Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-05-2016

Bắc TT : Đại hội Đảng khẳng định quyền lực tuyệt đối của Kim Jong Un

northkorea-congress

Cờ đảng Lao Động Bắc Triều Tiên được treo khắp nơi ở Bình Nhưỡng nhân dịp Đại hội, 06/05/2016.
REUTERS/Damir Sagolj

Chế độ cha truyền con nối Bắc Triều Tiên vốn vẫn thường xuyên thu hút sự chú ý của thế giới bởi những lời lẽ và chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đầy khiêu khích lại trở thành tâm điểm thời sự bởi sự kiện đại hội Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên hôm nay khai mạc tại Bình Nhưỡng sau 36 năm không tổ chức.

Các tờ báo chính của Pháp ra hôm nay đều dành dung lượng lớn cho sự kiện đã được chế độ Bình Nhưỡng chuẩn bị tuyên truyền suốt hơn hai tháng qua.

Giới quan sát quan tâm đến kỳ Đại hội Đảng lần này của chế độ Bình Nhưỡng, không phải vì họ mong chờ một sự chuyển biến chính trị sẽ diễn ra trong đất nước khép kín nhất hành tinh này.

Người ta chỉ hy vọng Đại hội này giải mã được phần nào chính sách hạt nhân và bộ máy quyền lực trong tương lai ở Bắc Triều Tiên.
Một ghi nhận gần như đồng nhất của các báo Pháp về sự kiện này đó là kỳ Đại hội Đảng này sẽ là dịp để lãnh tụ Kim Jong Un tuyệt đối hóa quyền lực sau các cuộc thanh lọc nội bộ từ 4 năm cầm quyền vừa qua.

Nhật báo Le Figaro đăng một bức ảnh khổ rộng phủ hết phân nửa hai trang báo do thông tấn xã Triều Tiên phát hành, ghi lại cảnh hàng trăm đại biểu Đại hội Đảng đang bước vào một hội trường lớn ở Bình Nhưỡng mà trong đó có đến gần một nửa là các vị tướng tá quân đội, trên ngực phủ kín huân huy chương.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm 1980, Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên mở đại hội tại Bình Nhưỡng, dự kiến từ ngày 6/5 đến 25/5.
Kim Jong Un, ở kỳ Đại hội trước còn chưa ra đời, nhưng giờ đây đang được báo chí chính thức ca tụng bằng danh xưng « Mặt trời vĩ đại của thế kỷ 21 ».

Tờ báo điểm lại quá trình nối ngôi thống trị đất nước của dòng họ nhà Kim đã qua 6 kỳ Đại hội Đảng kể từ 1945 đến 1986 từ Kim Nhật Thành, cha đẻ ra nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, trị vì đất nước trong sự sùng kính xen lẫn sợ hãi của dân chúng.

 Đến năm 1980, Kim Jong Il chính thức được lên thừa kế ngôi cha khi mới 38 tuổi trước 3.000 đại biểu dự Đại hội Đảng.

Ba mươi sáu năm sau, triều đại nhà Kim vẫn còn đó. Theo Le Figaro, Đại hội lần này chỉ là để đẩy Kim Jong Un lên một tầm cao lãnh tụ mới, nói một cách khác là mở ra một kỷ nguyên mới của Kim Jong Un, sau khi được kế tục cha năm 2011 bị đánh giá là còn quá non trẻ và thiếu kinh nghiệm.

Về điểm này nhật báo La Croix cũng ghi nhận : « năm 2011, nhiều nhà phân tích đã nuôi hy vọng có thay đổi chính trị theo hướng mở cửa » ở Bắc Triều Tiên, vì họ dựa trên cơ sở cho rằng Kim Jong Un đã từng theo học phổ thông ở Thụy Sĩ, ít nhiều cũng sẽ có đầu óc cởi mở cấp tiến hơn.

Nhưng các nhà phân tích đã thất vọng hoàn toàn. Một số nhà quan sát khác khi đó dự báo Kim Jong Un « quá trẻ, được chú nâng đỡ sẽ chỉ là con rối ». Nhận định này cũng sai nốt.

Theo La Croix : Sau bốn năm cầm quyền, chàng trai trẻ họ Kim đã loại bỏ gần một trăm quan chức cấp cao của đảng và quân đội, trong đó có cả ông chú dượng, bị hành hình chóng vánh chỉ vì trở nên quá nguy hiểm cho anh ta.

Kim Jong Un đã thay đổi toàn bộ nhân sự ngoại giao của Bắc Triều Tiên ở nước ngoài và trẻ hóa khung lãnh đạo đảng trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng.

Theo chuyên gia chính trị Juliette Morillot, « đây rõ ràng là kỳ Đại hội của Kim Jong Un. Chúng ta sẽ phải chú ý soi kỹ các diễn văn khai mạc và bế mạc để biết đường hướng của chính sách trong tương lai » ở Triều Tiên.

Kỳ Đại hội này cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ những nước đang rất lo ngại về khả năng phát triển hạt nhân cũng như những biến động chính trị bên trong Bắc Triều Tiên.

Tờ báo kết luận, không ai có thể biết trước được nội dung các diễn văn đó, cũng như thời gian thực sự của Đại hội kéo dài là bao lâu… Đối với người dân Bắc Triều Tiên thì dù sao, Đại hội vẫn là « lễ đăng quang « của « Mặt trời vĩ đại thế kỷ 21 ».

Philippines : Kỳ tuyển cử nhiều biến động

Tiếp tục với đề tài châu Á. Nhật báo Le Monde dành quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử tổng thống Philippines, diễn ra vào ngày 9/5 tới đây.
Tờ báo chú ý đặc biệt đến ứng cử viên Duterte đang có nhiều khả năng thắng cử, nhưng cũng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi ở Philippines.

Le Monde ghi nhận chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử đang điễn ra rất sôi động ở Philippines. Ngày 9/5 tới, cử tri Philippines sẽ không chỉ lựa chọn cho mình vị tổng thống mà họ còn đi bầu các dân biểu, lãnh đạo tỉnh, thị trưởng, hội đồng địa phương và một số thượng nghị sĩ.

Quả là một cuộc tổng tuyển cử có tầm quan trọng lớn của đất nước, nhưng ở Philippines lúc này người ta chỉ nghe thấy bàn luận xung quanh nhân vật Rodrigo Duterte. Ứng cử viên tổng thống 71 tuổi với nhân thân đặc biệt này đang có nhiều triển vọng đắc cử.

Ông Duterte là ai ?
Theo Le Monde, Rodrigo Duterte từng là thị trưởng thành phố Davao trong 22 năm, được tạp chí Time đặt cho biệt danh là « nhà trừng phạt », có lai lịch dính dáng với những biệt đội tử thần nổi tiếng trong các vụ tàn sát thanh toán chính trị trên đảo Mindanao, đảo lớn thứ 2 của Philippines, trong thập niên 1990.

Vào thời kỳ đó, hàng nghìn người đã bị hành quyết vô cớ vì các biệt đội tử thần trong các cuộc thanh toán giữa các phe cánh chính trị. Thậm chí đến năm 2013 nhiều vụ sát hại đẫm máu vẫn xảy ra mà trong đó có bàn tay của biệt đội tử thần.

Theo Le Monde, ngay từ năm 2015, tức là trước khi chính thức thông báo ra tranh cử tổng thống, ông Duterte đã từng lên truyền hình đưa ra những lời cảnh báo sặc mùi bạo lực : « Nếu Chúa muốn đặt tôi vào vị trí đó ( tổng thống), chú ý, con số 1.000 người bị hành quyết, sẽ là 100 nghìn. Các vị sẽ thấy các con cá trong vịnh Manila sẽ rất lớn, bởi vì tôi đã vứt xác các vị xuống đó ».

Giờ đây trên cương vị ứng viên tổng thống, ông Duterte tiến hành chiến dịch tranh cử với chương trình chính : chống tham nhũng và nhất là chống tội phạm.
 Ông hứa sẽ xóa sổ các vấn nạn đó trong vòng 6 tháng. Rody, húy danh của Duterte, báo trước một nhiệm kỳ « đẫm máu ». Ông này còn hứa nếu Quốc hội chống lại, ông sẽ đưa xe tăng đến.

Thế nhưng những lời lẽ như vậy lại lọt tai dân nghèo, những người được cho là nạn nhân của bất công trong hệ thống chính trị hiện nay, cũng như là một bộ phận tầng lớp khá giả hơn, đang lo ngại về tình trạng tội phạm tràn lan trên quần đảo.

Vẫn theo Le Monde, tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino đang làm hết sức để ngăn cản nhân vật còn rắn hơn cả độc tài này lên nắm quyền.
Thế nhưng ứng viên được ông Aquino ủng hộ hay những ứng viên khác đều ít nhiều mắc vào các vụ tai tiếng tham nhũng. Phe chống Duterte đến giờ vẫn không tập hợp được lực lượng.

Bởi vậy, bốn ngày trước cuộc bầu cử, các thăm dò dư luận ý định bầu cho thấy Duterte thu được 33% phiếu, trong khi đối thủ gần nhất, Mar Roxas, con trại cựu tổng thống Marcos chỉ thu được 22%.

Yếu tố Trung Quốc trong cuộc bầu cử

Vẫn trong chủ đề bầu cử Philippines, Le Monde còn có bài viết đánh giá Duterte là « một ứng viên thực dụng trước Bắc Kinh ».

Theo bài báo, cuộc bầu cử ngày 9/5 tới tại Philippines sẽ được cả Washington và Bắc Kinh theo dõi rất sát sao. Bởi vào thời điểm hiện nay, Philippines đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ để kiềm chế những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

Trong khi đó Trung Quốc lại rất ác cảm với tổng thống Benigno Aquino, cũng như ngoại trưởng Alberto Del Rosario, coi đây là những kẻ đồng lõa với Hoa Kỳ. Một gương mặt mới lên lãnh đạo Philippines biết đâu lại mở ra cơ hội mới tích cực hơn cho Bắc Kinh ?

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ứng viên Rodrigo Duterte cũng có ngỏ ý định tới cắm cờ ở Trường Sa. Nhưng đồng thời ông cũng gợi khả năng thảo luận song phương với Trung Quốc, nếu cách làm hiện nay trên hồ sơ tranh chấp biển đảo không có kết quả.

Bên cạnh đó, những phát biểu gây sốc của ứng viên này đang là một thách thức với Washington. Không ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra trong quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines nếu ông Duterte đắc cử tổng thống.

Vụ cá chết ở miền Trung trên báo Pháp

Nhật báo Le Monde trở lại với sự kiện cá chết hàng loạt ở bờ biển miền Trung Việt Nam. Bài viết có tựa đề : « Nỗi phẫn nộ tại Việt Nam, sau phát hiện hàng triệu con cá chết trên bãi biển ».

Bài viết nhận xét : « Tai họa sinh thái cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt nam đang làm dậy sóng ở Hà Nội. Vụ việc này đã mang hơi hướng chính trị ở trong một đất nước mà phát ngôn và sự bày tỏ nỗi phẫn nộ vẫn thường bị bưng bít ».
Bài viết nhắc lại các cuộc biểu tình ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phản đối công ty Đài Loan, Formosa, bị tố cáo đã xả thải hóa chất độc gây thảm sát cá và đầu độc môi trường biển.

Le Monde nhận định, vụ việc xảy ra không đúng lúc đối với chính phủ mới của Việt Nam đang còn trong giai đoạn « chạy thử ».
 Tờ báo cũng nhận thấy thảm họa cá chết đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành cá của miền Trung Việt Nam, khu vực có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nghề nuôi trồng đánh bắt thủy sản. Trong năm 2015, xuất khẩu hải sản của Việt Nam 6 tỉ đô la.

Cuối cùng bài viết nhắc lại là chính phủ Việt Nam đã cấp giấy phép cho công ty Formosa khai thác trong 70 năm 3.300 ha đất để xây nhà máy thép, nhà máy điện và cầu cảng.

Tháng Ba năm ngoái, báo chí Việt Nam trích dẫn lo ngại của một số quan chức về các ưu đãi dành cho Formosa trong dự án đầu tư này. Nhưng khi đó thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định các thỏa thuận đầu tư với công ty Đài Loan này là có cơ sở.
 Le Monde kết luận, chắc chắn tranh cãi trong vụ này chưa kết thúc.

Bóng đá : Câu chuyện thần thoại Leicester biến thành khối của cải lớn

Nhật báo Les Echos quan tâm đến khía cạnh của sự kiện thể thao ở nước Anh, đầu tuần này câu lạc bộ bóng đá Leicester City từ một chú lùn trong làng bóng tròn đã trở thành chàng khổng lồ, đoạt chức vô địch giải ngoại hạng Anh Premier League mùa bóng 2015-2016.

Truyền thông Anh Quốc mô tả chiến công của Leicester City giành ngôi vô địch bóng đá Anh như là một câu chuyện thần thoại, thế nhưng những hệ quả tài chính thì lại rất thực tế.

Chiến thắng này, theo Les Echos, đã mang lại ngay hàng trăm triệu euro cho câu lạc bộ được xếp hạng nghèo, mới được ông tỉ phú người Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha mua về năm 2010 với giá 40 triệu bảng Anh, tức khoảng 50 triệu euro.

Giờ đây sau đăng quang vô địch Premier League, các nguồn tiền đổ về câu lạc bộ ùn ùn, để giờ đây Leicester được đính giá tới 436 triệu bảng Anh, khoảng gần 600 triệu euro.

Switch mode views: