main billboard

 

Tôi dừng lại chỉ vì tôi thấy cạnh lão ta có đặt chiếc cần câu. Loại cần câu máy...

fishing rod

Mỗi buỗi sáng vào lúc 9 giờ tôi phải đi ngang qua ngả tư hai con đường nhỏ, vắng người và ít xe cộ ở cạnh nhà là đường Main và Newbridge. Tới cuối tháng tư khi trời chớm màu xanh huyền hoặc, hơi ấm của mùa xuân phả vào hàng cây phủ lên những mầm nụ vàng ngát một hàng cây. Sáng nào tôi cũng bắt gặp một người đàn ông trung niên ngồi trên ghế đá trầm tư. Mở đầu một ngày mới tôi luôn luôn nhận được món quà nhỏ nhoi không chút háo hức của lòng tốt và sự lịch thiệp bắt buộc cố hữu của người Mỹ, món quà không bất ngờ gì cả, mọi người hào phóng trao nhau bất kể kẻ ấy là ai, quen hay lạ, đó là một nụ cười nghiêm nghị và buồn, nỗi buồn chừng mực và sang trọng, và tiếng “Hi!”cô đơn. Ông ngồi dưới gốc cây, cây gì tôi chẳng biết tên, ở ta không có, cành và lá rất đẹp. Tháng tư cây đã bắt đầu khoác lại chiếc áo mùa xuân năm mới là một lớp nụ vàng nhạt, vội vàng nở hoa trong vài ngày rồi tất cả tàn phai nhanh chóng, thay vào đó là màu xanh lá mới mơn mởn đẹp làm sao. Qua một mùa đông băng giá tưởng như bất tận, nhiệt độ có khi xuống tới 5 độ F, tức tương đương -15 độï và không lúc nào nhích lên -5 độ, cả thành phố Springfield không còn màu xanh của một chiếc lá. Tất cả cây cối tràn ngập trong giấc đông miên. Tôi đã từng đi ngang qua những cánh rừng dài tưởng như bất tận, gầy gò trơ trụi xương xóc khẳng kheo chĩa lên nền trời u uất màu chì. Đến cỏ cũng úa vàng ngủ vùi dưới lớp tuyết vệ đường, tuyết không còn xốp và trắng, mặt tuyết đã cứng bẩn và xám xịt khói xe. Tiếng “Hi!” thốt lên trong buổi ban mai xám tro đìu hiu, không chút hứa hẹn một ngày vui với nguời cho lẫn người nhận. Tôi cũng chẳng cần ngước lên xem người chào mình là ai, chỉ “hi!”một tiếng qua loa rồi vội vã bước đi dù chẳng có chuỵên gì phải vội vàng. Thế nhưng có một lần tôi dừng lại.

Tôi dừng lại chỉ vì tôi thấy cạnh lão ta có đặt chiếc cần câu. Loại cần câu máy. Tôi cầm chiếc cần câu thấy còn rất mới. Sau này tôi biết chiếc cần câu này tại sao nó mới, vì chưa được dùng lần nào. Đầu tận cùng đáng lẽ ra phải có lưỡi câu, sao chỉ thấy đoạn cước cụt. Tôi hỏi: “…the hook?” ( lưỡi câu). Ôi hoá ra đây lại là một ông Lã Vọng xứ cờ hoa. Câu mà chẳng cần lưỡi câu, chẳng cần mồi, chẳng cần bắt được con cá, chỉ câu danh, câu vọng, câu cái chức tể tướng nhà Chu bên bờ sông Vị năm xưa. Bây giờ chúng tôi đã quen nhau, tôi gọi ông, là mít-tơ đốc ( Mr Dock ), tên nầy đọc không khéo thành ra “Cẩu đại nhân”. Ông ta không nói rõ tuổi tác, chỉ nói “almost 50” ( gần như 50 cái xuân xanh). Ông khá thông minh vội vàng móc trong túi áo hộp nhỏ, lấy ra cho tôi xem, cái lưỡi câu, một chiếc lưỡi câu mà người mình gọi là lưỡi câu rườn, có gắn mấy vảy đồng vàng chấm đen lấp lánh. Ông huyên thuyên giảng giải cho tôi, mà ông tưởng là tay mơ, cả đời chưa từng trông thấy cái cần câu, với cái lưỡi câu rườn bốn nhánh và mảnh mồi giả. Rằng bây giờ người ta đi câu không dùng mồi, mồi chết hay mồi sống (living bait) bẩn mà không tiện, nay là thời của nhựa hoá học, bao nhiêu là thứ mồi câu giả làm mọi thứ cá hay côn trùng mà loài cá rất khoái khẩu. Những miếng đồng sáng lấp lánh chuyển động trong nước chính là con mồi thu hút lũ cá lao tơi đớp. Tôi nghĩ thầm: Ông chết với tay tổ làm lưỡi câu rồi. Mấy năm sau giải phóng, nghèo khổ quá, nên dù là một trí thức có bằng cấp thuộc loại cao nhất nước và cả đời chỉ làm việc trí óc, cũng phải động chân động tay để tồn tại, tôi sản xuất hàng triệu cái lưỡi câu, kể cả lưỡi câu rườn. Lưỡi câu rườn ở xứ mình là một bó 6 lưỡi câu I-nox cột lại thành hình hoa cúc, sau đuôi con cá nhựa có pha chất lân tinh sáng trong làn nước tối. chứ chẳng phải đơn giản 4 lưỡi như ở đây. Câu lưỡi rườn là cách câu không cần mồi. Bầy cá chạy theo con mồi giả, ta giật mạnh, thế nào cũng có con dính một trong chùm sáu lưỡi câu. Tôi giả bộ ngây thơ nói rất thích đi câu, xin ông dẫn đi. Ông từ chối, nói ở đây muốn đi câu phải có giấy phép và gia nhập vào một câu lạc bộ, người ta lo cho đủ mọi thứ mới đi câu được, và người đi câu cũng phải biết luật lệ, chỉ được câu loại cá nào, bao nhiêu con và kích cỡ ra sao. Nhưng nói chung ở đây người ta đi câu không phải để có cá ăn. Người ta câu cá lên, nhẹ nhàng gở lưỡi câu ra, chụp hinh khoái trá bên chiến lợi phẩm vừa câu được rồi thả lại xuống sông hay hồ, xem là một thú thể thao hay để tiêu khiển. TV có hẳn một kênh là OLN (Outdoor life network) chỉ phát hình nghề câu cá và săn bắn thú, mà buổi sáng tôi thường mở xem. Tôi nói, thì tôi cũng xin vào câu lạc bộ, và tôi cũng làm theo mọi người. Ông nói tốn tiền nhiều lắm. Hàng triệu phú mới dám tiêu khiển kiểu quí tộc này.

Có một con sông nhỏ cỡ bằng nhánh sông Hà Ra ở Nha Trang, với chiếc cầu xi măng rất cổ và đẹp bắt ngang chia đôi thành phố Springfield thành hai phần đông và tây, nhà tôi ở phía tây W.Pringfield. Thành phố nhỏ này thuộc miền đông bắc nước Mỹ, có từ thời lập quốc, thời của những di dân châu Âu, thời người ta đổ sang tìm vàng và cũng là thời của những chàng cao bồi suốt ngày rong rủi trên yên ngựa đánh với thổ dân da đỏ mở dần đất về miền viễn tây. Nơi đây là cơ sở của quân miền Bắc chiến thắng quân miền Nam . Có sông nhưng chẳng có chiếc thuyềân dù lớn hay nhỏ nào. Mỗi lần ngồi ôtô qua cầu nhìn con sông lạnh lẽo tê cóng đen như hạt huyền, chảy từ trong huyền thoại ra rồi biến vào mơ hồ, tôi ước ao một lần được buông cần trên con sông đã đông thành chất ngọc xa lạ này để kiếm chút giấc mơ thiếu thời trên con sông Thu Bồn, con sông chảy qua một vùng tuổi thơ cất lên tiếng hát triền miên dạt dào khi trôi qua những con thác Đồâng Bò, Cổ Cò. Niềm vui đồng nội xứ mình. Hình như rét quá, không thấy bóng dáng con thuyền nào, hay một ai dám léo hánh đến con sông băng giá nước đông cứng xanh ngọc thạch này. Nhưng tôi thì rất muốn đi câu để qua được những ngày những tháng, những năm lưu đày khổ ải chốn này. Tôi xin theo ông học nghề câu. Ông liền thoái thác. Hôm nay không được, ngày mai và nhiều ngày khác vẫn không được, đều với những lí do nghe có lý cả. Không định đi câu như thế thì ông ta mang kè kè cần câu theo bên mình làm gì ? Thôi thì cũng được, bây giờ đã quen biết, cứ nói chuyện với ông cho qua ngày. Ông ra sức tìm hiểu tôi, tôi tìm hiểu ông. Trong câu chuyên cả hai ngầm chấp nhận mọi sự thêm thắt hư cấu cho câu chuyện thêm hấp dẫn.

Ông là cháu mấy đời của một vị quận công, nam tước hay tử tước hay bá tước nào đó ở bên Ái nhỉ Lan ( Ireland ) Đến tân thế giới từ thời cây cờ nước Mỹ mới có 13 ngôi sao xếp theo hình vòng tròn, cây cờ My bây giờ vẫn còn 7 sọc đỏ, 6 sọc trắng nằm chen giữa, cọng lại là con số 13. Rồi thì ông sơ, ông cố, ông nội, ông cha đều được “tập ấm” hàng quý tộc bên chánh quốc cho đến đời ông thì không ai chấp nhận cái tục lệ xa xưa cổ hủ đó nữa. Tôi chẳng biết nền quân chủ bên châu Âu có tục lệ cha truyền con nối hay không? Nhưng cứ tạm tin, tin đi cứ đặt niềm tin vào những huyền thoại cho cuộc đời đỡ nghèo nàn buồn thảm hơn. Cái gia tài khổng lồ ban đầu ấy được các ngân hàng và những nhà tư bản nơi miền đất hứa nuôi dưỡng lớn dần mãi lên, tiền bạc sinh con đẻ cái nên, mặc dù cháu chắt rất nhiều nhưng mỗi phần vẫn rất lớn. Thế nên ông không cần làm gì cũng được hưởng một phần của cái gia tài khổng lồ. Ông nhắc đi nhắc lại mãi câu “chẳng cần làm gì cả”, khi nào buồn thì ra bờ sông gác cần ngồi chờ cho tới giờ trở về câu lạc bộ “Cá hồi vàng” của những nhà triệu phú cựu quý tộc giải trí, ăn chơi, uống thứ rượu chát cổ hơn trăm năm, mỗi chai giá trên ngàn đô, nhấm nháp với caviar trứng cá hồi Hắc Hải, với những người đẹp danh tiếng, diễn viên, ca sĩ…Hết ngày hết đêm và hết cả cuộc đời này cũng chẳng tiêu kịp số tiền ngân hàng đẻ ra.

Nghe thế tôi thầm sợ. Ôi hoá ra mình đang nói chuyện với một “đức ông” thời mới. Tôi đánh giá lại người đối diện. Tôi từng nghe nhiều huyền thoại về cái ngông của những tỉ phú Mỹ, có người giàu nức đố đổ vách bỏ nhà đi làm phu khuân vác, công nhân vệ sinh, đó là cơn điên của bọn nhà giàu không biết cách gì tiêu cho hết tiền. Hay người này là một trong số tỉ phú không biết cách gì tiêu cho hết tiền? Hay để tôi tiêu giùm cho? Tôi bắt đầu nhún nhường, không dám trịch thượng nữa. Ông nói về trang trại rộng hàng trăm dặm vuông, mà thuở nhỏ ngồi ngựa với ông nội, một tay súng cừ khôi phi cả ngày trong lãnh địa. Trang trại vĩ đại ấy chỉ để nuôi ngựa đua mà mỗi con nếu ăn vài giải đua lớn giá không hề dưới triệu đô, có hàng trăm công nhân, người trồng cỏ, người chăn ngựa, người luyện ngựa, kể cả người chuyên hốt phân ngựa, lương hàng năm không dưới trăm ngàn đô. Suýt chút nữa tôi đã khẩn khoản xin ông cho tôi làm tên cắt cỏ, chăn ngựa, hốt phân. Có khi tôi chăm chú nhìn ông. Ngoài một bộ xì-mốc-king không thấy đổi thay, chắc trước đây hai mươi năm nó rất hào nhoáng, sang trọng, lượn lờ bên những người đẹp tóc bạch kim trứ danh, trong điệu luân vũ, dưới những chùm đèn pha lê khổng lồ trong đại sảnh đường của bậc địa chủ tỷ phú, nhưng giờ đây nó tàn tạ thấy rõ. Trên người này không còn chút gì vết tích của nhà tỷ phú đô la. Nhưng chính tôi lại là người bài bát mình kịch liệt. Người Mỹ họ thế đừng xét người qua áo quần. Áo quần mới người ta bỏ đầy thùng rác, ăn thua gì manh áo tấm quần. Báo chí bên mình nhặt đâu ra tấm ảnh một người Mỹ không nhà ngủ đường, lấy đó mà tuyên truyền rằng ở xứ tư bản giàu có vẫn tồn tại cảnh người bóc lột người. Vẫn còn có người không nhà phải ngủ đường. Ta đâu có ngờ đó là bọn điên khùng, bọn này nơi nào chẳng có. Chúng nó có cả biệt thự lâu đài nguy nga tráng lệ vợ đẹp con khôn, chăn êm nệm ấm, sống trong nhung lụa nhưng lại muốn ra vĩa hè ngủ để …lấy cảm giác lạ. Nhất là phòng trào hip-py, với trường phái nghệ thuật Op-art nổi đình nổi đám một thời vào những năm 60, thanh niên nam nữ con nhà giàu có, chán cảnh chăn êm đệm ấm, bỏ nhà đi bụi. Tôi cũng đang tiếp xúc với một tỷ phú điên khùng, ăn bờ ngủ bụi, chớ xem thường. Tôi tự dặn mình, đừng xét người qua bề ngoài, nhất là ngừơi Mỹ. Tôi bỗng có cảm tình và thầm nể sợ con người đối diện đầy bí ẩn này. Tôi càng thêm tin tưởng về sự hiểu biết rộng của ông ta. Thấy tôi, ông lầm là người Tàu. Và ông thao thao bất tuyệt về các triều đại Đường, Hán, Nguyên…Không còn nghi ngờ gì nữa đây đích thực là một “đức ông” học thức uyên bác, đáng tôn kính.

Gần nơi chúng tôi thường ngồi chuyện trò có một ngôi nhà gỗ dựng theo kiểu biệt thự nhỏ, phảng phất nét kiến trúc châu Âu thời thuộc địa. Căn nhà thuộc sở hữu của nhà thờ Báp-tít (tin lành). Nhà không có người ở hay người trông nom, suốt ngày đêm mở cửa. Trước nhà có treo tấm bảng “ Parish Cupboard” ( mâm đựng thức ăn Paris ) bên dưới chua thêm hàng chữ “ neighbours helping neighbours “ ( hàng xóm giúp hàng xóm). Mỗi sáng nhiều người lái ôtô đem đủ loại thức ăn, áo quần đến tặng người nghèo khó. Tôi thầm phục tinh thần làm việc thiện của người Mỹ, và cũng phục người nghèo, tôi chưa từng nghe tiếng cãi vã tranh giành tặng phẩm bao giờ.

