Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

HỌP G-7 THẤT BẠI

G7
Cuộc họp định kỳ mới nhất của khối G-7 (Mỹ-Canada-Anh-Pháp-Đức-Ý-Nhật) đã thất bại, không hàn gắn được mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh kinh tế.

Trên căn bản, Mỹ cứng rắn đòi hỏi đồng minh phải xét lại hết các mức thuế quan của hàng Mỹ xuất cảng qua các xứ này.

TT Trump đã dùng những từ ngữ nặng để nhấn mạnh Mỹ sẽ không thể tiếp tục “làm ống heo” phát tiền cho cả thế giới.

Ông chỉ trích mức thuế quan quá cao mà các xứ này đánh trên hàng Mỹ, và đòi hỏi các quốc gia này, nếu thật sự là đồng minh, thì phải giảm thuế quan mạnh, nếu không Mỹ sẽ tăng thuế nhập cảng hàng hóa các xứ này vào Mỹ.

Các đồng minh dĩ nhiên nhất loạt phản đối và chống lại những tố cáo của TT Trump, đe dọa trả đũa.

Thông cáo chung lúc đầu được sự đồng ý của Mỹ, nhưng sau khi thủ tướng Canada lên tiếng đả kích Mỹ, TT Trump đã rút lại sự đồng ý và không ký tuyên cáo chung.
Ông tố giác thủ tướng Canada ‘hai mặt’, nói chuyện nhẹ nhàng và nghiêm chỉnh trong hậu trường, nhưng ra ngoài công chúng thì đổi giọng, đả kích Mỹ quá đáng, cho việc Mỹ tăng thuế quan trên sắt và nhôm là một ‘sỉ nhục’ -insult- đối với Canada.
Một dân biểu DC Mỹ, ông Krisnamoorthi đã lên tiếng chỉ trích thủ tướng Canada ‘phản bội’, trở mặt vì chính trị.

TTDC tất nhiên ùn ùn về phe với các nước ngoài để chỉ trích tổng thống của chính xứ mình, một hiện tượng chỉ thấy dưới thời TT Trump.
TT Trump bị tố cáo “nịnh bợ kẻ thù như Bắc Hàn, trong khi đánh phá các đồng minh”.
Họ chỉ trích TT Trump đánh đồng minh mà không nghĩ đến chuyện ‘đồng minh’ đã lợi dụng Mỹ từ bao nhiêu thập niên qua..

 TTDC hình như chẳng anh nào nhìn vào bảng thuế quan mà chỉ muốn kiếm cớ đánh TT Trump thôi.
Dưới đây là một vài thí dụ điển hình do ông Peter Navarro, cố vấn của TT Trump đưa ra:

 - Nhật: cán cân thương mại của Mỹ với Nhật bị thâm thủng cỡ 70 tỷ đô.
 Vì chính sách thuế quan của Nhật cũng như vì chính sách nâng đỡ xuất cảng xe Nhật trong khi dùng các thủ tục hành chánh để cản nhập cảng xe Mỹ.
Theo thống kế, cứ một xe Mỹ vào Nhật thì có hơn 100 xe Nhật vào Mỹ. Đây là một trong những lý do chính tại sao kỹ nghệ xe hơi Mỹ chết, không cạnh tranh được với xe Nhật, ngoài những lý do mọi người đều biết như xe Mỹ uống xăng và không bền.

- Đức: Mỹ bị thâm thủng 65 tỷ. Xe Đức vào Mỹ bị đánh thuế 2,5% trong khi xe Mỹ vào Đức bị đánh 10% thuế.

- Canada: là xứ hung hăng đả kích Mỹ nặng nhất, đánh thuế 270% trên các sản phẩm liên quan đến sữa của Mỹ nhập cảng vào Canada, trong khi Canada ào ào xuất cảng gỗ miễn thuế quan qua các tiểu bang tây-bắc Mỹ, giết chết kỹ nghệ gỗ của Mỹ trong vùng này.

Những con số trên cho thấy Mỹ đã lỗ nặng từ không biết mấy chục hay mấy trăm năm nay, và chỉ có TT Trump mới là người đòi lại sự công bằng tương đối.
Dĩ nhiên vì quyền lợi kinh tế, các đồng minh đã phản đối dữ dội. Nếu thực sự là một công dân Mỹ, ưu tư cho quyền lợi của nước Mỹ thì phải phản ứng như thế nào?
Bênh vực Mỹ hay bênh vực đồng minh?
 Hỏi là trả lời vậy.

Thế nhưng vẫn có vài cụ tỵ nạn hô hoán theo CNN: “Trump bị lạnh nhạt, tẩy chay”! Nhìn bức hình dưới đây thì thấy rõ sự thật.

Trump- kinhte

 Một mình TT Trump ngồi ghế, khoanh tay, mặt ‘vác’ lên kiểu như đang hỏi “so what?”, trong khi các lãnh đạo xúm lại đứng chung quanh.

Các vị lãnh đạo G-7 (trong hình, có thủ tướng Nhật, thủ tướng Đức, tổng thống Pháp) đang “tẩy chay” hay đang “năn nỉ” Trump?

PHÚC TRÌNH CỦA TỔNG THANH TRA BỘ TƯ PHÁP

Hôm thứ năm vừa qua, bộ Tư Pháp đã cho công bố phúc trình của Tổng Thanh Tra về các quyết định của cựu giám đốc FBI, ông James Comey.
Một cách tóm gọn, ông Comey bị tố giác đã có những hành động ‘vô kỷ luật’, lấy quyết định không tuân thủ theo các thủ tục hành chánh và ‘hệ thống quân giai’ cần thiết.

Đây là những ‘tội’ mang tính tắc trách, nhưng không phải là phạm pháp, do đó, sẽ không bị truy tố trước pháp luật gì hết.
Nếu ông còn tại chức, chỉ có thể bị kỷ luật hành chánh hay sa thải thôi, nhưng bây giờ đã bị sa thải rồi nên sẽ không bị trừng phạt gì.

Trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Comey đã lấy hai quyết định tầy trời, với những hậu quả chính trị hết sức trầm trọng, là mở cuộc điều tra về quan hệ giữa ban vận động của ông Trump với Nga, và mở lại cuộc điều tra về emails của bà Hillary..

Ông Comey đã không xin phép, thảo luận hay thông báo gì cho bà bộ trưởng Tư Pháp Loretta Lynch gì về hai quyết định này, mà tự ý làm.
Rồi sau đó, cũng chẳng báo cáo hay giải thích gì cho bà bộ trưởng.

 Trên căn bản, đây là những hành động vô kỷ luật mà bà bộ trưởng có thể cách chức ông Comey ngay, nhưng bà đã không làm vì khi đó chỉ còn vài ngày là bầu cử và sau ngày bầu cử thì bà biết bà sắp mất job luôn rồi.
Hai quyết định của ông Comey, cái đầu hết sức tai hại cho ông Trump, cái sau cực kỳ tai hại cho bà Hillary.

Toàn bộ câu chuyện đưa ra hình ảnh một ông Comey coi trời bằng vung, chẳng có tính phe phái nào, đánh cả ông Trump lẫn bà Hillary, bất chấp bà Lynch và TT Obama, chỉ vì tham vọng muốn nổi cá nhân, muốn khoác cái áo ‘trung lập, công tâm vì nước’ để bất cứ ai đắc cử cũng không dám đụng đến ông, giống như GĐ Edgar Hoover năm xưa.

Ông Comey cũng từng sử dụng hộp thư emails cá nhân, không qua hệ thống chính thức của FBI, khiến thiên hạ hiểu rõ hơn tại sao ông Comey không truy tố việc bà Hillary sử dụng hệ thống emails riêng.
Một trái bom của Tổng Thanh Tra: TT Obama thường trao đổi emails với bà Hillary qua hệ thống emails riêng của bà qua một bí danh.

Ta còn nhớ trước đây, TT Obama đã khẳng định ông chẳng hay biết gì về việc bà Hillary có hệ thống emails riêng, và chỉ được biết sau khi thấy tin trên báo.
Bây giờ bị Tổng Thanh Tra bắt quả tang nói láo.

Phúc trình của Tổng Thanh Tra cũng cho biết ít nhất đã có 5 viên chức cao cấp của FBI chủ tâm tìm mọi cách cản ông Trump và giúp bà Hillary.
Cả năm đều dính dáng đến vụ điều tra emails của bà Hillary và tên của họ không được phổ biến.
Tổng Thanh Tra đã khuyến cáo FBI điều tra thêm về cả 5 người này, xem họ đã làm gì cụ thể để phá ông Trump, trước và sau khi ông này đắc cử.

Phúc trình đưa ra ánh sáng nhiều emails trao đổi giữa mấy người này, trong đó có email xác nhận là ‘chúng ta (FBI) sẽ cản không cho Trump đắc cử’.
Được hỏi về việc tiếp tục làm việc dưới chính quyền Trump, một ông trả lời “Hell no! Viva la Resistance!”.

Những trao đổi giữa những người này cho thấy họ coi những cử tri của ông Trump đều thuộc loại vô học, tự cuốn mình một cách ngu đần trong cái ủng hộ nhiệt tình mà Trump không xứng đáng (nguyên văn: uneducated, … stupidly wrapped up in his unmerited enthusiasm”).
Phúc trình cũng cho biết nhân viên FBI thường xuyên nhận quà cáp của các nhà báo săn tin mật, tức là đã có sự thông đồng giữa FBI và TTDC.

Ngoài những người này ra, còn có cặp tình nhân Peter Strzok và Lisa Page đều là luật sư của FBI sau đó đã làm việc trong ủy ban điều tra của công tố Mueller và ông Strzok đã là luật sư làm báo cáo truy tố tướng Flynn.
Sau khi các nhắn tin đả kích TT Trump bị lộ, cặp tình nhân đã bị công tố Mueller giải nhiệm.

Câu hỏi là tại sao trước đó họ được công tố Mueller bổ nhiệm vào ủy ban điều tra của ông?
Có phải vì quan điểm chống Trump không?

 Chẳng lẽ công tố Mueller trước khi bổ nhiệm lại không tìm hiểu gì về họ?
Cả ngàn nhân viên FBI, sao lại chọn cặp này?

Mueller Comey

Mueller & Comey

Phúc trình của Tổng Thanh Tra nói chung trách ông Comey vô kỷ luật, đã làm mất uy tín của FBI, khiến FBI mang hình ảnh bị chi phối bởi chuyện phe đảng chính trị. Đồng thời cũng để lộ ra cả một hệ thống Nhà Nước Ngầm trong bộ Tư Pháp và FBI, thông đồng với TTDC giúp bà Hillary và phá ông Trump.

Bộ trưởng Tư Pháp Sessions cho biết cuộc điều tra về FBI dùng ‘Hồ Sơ Nga’ để lấy trát tòa FISA theo dõi ban vận động của ông Trump còn đang tiếp tục.
(Độc giả muốn biết thêm về phúc trình của Tổng Thanh Tra, có thể tìm đọc báo Mỹ trong trang ‘Báo Mỹ’ trên Diễn Đàn này)

CÔNG TỐ STARR BÀN VỀ CÔNG TỐ MUELLER

Công tố Kenneth Starr, người đã điều tra vụ lem nhem của TT Clinton với cô Monica, đưa đến việc Clinton bị đàn hặc, đã lên tiếng về cuộc điều tra của công tố Mueller.
Theo ông Starr, nhờ điều tra nên mới lòi ra tội của Clinton, do đó cần phải để công tố Mueller tiếp tục điều tra mới biết TT Trump có tội hay không.
Tuy nhiên, ông cảnh giác TT Trump không nên chấp nhận cho công tố Mueller thẩm vấn ông, nhất là nếu đó là một cuộc thẩm vấn hữu thệ.
Cả hai tổng thống Nixon và Clinton đều không chấp nhận để thẩm vấn như vậy.

Hiến Pháp cũng không nói rõ công tố Mueller có quyền ra trát đòi thẩm vấn tổng thống hay không.
Theo ông Starr, đây là cái bẫy mà các công tố có thể dùng để ‘bắt’ tổng thống rất dễ dàng.

Khi phải trả lời ngay các câu hỏi của công tố và các luật sư lão luyện của ông này mà không kịp tham khảo tài liệu hay suy nghĩ, khó ai có thể tránh được sơ xuất, lỗ hổng, nhớ lộn, hay nói ngược, và bất cứ chuyện nào như vậy cũng đều có thể bị truy tố là nói láo hay khai gian, nhất là TT Trump là người có vẻ chuyên nói trước, suy nghĩ sau và thay đổi ý kiến như thay áo.

Bàn về vấn đề giải nhiệm công tố Mueller, ông Starr nói ông không thấy triệu chứng nào TT Trump muốn sa thải công tố Mueller, chỉ thấy TTDC đoán mò thôi.
Dù vậy, trên căn bản pháp lý, TT Trump có toàn quyền giải nhiệm ông Mueller bất cứ lúc nào mà không cần lý do gì hết, và cũng không ai có thể coi như đó là hành động ‘cản trở công lý’ được.

Theo Hiến Pháp, tổng thống muốn bộ Tư Pháp điều tra hay ngưng điều tra chuyện gì là quyền của ông ta.
Đây cũng là lập luận của GS Alan Dershowitz của Harvard đã nêu lên rất nhiều lần. Chỉ có công tố độc lập do quốc hội bổ nhiệm –như ông Starr- thì tổng thống mới không đụng đến được.

Nhưng trên thực tế chính trị, giải nhiệm công tố Mueller sẽ là một đại họa chính trị mà chưa ai biết hậu quả sẽ như thế nào.
 Có thể sẽ đưa đến Hạ Viện đàn hặc hay bổ nhiệm công tố độc lập mới, tai hại cho TT Trump hơn nhiều.

Liên quan đến công tố Mueller, thăm dò mới nhất của Politico cho thấy tỷ lệ dân bất mãn với cuộc điều tra của công tố Mueller đã tăng gấp hai so với cách đây một năm.
Tỷ lệ chống đối công tố Mueller bây giờ là trên một nửa (53%) trong khối CH, một phần ba (33%) trong khối độc lập và một phần tư (24%) trong khối DC luôn.

Lý do quan trọng nhất họ không ủng hộ là họ cho rằng công tố Mueller có vẻ không công bằng (unfairly) với TT Trump.
Cũng trong phần tin này, ông Manafort, cựu giám đốc ban vận động tranh cử của ông Trump, đã bị thu hồi quyền tại ngoại và bị nhốt vì mới bị tố thêm tội tìm cách mua chuộc nhân chứng.
Tay triệu phú ma giáo này đã là một đại họa cho TT Trump.

TIỂU THƯƠNG LẠC QUAN

Các chỉ số đo lường mức lạc quan của giới tiểu thương tiếp tục tăng lên đến những mức kỷ lục.
Bà Juanita Duggan, chủ tịch Hiệp Hội Quốc Gia Doanh Thương Độc Lập (National Federation of Independent Business – NFIB) đã cho biết tính lạc quan này đang trên đà leo lên tới chín từng mây –stratospheric trajectory- nhờ giảm thuế cũng như cắt giảm các thủ tục hành chánh quá rườm rà.

Báo cáo tháng Năm vừa qua của hiệp hội cho thấy lương nhân viên tăng 35%, mức cao nhất từ 45 năm qua, lợi nhuận công ty cũng như doanh thu đều lên cao tới mức kỷ lục của năm 1995, cách đây 23 năm.
Và các kế hoạch bành trướng công ty lan tràn khắp nơi, trong tất cả mọi ngành.
Hậu quả tất nhiên là tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục suy giảm, có thể xuống tới những mức chưa từng thấy là 3% hay thấp hơn nữa.

Kinh tế gia trưởng của NFIB, ông Bill Dunkelberg cho biết tinh thần lạc quan đã bộc phát từ 18 tháng qua (ngày ông Trump đắc cử TT) và chưa có triệu chứng gì sẽ suy giảm.
Các cụ nào vẫn khư khư quả quyết kinh tế hiện hữu là con đẻ của Obama nên tìm báo cáo của NFIB mà đọc thay vì sờ voi theo cảm tính.

Mặt trái của vấn đề tăng trưởng quá nhanh là lo sợ lạm phát.
Đúng như diễn đàn này đã lo ngại tuần rồi, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang đã tăng lãi suất hôm thứ tư vừa qua lên tới 2%.

Muốn vay tiền ngân hàng mua nhà, mua xe, hay qua thẻ tín dụng, sẽ đắt hơn chút đỉnh.
Bù lại tiền tiết kiệm trong ngân hàng sẽ thêm được chút tiền lãi. Đó chíh là mục đích của tăng lãi suất: để thiên hạ bớt xài, hạ hỏa kinh tế.

SỐ NGƯỜI LÃNH PHIẾU THỰC PHẨM GIẢM

Theo thống kê chính thức mới nhất của chính phủ, số người lãnh phiếu thực phẩm đã xuống đến mức thấp nhất từ năm 2010.
Tổng cộng số gia đình lãnh phiếu thực phẩm xuống dưới 20 triệu, trong khi số người lãnh phiếu giảm hơn 600.000 người kể từ ngày TT Trump nhậm chức.

Trong khi ta hiểu trách nhiệm của Nhà Nước là phải làm cho dân giàu nước mạnh, thì Nhà Nước Obama suốt ngày lo quảng bá những thành tích kiểu như ‘nhiều người lãnh trợ cấp nhất’, ‘nhiều người lãnh phiếu thực phẩm nhất’,…

MỘT GIẢI PHÁP ĐỂ LẬT ĐỔ TT TRUMP

Nojob
Ai cũng biết phe cấp tiến đã, đang, và sẽ tìm đủ cách để lật đổ TT Trump.
Mới đây, có một danh hài chuyên nói chuyện diễu dở, lảm nhảm trên TV, là anh Bill Maher, đã có một ‘sáng kiến’ mới lạ.
Anh ta cầu mong cho nước Mỹ bị suy xụp kinh tế nặng để quốc hội có lý do đàn hặc và truất phế TT Trump vì bất tài, gây tai họa cho nước Mỹ.

Nếu nói anh Maher này điên, có lẽ chưa đủ để mô tả ước nguyện của anh ta.
Giống như cảnh sát cầu xin cho người ta phạm tội giết vài người để có dịp bắt.

Chỉ vì ghét TT Trump, muốn lật đổ ông ta, mà anh Maher sẵn sàng cầu mong cho kinh tế cả nước bị suy xụp, tức là hàng ngàn công ty phá sản, hàng vạn hay hàng triệu người thất nghiệp, hàng vạn gia đình đi vào lầm than cơ cực đói ăn thiếu mặc,…

Chỉ có những anh như Maher, tiền bạc rủng rỉnh, lợi tức bạc chục triệu, chưa bao giờ thắc mắc chuyện công ăn việc làm, mới có thể có những ý nghĩ quái chiêu, vô lương tâm và thất đức như vậy thôi.
Mà quái chiêu hơn nữa, bà Nancy Collier, một bác sĩ tâm lý học kiêm chiến lược gia nặng ký của đảng DC, lên TV, cổ võ cho ý kiến điên khùng đó.
Bà này có lẽ cần tự khám cái đầu mình trước.

BỘ TƯ PHÁP RA QUY CHẾ TỴ NẠN MỚI

Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions đã cho biết bộ Tư Pháp đang soạn thảo quy chế tỵ nạn mới để gửi cho các quan tòa, giúp họ phán xét tình trạng xin tỵ nạn tại Mỹ nhanh chóng hơn.

Sessions

Ông Sessions cho biết quy chế tỵ nạn hiện có đã bị lạm dụng quá mức khi năm 2017 đã có tới 142.000 đơn xin tỵ nạn, gấp ba lần số đơn năm 2014.
 Hiện nay đang có khoảng 320.000 đơn xin tỵ nạn còn chưa thụ lý.

Hầu như tất cả các đơn đều viện dẫn lý do thiếu an ninh vì trộm cướp băng đảng ma túy, sinh mạng bị đe dọa tại xứ của họ.
 Theo ông Sessions, đây là lý do không chính đáng, sẽ không được chấp nhận.

 Mỹ không thể có chính sách chấp nhận dân cả thế giới mỗi khi xứ họ có trộm cướp, băng đảng hoành hành.
Đây là trách nhiệm của các chính phủ các nước đó, không phải là trách nhiệm của Mỹ.
Nếu áp dụng nguyên tắc này một cách công bằng thì sẽ phải nhận vài trăm triệu người trên thế giới, từ Nam Mỹ đến Phi Châu, đến TC, BH, VC, vô tận.

Bộ Tư Pháp cũng cho biết mới thành lập một văn phòng đặc biệt chuyên nghiên cứu các vụ gian lận để nhập quốc tịch Mỹ, như làm lý lịch giả, nhận họ hàng giả, hôn thú giả,… Những người bị bắt sẽ bị rút lại quốc tịch Mỹ và trục xuất ngay.

Cũng liên quan đến chuyện tỵ nạn, tân chính phủ Ý đã thay đổi toàn bộ chính sách di dân.
Trước đây, Ý mở rộng cửa đón tất cả thuyền nhân Phi Châu từ Libya chạy qua, vì khi đó những đám dân này tiếp tục đi lên phiá bắc, qua Đức và các nước đông Âu và bắc Âu.
Nhưng bây giờ, phần lớn các xứ này không nhận nữa, đám di dân phải ở lại Ý, nên Ý thay đổi chính sách không nhận nữa.

Mới tuần rồi, một chiếc tàu chở hơn 600 người từ Libya đã bị cấm không cho cập bến ở Ý, bây giờ tàu còn đang lang thang xin vào Pháp hay Tây Ban Nha.
Tin giờ chót, Tây Ban Nha đã nhận tàu này.
Bên Đức, thăm dò dư luận cho thấy 62% dân muốn chặn di dân ngay tại biên giới, và 82% muốn thủ tục trục xuất được làm nhanh hơn.

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ KHI CHỐNG TRUMP

Dân biểu CH Mark Stanford của tiểu bang South Carolina đã bị một ứng cử viên khác đánh bại trong cuộc bầu nội bộ của CH trong tuần qua.
 Ông Stanford trước đây cũng là thống đốc tiểu bang South Carolina.

Lúc sau này ông Stanford nổi tiếng là thành phần ồn ào trong nhóm #NeverTrump, tức là nhóm CH chống Trump đến cùng.
Cử tri đã bầu bà Katie Arrington, một dân biểu tiểu bang, ra tranh chức dân biểu liên bang chống ứng cử viên của DC cuối năm nay.

Bà Arrington bênh vực TT Trump từ đầu. Vài ngày trước khi bầu, TT Trump đã công khai hỗ trợ bà Arrington.
Đây là tiểu bang bảo thủ có nhiều hy vọng bầu cho CH và bà Arrington có nhiều hy vọng đắc cử.

Switch mode views: