Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trưng cầu dân ý Hiến pháp : Thủ đoạn bám quyền của quân đội Thái Lan?

thailand-politics 3

Một sinh viên Thái Lan bị cảnh sát bắt vì chỉ trích bản dự thảo Hiến Pháp của chính quyền quân sự, Bangkok ngày 27/04/2016.REUTERS/Jorge Silva

Chính quyền quân sự Thái Lan sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới vào tháng 8/2016.

Càng gần đến ngày bỏ phiếu, càng có nhiều tiếng nói của đối lập và trí thức Thái Lan lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ bản dự thảo, cho là phi dân chủ, và chính quyền quân sự càng ra sức bắt bớ và nghiêm cấm biểu tình phản đối.

Còn theo phân tích của nhiều chuyên gia, cho dù kết quả bỏ phiếu có ra sao, và ngay cả khi hoàng tử kế vị lên ngôi, quân đội vẫn sẽ tại quyền trong một thời gian dài và tương lai nền dân chủ Thái Lan vẫn sẽ trở nên mịt mù hơn bao giờ hết.
Vì sao như vậy ? Để hiểu rõ hơn vấn đề này, thông tín viên thường trực của đài RFI tại Bangkok, anh Arnaud Dubus cố gắng giải thích rõ một số điểm sau đây.

RFI: Trước tiên, xin anh giải thích sơ qua về dự thảo sửa đổi Hiến Pháp. Vì sao phe đối lập cũng như nhiều nhân sĩ Thái Lan đã chỉ trích những điểm nào trong dự thảo này ?

Arnaud Dubus: Nhìn chung, họ phê phán là dự thảo Hiến pháp này đã tạo một khuôn khổ chính trị cho phép quân đội gián tiếp thực thi quyền lực trong một giai đoạn ít nhất là 5 năm nữa sau cuộc tổng tuyển cử.
Mục tiêu của dự thảo là nhằm làm suy yếu quyền hành của các đại biểu dân cử - tức là các thành viên của Hạ Viện, gồm 500 dân biểu được bầu lên trực tiếp cho một nhiệm kỳ bốn năm.
Dự thảo này cũng nhằm mục đích củng cố quyền lực của những định chế không do dân bầu – Tòa Bảo Hiến, Thượng Viện và nhiều tổ chức chính phủ khác.

Đi vào từng điểm một, thì Tòa Bảo Hiến sẽ có thêm nhiều quyền hành mới, cho phép cơ quan này có quyền trừng phạt chính phủ và can thiệp trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Điều đó có nghĩa là, Tòa Bảo Hiến nắm trong tay một cách chính thức các quyền hành mà trước đây chỉ có nhà vua mới có : đó là can thiệp để giải quyết một tình trạng khủng hoảng.

Còn Thượng Viện sẽ bao gồm 250 thành viên do tập đoàn quân sự chỉ định với một nhiệm kỳ 5 năm – nhiều hơn một năm so với Hạ Viện. Trong đó có sáu ghế ở Thượng Viện được đặc cách dành riêng cho các lãnh đạo quân đội và cảnh sát. Thượng Viện có quyền can dự vào việc bỏ phiếu bầu chọn thủ tướng.

Điều khoản gây lo ngại cho giới trí thức cấp tiến nhiều nhất chính là cách thức chọn thủ tướng. Tại Thái Lan, người đứng đầu nhà nước là quốc vương, theo nghĩa cha truyền con nối. Từ đó mà người dân cho rằng điều quan trọng là người đứng đầu chính phủ, tức thủ tướng phải do dân bầu, tức là một đại biểu dân cử. Thế nhưng, dự thảo Hiến Pháp lại để ngỏ khả năng có một thủ tướng không do dân bầu và tiềm ẩn ý đó là một sĩ quan quân đội.

Hơn nữa, ngay trước ngày bầu cử mỗi đảng phái chính trị phải đề xuất tên của ba người được cho « có thể làm thủ tướng », những người phải là thành viên của Hạ Viện. Tiếp đến, thủ tướng sẽ được 500 thành viên Hạ Viện và 250 thành viên được bổ nhiệm ở Thượng Viện bầu chọn.

Nhưng vì Hạ Viện sẽ bị chia rẽ và giới quân sự có thể sẽ còn gây chia rẽ thêm, nhiều xác suất cho thấy là các đảng chính trị khó mà đạt được đồng thuận về bất kỳ một người nào. Điều đó sẽ mở cánh cổng cho quân đội áp đặt ứng viên của họ nhằm « giải quyết dứt điểm vấn đề ».

Điểm cuối cùng : Một Ủy Ban Chiến Lược Quốc Gia bao gồm 25 thành viên do chế độ quân sự chỉ định, trong vòng 20 năm, sẽ có nhiệm vụ thẩm tra xem chính sách của các chính phủ nối tiếp nhau có đi đúng với mục tiêu cải cách do giới quân sự vạch ra hay không.

Nếu làm không đúng, ủy ban này rất có thể gây áp lực lên chính phủ, nhờ vào sự hỗ trợ « nặng ký » của giới quân nhân để « định hướng lại » các chính sách.
Điều này sẽ cho phép quân đội kiểm soát thường trực các chương trình của chính phủ và đương nhiên là trong cả việc đưa ra đường hướng chính trị cho đất nước.

RFI:  Phải chăng cuộc trưng cầu dân ý này là một phương tiện để cho quân đội hợp pháp sự hiện diện của họ trên chính trường Thái ?

A. Dubus: Giới quân nhân tại Thái Lan đã là Nhà Nước trong một Nhà Nước. Họ chẳng cần tìm cách hợp pháp hóa sự hiện diện của họ, họ áp đặt điều đó bằng sức mạnh và nỗi sợ hãi.
 Ngôn từ của họ là ngôn từ của quyền lực, chứ không phải ngôn từ của sự thuyết phục hay sự hợp pháp hóa.
Tính chính đáng duy nhất mà họ đưa ra chính là bảo vệ nền Quân Chủ, Quốc Gia và Phật Giáo, ba cột trụ chính của bản sắc dân tộc Thái Lan.

RFI: Trong trường hợp trưng cầu dân ý bị bác, quân đội sẽ làm gì ?

A. Dubus: Điều này vẫn chưa rõ. Tướng Prayuth Chan-ocha, lãnh đạo tập đoàn quân sự và cũng là thủ thướng, đã hàm ý nói đến một « vòng » mới cho việc biên soạn dự thảo Hiến pháp.
Vòng thứ ba đó có lẽ sẽ được tiến hành và điều đó có nghĩa là chính quyền quân sự vẫn sẽ tại vị trong một khoảng thời gian ít nhất là hai năm nữa sau cuộc trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nghĩ là nếu như dự thảo Hiến pháp bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý, giới quân sự sẽ áp đặt Hiến Pháp tạm thời đang có hiệu lực hiện nay và trong điều khoản 44, có quy định trao quyền điều hành gần như tuyệt đối cho quân đội, khi « an ninh quốc gia bị đe dọa ».

RFI: Còn trong trường hợp dự thảo được cuộc trưng cầu dân ý thông qua, phải chăng điều đó cũng có nghĩa là xã hội Thái Lan vẫn chưa đủ chín mùi để đi theo con đường dân chủ ?

A. Dubus: Trong giả thuyết dự thảo Hiến Pháp được thông qua, câu hỏi đầu tiên sẽ được đặt ra là phải xem xem cuộc bỏ phiếu đó có được diễn ra trong những điều kiện chấp nhận được hay không.
Có hay không việc thao túng phiếu bầu và các thùng phiếu ?
Với việc sử dụng hàng chục ngàn công chức để « giải thích nội dung của bản dự thảo Hiến Pháp », chiến dịch vận động hiện nay của giới quân sự chẳng phải là một chiến dịch kêu gọi sự « tán đồng » hay sao ?

 Việc chính quyền quân sự từ chối sự có mặt chính thức của các nhà quan sát viên quốc tế cho phép chúng ta có quyền hoài nghi về dụng tâm của chính quyền quân sự.

Trong mọi trường hợp, nếu như dự thảo Hiến Pháp được thông qua, đó sẽ là một thắng lợi lớn cho giới quân sự.
Trên thực tế, họ có thể sẽ tự khẳng định là một phần lớn dân chúng không chấp nhận cái gọi là « dân chủ tự do » so với phiên bản của họ về một nền « dân chủ có hướng dẫn ». Ngược lại, nếu dự thảo không được chấp nhận, chính quyền quân sự sẽ bị mất uy tín.

RFI: Câu hỏi khác là quân đội Thái Lan có sẽ từ bỏ quyền lực hay không một khi tiến trình nối ngôi kết thúc ?

A.Dubus: Một khi quốc vương mới lên ngôi, nhiều vấn đề vẫn sẽ tồn đọng. Tân vương có can dự vào chính trị hay không ?
Ông có sẽ ưu đãi một bên nào của nghị trường hay không ?
 Ông có cho phép cựu thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra trở lại chính trường hay chí ít là trở về Thái Lan hay không ?
Ngay cả sau khi tân vương đã lên ngôi, các câu trả lời cho những câu hỏi này cũng sẽ không được rõ ràng, và như vậy giới quân sự vẫn sẽ phải đảm bảo sao cho họ vẫn có trong tay các phương tiện can thiệp.

RFI: Tại sao đối lập Thái Lan không đi theo mô hình của bà Aung San Suu Kyi tại Miến Điện, người đã thành công trong việc đạt được một số thỏa thuận với chính quyền quân sự ?

A.Dubus: Câu trả lời thật là khó. Một số tướng lĩnh Miến Điện đã khá thông minh nhận ra rằng nếu họ muốn có thể bảo vệ được một số đặc quyền của mình trong dài hạn, họ sẽ phải có những nhượng bộ.
Họ biết rằng để tồn tại, cần phải hy sinh một vài thứ.
 Các tướng lĩnh Thái Lan hiển nhiên không có khả năng phân tích này.

Hơn nữa, quân đội Miến Điện, vốn được hình thành trong cuộc chiến chống thực dân, lúc ban đầu là một quân đội nhân dân.
 Thái Lan chưa từng bị đô hộ và quân đội Thái là một quân đội hoàng gia, một quân đội chưa bao giờ « đấu tranh vì dân tộc và sát cánh cùng người dân ».
Quân đội Thái là một « quân đội của quốc vương », trong khi mà quân đội Miến Điện, hay Việt Nam là những « đạo quân của nhân dân ».

Switch mode views: