Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ có dấu hiệu xấu đi trông thấy

NewDelhi

Ảnh minh họa : một cảnh ở khu vực người Tây Tạng lưu vong Majnu Ka Tilla ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh 27/03/ 2012
AFP PHOTO/ Manan VATSYAYANA

Vào hôm qua 25/07/2016, được chính quyền bật đèn xanh, báo chí Trung Quốc đã lớn tiếng đả kích Ấn Độ về việc New Delhi quyết định trục xuất ba nhà báo của Tân Hoa Xã thường trú tại Ấn Độ.

Thái độ gây căng thẳng của Trung Quốc, trong bối cảnh hai nước có dấu hiệu tăng cường quân đội đến vùng biên giới trên bộ đã khiến một số nhà quan sát lo ngại về nguy cơ xung đột võ trang lại bùng giữa hai nước đông dân nhất thế giới hiện nay.

Vụ việc bùng lên ngày 24/07 vừa qua khi có thông tin về quyết định của New Delhi là sẽ trục xuất 3 nhà báo thuộc văn phòng Tân Hoa Xã tại Ấn Độ, vì những hoạt động tình nghi làm gián điệp.

Theo tình báo Ấn Độ, ba người này, trong đó có trưởng phân xã của Tân Hoa Xã tại New Delhi, đã sử dụng danh tính giả để đi lên vùng có người Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ.

Giới quan sát đặc biệt ghi nhận tính chất nghiêm trọng của quyết định trục xuất kể trên vì Tân Hoa Xã là hãng thông tấn Nhà Nước Trung Quốc, và tại những quốc gia nào không có đại sứ quán Trung Quốc, văn phòng Tân Hoa Xã hầu như đóng vai trò đại diện ngoại giao của Bắc Kinh.
Ngoài ra, đây là lần đầu tiên mà New Delhi trục xuất nhà báo Trung Quốc, một sự kiện bất thường có thể gây căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh.

Và gần đúng với dự đoán, Trung Quốc đã có phản ứng, trước hết về mặt báo chí. Đi đầu trong việc công kích Ấn Độ vẫn là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản phổ thông đại chúng của tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Vào hôm qua, tờ báo này đã lên tiếng tố cáo thái độ « đa nghi » của Ấn Độ, đồng thời đe dọa New Delhi về những « hậu quả nghiêm trọng » phải gánh chịu sau vụ này.

Đây không phải là lần đầu tiên mà báo chi Trung Quốc có lời lẽ hung hăng như vậy đối với các láng giềng.
Điều đáng quan ngại là phản ứng này được đưa ra vào lúc quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều đã được tăng cường ở vùng biên giới phân chia hai nước.

Theo nhật báo Mỹ Huffington Post, quân đội Ấn Độ mới đây đã điều động hơn 100 chiến xa T-72 do Nga chế tạo lên Ladakh, một vùng biên giới đang tranh chấp nằm giữa bang Kashmir của Ấn Độ, và vùng Tây Tạng dưới quyền cai trị của Trung Quốc.

Tất nhiên, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Theo các nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã triển khai thêm lực lượng đến khu vực dọc theo biên giới Ấn Độ, như để cho thấy quyết tâm sẵn sàng đáp trả ngay lập tức nếu xẩy ra tình huống xấu.

Theo tờ báo Mỹ, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu quan hệ Ấn Trung xấu đi nhanh chóng.
Tranh chấp biên giới trên bộ giữa hai bên là nguyên nhân chính gây căng thẳng, vốn đã từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh cách nay 50 năm.
Đàm phàn giải quyết vấn đề này cho đến nay vẫn không có bất kỳ tiến bộ nào.

Bên cạnh đó, quan điểm giữa Trung Quốc và Ấn Độ đối với Tây Tạng rất khác biệt nhau. Trong khi Trung Quốc coi Tây Tạng là một địa phương của mình, Ấn Độ lại nhìn nhận một chính phủ nhà nước Tây Tạng lưu vong.

Ngoài vấn đề biên giới, những hoạt động bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nepal và tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh cũng là đề tài gây căng thẳng.

Trung Quốc không che giấu bất bình trước việc Hải Quân Ấn Độ tích cực dấn thân vào Biển Đông, với động thái gần đây nhất là phái ba chiến hạm tới hoạt động trong khu vực, và có kế hoạch tập huấn với Hải Quân Malaysia.

Nhìn chung, giới phân tích đang lo ngại trước khả năng bang giao Ấn - Trung xấu đi, và nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang Ấn-Trung như vào những năm 1960, không thể loại trừ.

Switch mode views: