giao cho người dân thuộc tính sử dụng và giữ lại hai thuộc tính căn bản là chiếm dụng và định đoạt. Đây là đầu mối của mọi bất công và vô lý, đây cũng là đầu mối của những sự vụ nổi cộm như Cồn Dầu, Văn Giang, giáo xứ Thái Hà và rất nhiều nơi khác, đây cũng là đầu mối tạo ra hàng triệu dân oan trên đất nước Việt Nam.
Giài thích thêm, ông Nguyên nói rằng vấn đề luật lệ tại Việt Nam có quá nhiều bất cập và lỏng lẻo. Những văn bản dưới luật hầu hết là không đúng tinh thần pháp luật và có khuynh hướng nhằm thao túng quyền lực của một phe nhóm nào đó từ trung ương tới địa phương. Chính những văn bản này cộng với cái cớ đất của toàn dân, do nhà nước quản lý và nhà nước cầm chắc trong tay hai thuộc tính chiếm dụng và định đoạt nên hầu hết các quan chức đã lợi dụng điểm này mà làm càn, chiếm đoạt đất đai của nhân dân theo kiểu một mét đất được đền bù một bát phở hoặc một ổ bánh mì.
Những chung cư xuống cấp không ai chịu trách nhiệm. RFA
Bởi vì nhân dân không có quyền sở hữu, không có quyền chiếm dụng cái nơi mà mình bỏ tiền ra mua và cũng không có quyền định đoạt giá trị của diện tích đất mình đã bỏ tiền ra mua hoặc đã nhiều đời khai canh, vỡ đất. Chính vì điều này, nhà nước, đặc biệt là cấp chính quyền địa phương có thể tùy tiền đưa ra một bản áp giá theo hướng có lợi cho họ.
Và cái có lợi cho họ chính là tư túi, vơ vét, toa rập với tư bản đỏ để lấy đất của dân với giá rẻ bèo rồi sau đó cải tạo qua loa mà phân lô bán với giá trên trời. Theo ông Nguyên, tất cả những sự việc đáng tiếc này là do luật đất đai chưa bao giờ công nhận quyền sở hữu đất cho nhân dân. Và đây là đặc thù của những nước độc tài hoặc phong kiến. Nếu nhà nước phong kiến qui đất đai về quyền nắm giữ của nhà vua thì nhà nước độc tài lại mượn danh nghĩa của toàn dân để thâu tóm quyền lực. Những oan khiên về đất đai vẫn còn diễn ra dài dài…
Thủ tục rườm ra, nhiêu khê
Một cán bộ địa chính khác tên Trung, vừa mới nghỉ hưu, hiện sống tại quận Tân Bình, Sài Gòn, chia sẻ thêm: “Sử dụng lâu dài không phải là thuộc tính đầy đủ của sở hữu. Ví dụ như người ta thuê vẫn có quyền sử dụng đó thôi. Sở hữu là ta phải tùy ý mua bán, tùy ý sử dụng và được quyền định đoạt giá trị của nó. Nhưng bây giờ nói tụi nó đâu có nghe đâu. Nó làm vì lợi ích nhóm của nó thôi!”.
Ông Trung cho rằng các thủ tục về đất đai ở Việt Nam quá rườm rà, nhiêu khê nhưng không mang lại một kết quả tốt nào cho người dân. Từ việc mua nhà hay mua chung cư cho đến mua đất xây dựng ở nông thôn hay thuê đất trồng rừng đều gặp những rắc rối có tính hành chính nhưng lại thiếu tính khoa học, thiếu tính pháp luật.
Nghĩa là muốn mua một lô đất với giá tiền vừa phải, hợp với túi tiền, mua từ những gia đình có đất thổ cư thuộc diện rộng thì phải qua rất nhiều thủ tục. Thủ tục đầu tiên là tách bìa, phải có họp gia đình, họp xóm, lấy biên bản từ gia đình và xóm để tách bìa hồng. Sau đó, phải mang bìa hồng ra phòng công chứng và phòng công chứng lại yêu cầu họp gia đình một lần nữa, nếu độc thân thì phải có giấy chứng nhận độc thân của chính quyền địa phương. Sau đó mới làm thủ tục mua bán.
Vấn đề vừa nêu tuy rắc rối nhưng chưa đáng kể. Hiện tại, đã có hàng trăm phôi bìa hồng bị đánh cắp từ các cơ quan quản lý đất đai và đã có hàng trăm bìa hồng mà nhân dân đã bỏ tiền ra mua cả năm trời, nhà nước đã đóng dấu nhưng cơ quan chức năng lại không có bìa để giao cho dân, hỏi ra thì không ai biết bìa hồng đó đang nằm ở đâu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm gia đình đã bỏ tiền ra mua đất nhưng lại phải chịu cảnh sống chui ngay trên mảnh đất mình đã mua vì bìa hồng đã thất lạc.
Theo ông Trung, sở dĩ hiện nay có quá nhiều chuyện rối rắm, nhiêu khê về vấn đề nghiệp chủ đất đai của nhân dân là vì nhà nước chưa bao giờ chịu buông bỏ quyền nắm giữ đất đai của nhân dân. Chưa bao giờ chịu trả lại nhân dân quyền sở hữu đất khi nhân dân đã bỏ ra khoản tiền quá cao để mua mảnh đất đó.
Related news items:
Tin mới
- Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam công bố 3 người đoạt giải 2015 - 18/11/2015 20:13
- Học sinh mạo hiểm mỗi ngày đu dây qua sông - 17/11/2015 13:23
- Vàng giả từ Trung Quốc lại xuất hiện - 16/11/2015 20:05
- Cái đói của người dân miền núi - 16/11/2015 19:54
- Xâm hại Mekong, chuyên gia lên tiếng, Hà Nội im lặng - 16/11/2015 12:13
- Giấc mơ của những người Mường không còn trẻ - 11/11/2015 20:02
- Công ty thanh niên xung phong bắt dân?! - 11/11/2015 13:25
- Trà sữa Trung Quốc đầu độc người Việt - 11/11/2015 13:20
- Sài Gòn ‘ba gác music’ - 09/11/2015 17:38
- Chuyến thăm của Ô. Tập Cận Bình trong mắt người Lý Sơn - 09/11/2015 02:46
Các tin khác
- Nạn quỵt hụi bùng phát - 05/11/2015 18:10
- Ðông đảo người dân viếng mộ TT Ngô Ðình Diệm ở Bình Dương - 04/11/2015 11:53
- Phía sau sự hào nhoáng Hà Nội - 30/10/2015 19:29
- Những cánh rừng cuối cùng trên dãy Trường Sơn - 30/10/2015 19:16
- Nạn số đề bùng phát ở miền Trung - 30/10/2015 19:09
- Thú vui hiking của giới trẻ Việt ở Quận Cam - 26/10/2015 17:42
- Sông Việt bị tác động bởi đập Trung Quốc - 22/10/2015 20:00
- Hải sản khan hiếm vì mất ngư trường - 21/10/2015 22:00
- 'Cậu Thủy' bị phạt chung thân vì tìm hài cốt liệt sĩ 'dỏm' - 19/10/2015 14:51
- Mơ về những gánh hàng rong... - 19/10/2015 14:30