Chung quanh nhà tôi rất nhiều sóc xám, chim sẻ, và những con sáo đá. Bọn chúng sống nơi đây qua nhiều thế hệ không bị ai làm hại nên rất dạn người, nhận thực phẩm ngay trong tay người. Ở đây tôi chỉ có thú vui là cho chim và sóc ăn. Mỗi sáng vợ tôi thường tới ngôi nhà ấy lấy bánh mì về cho chim cho sóc. Một hôm vợ tôi đi thăm bà con ở tiểu bang khác nhiều ngày chưa về. Đã mấy ngày không có bánh cho chim sóc. Dù rất ngại ngùng nhưng đây là lần đầu tiên tôi phải vào Parish cupboard, thế giới của những người Mỹ nghèo. Tôi kinh ngạc khi nghe tiếng la lối và một cuộc ẩu đả giành giật, mấy người phụ nữ kêu thét, còn những người đàn ông thì lao vào cố can ngăn. Có hai người ngã xuống và tiếp tục vật nhau, trong không khí hoàn toàn hỗn độn. Một người dường như yếu hơn bị đè xuống sàn. Người thắng thế tỏ ra rất quân tử liền buông hắn ra. Người yếu thế đứng lên. Trời ơi “đức ông” đáng tôn kính của tôi sao ra nông nổi này? Tôi vội vàng quay ra, nhưng chưa kịp lánh mặt thì ông ta đã nhận ra tôi. Vẫn với cái dáng vẻ buồn bã khinh khỉnh bất cần đời và sang trọng, ông tiến lại đưa tay bắt, tôi hổ thẹn muốn đóng băng, không cựa quậy được trước mọi cặp mắt khinh miệt. Tôi thoát ra đi như chạy. Tôi bùi ngùi ân hận sao mình không lánh mặt sớm. Thế nhưng tôi vẫn tin, sau màn kịch tồi tệ này, thế nào “Đức ông” tội nghiệp của tôi sẽ chẳng bao giờ muốn gặp mặt tôi nữa. Ai cũng có danh dự, tự ái mà…

Thế nhưng ngày mai, đi ngang qua chỗ ngả tư cũ, từ xa tôi đã nhìn thấy cái bóng đen, rầu rĩ như con chim bồ nông cô đơn đậu trên mõm đá trong một chiều biển động. Tôi dừng chân, lưỡng lự, đi tíếp hay là dừng? Lần này thì ông ta đứng hẳn lên, vồn vã đưa tay ra vẫy tôi. Tôi thầm khinh bỉ về thái độ trơ trẻn của người đàn ông này. Lẽ ra ông ta phải biết xấu hổ. Tôi đến cạnh, dè dặt ngồi với tất cả tâm trạng khó chịu và buồn chán. Người đàn ông cất tiếng:

- Hãy tha thứ cho tôi. Tôi có lỗi với ông nhiều lắm…

- ………………

- Nhưng tất cả những điều tôi đã kể cho ông nghe về thân thế của tôi đều là sự thực…

- ?!..........

- Sự thực đẹp đẽ từ những “giấc mơ Mỹ”

- !……………

- Tôi không phải người Mỹ. Người Mỹ chẳng bao giờ làm thế. Giấc mơ Mỹ đã vỡ tan tành. Tôi không còn muốn sống ở đây nữa. Tôi chỉ là người nhập cư lậu, mỗi ngày ra đây để nhớ về quê nhà. Tôi chẳng có tiền trở về. Tôi chỉ mong được trục xuất. Ngay lúc đó, tất cả hình như được định mệnh dẫn dắt. Đầu đường có bóng dáng chiếc ôtô với hàng đèn xanh đỏ chớp liên tục. Ấy là xe cảnh sát. Lão bật đứng lên, vẫy tay chận xe lại. Mấy người cảnh sát chẳng hiểu việc gì, lão mở cửa leo lên, đóng sầm cửa lại. Bỗng nhiên lão hét to:” Dừng lại, chờ một chốc!”. Lão nhảy xuống xe. Chạy đến bên tôi, cầm chiếc cần câu, móc túi lấy chiếc lưỡi câu rườn với con mồi giả trao cho tôi, nói:” Hãy đi câu cho qua ngày. Chim trời cá nước, thấy nơi nào có sông có nước thì buông cần, chẳng phải tốn bạc ngàn để gia nhập làm hội viên câu lạc bộ “Con cá hồi vàng” nào cả. Thôi Bye !” Tôi chưa kịp nói gì thì chiếc xe đã lao nhanh về phía trước mang theo con người có cùng một tâm trạng não nề. Liệu tôi có đủ can đảm như ông ấy không ?