Di chúc của cha không bằng tờ giấy lộn
- Thứ Bảy, 05 tháng Năm năm 2018 02:01
- Tác Giả: Trần Gia Huấn
Kim Jong Nam là anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un, đương kim lãnh tụ Bắc Hàn.
Jong Nam vừa bị ám sát bởi một nhóm khoảng mười người, tại phi trường Kuala Lumpur, Mã Lai, vào sáng 13/2/2017.
Dựa vào những nguồn tin đã được kiểm chứng, tôi tóm tắt lại đôi dòng về thân nhân của Jong Nam để bạn đọc có thêm thông tin.
Mẹ - Song Hye Rim
Kim Jong Nam là con trai đầu lòng của cố Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhất và mẹ Song Hye Rim.
Bà Song Hye Rim sinh tại Nam Hàn. Cha bà là đảng viên Đảng Cộng sản Triều Tiên, nên quyết định đi “tập kết” đưa cả gia đình đến miền Bắc sinh sống.
Là diễn viên điện ảnh xinh đẹp, tài năng, và nổi tiếng, bà Song Hye Rim đã kết hôn với tiểu thuyết gia kiêm dịch giả lừng danh Yi Ki Yong. Vợ chồng bà có con gái sinh năm 1956.
Kim Chính Nhất bấy giờ là con trai duy nhất của bậc khai quốc công thần Lãnh tụ Kim Nhất Thành.
Vào khoảng 1967, Chính Nhất lãnh đạo ngành văn hoá và nghệ thuật Bắc Hàn thì gặp cô đào màn bạc Hye Rim.
Dục vọng và ái tình đã làm cho vị hoàng tử trẻ 25 tuổi lao vào mê lộ.
Bạn gái thân của bà Song kể lại: Hình như Chính Nhất mất mẹ sớm nên ông thích phụ nữ lớn tuổi.
Hơn nữa, Song Hye Rim có nhan sắc vừa mặn mà vừa quyến rũ, thông minh, nói năng duyên dáng, nhạy cảm, và rất khôi hài.
Bà Song sinh năm 1937, đã có chồng, có con. Kim Chính Nhất sinh năm 1941, độc thân.
Bà Song dáng người khá cao. Chính Nhất thấp hơn. Bất chấp, Chính Nhất ép bà phải ly dị và bí mật sống với ông như vợ chồng.
Kết quả, Kim Jong Nam là bông trái của mối tình đầy sóng gió này.
Xã hội Bắc Hàn khi đó mang đậm màu sắc phong kiến, không ai có thể chấp nhận vị hoàng tử trẻ độc thân, lãnh tụ tương lai của đất nước, lại có thể kết hôn với một phụ nữ hơn tuổi, đã có chồng, có con riêng, và đến từ miền Nam thù địch.
Mối tình bị khai tử. Tuy vậy, bà Song vẫn nhận được mọi ân sủng, được thăm và nuôi con.
Năm 1974, bà mắc chứng trầm cảm, đi điều trị ở Moscow, Liên Xô, rồi ở lại luôn.
Mỗi lần về lại Bắc Hàn, bà đều được Kim Chính Nhất mời ăn tối, và tiếp đón chu đáo. Ông dành cho bà tình cảm đặc biệt.
Sau khi chia tay với Kim Chính Nhất lúc 37 tuổi, bà Song không thấy có mối quan hệ với người đàn ông nào nữa. Bà qua đời năm 2002, ở tuổi 65, mai táng tại Moscow.
Cha – Kim Chính Nhất
Kim Chính Nhất được cha truyền ngôi, lãnh đạo đất nước 17 năm từ 1994 cho đến khi qua đời năm 2011.
Có ít nhất năm người đàn bà đã bước qua cuộc đời tình dục đầy phóng túng của ông.
Người thứ nhất – Hong Il Chon, sinh năm 1942, là bạn cùng Đại học với Chính Nhất.
Hai người sống với nhau từ 1966 tới 1969 có một con gái sinh năm 1968.
Người thứ hai – Song Hye Rim, sinh năm 1937, là diễn viên điện ảnh, mẹ của Kim Jong Nam vừa bị ám sát.
Người thứ ba – Kim Yong Suk, sinh năm 1947, được coi là vợ chính thức của Kim Chính Nhất, bởi vì bà được cha chồng Kim Nhật Thành chọn.
Lễ cưới tổ chức vào tháng 10/1973. Họ có hai con gái Kim Sul-Song sinh 1974 và Kim Chun-Song sinh 1976.
Bà và Chính Nhất chia tay vào khoảng những năm đầu thập kỷ 1980s.
Người thứ tư – Kim Yong Hui, sinh năm 1953 tại Osaka, Nhật Bản.
Tổ tiên của gia đình bà gốc Bắc Hàn di cư tới Nhật đã lâu, nên cha bà đã đưa gia đình trở lại cố hương vào khoảng giữa năm 1960s.
Bà là diễn viên múa trẻ và rất xinh đẹp trong đoàn nghệ thuật quốc gia. Hình ảnh bà phủ kín trên các trang bìa của truyền thông Bắc Hàn thời đó.
Bà lọt vào mắt hoàng tử Chính Nhất, rồi trở thành người tình từ năm 1975.
Bà sinh con trai Kim Jong Chol vào năm 1981, Kim Jong Un (đương kim Lãnh tụ Tối cao Bắc Hàn) 1983, và cô gái út 1987.
Tuy không phải vợ chính thức, không có hôn thú, nhưng bà thường tháp tùng Kim Chính Nhất, giữ vai trò của một Đệ nhất Phu nhân. Bà qua đời vào năm 2004, mới 50 tuổi, do ung thư vú.
Người thứ năm - Kim Ok, sinh năm 1964, là nghệ sỹ biểu diễn dương cầm tài năng trong đội nhạc công phục vụ cán bộ cao cấp.
Bà đã lọt vào tầm ngắm, được Kim Chính Nhất tuyển dụng làm thư ký riêng.
Khi người tình thứ tư (mẹ của Kim Jong Un) chết thì Kim Ok xuất hiện như một Đệ nhất Phu nhân.
Bà tháp tùng Kim Chính Nhất trong dịp lễ hội, thăm viếng các nước, đón tiếp nguyên thủ.
Bà là người duy nhất được tham dự vào công việc hệ trọng, hội họp, hoạch định chính sách, hay ra những quyết định.
Bà cũng được coi là người đàn bà sống bên cạnh vị Lãnh tụ Kính yêu lâu nhất, chăm sóc ông chu đáo liên tục 31 năm, từ 1980 đến 2011.
Bà cộng tác rất đắc lực với Jang Song Thaek (chú dượng của Kim Chính Ân) người chủ trương mở cửa, cải cách kinh tế đi theo đường lối của Trung Quốc.
Kim Chính Nhật chết. Kim Jong Un lên thay. Bà Kim Ok bị tước hết quyền hành, tịch thu tài sản, và cả gia đình bà (bố mẹ và anh chị em) bị đày đi cải tạo lao động.
Hiện bà 53 tuổi, không có con với Kim Chính Nhất, đang sống trong một trại lao khổ ở Bắc Hàn.
Tóm lại, Kim Chính Nhất có tổng số bảy người con (ba trai bốn gái) với một vợ và bốn người tình.
Trong đó, bà Song Hye Rim, người tình hơn tuổi, mẹ của Kim Jong Nam được mô tả là ông sủng ái nhất, với con trai Kim Jong Nam cũng được ông yêu thương nhất .
Dì: Song Hye Ring
Kim Jong Nam sinh 10/5/1971, tại Bình Nhưỡng. Thời gian đầu đời, Jong Nam sống với mẹ, bà ngoại và dì.
Năm 1974, khi mẹ qua Moscow chữa bệnh, cha ông mời người dì ruột của Jong Nam, bà Song Hye Ring, em gái của người tình cũ, về kèm học cho Jong Nam mỗi ngày.
Dì Hye Ring, cũng là một minh tinh màn bạc đẹp và nổi tiếng, vừa ly dị chồng, có con nhỏ cùng lứa với Jong Nam.
Hàng ngày, dì mang con mình và Jong Nam tới căn phòng bí mật gần nơi làm việc của Kim Chính Nhất để nuôi dạy. Bí mật bởi Chính Nhất không dám để cha biết mối quan hệ của ông.
Đến năm 1979, dì Hye Ring tháp tùng Jong Nam đi học tại trường Quốc Tế Geneva, Thụy Sỹ.
Kim Chính Nhất sợ bà mang Jong Nam trốn sang phương Tây, nên lệnh cho hai dì cháu phải học ở Moscow, Liên Xô. Cả tuổi thơ của Jong Nam sống ở Moscow hoặc Geneva.
Jong Nam về lại Bắc Hàn với cha năm 1988. Dì Hye Ring đào thoát. Bà đang sống ẩn danh tại một nước châu Âu.
Trong cuốn hồi ký của bà có đoạn viết về tình cha con giữa Kim Chính Nhất và Jong Nam: “Không có từ ngữ nào có thể mô tả nổi tình yêu thương của Kim Chính Nhất dành cho con trai.
Vị hoàng tử trẻ tuổi lúc nào cũng ẵm đứa con trai trong giấc ngủ. Khi nó khóc, ông ẵm, ông đưa, ông ru cho đến khi nó nín. Cách ông vỗ về an ủi con chẳng thua kém gì những người mẹ giỏi.”
Sự kiện Disneyland ở Tokyo
Tròn 18 tuổi về lại Bắc Hàn, Jong Nam chứng kiến những đổi thay lớn trong đại gia đình họ Kim.
Cha ông đã có vợ mới với những con trai, con gái trong đó có Kim Jong Un.
Jong Nam càng bị giấu kín hơn. Ông không bao giờ được báo chí đề cập tới như những người con khác.
Mãi cho đến buổi sáng định mệnh 13/2/2017 khi bị ám sát tại Kuala Lumpur, cũng chỉ vài người Bắc Hàn biết tới ông.
Trong thời gian sống ở Bắc Hàn, Jong Nam không được phép ra khỏi Bình Nhưỡng. Những dịp lễ tết, họp mặt đại gia đình họ Kim, Jong Nam cũng không có mặt.
Thảng hoặc, ông được phép đến nhà nghỉ của cha nằm trên bờ biển thuộc thành phố cảng Wonsan.
Dì Hye Ring kể lại rằng “Bãi biển mêng mông thinh lặng, chỉ có hai đứa trẻ và người lái xe.”
Jong Nam theo học ngành Khoa học Chính trị, rồi chuyển sang Computer Science tại Thụy Sỹ.
Ông được mô tả là người thân thiện, khiêm tốn, hòa đồng, nói tiếng Anh, Pháp và Nga lưu loát.
Jong Nam rất gần gũi với những nhân vật chủ trương mở cửa, đặc biệt là người cô ruột (em gái của cha), bà Kim Kyong Hui và chồng bà là Jang Song Thaek. Jong Nam lúc ấy được Kim Chính Nhất chọn làm người kế vị.
Bất hạnh thay, trong lần đi du lịch tới Nhật, Jong Nam đã dùng hộ chiếu giả, bị bắt tại phi trường Narita, Tokyo.
Jong Nam khai với cảnh sát Nhật rằng ông dùng hộ chiếu giả với mục đích muốn thăm khu du lịch Disneyland, Tokyo.
Sự cố này đã làm Kim Chính Nhất mất mặt. Ông bỏ Jong Nam, và quyết định đưa Jong Un lên nối ngôi.
Sau khi cha mất, Jong Nam chính thức bước vào cuộc đời lưu vong.
Di chúc của cha
Jong Un tự phong mình là “Lãnh tụ Tối cao”. Tối cao nên muốn giết ai thì giết.
Un cho tử hình chú Jang Song Thaek, Đại tướng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia, người đồng chí thân cận nhất của cha, và cũng là chồng của cô.
Ông Jang bị lột trần truồng rồi thả cho bầy chó săn cắn xé cho đến khi tắt thở.
Jong Un đầu độc cô ruột Kim Kyong Hui, người em gái thân thiết của cha, vì cô dám đứng lên bảo vệ chồng. (Có tin nói bà bị đầu độc, đã chết. Có tin nói bà bị đầu độc hôn mê, chưa chết, đang sống đời sống thực vật)
Jong Un tử hình Tướng bốn sao, Bộ trưởng Quốc phòng Hyon Yong-Chol, bằng đại bác, tại một trường sỹ quan, trước mặt toàn bộ học viên.
Jong Un cho thiêu sống Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Kim Jong Jin chỉ vì ngủ gật, ngồi không ngay ngắn khi Lãnh tụ Tối cao đang phát biểu.
Jong Un đày ải mẹ kế Kim Ok, người cận kề an ủi, giúp đỡ cha trong những năm cuối đời sức tàn lực kiệt.
Năm năm lãnh đạo, Un tử hình 340 cán bộ cao cấp tương đương hàm bộ, thứ trưởng, bằng những hình thức dã man.
Trở lại năm 2009, cha Kim Chính Nhất đang nắm quyền lãnh đạo đất nước. Con trai Jong Un bấy giờ 25 tuổi, toàn quyền ngành an ninh và tình báo quốc gia. Jong Un cho khám nhà, và bắt Jong Nam cùng nhiều người khác.
Hình như thấy trước được những tai ương, Kim Chính Nhất trước khi chết khoảng một tháng, đã di chúc rõ ràng rằng: Kim Jong Un là người tiếp quyền ông lãnh đạo đất nước.
Kim Jong Nam phải được sống một cuộc đời yên ổn. Tất cả mọi người, kể cả chính quyền, không được phép sách nhiễu, gây phiền toái, hay hãm hại Jong Nam. (Thời gian và nội dung của bản di chúc được cơ quan tình báo Nam Hàn thu thập từ những cán bộ cao cấp đào thoát qua miền Nam).
Thôi, cũng xong một kiếp người. Kể ra, Jong Nam còn may mắn và rất có hậu.
Có lẽ người mẹ xinh đẹp tài năng, cùng bao oan hồn khác, sống khôn chết thiêng đã phù hộ cho Jong Nam, để ông được chết giữa thanh thiên bạch nhật, giữa phi trường quốc tế, tại một quốc gia không bưng bít thông tin.
Công luận bây giờ đã biết tới Kim Jong Nam. Công lý sẽ tới với ông. Truyền thông thế giới khai thác, mổ xẻ, phân tích từng chi tiết.
Hình ảnh Kim Jong Nam quỵ ngã khi trúng độc được chiếu nhiều lần trên nhiều kênh truyền hình quốc gia.
Độc tố giết ông được xét nghiệm. Được bào chế ở đâu? Ai bào chế nó? Ai vận chuyển nó vào Malaysia?
Các nghi phạm được phơi bày. Thi thể ông được bảo vệ và tôn trọng.
Còn bao nhiêu nạn nhân Bắc Hàn, chết âm thầm, chết tức tưởi, chết đớn đau, chết oan nghiệt, chết trần truồng, chết đói khát, chết cô đơn, chết không được toàn thây, không ai biết tới, không quan tài, không hương khói, không điếu văn, không kèn trống, không cả một nấm mồ.
Kim Jong Un (còn ai khác?) đã lệnh giết Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ, người đã van xin có cuộc đời ẩn dật, lưu vong, người con trai cả yêu mến của cha, người đầu tiên trong dòng họ nhà Kim bị mưu sát.
Di chúc của cha, nhưng Kim Jong Un coi không bằng tờ giấy lộn.
Tháng Hai, 2017
Tin mới
- HỌP G-7 THẤT BẠI - 19/06/2018 13:48
- Luật Đặc Khu – Bản Sao Chép Ngu Xuẩn - 12/06/2018 15:57
- Đặc khu kinh tế: Khi con nghiện đi cầm cố - 09/06/2018 02:58
- Đặc khu kinh tế_ hiểm họa ngoại xâm!!! - 06/06/2018 04:01
- Nghệ thuật đàm phán của Trump khi đối đầu với Bắc Hàn - 30/05/2018 03:19
- GIÁN ĐIỆP CỦA FBI - 26/05/2018 19:54
- Phát súng báo động đầu tiên của ông Kim - 22/05/2018 02:49
- Tổng Thống Trump quyết định theo chính sách thay đổi chế độ Iran - 17/05/2018 00:39
- Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran? - 09/05/2018 18:57
- Các mũi giáp công mà mỹ tung ra để hạ gục trung quốc thật ảo diệu - 08/05/2018 01:08
Các tin khác
- Liệu Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan ? - 04/05/2018 20:35
- Tìm hiểu ông Kim - 03/05/2018 00:25
- Hạt nhân Iran - Bắc Triều Tiên : Trump « nhất bên trọng, nhất bên khinh » ? - 26/04/2018 20:08
- CẶP BÀI TRÙNG COMEY – MUELLER - 25/04/2018 21:09
- Hạt nhân Iran: Macron có thể thuyết phục được Trump? - 23/04/2018 17:50
- Trí thức làm gì với thời cuộc? - 22/04/2018 00:02
- Facebook và năm đại công ty - 18/04/2018 21:42
- Quốc tế cần đặt nhà cầm quyền Việt nam ra ngoài vòng pháp luật. - 08/04/2018 23:19
- Không thể coi thường Kim Jong Un - 02/04/2018 01:01
- Ngoại giao: Bước đi hoàn hảo của Bắc Triều Tiên - 10/03/2018 16:19