Thái Lan xích gần Trung Quốc do bị Mỹ lạnh nhạt ?
- Thứ Năm, 11 tháng Tám năm 2016 19:09
- Tác Giả: RFI, Arnaud Dubus
Quân đội hai nước cùng tập trận, gia tăng viếng thăm nhau, hải quân Thái Lan có ý định mua tàu ngầm của Trung Quốc …Các động thái ngày càng nhiều và rõ nét này phản ánh sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Bangkok.
Đương nhiên, câu hỏi được đặt ra là phải chăng Thái Lan đang từng bước xích lại gần Trung Quốc hơn, trong bối cảnh quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây có phần lạnh nhạt ?
Quả thực là kể từ sau cuộc đảo chính tại Thái Lan hồi tháng 5/2014, mối quan hệ giữa Bangkok và Bắc Kinh, quốc gia láng giềng lớn ở phía bắc đã có những bước xích lại gần ngoạn mục.
Nhiều dự án kinh tế chung, hợp tác quân sự, gia tăng các chuyến thăm viếng lẫn nhau đã diễn ra.
Đây là giai đoạn quan hệ tốt đẹp giữa tập đoàn quân sự cầm quyền tại Bangkok và chế độ cộng sản Trung Quốc.
Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus giải thích :
"Sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, tất cả các nước phương Tây đều có cùng thái độ : Đó là lên án cuộc đảo chính đó và giảm bớt các tiếp xúc song phương.
Duy chỉ có Trung Quốc, nước duy nhất trong số các cường quốc, là không lên án Thái Lan.
Đối với giới quân sự cầm quyền, đây là một chỗ dựa quan trọng vì các lãnh đạo Thái Lan rất chú trọng đến hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.
Hợp tác kinh tế giữa hai nước đã được củng cố, không chỉ về trao đổi mậu dịch mà còn cả trong lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc tại Thái Lan.
Do đó, Bắc Kinh phải xây dựng một tuyến đường sắt cho tàu cao tốc nối liền biên giới Lào với thủ đô Bangkok, Thái Lan, trong khuôn khổ một dự án mạng lưới giao thông vùng.
Hợp tác quân sự cũng được tăng cường với các cuộc tập trận chung có tầm cỡ nhỏ hơn giữa Thái Lan và Trung Quốc.
Cuối cùng, đây có thể còn là khía cạnh gây tranh cãi nhiều nhất, chính quyền quân sự Thái Lan đã tạo ra cảm giác quay lưng lại với việc tôn trọng nhân quyền để có thể chiếm được sự ưu ái của Bắc Kinh, chẳng hạn như cho cưỡng bức trả về Trung Quốc hồi tháng 7/2015 khoảng một trăm người Duy Ngô Nhĩ, nhập cư trái phép vào Thái Lan.
Bangkok còn cho bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc hay Hồng Kông rồi cưỡng bức trả về Trung Quốc mà ở đó họ đã bị cầm tù ".
Bị Hoa Kỳ chỉ trích, Thái Lan xích lại gần với Trung Quốc
Trên website Trung-Mỹ Ấn Tượng (US-China Perception Monitor), chuyên gia Aaron Walayat nhận định, trong những năm gần đây, Thái Lan đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.
Mặt khác, nước này lại là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ và thường được coi là một đồng minh chủ chốt không thuộc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Sau các chỉ trích của Hoa Kỳ về cuộc đảo chính năm 2014 tại Thái Lan, nhiều nhà quan sát Mỹ cảnh báo là mối quan hệ giữa Bangkok với Bắc Kinh được sưởi ấm, còn bang giao giữa Thái Lan và Mỹ có phần lạnh đi.
Thế nhưng, nếu xét trong bối cảnh cụ thể, thì sự thắt chặt quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc cũng giống như sự nồng ấm trong bang giao giữa Mỹ và Việt Nam hoặc Mỹ và Philippines, mà thực chất là nhằm ngăn chặn Trung Quốc.
Vậy, Hoa Kỳ đánh giá như thế nào về sự xích lại gần nhau giữa Thái Lan và Trung Quốc, nhà báo Arnaud Dubus nhận định :
« Cần phải ngược dòng thời gian trở về những năm 1990. Vào cuối thời kỳ chiến tranh lạnh, quan hệ chặt chẽ và có từ lâu giữa Hoa Kỳ và Thái Lan lần đầu tiên đã bị suy yếu.
Điều đó là hoàn toàn hợp lý, do cả hai nước này ngày càng ít cần đến nhau hơn.
Vào thời kỳ đó, tình hình cũng tương tự trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô mà sau này trở thành Nga.
Có điều là chính sự trỗi dậy của nền dân chủ Thái Lan diễn ra khoảng giữa năm 1992 và 2001 đã cho phép duy trì mối quan hệ mạnh mẽ giữa Washington và Bangkok.
Nhưng sau hai cuộc đảo chính 2006 và 2014, mối quan hệ đó đã bị lung lay, cho dù Thái Lan vẫn là một đồng minh qua hiệp ước ký với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Washington hiểu rất rõ lô-gích của việc Trung Quốc và Thái Lan xích lại gần nhau.
Cả hai quốc gia này đều có những mối quan hệ từ hàng mấy thế kỷ qua và sự cận kề về địa lý tạo thuận lợi cho những trao đổi kinh tế.
Điều làm cho nước Mỹ lo ngại, do phải tách rời xa một chút địa bàn châu Á vì những xung đột liên quan đến sự trỗi dậy của Hồi giáo cực đoan, chiến đấu ở vùng Trung Đông, Trung Á và Bắc Phi, đó là Thái Lan dưới chế độ quân sự dường như đang vội vã, gần như vô vọng, ngã vào vòng tay của Bắc Kinh, nhằm làm chậm lại quá trình bị xói mòn hình ảnh của mình trên trường quốc tế ».
Phải chăng Mỹ đã « mất » Thái Lan vào tay Trung Quốc ?
Trong chuyến công du Thái Lan vào cuối tháng 11/2015, đặc phái viên của chính phủ Hoa Kỳ, đại sứ Glyn Davies, tại Bangkok, đã khẳng định với giới báo chí là không, cho dù có những tranh luận gay gắt giữa hai đồng minh và Bangkok có những động thái làm cho mọi người nghĩ rằng Thái Lan hướng sang nước láng giềng khổng lồ phương bắc.
Đại sứ Mỹ nói chắc như đinh đóng cột : « Tôi không mất nhiều thời gian, tôi không cần mất thời gian, để nói với chính quyền Washington làm thế nào đưa Thái Lan quay trở lại ».
Tuy nhiên, theo nhà báo Arnaud Dubus, các động thái xích lại gần Trung Quốc là một sự đứt đoạn trong chính sách ngoại giao của Thái Lan.
« Theo truyền thống, chính sách ngoại giao Thái Lan là duy trì một thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc.
Chúng ta thấy rõ điều này trong thời kỳ thuộc địa cũng như là trong suốt Đệ nhất Thế chiến và ngay sau khi chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần 2.
Nghệ thuật cân bằng và linh hoạt đó là dấu ấn của nền ngoại giao Thái Lan từ nhiều thế kỷ nay.
Nhưng chiến lược cũ xưa này rất được chính quyền quân sự ưa thích đến mức họ không thật sự tìm cách duy trì một thế cân bằng trong quan hệ với các đối tác lớn.
Việc trục xuất 108 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc hồi tháng 7/2015 là một ví dụ đáng chú ý ».
Thái Lan là đồng minh lâu đời và trung thành của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á và bình thường ra, quan hệ giữa hai nước sẽ phải phát triển mạnh trong bối cảnh chính quyền Washington thực hiện chính sách « xoay trục » sang châu Á.
Cuộc đảo chính năm 2014 đã phần nào làm thay đổi cảnh quan, buộc Washington một mặt phải bày tỏ thái độ đối với chính quyền quân sự ở Bangkok, mặt khác, phải tìm cách giữ Thái Lan, không để nước này hiểu là bị bỏ rơi.
Bằng chứng cụ thể nhất là việc Mỹ vẫn quyết định tham gia, có chừng mực cuộc tập trận hàng năm Hổ Mang Vàng (Cobra Gold) lần thứ 35, được tổ chức vào đầu tháng Hai năm nay.
Ông Paul Chambers, thuộc Viện Đông Nam Á, trụ sở ở Chiang Mai, Thái Lan, được hãng tin Bloomberg trích dẫn, nhận định là Hoa Kỳ vừa phải bảo vệ các nguyên tắc của một nền dân chủ, vừa phải bảo vệ quan hệ với Thái Lan.
Ông nói : « Obama đang đi trên dây, làm sao giữ được cân bằng, bảo vệ được các lợi ích cùng với các giá trị của nước Mỹ.
Việc tham gia đầy đủ (vào cuộc tập trận) sẽ làm cho các thế lực vận động hành lang về nhân quyền bất bình.
Việc không tham gia có thể sẽ làm chính quyền quân sự Thái Lan xa cách Hoa Kỳ ».
Chuyên gia Jon Grevatt của tạp chí quốc phòng Anh IHS Jan’s, hiện làm việc tại Bangkok lại cho rằng Thái Lan biết rõ là họ không thể mất Hoa Kỳ.
Theo ông, « Hoa Kỳ có ảnh hưởng rất lớn đối với thương mại và quân sự trên thế giới, và trong các quan hệ giữa các chính phủ.
Rút cầu quan hệ với Mỹ sẽ gây ra một loạt các vấn đề đối với Thái Lan vào lúc nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn. Trung Quốc là một nước lớn, nhưng nền kinh tế của nước này cũng đang gặp khó khăn ».
Biển Đông: Thái Lan hy sinh tình liên đới
Thái Lan là thành viên ASEAN. Theo nhà báo Arnaud Dubus, thái độ của Bangkok đối với Bắc Kinh chắc chắn tác động đến hồ sơ tranh chấp ở Biển Đông :
Arnaud : « Kể từ giờ Thái Lan đứng chung cùng hàng với Lào và Cam Bốt như là những quốc gia sẵn sàng hy sinh tình liên đới trong khối ASEAN để làm hài lòng Trung Quốc.
Trong những cuộc họp thượng đỉnh hay những cuộc gặp gỡ trong khu vực gần đây, Thái Lan chẳng tuyên bố một lời nào về những công trình bồi đắp bãi đá ngầm trên Biển Đông hay như về thái độ rõ ràng là gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam, cũng như là với Philippines trong những năm gần đây.
Một trong những hệ quả quan trọng đó là làm cho các tuyên bố đoàn kết khu vực trở nên sáo rỗng vào thời điểm mà cộng đồng kinh tế và xã hội-chính trị của ASEAN đang được hình thành.
Người ta có thể nói là ASEAN là một hiệp hội các chính phủ thiếu sự kết hợp, không những là do tính đa dạng về chế độ chính trị của các nước thành viên, nhưng cũng vì do các nước này dường như đặt ưu tiên cho lợi ích của chính mình hơn là của cả khu vực chung.
Và tranh chấp trên Biển Đông là một ví dụ tốt nhất cho thấy sự yếu kém của tổ chức này ».
Theo nhận định của chuyên gia Pavin Chachavalpongpun, trong một bài viết trên tạp chí The Diplomat, (The Diplomat.com – Thailand playing a risky game with China and Russia – 07/07/2016), chiến lược đối ngoại mới của Thái Lan –liên kết với các nước lớn được gọi là « siêu cường thay thế » như Trung Quốc, Nga – đã đi ngược lại cách tiếp cận truyền thống trong lịch sử đối ngoại của nước này.
Ngay cả dưới thời thực dân hoặc trong thời kỳ chiến tranh lạnh,Thái Lan đã áp dụng chiến lược « ngoại giao cây tre », tức là uốn theo chiều gió. Chiến lược ngoại giao này đã cho phép Thái Lan khai thác thế mạnh của một siêu cường này để đối phó với một nước lớn khác, bảo đảm sự sống còn của một quốc gia.
Về ngắn hạn, chiến thuật liên kết với các « siêu cường thay thế » có thể mang lại kết quả. Kể từ khi Hoa Kỳ không thừa nhận chính phủ của tướng Prayut Chan O Cha, Thái Lan đã tìm kiếm các đối tác để tạo tính chính đáng, củng cố vị thế của Thái Lan trên trường quốc tế.
Chính sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga đã trực tiếp làm tăng thêm lòng tin cho các lãnh đạo chính trị Thái Lan để họ tiếp tục kéo dài sự lãnh đạo đất nước bất chấp sự lên án của phương Tây.
Tuy nhiên, về lâu dài, chính sách « ngoại giao cây tre » nghiêng về phía Trung Quốc và Nga có thể chứng tỏ sự thiển cận trong các vấn đề chính trị quốc tế.
Cho dù Nga và Trung Quốc bất đồng trên nhiều hồ sơ quốc tế, nhưng thực là ấu trĩ nếu nghĩ rằng Matxcơva và Bắc Kinh sẽ bênh vực Bangkok nếu như các bạo lực chính trị tại Thái Lan là kết quả của chính sách tăng cường trấn áp người dân.
Sự thực là Hoa Kỳ bất đồng với Nga và Trung Quốc trên nhiều hồ sơ, từ nguy cơ xung đột ở Biển Đông đến vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, từ cuộc khủng hoảng Syria cho đến cuộc chiến chống khủng bố tại châu Âu.
Nhưng đồng thời, Washington cũng lại tìm kiếm sự hợp tác của Matxcơva và Bắc Kinh trong những hồ sơ này.
Mặt khác, việc Thái Lan « dùng » Trung Quốc và Nga để chống lại Mỹ là một mạo hiểm quá lớn, không bảo đảm thành công.
Related news items:
Tin mới
- Thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh: Tội ác mang tên Nguyễn Phú Trọng - 23/08/2016 13:51
- Những Thủ Đoạn Trong Hậu Trường Chánh Trị - 22/08/2016 22:02
- Văn hóa ứng xử với người đã mất - 22/08/2016 01:07
- Biển Đông : Trung Quốc tung hỏa mù với ASEAN ? - 18/08/2016 22:38
- Trung Quốc khó mà ngăn Ấn Độ nói về Biển Đông tại G20 - 17/08/2016 17:17
- Biển Đông: Trung Quốc sẽ công khai đối đầu Mỹ về bãi Scarborough ? - 16/08/2016 18:09
- Mỹ Và Trung Quốc Nhìn Từ Rio 2016 - 16/08/2016 02:18
- Ðường Trump đi càng ngày càng khó - 12/08/2016 22:19
- Bị Đảng giám sát, Tập Cận Bình không thể nhượng bộ Mỹ - 12/08/2016 17:40
- Cách Mạng Văn Hoá Trung Quốc: Đưa “chất xám” về nông thôn cải tạo - 12/08/2016 17:06
Các tin khác
- Donald Trump : Nỗi sợ bị phe Cộng Hòa bỏ rơi - 11/08/2016 15:00
- Trung Quốc bóp méo thực tế Biển Đông trong giáo dục như thế nào ? - 11/08/2016 14:45
- Trung Quốc vẫn « bơm tiền » mua tăng trưởng trong ngắn hạn - 09/08/2016 15:57
- Trung Quốc độc chiếm Biển Đông để chống Mỹ ? - 08/08/2016 17:11
- Hillary Clinton hay Donald Trump, ai sẽ lãnh đạo nước Mỹ an toàn hơn? - 04/08/2016 23:55
- Tổng thống Mỹ: Hiệp định TPP như là một vũ khí chống Trung Quốc - 03/08/2016 17:47
- BIỂN CHẾT - 01/08/2016 00:33
- Ðừng tưởng dễ thắng Trump - 31/07/2016 03:35
- Chiến lược ngoại giao Biển Đông của Mỹ có dấu hiệu thất bại - 28/07/2016 15:28
- Biển Đông : Thắng lợi của Bắc Kinh tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN - 25/07/2016 16:23