Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bị Đảng giám sát, Tập Cận Bình không thể nhượng bộ Mỹ

Xi-Obama

Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Barack Obama tại một diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 28/09/2015.
REUTERS/Andrew Kelly

Lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh trong tháng 09/2016.

Tổng thống Barack Obama cho biết có ý định đề cập đến các căng thẳng trên biển tại hai vùng có tranh chấp : Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Nhưng theo giới chuyên gia, Tập Cận Bình không thể khuất phục trước các áp lực của Hoa Kỳ.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ diễn ra bên lề hội nghị kinh tế G-20, tổ chức trong hai ngày 4-5/09/2016, tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tờ báo Nhật Asia Nikkei, tổng thống Obama khó có thể đạt được điều gì từ đồng nhiệm Trung Quốc trên cả hai hồ sơ Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bởi một lẽ rất đơn giản, đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017.

Theo thông lệ, từ 5 đến 7 ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính Trị, những vị trí chóp bu trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản, sẽ được bầu mới vào thời điểm này. Từ đây cho đến kỳ đại hội đảng tới, duy trì được quyền lực là một việc hệ trọng đối với ông Tập Cận Bình.

 Chủ tịch Trung Quốc cần phải lèo lái tiến trình này để có thể nắm tiếp quyền lãnh đạo đảng và đất nước cho nhiệm kỳ thứ hai.

Thế nhưng, phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cũng như việc Washington quyết định triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc đã khiến đảng Cộng sản Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về vai trò lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.

Nhiều nhà quan sát nhận xét, trong tình hình này, ông Tập Cận Bình không cho phép mình nhún nhường trước nước khác.

Do đó, trong cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ sắp tới đây, chủ tịch Trung Quốc hy vọng có thể nhắc lại một đề xuất trung dung : đó là một « mô hình quan hệ mới giữa các cường quốc ».
Một tầm nhìn mới về thế giới ở đó Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng hợp tác đối phó các hồ sơ quốc tế mà không « dẫm đạp » lợi ích lên nhau.
 Trong trường hợp của Bắc Kinh hiện nay, điều đó còn bao gồm cả việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông giữa các nước trong khu vực.

Một đề xuất đương nhiên đã bị Hoa Kỳ khước từ. Kể từ mùa thu năm rồi, chính quyền Obama đã đáp trả sự hiện diện của hải quân Trung Quốc bằng việc gởi tầu chiến đến vùng Biển Đông nhân danh « tự do lưu thông hàng hải ».

Tập Cận Bình đã bày tỏ sự bất bình trước việc Hoa Kỳ gia tăng áp lực quân sự trong khu vực.

Có thể nói là quan hệ Mỹ - Trung đã xuống đến mức thấp nhất kể từ khi đôi bên nối lại quan hệ bang giao.
Nhất là kể từ khi Washington và Seoul quyết định triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Ngoài hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, những hồ sơ quan trọng khác như việc biến đổi khí hậu, thương thuyết hạt nhân Iran, các chuyên gia nhìn nhận đều phải có sự tham gia của Bắc Kinh và do vậy Trung Quốc muốn tận dụng khai thác để mặc cả nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình.

Nếu Tập Cận Bình vẫn tiếp tục đường lối cứng rắn này với Hoa Kỳ và các nước láng giềng cho đến ngày khai mạc G-20, thì ông có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Một số nguồn ngoại giao cho rằng từ đây đến kỳ họp hội nghị G-20, nguyên thủ Trung Quốc có lẽ cố gắng tìm kiếm một lập trường hòa giải nào đó.

Tuy nhiên, theo một học giả châu Á am tường về chính sách ngoại giao Trung Quốc, một khi hội nghị kết thúc, Tập Cận Bình sẽ quay trở lại với đường lối cứng rắn của mình.
Và Trung Quốc lại tiếp tục leo thang khiêu khích Nhật Bản trên biển Hoa Đông, theo như cảnh báo của một số nhà quan sát.

Switch mode views: