Trung Quốc "thêm thù, bớt bạn" dưới thời Tập Cận Bình
- Thứ Sáu, 04 tháng Mười năm 2019 00:47
- Tác Giả: Thu Hằng
Chân dung chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi đầu đoàn diễu binh trên quảng trường Thiên An Môn, ngày Quốc Khánh Trung Quốc 01/10/2019.REUTERS/Thomas Peter
Chân dung chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được long trọng rước đi trong đoàn diễu hành trên quảng trường Thiên An Môn ngày 01/10/2019 nhân kỉ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Vẫn là chân dung ông Tập Cận Bình, nhưng tại Hồng Kông, lại được người biểu tình đòi dân chủ dán lên tường để ném trứng và vàng mã cũng trong ngày 01/10, được coi là « ngày quốc táng » chế độ độc tài.
Trong vòng 70 năm, Trung Quốc đã thay đổi như thế nào về mặt kinh tế, chính trị và xã hội ?
Ông Tập Cận Bình đã đạt được những thành tựu gì trong « Giấc mộng Trung Hoa », được ông đề ra năm 2013 để đưa Trung Quốc đứng đầu thế giới vào năm 2049 ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste, Hồng Kông.
PV. GS. Cabestan 02/10/2019
RFI : Trung Quốc đã thay đổi như thế nào trong vòng 70 năm qua ?
G.S. Jean-Pierre Cabestan :
Tôi nghĩ là lịch sử Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa từ năm 1949 có thể được chia thành hai giai đoạn, rất khác biệt.
Ba mươi năm đầu tiên chủ yếu là thời kỳ thống trị của Mao Trạch Đông, đưa Trung Quốc theo hướng xã hội chủ nghĩa nhưng Mao Trạch Đông cũng là người phá hoại rất nhiều.
Ông là nguồn gốc của nhiều thảm họa, trong đó có cuộc Đại Nhảy Vọt (1958-1961) khiến khoảng 30 đến 40 triệu người chết đói, sau đó là cuộc Cách Mạng Văn Hóa, cũng khiến nhiều người trở thành nạn nhân.
Rất nhiều người bị chấn thương tinh thần vì giai đoạn đấu tranh chính trị đầy bạo lực này.
Thực ra, giai đoạn thứ nhất được khởi đầu bằng đợt thanh trừng mà chúng ta vẫn quên mất mức độ bạo lực.
Khoảng 5 đến 10 triệu người Trung Quốc bị giết chết từ 1949 đến 1953, trong đó có những người bị coi là địa chủ.
Nhưng đây cũng là cách để đảng Cộng Sản Trung Quốc lên cầm quyền, trừ khử những thành phần tinh hoa và loại bỏ mọi mối đe dọa chính trị đối với đảng. Đó là giai đoạn hủy diệt, thất bại kinh tế, bế tắc với sự phát triển khá chậm chạp.
Sau đó, Đặng Tiểu Bình, cùng với loạt cải cách từ cuối năm 1978, tính đến nay hơn 40 năm, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.
Trung Quốc phát triển, lột xác một cách ngoạn mục, cùng với quá trình đô thị hóa chưa từng có.
Đặng Tiểu Bình đã cố gắng tái thiết những gì Mao Trạch Đông phá hoại trong 30 năm đầu.
Đó chính là nghịch lý của Trung Quốc, nhưng cũng là bí mật cho sự trường tồn của đảng Cộng Sản vì trong 40 năm gần đây, tình hình ở Trung Quốc khác hoàn toàn so với những gì xảy ra trong vòng 30 năm đầu.
Nhưng không vì thế mà nói rằng không có những yếu tố liên tục, như sự độc quyền lãnh đạo chính trị của đảng Cộng Sản ; sự gắn bó với một số tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mà tôi gọi là tư tưởng Xô Viết và Stalin ; nền kinh tế vẫn do Nhà nước kiểm soát, kể cả việc quản lý đất đai, có nghĩa là đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, nông dân chỉ có quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, còn phải kể đến nền kinh tế công với hệ thống doanh nghiệp Nhà Nước hiện còn rất phổ biến tại Trung Quốc.
Nền kinh tế công có thể do chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, nhưng cũng có thể là chính quyền cấp vùng, cấp thành phố, kiểm soát trên toàn lãnh thổ.
RFI : Nhìn chung, liệu người dân Trung Quốc có tìm được « giấc mộng Trung Hoa » của họ dưới thời ông Tập Cận Bình không ?
G.S. Cabestan :
Vấn đề ở chỗ, tôi nghĩ là Tập Cận Bình đã không làm được việc lớn.
Chính điều này sẽ khiến ông gặp khó khăn trong những năm tới.
Những thành tựu lớn nhất của Trung Quốc trước tiên là nhờ vào công của Đặng Tiểu Bình. Ông là người thực hiện ý tưởng doanh nghiệp tư nhân, nhờ đó Trung Quốc phát triển.
Tiếp theo, ông Hồ Cẩm Đào tiếp tục công cuộc tư hữu hóa mang quy mô lớn, triển khai dịch vụ xã hội.
Dù chưa hoàn hảo nhưng hệ thống xã hội hoạt động.
Thời ông Tập Cận Bình ghi dấu ấn với hai sự kiện.
Trước tiên là cuộc chiến chống tham nhũng, đã đạt được nhiều kết quả lớn.
Dù nạn tham nhũng chưa bị triệt hết nhưng không còn hoành hành như trước, song lại tốn kém.
Thứ hai là củng cố quyền lực, sức nặng chính trị, tập trung vào gương mặt một nhà lãnh đạo, chính là ông Tập Cận Bình, và đang theo hướng độc đoán.
Cách tiến hành này gây lo ngại cho Trung Quốc, cũng như cho chính ông Tập vì gây ra khá nhiều phản ứng.
Điều đáng nói là việc tập trung quyền lực lại không giúp ông Tập triển khai các biện pháp cải cách được ông công bố năm 2013, mà hiện còn nửa vời.
Ngoài ra, quá trình mở cửa kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế lớn.
Trên thực tế, xu hướng bảo hộ của Bắc Kinh đã cản trở doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Thị trường vừa mới mở cửa cho lĩnh vực ngân hàng nhưng rất nhỏ. Không những hạn chế mở cửa nền kinh tế, mà trái lại, nền kinh tế lại đang có xu hướng khép lại, ưu tiên trong nước, ví dụ chương trình phát triển 2000-2025 của Trung Quốc được đề ra là nhằm quốc hữu hóa công nghệ trọng điểm, có nghĩa là chiếm hữu rồi tự phát triển.
Những dự án này hiện chưa mang lại thành công lớn.
Ông Tập Cận Bình vẫn đang dựa vào thành tựu của những người tiền nhiệm : quá trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn, quân đội tiếp tục được cải tổ.
Nhưng không thể nói là ông Tập đã đạt được những thành công về kinh tế, mà ngược lại, ông đang làm tăng trưởng Trung Quốc bị chậm lại, đẩy thế giới vào một thời kỳ trì trệ, thậm chí là khủng hoảng kinh tế.
Theo tôi, tất cả những yếu tố này làm gia tăng sức ép đối với ông Tập Cận Bình, cũng như chuốc thêm khó khăn cho đảng Cộng Sản khi tiếp tục cố phổ biến tinh thần lạc quan.
Người ta nói đến « giấc mộng Trung Hoa » nhưng người dân Trung Quốc có những mối bận tâm khẩn thiết hơn là giấc mộng lớn.
RFI : Đâu là những dự án được cho là thành công dưới thời ông Tập Cận Bình ?
G.S. Cabestan : Năm năm đầu tiên là giai đoạn củng cố quyền lực của Tập Cận Bình : Cần phải tập trung quyền lực, khẳng định Trung Quốc trở nên mạnh hơn trong thông điệp, vừa lạc quan vừa mang tinh thần dân tộc và đầy tham vọng, tại đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc cách đây 2 năm.
Tận dụng thời cơ Hoa Kỳ bị suy yếu, phương Tây bị chia rẽ, còn Liên Hiệp Châu Âu bị lu mờ, Trung Quốc muốn trở thành nước đứng đầu thế giới.
Từ cuối năm 2017, đầu 2018, chúng ta thấy ngược lại.
Ông Tập, cũng như nền kinh tế Trung Quốc, phải đối đầu với những khó khăn lớn hơn, do ông Tập Cận Bình, có thể đã cố đi quá xa khi sửa đổi Hiến Pháp để nắm quyền hơn 10 năm, cũng như từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể.
Về mặt quốc tế, có thể ông Tập Cận Bình cũng đi quá xa trong việc khẳng định sức mạnh của Trung Quốc, bởi vì ông Tập đã gây ra nhiều phản ứng tiêu cực gần như khắp thế giới, chứ không riêng gì với Hoa Kỳ.
Đó là những cuộc đối đầu, không chỉ về kinh tế, mà còn về chiến lược đối với Trung Quốc.
Những cuộc đối đầu này sẽ kéo dài, và theo tôi, còn sắc nhọn hơn trong những năm tới.
Ví dụ Liên Hiệp Châu Âu chính thức coi Trung Quốc « luôn luôn là một đối thủ ».
Ngoài ra còn phải kể đến Nhật Bản. Sách Trắng Quốc Phòng mới được Tokyo công bố cho thấy Trung Quốc hiện là mối đe dọa nước ngoài lớn nhất, hơn cả Bắc Triều Tiên.
Như vậy, Trung Quốc không có nhiều bạn. Đó chính là vấn đề của nước này, đặc biệt Trung Quốc, dưới thời Tập Cận Bình, lại chuốc lấy nhiều kẻ thù hơn.
Và đây là điểm mà nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ trích ông Tập, cũng như cách ông giải quyết thương chiến với Mỹ.
Những chỉ trích này cho thấy ông Tập có « kẻ thù » ngay trong bộ máy lãnh đạo.
Chúng ta không biết được là nội bộ lãnh đạo Trung Quốc bị chia rẽ đến mức nào, nhưng rõ ràng ông Tập phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với cách đây 1-2 năm.
Đó chính là điều, theo tôi, làm gia tăng sự bất trắc về tương lai, không hẳn là về tương lai của Trung Quốc, vì nước này tiếp tục phát triển, dù với tốc độ chậm hơn, và tiếp tục canh tân, mà chủ yếu là cho tương lai của ông Tập Cận Bình, hiện bất trắc hơn.
Nhưng cũng cần thận trọng, thường thì nhân vật số 1 khó mà lật đổ được. Chúng ta tiếp tục theo dõi tình hình.
Nhưng dù sao phải nói rằng Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn.
RFI : Chủ tịch Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong nhiệm kỳ 2, bị lên án về việc lập các trại giam người Duy Ngô Nhĩ, thương chiến với Hoa Kỳ, phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông, khủng hoảng thịt lợn…
Vậy ông Tập có được ủng hộ đủ để vượt qua những thách thức này ?
G.S. Cabestan :
Về cuộc khủng hoảng thịt lợn tại Trung Quốc, không thể trách đích danh ông Tập Cận Bình được.
Việc nền kinh tế phát triển chậm lại không hẳn đã đặt nghi vấn hoặc làm suy yếu tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong mắt người dân.
Tôi cho rằng rất nhiều người Trung Quốc không nghĩ đến một hệ thống chính trị nào khác có khả năng thay thế, do đối lập bị cấm hoàn toàn.
Vì thế, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn vững tin để lãnh đạo và quyết định cho tương lai, không chỉ về kinh tế mà còn về ổn định.
Thực vậy, nhiều người Trung Quốc tin rằng đảng Cộng Sản đảm bảo an ninh về mặt chính trị. Họ muốn có một Nhà Nước mạnh hơn là không có Nhà Nước.
Ngoài ra, theo tôi, còn có một yếu tố khác kích thích người dân ủng hộ đảng : đó là tinh thần dân tộc.
Nếu xem truyền hình Trung Quốc, chúng ta thấy chỉ có những chương trình hừng hực tinh thần dân tộc, đặc biệt là dịp kỉ niệm 70 năm Quốc Khánh.
Liên tục xem những chương trình như vậy, đối với một người nước ngoài, thì thật khó chịu vì thông tin chỉ toàn một chiều, chỉ nói về thành tích vang dội của Trung Quốc, hoặc Trung Quốc đứng trên tất cả mọi người.
Và đây là điều nguy hiểm bởi vì theo tôi, tinh thần dân tộc tiếp tục làm mờ mắt nhiều người Trung Quốc.
Điều này cũng có nghĩa là dù Bắc Kinh có đưa ra quyết định như thế nào, đại bộ phận dân chúng Trung Quốc sẽ ủng hộ.
Giả sử Bắc Kinh quyết định gây chiến chiếm Đài Loan, có đến 81% người dân Trung Quốc ủng hộ.
Đây là tỉ lệ đáng quan ngại !
Những vấn đề mà ông Tập Cận Bình, cũng như nền kinh tế Trung Quốc, phải đối đầu, có thể là nạn thất nghiệp gia tăng và mức sống của một bộ phận người dân bị sụt giảm.
Nhưng tôi không nghĩ rằng những khó khăn này làm suy yếu tính chính đáng của đảng trong mắt một bộ phận dân chúng.
Nhưng trong giới tinh hoa, tình hình khác hơn một chút.
Một số thành phần tinh hoa tự do ngày càng chỉ trích ông Tập Cận Bình.
Họ cho rằng Trung Quốc không đi đúng hướng, thay vì hội nhập với thế giới thì lại tách xa, hoặc gây chiến tranh lạnh về ý thức hệ với phương Tây.
Đó là những điểm không có lợi cho Trung Quốc về dài hạn.
Dù tồn tại một mặt trận phản đối nhưng những ý kiến chỉ trích chỉ chiếm một bộ phận nhỏ, không có trọng lượng chính trị, đặc biệt đối với vị trí của ông Tập Cận Bình trong nội bộ đảng.
RFI : Liệu Trung Quốc có tận dụng thời cơ quốc tế chú ý vào cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông để hoạt động mạnh hơn ở Biển Đông ?
G.S. Cabestan :
Rất khó để liên kết hai cuộc khủng hoảng, hai hoàn cảnh này với nhau.
Điều mà chúng ta có thể nói là Trung Quốc chưa bao giờ lơ là ở Biển Đông mà còn tỏ ra hung hăng hơn dưới thời ông Tập Cận Bình.
Bắc Kinh áp dụng chiến thuật « việc đã rồi » ngày càng rõ nét ở Trường Sa.
Đúng là có nhiều sự kiện diễn ra cùng thời điểm khủng hoảng ở Hồng Kông, nhưng Trung Quốc đã lập kế hoạch những chiến dịch này từ trước đó.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste, Hồng Kông.
Related news items:
Tin mới
- Biển Đông : Philippines cũng muốn kéo Nga vào thăm dò dầu khí - 08/10/2019 14:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-10-2019 - 08/10/2019 00:45
- Nobel Y-học 2019: Ba nhà nghiên cứu ung thư Mỹ, Anh được ân thưởng - 07/10/2019 20:50
- Tấn công tin học: Các nhóm hacker Nhà nước, mối họa lớn nhất - 07/10/2019 19:30
- Gia tăng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và châu Âu nhắm vào Trung Quốc ? - 07/10/2019 16:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-10-2019 - 05/10/2019 20:50
- Trung Quốc kỷ niệm 70 năm trong bối cảnh bất lợi - 05/10/2019 15:43
- Hồng Kông: Mạng xe điện ngầm bị tê liệt, sau đêm phản kháng dữ dội - 05/10/2019 15:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-10-2019 - 04/10/2019 22:50
- Bãi Tư Chính: Hà Nội gián tiếp gợi lên phán quyết PCA khi phản đối Bắc Kinh - 04/10/2019 15:54
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-10-2019 - 03/10/2019 23:58
- Ả Rập Xê Út lộ diện thành “người khổng lồ, chân đất sét” ở vùng Vịnh - 03/10/2019 15:51
- Trung Quốc khoe DF-41, Mỹ cho thử tên lửa lướt biển ở Guam - 03/10/2019 15:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-10-2019 - 02/10/2019 17:01
- Trung Quốc : Tương lai bất định của chế độ Cộng Sản 70 tuổi - 02/10/2019 16:42
- Bình Nhưỡng thử tên lửa ngay sau thông báo nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ - 02/10/2019 16:19
- Đàm phán Brexit : Thủ tướng Anh ra điều kiện cuối cùng cho châu Âu - 02/10/2019 16:06
- Biển Đông: Giàn khoan lớn của Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xung đột với Việt Nam - 02/10/2019 15:39
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-10-2019 - 01/10/2019 18:38
- Bắc Kinh không để Hồng Kông phá hỏng Quốc Khánh Trung Quốc - 01/10/2019 17:48