Mây đen bao phủ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính
- Thứ Hai, 25 tháng Bảy năm 2016 22:57
- Tác Giả: Thụy My
Người bán hàng ở khu Covered Bazaar, Istanbul ngồi đợi khách. Ảnh chụp ngày 25/05/2016.
REUTERS/Murad Sezer/File Photo
Đồng tiền mất giá, các nhà đầu tư ngoại quốc lo ngại, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.
Vụ đảo chính bất thành hôm 15/07/2016 để lại nhiều hậu quả cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, dù chính quyền nước này cố gắng chứng tỏ rằng tác động không đáng kể.
Kể từ hôm 15 tháng Bảy, trên các kênh truyền hình liên tục xuất hiện hình ảnh những chiếc xe tăng trên đường phố, những phi cơ tiêm kích vần vũ trên bầu trời Istanbul và Ankara, những tòa nhà chỉ còn là đống gạch vụn, hàng ngàn nghi can bị còng tay dẫn giải ra tòa, đám đông đòi trả thù được các lãnh đạo cứng rắn cổ vũ.
Ông William Jackson, chuyên gia về các nền kinh tế mới nổi của trung tâm nghiên cứu Capital Economics ở Luân Đôn nhận định :
« Những sự kiện vừa mang tính bạo lực vừa bất ngờ này chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài thối chí. Còn đối với những công ty đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, khó thể có việc họ tăng cường các hoạt động ».
Viện Tài chính Quốc tế (IFF), một tổ chức vận động hậu trường có trụ sở tại Washington, tập hợp 500 ngân hàng, cảnh báo :
« Thiệt hại trước mắt về số du khách giảm sút, và thiệt hại lâu dài về đầu tư, có thể sẽ làm tăng trưởng chậm lại. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn, hậu quả có thể nặng nề hơn, đe dọa đến ổn định tài chính ».
Năm 2015 Thổ Nhĩ Kỳ có tỉ lệ tăng trưởng 4%, còn năm nay Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo cũng xấp xỉ như thế.
Mức sống người dân tăng liên tục từ đầu những năm 2000, thời kỳ ông Recep Tayyip Erdogan nổi lên trên chính trường.
Nợ công chỉ chiếm khoảng một phần ba tổng sản phẩm nội địa.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có những yếu kém về cơ cấu, có thể nặng nề thêm sau cú đảo chính hụt. Đó là lạm phát hàng năm gần 7%, tiết kiệm trong dân ít ỏi, lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài, lãnh vực ngân hàng dễ tổn thương vì nền kinh tế dựa vào việc đi vay nợ.
Chưa kể đến ngành du lịch bị tấn công trực diện bởi những vụ khủng bố gần đây.
Trước đảo chính, các chuyên gia cho rằng tình hình chính trị bất ổn và nguy cơ khủng bố có thể khiến lãnh vực du lịch - vốn thu dụng 8% dân số hoạt động - bị thiệt hại 8 tỉ đô la.
Đến tháng Năm, số du khách thăm Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giảm sút mất một phần ba.
Những hậu quả của vụ đảo chính liệu sẽ được bù đắp bằng sự quay lại của khách du lịch Nga ?
Matxcơva đã áp đặt các biện pháp trừng phạt từ mùa thu 2015, sau vụ một oanh tạc cơ Nga bị một phi cơ tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Trong khi đó Nga cùng với Đức và Anh dẫn đầu trong số các du khách đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng du lịch không phải là nỗi lo duy nhất. Ông William Jackson cảnh báo :
« Nếu dòng vốn bỏ đi, đồng lira sẽ bị mất giá và nền kinh tế sẽ thích ứng bằng cách giảm nhập khẩu ».
Trong những ngày tiếp theo cuộc đảo chính, đồng lira đã sụt mất 6% so với đồng đô la. Nếu tính từ tháng Tư, thì đồng tiền quốc gia đã mất đi 10% giá trị.
Đồng nội tệ sụt giá gây ra những hậu quả trực tiếp lên các doanh nghiệp, hiện vay nợ khá nhiều bằng ngoại tệ.
Michael Harris, giám đốc nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, chuyên về các thị trường mới nổi nhận xét :
« Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nếu đồng tiền mất giá nhiều thì sẽ hết sức khó khăn, có thể dẫn đến một kịch bản suy thoái ».
Hồi tháng Giêng, Coface, cơ quan bảo hiểm ngoại thương của Pháp ghi nhận :
« Dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thiếu hụt, trước hiện tượng đồng vốn đột ngột bỏ đi ».
Ông William Jackson cảnh báo : « Như vậy một số nhân tố có thể khiến cho nền kinh tế xuống dốc mạnh mẽ trong những năm tới, với khả năng suy thoái ».
Chính quyền cố gắng tìm cách trấn an. Đối với phó thủ tướng phụ trách tài chính, ông Mehmet Simsek, « tác động của mưu toan đảo chính chắc chắn chỉ trong ngắn hạn, và hậu quả tương đối nhẹ ».
Tuần trước, báo chí thân chính phủ đã dành đất cho giới chủ bày tỏ sự biết ơn đối với tổng thống Erdogan, hay cho các nhà đầu tư để nói rằng họ muốn duy trì hoạt động, thậm chí tăng vốn.
Và chẳng lấy gì làm quan trọng khi Standard and Poor’s đánh sụt Thổ Nhĩ Kỳ từ BB+ xuống BB về nợ công – một quyết định « hoàn toàn mang tính chính trị », theo ông Erdogan.
Tin mới
- Trung Quốc gia tăng kiểm soát internet, gạt bỏ báo chí độc lập - 26/07/2016 15:44
- Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ có dấu hiệu xấu đi trông thấy - 26/07/2016 15:31
- Biển Đông : Mỹ ủng hộ đối thoại Trung Quốc – Philippines - 26/07/2016 15:15
- Tổng thống Philippines sẽ áp dụng phán quyết quốc tế về Biển Đông - 26/07/2016 15:09
- Biển Đông: Mỹ, Nhật và Úc kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết PCA - 26/07/2016 15:00
- Tỷ phú Donald Trump bất ngờ bỏ xa bà Hillary Clinton. - 26/07/2016 14:09
- Anh trai TT Obama tuyên bố ‘bầu cho ông Donald Trump’ - 26/07/2016 01:05
- Nổ súng vũ trường Florida: 2 chết, 17 bị thương - 25/07/2016 23:21
- Thế Vận Hội Mùa Hè ở Rio : Nghi phạm khủng bố cuối cùng bị bắt - 25/07/2016 23:12
- Số phận giám đốc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ như mành treo chuông - 25/07/2016 23:05
Các tin khác
- Đức : Một thanh niên Syria nổ bom tự sát, 12 người bị thương - 25/07/2016 22:42
- Thổ Nhĩ Kỳ : Tổng thống Erdogan tiếp xúc với phe đối lập - 25/07/2016 22:14
- Nga hoan nghênh quyết định của Ủy Ban Olympic Quốc Tế - 25/07/2016 22:07
- Tổng thống Philippines tuyên bố ngừng bắn với phiến quân Cộng Sản - 25/07/2016 16:03
- Truyền thông Bắc Kinh chỉ trích Ấn Độ trục xuất ba nhà báo Trung Quốc - 25/07/2016 13:00
- ASEAN tránh nêu phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực - 25/07/2016 12:52
- Bê bối doping : CIO quyết định trừng phạt Nga có chọn lọc - 25/07/2016 00:07
- Thổ Nhĩ Kỳ : Đối lập kêu gọi biểu tình bảo vệ nền dân chủ - 24/07/2016 23:11
- Ấn Độ trục xuất ba nhà báo Trung Quốc - 24/07/2016 23:02
- Bình Nhưỡng xây quân cảng cho tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo - 24/07/2016 22:56