Bolivia: Từ người hùng đến người tị nạn, những sai lầm của Moralès
- Thứ Năm, 21 tháng Mười Một năm 2019 21:02
- Tác Giả: Minh Anh
Thổ dân Bolivia biểu tình ủng hộ cựu tổng thống Evo Moralès, đang tị nạn tại Mêhicô. Ảnh chụp ngày 15/11/2019, tại thủ đô La Paz, Bolivia.RONALDO SCHEMIDT / AFP
Ngày 10/11/2019, Evo Moralès, tổng thống Bolivia vừa tái đắc cử nhiệm kỳ 4, sau một cuộc bầu cử bị tố cáo là có gian lận, đã thông báo từ chức và phải lên đường đến Mêhicô tỵ nạn một ngày sau đó.
Theo giới quan sát, đây là hệ quả một sự trượt đà chính trị : Evo Moralès, người hùng của người dân, đã không biết kháng cự lại sức cám dỗ của sự chuyên chế.
Mười bốn năm cầm quyền, có thể nói đây là một con số kỷ lục tại một đất nước đã quen thuộc với các biến động chính trị.
Năm 2006, việc Evo Moralès đắc cử tổng thống ngay từ vòng đầu là một sự kiện lịch sử. Đây là lần đầu tiên, một người gốc thổ dân Nam Mỹ nắm lấy quyền lực cao nhất tại một đất nước cho đến thời điểm đó vẫn do một tầng lớp tinh hoa « da trắng » thiểu số điều hành.
Những thành quả không thể phủ nhận
Thắng lợi của Evo Moralès, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, chủ tịch các nghiệp đoàn các nhà trồng coca, kẻ thù công khai của Mỹ, đã nhanh chóng đoạn tuyệt với quá khứ thuộc địa và mang lại niềm tự hào cho những thổ dân Nam Mỹ, đối tượng bị kỳ thị cho đến đầu những năm 2000.
Việc Evo Moralès đắc cử mang lại hy vọng một nền hòa bình bền vững, chấm dứt những năm tháng bất ổn chính trị với gần 200 cú đảo chính kéo dài trong gần hai thế kỷ, kể từ ngày ra đời nền cộng hòa Bolivia năm 1825.
Trong mười bốn năm cầm quyền của ông Moralès, bộ mặt xã hội của Bolivia đã có những biến đổi sâu sắc.
Một mặt, ông cho tái thiết các định chế, thông qua một Hiến Pháp mới năm 2009, đặt tên chính thức cho đất nước là Nhà Nước Đa Dân Tộc Bolivia.
Sự thay đổi này công nhận sự hiện hữu và nét đặc thù đa dạng văn hóa, cũng như là ngôn ngữ thổ dân.
Hiến Pháp mới cũng khẳng định rằng mọi công dân bình đẳng trước pháp luật và mọi hình thức kỳ thị bị cấm đoán.
Quy định này được phổ biến rộng rãi trong các cửa hàng, phương tiện công cộng và các cơ sở hành chính.
Mặt khác, trên bình diện kinh tế, cho đến ngày thông báo từ chức, cựu tổng thống Moralès đã để lại một bảng tổng kết có thể nói là còn sáng sủa hơn cả so với các nước láng giềng trong khu vực.
Lạm phát thấp, tăng trưởng đều ở mức từ 4 – 6% mỗi năm, tổng sản phẩm nội địa tăng gấp ba, tỷ lệ đói nghèo giảm một nửa, tỷ lệ thất học và bất bình đẳng cũng tụt giảm mạnh.
Nhờ đâu mà ông Moralès có được những kết quả « thần kỳ » như thế, trong khi mà các nước láng giềng đang rơi vào tình cảnh kinh tế ảm đạm ?
Trên đài France Culture, chuyên gia Laetitia Perrier-Bruslé, giảng viên về Địa Lý, trường đại học Lorraine, giải thích :
« Tôi nghĩ là có sự kết hợp của hai yếu tố. Một mặt, đúng là bối cảnh rất thuận lợi vào lúc Evo Morales lên cầm quyền.
Nhu cầu nguyên liệu tăng vọt trên thị trường thế giới và do vậy, giá cả nguyên liệu lên cao.
Bolivia là nước xuất khẩu nguyên nhiên liệu, như khí đốt, nhiều loại khoáng sản và một chút nông sản.
Như vậy, sự bùng nổ về nhu cầu nguyên nhiên liệu đã có lợi cho chính sách của Evo Moralès.
Mặt khác, chính quyền của Moralès đã có một sự lựa chọn tích cực, quyết định tiến hành chính sách tái phân phối xã hội một cách mạnh mẽ và rộng khắp.
Ông Moralès đã đề xuất đẩy mạnh khai thác nguyên nhiên liệu, khai thác môi trường, để có được những khoản thu lớn và sau đó, tiến hành tái phân phối các nguồn thu này cho đông đảo người dân.
Nhờ vậy, tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người của Bolivia đã tăng gần bốn lần, trong giai đoạn 2006 đến 2019. Đó là một tỉ lệ rất cao.
Người ta có thể nhìn thấy cụ thể là mức sống của người dân đã được cải thiện đáng kể trong thập niên vừa qua. Tóm lại, Bolivia đã có được bối cảnh thuận lợi và chính sách tái phân phối xã hội rất mạnh. »
Những sai lầm không thể chấp nhận
Nghịch lý thay, những chính sách kinh tế này lại đi ngược với những lời hứa khi tranh cử : Bảo vệ nền dân chủ và môi trường. Bản thân ông cũng không cưỡng lại sức cám dỗ của của sự chuyên chế.
Chính sự trượt đà chính trị này đã khiến ông bị « đánh đuổi » ra khỏi đất nước, chạy sang Mêhicô tị nạn vào ngày 12/11/2019.
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Laetitia Perrier-Bruslé, sai lầm lớn nhất của ông chính là quyết định không tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 do chính ông đề xuất.
« Evo Moralès đã xóa bỏ hai khế ước mà ông ta đã cam kết với xã hội Bolivia.
Khi tranh cử, ông đã hứa bảo vệ các định chế dân chủ. Nền dân chủ Bolivia còn rất non trẻ, mới được tái lập vào năm 1982, tức là chưa đầy 37 năm.
Ông Moralès lên cầm quyền năm 2005, sau 5 năm xung đột xã hội, nổi loạn triền miên, tình hình xã hội rất phức tạp.
Do vậy, ông đã hứa tái lập một xã hội bình an, bảo vệ các định chế dân chủ.
Thế nhưng, trong nhiệm kỳ cuối cùng, người ta nhận thấy quyền lực đã bị biến tướng, trở nên độc đoán hơn.
Cuộc trưng cầu dân ý 2016 đã không được tôn trọng, bởi vì theo cuộc trưng cầu này, ông Moralès không được phép tái ứng cử.
Thế nhưng ông không tôn trọng ý kiến người dân. Đây là sự đoạn tuyệt đầu tiên của Evo Moralès với xã hội Bolivia.
Sự đoạn tuyệt thứ hai liên quan đến chương trình tranh cử giúp ông Moralès lên cầm quyền.
Lúc mới làm tổng thống, ông hứa sẽ bảo vệ cộng đồng thổ dân và môi trường, có nghĩa là La Pachamama – Đất Mẹ và lúc đó, Evo Moralès có được một hình ảnh rất đẹp trên trường quốc tế : ông là tổng thống gốc thổ dân đầu tiên cam kết bảo vệ môi trường.
Thế nhưng, một khi lên cầm quyền, Evos Moralès lại tiếp tục chính sách đẩy mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên, bởi vì ông cần tiền để chi cho bộ máy Nhà nước vận hành, để tái phân phối của cải.
Có thể nói, Evo Moralès vẫn tiếp tục mô hình tân tự do khai thác tài nguyên. Ông cho rằng tài nguyên thiên nhiên và môi trường là những nguồn thu, có thể bán trên thị trường quốc tế, cần phải tiền tệ hóa các nguồn tài nguyên này.
Đây là sự đoạn tuyệt mạnh mẽ nhất.
Vả lại, các vụ cháy rừng hồi tháng 09/2019 tại Bolivia – khoảng 4 triệu hecta rừng bốc thành mây khói – phần nào là do chính sách tập trung khai thác tài nguyên, buông thả, để cho nông dân khai khẩn, đốt rừng Amazon và khu rừng nhiệt đới ẩm. »
Tham quyền cố vị, phớt lờ tầng lớp trung lưu thành thị và giới trẻ…. Chính những nguyên nhân này đã đẩy một bộ phận cử tri, những người từng ủng hộ ông trong ba cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp, lần này đã xoay lưng lại với Moralès.
Bất chấp các cuộc biểu tình rầm rộ giữa hai phe ủng hộ và chống gây chia rẽ đất nước mà ông cố gìn giữ trong suốt ba nhiệm kỳ liền, nhưng Evo Moralès vẫn cố chấp ra tranh cử nhiệm kỳ 4.
Vì sao như vậy ? Nhà báo François – Xavier Freland, chuyên gia về châu Mỹ Latinh trên kênh truyền hình France 24, giải thích :
« Tôi nghĩ đây là vấn đề của những người tự cho mình là Messie, đấng cứu tinh. Cho dù Moralès rất đáng mến, nhưng dường như ông ta đã quên mất rằng trong một nền dân chủ, cần phải chấp nhận phán quyết của người dân thông qua lá phiếu bầu cử.
Tôi nghĩ là bên phía Phong trào tiến tới chủ nghĩa xã hội – MAS – đảng của ông Morales, họ lo sợ sự quay lại của phe tự do, phe cực hữu cứng rắn.
Đừng quên rằng Bolivia đã từng trải qua thời kỳ độc tài.
Phe của Moralès lo ngại là sự trở lại chính trường của phe cựu tổng thống Carlos Mesa và tầng lớp tài phiệt, một tầng lớp tư sản da trắng ở vùng Santa Cruz giầu có, nhiều địa chủ…Chắc chắn phe của Moralès lo sợ.
Ngoài ra, thường xuyên có các nghi ngờ tham nhũng trong hàng ngũ của Moralès.
Người ta không muốn là tất cả những điều này được phơi bày ra nhanh quá. Đó là những nhân vật gắn bó với hệ thống và hệ thống này lại được nhiều nước bên ngoài ủng hộ.
Nga và Trung Quốc ngày càng quan tâm đến nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Bolivia.
Đó là một đất nước có những liên minh mới được tạo dựng trong khoảng một chục năm qua, ví dụ như với Venezuela. Giờ đây, người ta lo ngại là tất cả sẽ sụp đổ. »
Chia rẽ Đông – Tây và cuộc đối đầu giai cấp – sắc tộc
Chỉ có điều, Evo Moralès quên rằng Bolivia không phải là Venezuela. Nicolas Maduro có quân đội ủng hộ, còn ông thì không.
Năm 2016, việc người dân nói « Không » với ý định sửa đổi Hiến Pháp cho phép ông tranh cử nhiệm kỳ thứ tư đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng.
Ảo tưởng « anh hùng » của người dân, là vị « cứu tinh » của dân tộc đã làm ông lóa mắt quên đi một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng : Tìm người kế tục sự nghiệp.
Một sai lầm hữu ý như đánh giá của nhà xã hội học Claude Le Gouill, Trung Tâm Nghiên cứu và Tư liệu về châu Mỹ Latinh, trên nhật báo Le Monde :
« Evo Moralès đã làm mọi cách để không có người thay thế từ cánh tả trên bình diện quốc gia. Ngay trong nội bộ đảng của mình, ông cũng không muốn trao quyền ».
Với 11 triệu dân, đất nước Bolivia giờ đây như bị xẻ làm hai theo vùng địa lý và phe phái chính trị.
Ở phía Tây, những vùng cao nguyên thuộc dãy núi Andes, nơi tập trung đông đảo các sắc thổ dân Aymara, nơi xuất thân của Evo Moralès và Quechua, là những vùng dân nghèo, những cổ động viên trung thành của cựu tổng thống.
Phía Đông đối lập là một vùng đồng bằng nhiệt đới bao la với rừng Amazon, cứ địa của tầng lớp đô thị, da trắng, giầu có.
Do vậy, với chuyên gia về châu Mỹ Latinh, Christophe Ventura thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) của Pháp, cuộc xung đột xã hội tại Bolivia lần này không chỉ mang mầu sắc chính trị, mà còn là một sự đối đầu về giai cấp và « bản sắc » và có nguy cơ lan ra toàn khu vực.
Việc Evo Moralès phải ra đi lánh nạn chưa khép lại cuộc khủng hoảng Bolivia mà sẽ còn mở ra một chương mới.
Trong bối cảnh này, vai trò của các nhà ngoại giao trong khu vực sẽ mang tính chất quyết định.
Các nước trong vùng sẽ phải can dự trong cuộc xung đột này nhằm tránh sự lây lan.
Related news items:
Tin mới
- Gambia có phù thủy ăn thịt người ? - 23/11/2019 23:06
- Một cựu điệp viên Trung Quốc tiết lộ hoạt động tình báo của Bắc Kinh - 23/11/2019 16:50
- Donald Trump không chắc sẽ phê chuẩn dự luật nhân quyền Hồng Kông - 23/11/2019 16:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-11-2019 - 22/11/2019 22:13
- Động đất chính trị ở Israel : Thủ tướng bị đặt trong vòng điều tra - 22/11/2019 21:31
- Bánh ngọt Pháp có quá nhiều chất phụ gia - 22/11/2019 20:51
- Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tái khẳng định lập trường chống Trung Quốc ở Biển Đông - 22/11/2019 17:16
- Chiến hạm Mỹ tuần tra Biển Đông hai ngày liên tiếp - 22/11/2019 16:29
- Trung Quốc đẩy mạnh chính sách ngoại giao “con tin” - 21/11/2019 22:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-11-2019 - 21/11/2019 22:06
Các tin khác
- Trung Quốc « sẵn sàng đáp trả » Mỹ về luật dân chủ và nhân quyền Hồng Kông - 21/11/2019 17:00
- Mark Esper: Mỹ gia tăng tuần tra tại Biển Đông để cảnh báo Trung Quốc - 20/11/2019 23:28
- Hồng Kông : Vài chục người biểu tình tiếp tục cố thủ trong ĐH Bách Khoa - 20/11/2019 22:33
- Bị cấm vận, nhưng sứ quán Bắc Triều Tiên vẫn ăn nên làm ra tại Berlin - 20/11/2019 19:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-11-2019 - 20/11/2019 16:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-11-2019 - 19/11/2019 17:44
- Mỹ không còn xem các khu định cư Do Thái phạm luật quốc tế - 19/11/2019 16:45
- Nhóm BRICS gặp bế tắc - 19/11/2019 15:48
- Tiềm lực của Việt Nam để chống Trung Quốc ở Biển Đông - 18/11/2019 23:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-11-2019 - 18/11/2019 19:24