Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng Thống Trump quyết định theo chính sách thay đổi chế độ Iran

Hoaky Iran
Ngày 8 Tháng Năm vừa qua có thể sẽ trở thành ngày lịch sử, bởi nó có thể là ngày đầu tiên mà Hoa Kỳ từ bỏ niềm tin vào đồng minh.

Việc Tổng Thống Donald Trump rút lui ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran đã đặt Washington – chứ không phải Tehran – là kẻ vi phạm một thỏa thuận quốc tế.
Và lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ nay, Hoa Kỳ đã hành động đơn độc không có một sự đồng thuận của bất cứ một đồng minh nào, nhất là các đồng minh Âu Châu.

Ngay đến cuộc chiến năm 2003 ở Iraq của Tổng Thống George W. Bush cũng được sự ủng hộ của Anh, Tây Ban Nha, Ý và một số các quốc gia khác bên ngoài Âu Châu – và chính phủ Bush đã có một số cố gắng để thuyết phục Đức và Pháp.

Tổng Thống Trump, ngược lại, đã cô lập Hoa Kỳ ra khỏi phần còn lại của thế giới Tây phương qua chỉ một lời tuyên bố và mấy dòng chữ ký ngoằn ngoèo.

Mà cũng tài tình thật chứ. Không ai có thể thành công bằng tổng thống trong việc đoàn kết một nước Anh hậu Brexit với Âu Châu.
Nạn nhân đầu tiên của hành động của tổng thống là sự tan biến của bất cứ một trật tự thế giới nào.

 Hoa Kỳ, cường quốc duy nhất còn lại của nhân loại cả về quân sự lẫn kinh tế, nay thấy mình đứng trong một nhóm cô đơn với Israel và Saudi Arabia.
Phía bên kia, mỉa mai thay, lại là Nga, Trung Cộng, Âu Châu và Iran. Và thêm vào cái danh sách của chính nghĩa đó còn có Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Canada.

Thật khó có thể thấy có cách nào để hàn gắn lại khoảng cách giữa hai bên. Tổng thống đã bỏ qua những lời năn nỉ đồng nhất từ những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ.
Hai trong số các nhà lãnh đạo của Âu Châu, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ Tướng Đức Angela Merkel, đã tìm đến tận Washington để đích thân thuyết phục tổng thống. Họ đã đi không rồi lại trở về không.

Một đồng minh thân cận thứ ba, ông Boris Johnson, ngoại trưởng Anh, cũng tìm đến Washington để góp thêm tiếng nói nhưng cũng như nước đổ lá khoai.
 Trở về, ông Johnson chỉ ra là thế giới “không có Kế hoạch B” cho thỏa thuận hạt nhân Iran. Đó chẳng khác gì nói là giải pháp thay thế cho “đàm, đàm” là “chiến, chiến.”

Tổng thống đã đặt Âu Châu vào một tình trạng khó xử mà họ đã làm hết sức để tránh. Ông đã cho các đồng minh lãnh đạo trong Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) một lựa chọn giữa một thỏa thuận mà Hoa Kỳ và họ đã cùng nhau điều đình với Iran – và Iran đã nghiêm chỉnh thực thi – hay là chấp nhận cho một cuộc chiến phát xuất từ chính sách “Hoa Kỳ trên hết” mà họ không có một chút ảnh hưởng nào cả.

 Hành động theo đúng lương tâm và lý tưởng sẽ khiến cho những công ty và ngân hàng Âu Châu đang làm ăn với Iran trở thành nạn nhân của trừng phạt vì vi phạm cấm vận của Hoa Kỳ.
Con đường thứ nhì có nghĩa là từ bỏ những gì họ tin và nghĩ là đúng nhất và chấp nhận nguy cơ của một cuộc chiến Trung Đông mà Âu Châu sẽ bị thiệt hại nhiều hơn Hoa Kỳ.

Đi theo Hoa Kỳ cũng sẽ khiến các lãnh tụ Âu Châu phải trả giá. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở Pháp cho thấy sự ủng hộ cho ông Macron giảm sau khi ông tổ chức “một cuộc tấn công nịnh bợ” ông Trump.
Dân chúng Âu Châu đã quá chán thái độ khinh mạn của tổng thống và rồi họ sẽ đặt vấn đề với các lãnh tụ của họ.
Nó cũng có nghĩa là chấp nhận một thực tại theo cái nhìn bất bình thường của tổng thống.

Hôm Thứ Ba vừa qua, tổng thống Hoa Kỳ nói là thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ sớm đưa Iran đến bờ vực của phát triển vũ khí hạt nhân.
Các lãnh tụ Âu Châu đã chỉ ra là Iran chỉ còn có ba tháng nữa là đạt một khả năng vũ khí hạt nhân khi thỏa thuận được ký kết.
Iran đã đồng ý cho phép Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế thanh tra bất ngờ và giới hạn chặt chẽ về nghiên cứu hạt nhân và làm giàu uranium trong từ 10 đến 15 năm.

Tổng Thống Trump vừa trao cho Iran lý do để tái tục chương trình hạt nhân của họ bất cứ lúc nào.
Tổng thống nói thỏa thuận này đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.

Hiện nay không có một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông. Nhưng nó sắp xảy ra vì việc tổng thống hủy thỏa hiệp.
Phản ứng của Âu Châu nay tùy thuộc chính vào phản ứng của Iran. Tổng Thống Hassan Rouhani đang cố gắng duy trì việc tuân thủ, bất chấp áp lực mạnh mẽ từ khối bảo thủ của các giáo sĩ và Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran.

Hôm Thứ Ba, ông nói tất cả tùy vào Âu Châu. Nếu bộ ba lãnh tụ Âu Châu – bà Angela Merkel, bà Theresa May và ông Emmanuel Macron – có thể tìm được một cách để duy trì thỏa thuận này, Iran sẽ tiếp tục tuân thủ.
Việc đó sẽ tạo thêm chia rẽ trong khối tây phương. Washington sẽ trừng phạt các định chế Âu Châu. Âu Châu sẽ bị buộc phải trả đũa khi dân chúng nổi giận.

Đã nhiều năm nay, các đồng minh Hoa Kỳ đã bực tức vì những cấm vận hạng nhì, tức là cấm vận trên các công ty hay định chế làm ăn với Iran từ các quốc gia khác.
Hậu quả của vụ Iran có thể là cái giọt nước làm đầy ly. Dĩ nhiên là Nga, Trung Cộng và các quốc gia khác sẽ tiếp tục làm ăn với Iran. Và họ sẽ phản ứng nếu Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt tài chánh.

Một sự trả đũa như vậy sẽ không xảy ra trong chân không. Ảnh hưởng dây chuyền lên cuộc thảo luận mậu dịch với Trung Cộng, hay hy vọng Trung Cộng duy trì áp lực để buộc ông Kim Jong Un phải phi hạt nhân hóa, sẽ là vô cùng bất định.

Á Châu, cũng như Âu Châu và Trung Đông – đang theo dõi sự tiến hóa của tổng thống với ngày càng nhiều lo âu. Không rõ làm sao mà tổng thống có thể nghĩ là chính sách của ông về Iran có thể gia tăng triển vọng cho một thỏa thuận hạt nhân với ông Kim.

Cuộc họp thượng đỉnh của tổng thống với ông Kim sẽ có bóng ma của ông Tập lởn vởn theo dõi. Không có sự hợp tác của ông Tập thì Hoa Kỳ sẽ không đạt được một thỏa thuận với ông Kim.
 Khổ một nỗi, tổng thống đã làm cho sự ủng hộ đó khó đạt được hơn vì ông đã quyết định rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà không loan báo trước cho Trung Cộng.

Trung Cộng là một trong lục cường đã ký vào thỏa thuận này. Ấy là chưa kể Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cuộc tranh chấp mậu dịch với Bắc Kinh.
Khi Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ cấm vận các công ty Trung Cộng làm ăn với Iran thì không còn bao nhiều điều để khuyến khích ông Tập đi chơi với ông Trump nữa.

Ấy là chưa kể Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton. Cách đây hai tuần ông cố vấn nói ông muốn thấy Bắc Hàn đi theo khuôn mẫu Libya về phi hạt nhân hóa.
Hẳn chúng ta không quên là năm 2005 ông Gaddafi đã nghe lời đường mật của Hoa Kỳ từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổ lấy hủy cấm vận của Tây phương.

Chúng ta cũng nhớ là ông đã chết thảm dưới tay của những kẻ nổi dậy ở Libya vốn được sự khuyến khích của Hoa Kỳ chỉ vài năm sau đó.
Ông Kim lại càng không quên bài học lịch sử đó. Ông Kim hẳn ngày nay còn cười ông Rouhani và mấy ông Ayatollah là ngây thơ.

Cứ như cha con ông Kim, khi ông Bolton xúi Tổng Thống George W. Bush hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Bắc Hàn, cha con ông bèn công khai theo đuổi chương trình hạt nhân và ngày nay phần thưởng của họ là Hoa Kỳ đã công nhận họ như là một cường quốc hạt nhân và ngồi xuống điều đình với họ.

Nay tổng thống đã có một toán nhân sự chia sẻ bản năng Hoa Kỳ độc tôn, với ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia, lâu nay lý luận là Hoa Kỳ phải tấn công phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran.
 Sự việc tình hình ngày càng giống như giai đoạn trước cuộc chiến Iraq quả thật đáng lo ngại.

Hôm Thứ Ba, tổng thống hầu như đã tuyên chiến với Iran.
Chuyện gì sẽ xảy ra chúng ta chỉ có thể chờ xem sao.

Switch mode views: