Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Liệu Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan ?

taptran TQ-Taiwain

Chiến hạm Phụng Dương (Fong Yang, FFG-933) thuộc lớp Nặc Khắc Tư (Chi Yang, hay Knox) của Đài Loan tham gia tập trận tại căn cứ Hải quân Nghi Lan (Yilan), ngày 13/04/2018.
REUTERS/Tyrone Siu

Trung Quốc vừa diễu võ giương oai tại eo biển Đài Loan với các cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật, và Tập Cận Bình đích thân thị sát.

Chủ tịch Trung Quốc ngày càng tỏ ra đe dọa đối với Đài Bắc, cảnh cáo mọi khuynh hướng ly khai.
Le Figaro đặt câu hỏi, liệu « Hoàng đế đỏ » có tìm cách chiếm lấy Đài Loan bằng vũ lực ?

Bắc Kinh muốn gởi đi thông điệp gì ?

Các cuộc tập trận hải quân hôm 18/04/2018 tại eo biển Đài Loan - có bề rộng khoảng 180 kilomet chia cách Hoa lục với đảo quốc – được tổ chức lần đầu tiên trong khu vực siêu nhạy cảm này từ năm 2016.
Tuy Trung Quốc vẫn giữ một khoảng cách so với bờ biển Đài Loan, nhưng thông điệp rất rõ ràng.

Chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) giải thích :
« Bắc Kinh muốn cảnh báo Đài Bắc và Washington là không có chuyện vượt qua lằn ranh đỏ do Trung Quốc đã vạch ra, cũng như đặt lại vấn đề về lợi ích cốt lõi ».

Hồi tháng Ba, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh là mọi khuynh hướng ly khai sẽ phải chịu đựng « sự trừng phạt của Lịch sử ».
Người khổng lồ châu Á đã cảnh cáo trong đạo luật năm 2005, rằng Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực đếu điều cấm kỵ này bị xâm phạm.

Hòn đảo nơi lãnh tụ Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch (Tchang Kai Chek) chạy sang khi quân cộng sản chiến thắng ở Hoa lục, có chính thể dân chủ và độc lập trên thực tế. Nhưng Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần của lãnh thổ mình.

Quan hệ đôi bên đã xấu hẳn đi từ sau cuộc bầu cử gần đây, với việc bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) lên làm tổng thống Đài Loan vào đầu năm 2016.
Bà là lãnh đạo đảng Dân Tiến có chủ trương dân chủ, và xúc tiến đặc tính quốc gia dân tộc Đài Loan riêng biệt với Trung Quốc.
Bắc Kinh cho không quân và hải quân tăng cường hoạt động gần Đài Loan từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử, nghi ngờ bà muốn chính thức tuyên bố độc lập với Trung Quốc.

Vì sao Tập Cận Bình muốn xâm chiếm Đài Loan ?

Dưới mắt Trung Quốc, Đài Loan là ưu tiên số một về mặt chủ quyền lãnh thổ.
Tập Cận Bình hồi tháng Ba đã cảnh báo, « lợi ích căn bản » của Trung Quốc là đạt được « thống nhất toàn bộ » đất nước.
 « Như vậy hoàn toàn logic khi người đứng đầu Trung Quốc tìm cách này hay cách khác chiếm cho được hòn đảo này trong tương lai » - Mathieu Duchâtel, phó giám đốc phụ trách châu Á và Trung Quốc của European Council on Foreign Relations (ECFR) nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia Duchâtel, thêm vào đó, Đài Loan « là biểu tượng cho sự cạnh tranh giữa các chế độ toàn trị và mô hình dân chủ », mà đảo quốc này xứng đáng là một đại diện ở châu Á.
Khi đưa ra những tuyên bố cứng rắn, Tập Cận Bình vốn gầy dựng một phần tính chính danh dựa trên chủ nghĩa dân tộc, tìm cách đánh bóng hình ảnh một nhà lãnh đạo quyền uy, được nhân dân tôn sùng.

Liệu Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan ?

Chuyên gia Bonnie Glaser nhấn mạnh : « Nguy cơ Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan là có thật. Nhưng Đài Bắc rất thận trọng, ít khi tạo cớ cho Bắc Kinh có thể gây sự, nên hiện nay khả năng này ở mức thấp ».

Còn theo một số nhà nghiên cứu khác, một cuộc tấn công của Trung Quốc, rất có thể sẽ dẫn đến việc Washington can thiệp quân sự, trong thời điểm hiện nay sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Bắc Kinh.

« Hoa Kỳ đã cam kết bằng luật pháp phải bảo vệ nền dân chủ Đài Loan, và Giải phóng quân Trung Quốc không sẵn sàng đối đầu với Hải quân Mỹ » - chuyên gia Juliette Genevaz của IRSERM nhận định.
Tuy vậy, nữ tổng thống Thái Anh Văn hôm 13/4 đã đích thân thị sát các cuộc tập trận hải quân đầu tiên, là dấu hiệu cho thấy Đài Bắc vẫn coi Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng.

Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông phân tích, các hành động giương oai diễu võ của Trung Quốc chủ yếu « nằm trong chiến lược chiến tranh cân não, nhằm uy hiếp tinh thần người dân Đài Loan, buộc họ phải nghĩ đến một dạng thống nhất giữa hai bờ eo biển ».

Antoine Bondaz, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược cũng nhận định :
 « Mục tiêu của Bắc Kinh là làm thay đổi hiện trạng trong lúc Đài Bắc, ngược lại, muốn duy trì ».
Không chỉ hù dọa bằng quân sự để đánh đòn cân não, Bắc Kinh còn ra sức cô lập Đài Loan tại các tổ chức quốc tế, giảm dần số đồng minh của Đài Bắc.

Mới đây Cộng hòa Dominicana sau 77 năm nhận viện trợ của Đài Loan, đã mờ mắt trước số tiền đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh, đã bỏ rơi Đài Bắc, khiến số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan chỉ còn 19 nước.
 Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan trong kinh tế sang định cư tại Hoa lục, với rất nhiều ưu đãi.

Tuy vậy chế độ toàn trị Trung Quốc khó thu hút được người dân Đài Loan.
 Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan dự báo : « Lực lượng chủ trương thống nhất với Trung Quốc có rất ít cơ hội được bầu lên tại Đài Loan.

Một khi Hoa Kỳ vẫn còn ủng hộ Đài Bắc, thì khó có hy vọng người dân Đài Loan chịu khuất phục ».
Ngõ cụt này khiến một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ sử dụng đến vũ lực.

Căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tăng lên trong hố sơ Đài Loan ?

Trung Quốc vốn lên án tất cả những hoạt động tiếp xúc giữa Đài Bắc và các nước khác, rất tức tối trước hàng loạt sáng kiến thân thiện với Đài Loan của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong những tháng gần đây.
Một đạo luật mới khuyến khích các chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa các viên chức Mỹ và Đài Loan.

Tuy Washington không có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, nhưng lại duy trì các quan hệ không chính thức, đặc biệt là bán vũ khí cho Đài Loan.
Nhà Trắng cũng vừa cho phép bán các công nghệ mới, giúp Đài Loan có thể tự chế tạo các tàu ngầm.

Bên cạnh xung đột thương mại, căng thẳng có thể tăng thêm một bậc mới trong hồ sơ Đài Loan, với việc « diều hâu » John Bolton, một nhân vật thân thiết với Đài Bắc, vừa được tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia.
Hồi năm 2017, ông Bolton đã đòi hỏi phải siết chặt quan hệ quân sự giữa Washington và Đài Bắc, nhằm chống lại Bắc Kinh.

 Tháng Ba năm nay, Hoàng Chi Hãn (Alex Wong), trợ lý thứ trưởng bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Đài Bắc đã tuyên bố Hoa Kỳ muốn « tăng cường quan hệ với nhân dân Đài Loan ».

Vấn đề còn lại là Washington sẽ đi xa đến mức nào, trong việc thách thức Trung Quốc. Việc các chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan, mà tổng thống Donald Trump đã ký kết trong một văn bản năm ngoái, vốn là đường ranh đỏ đối với Bắc Kinh.

 Khủng hoảng đã từng xảy ra vào cuối năm 2016, khi ông Donald Trump vừa đắc cử, đã chấp nhận cuộc gọi của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đi ngược lại chủ trương của ngành ngoại giao Mỹ từ nhiều thập niên qua.

Liệu sẽ xảy ra một cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Washington trên Biển Đông ?

Hôm 12/4, Tập Cận Bình đã thị sát cuộc tập trận hải quân đại quy mô trên Biển Đông, được cho là hùng hậu chưa từng có trong lịch sử.
Ông ta tuyên bố : « Nhu cầu xây dựng lực lượng hải quân mạnh chưa bao giờ cấp bách như hiện nay ».
Sự hiện diện của nhân vật số một Trung Quốc, trong bộ quân phục và chiếc nón kết rằn ri, tại vùng biển tranh chấp này, tất nhiên là có ý nghĩa.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền tại hầu hết các đảo và rạn san hô trên Biển Đông, bất chấp nhiều nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.
 Bắc Kinh còn chuyển đổi các đảo đang kiểm soát thành các căn cứ quân sự, để áp đặt yêu sách.

Sự đối địch Mỹ-Trung ngày càng cao tại Biển Đông, nơi khoảng cách về sức mạnh giữa hai đại cường đang rút ngắn dần.
Nhưng Hoa Kỳ cũng tìm cách chứng tỏ uy lực tại vùng biển này, nơi đang có sự hiện diện của một hàng không mẫu hạm Mỹ.

Washington thường xuyên gởi các chiến hạm đến Biển Đông tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải, gần các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng, khiến Bắc Kinh kêu gào là « bị khiêu khích ».
 Có thể xảy ra những sự cố, nhưng trước mắt khó thể có xung đột.

Chuyên gia Antoine Bondaz nhận xét : « Bắc Kinh chuyên áp dụng chính sách chuyện đã rồi, tìm cách dần dà thay đổi hiện trạng một cách có lợi cho mình, mà không bị cộng đồng quốc tế đáp trả mạnh mẽ ».

Nếu Trung Quốc dường như đã đạt được mục tiêu xâm chiếm Biển Đông, thì Hoa Kỳ có thể sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề Đài Loan.

Switch mode views: