main billboard


Tiếp theo Đêm Của Người Trinh Nữ

tranh-1
Chưa khuya nhưng trong phòng họp đã có tiếng ngáp. Hình như ngáp là bệnh hay lây nên một người ngáp, nhiều người chung quanh ngáp theo. Có người chẳng cần giữ gìn ngoác miệng ngáp một cái rõ to, thoải mái. Ở cái xã Cận Sơn ny chính quyền họp dân liên miên, hết quán triệt này, phát động nọ, ra quân rầm rộ kia. Bây giờ người ta dùng từ ngữ nghe rất hay ho. Có nhiều việc buồn thấy mồ lại được khoác cho cái tên nghe rất mỹ mìu hay ho : “Mở hội giao lương”. Nghĩa là xúc lúa nhà đem đóng thuế. Hay viết biểu ngữ vải trắng chữ đỏ với ý nghĩa hồ hỡi phấn khởi báo tin vui : Xã nhà có hai mươi thanh niên trúng tuyển… Đừng tưởng bở đậu cái bằng tú tài cử nhân gì mà trúng tuyển… Nghĩa vụ quân sự !

Hôm nay người dân mỏi mệt sớm cũng chỉ vì suốt cả mấy giờ họ bị tra tấn bởi diễn giả quen thuộc này. Lão ta nói cái giọng tro trẹ của người Thanh, Nghệ không quen tai với dân chúng miền này, và đề tài lại cũng không hấp dẫn. Diễn giả là lão Sáu Tấn, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, có đứa con trai đặt tên là Bộ. Ý nghĩa là cha con đều tấn bộ ! Đề tài buổi nói chuyện là : Phá thế độc canh.

Tội nghiệp, thực ra lão Tấn cũng chẳng muốn hành dân, và lão cũng chẳng thích thú gì buổi nói chuyện đêm nay, chỉ vì nghị quyết đảng phải quán triệt kịp thời cho dân chủ trương mới mẻ này vào đầu mùa vụ. Đứng trên bục giảng, miệng thì nói:”…đây là một chủ trương đúng đắn dựa trên cơ sở khoa học kỉ thuật, nhân dân xã ta cần quán triệt sâu sắc…” Đầu óc lão lại nghĩ chuyện khác. Đã chín giờ tối, chắc em Trinh đã đóng cửa và dọn dẹp quán xong. Con nhỏ dạn hết sảy. Mùa hè ban đêm thường ra cái giếng cạn phía sau nhà cạnh bụi tre gai rậm rạp tắm truồng. Con nhỏ chẳng sợ sệt ma quỉ rắn rết chi cả, trong bụi tre gai thỉnh thoảng có tiếng sột soạt của chuột hay có khi bọn du kích rình mò coi trộm, con nhỏ cũng chẳng ngán. Trinh chỉ sợ mái tóc xù bung, mốt mới nhất bị ướt thì hỏng. Nàng lấy cái khăn trùm đầu, túm tóc cuốn lên cao cột lại bằng sợi dây thun. Lão Tấn đang hô hào phá thế độc canh đầu óc lại tưởng tượng ra cái cảnh thú vị sau đây: Giờ này trời lành lạnh, trở về, mở cái mùng chui vô, ôm em là nhất. Mình chỉ ở lại đó chừng nửa tiếng rồi về, con mụ vợ già ở nhà không nghi mà có hạch hỏi thì nói, họp dân xong còn phải ở lại thống nhất với ban chủ nhiệm, bên đảng uỷ mấy vấn đề…

Lão kết thúc buổi nói chuyện. Trong khi thính giả chưa ai vỗ tay thì lão lai đưa đôi bàn tay thô, to và dày lên trước cái micrô vỗ bôm bốp tự khen mình mấy cái. Bên dứơi vài tiếng vỗ tay phụ hoạ theo. Thính giả vỗ tay vì vừa được thóat nợ, thực tình họ đi cho có mặt, khỏi bị trừ công điểm, chẳng ai chịu nghe lời nào.

Sáu Tấn đạp chiếc xe hiệu phượng hoàng nặng như cái cùm, cũng là niềm kiêu hãnh của lão vì trong xã không có chiếc thứ hai. Tới quán, đúng như Tấn dự kiến. Trinh đã đóng cửa quán, dọn dẹp và cũng vừa tắm xong. Hôm nay nàng đi chợ đầu cầu mua được cục xà phòng tắm hiệu Zest. Nàng đi ngang qua, cuốn theo làn hương xà phòng thơm. Sáu Tấn nghĩ : Cái mùi “Tư bản”này ác thực. Nó đánh thức mọi giác quan, ai mà chịu nổi ?Trinh là chủ quán cà phê sáng bán đồ nhậu buổi chiều. Nàng còn là đầu mối tập trung của bọn, mà chữ nghĩa thời đại gọi là “ con phe”, mua bán hàng hoá phân phối. Nguồn hàng của nàng là ngài chủ nhiệm hợp tác xã mua bán xã Cận Sơn. Vậy thì liên minh giữa nàng trinh nữ và lão Sáu Tấn là liên minh trời sinh không thể tách ra được.

Thấy mặt anh Sáu, Trinh làm bộ trách:

- Sao giờ nay mới mò tới ?

- Anh bận “ phát” ở hội trường xã, vừa xong đạp xe đến đây ngay.

Trinh làm bộ quan tâm đến công việc của anh Sáu, hỏi:

- Bữa nay anh nói gì mà lâu vậy?

- Phá thế độc canh !

- Phá thế độc canh là cái gì rứa anh Sáu?

Lai một lần nữa anh Sáu phải quán triệt cho thính giả duy nhất này nghe. “Không chịu đi họp hành gì cả, làm sao tiến bộ cho được? Phá thế độc canh là ruộng đất không nên cứ giống gì trồng một thứ, đất nghèo đi mà phải luân canh, thay đổi giống luôn. Mùa này trồng cây nầy, mùa sau trồng cây khác…” Trinh “hứ” một tiếng, nói:

- Có chừng đó mà nói cả buổi, bắt dân ngồi họp, mấy ông già bà già mỏi lưng, nhức đầu, đau mình đau mẫy, chịu không thấu. Mấy chị phụ nư, thanh niên buồn ngủ ngáp sái quai hàm. Hành dân chi, tội nghiệp !

Nói xong câu đó thì đây mới là vấn đề của nàng:

- Bốn Hoà cần ba bao urê Trung quốc, con mụ Soa đòi có bao nhiêu thuốc trừ sâu Basuđin sỉ hết. Con Lan bán vải hỏi trong kho còn hàng đen may quần phụ nữ giao cho nó, giá sao cũng được...Sáu Tấn nói cho được việc:

- Để mai tính, giờ ngủ cái đã.

Trinh hoảng hồn:

- Bộ anh tính ngủ lại sao?

- Ừ

- Kẹt chết

Tấn hỏi:

- Kẹt chuyện gì?

Trinh nghĩ, phải chi biết trước đêm nay lão mò tới thì mình đã chuẩn bị cho ngón nghề cũ là lấy cái quần đen “xoa xuýt bóng” mặc vào, nói “bị “ treo cờ, làm kế hoãn binh. Bây giờ phải nói trớ :

- Bả thấy anh đi suốt đêm không về, bả tới đây quậy thì chết em. Tội nghiệp cho em anh Sáu.

Tấn cười, nói:

- Nói giỡn đó, chừng nửa tiếng thì về.

Trinh vén tấm màn cửa phòng cả năm chưa giặc hôi hám đi vào. Chủ nhiệm theo sau. Hai người mới leo lên giường, có tiếng người đứng ngoài kêu:

- Bà chủ quán ơi, Trinh ơi, mở cửa bán cho xị rượu gạo nước nhất !

Trinh nghe tiếng biết là tiếng anh Tình, nhà thơ của xã đồng thời làm thủ kho. Trinh trách nho nhỏ với Sáu Tấn: “Đó, thấy chưa? Đã nói rồi mà…” Tấn hỏi, nói gì ? Trinh, Còn nói gì nữa? Sáu Tấn nói:

- Làm thinh, giả bộ ngủ.

Bên ngoài vẫn có tiếng gõ cửa và tiếng anh Tình gọi. Trinh nói với Sáu Tấn:“ Giả bộ ngủ không được đâu, hắn kêu suốt đêm, mang tiếng với hàng xóm láng giềng chết. Anh cứ ở trong này đừng ló mặt ra, có động, em ra dấu thì…” Trinh không nói, chỉ tay xuống dưới gầm giường.

Nàng ra ngoài , giả vờ hỏi:

- Ai đó?

- Còn ai nữa. Mở cửa cho anh vào, Tình đây. Nhớ em quá, không ngủ được, anh mới làm xong bài thơ đem tới quán đọc cho em nghe đây.

Trinh:

- Xạo hoài, anh mà nhớ ai. Thôi về đi, mai tới đọc thơ cho em cũng được.

Tình nhất định không chịu về. Trinh phải mở cửa cho Tình vào. Tình đến ngồi vào chiếc bàn cũ và chiếc ghế cũ anh thường ngồi. Trinh rót nửa xị rượu pha thêm nước lã thành một xị đem tới. Tình rót rượu ra uống từng hớp một và bắt đầu ngâm thơ. Chàng chẳng chú ý gì đến cốc rượu pha nước giếng nhạt thếch. Trinh đến ngồi, chống cằm làm bộ nghe thơ, sau đứng lên bỏ đi ra nhà sau. Trong phòng chủ nhiệm Tấn rủa thầm:“ Thằng mắc dịch, thơ thẩn gì, thủ kho mà đêm khuya còn bỏ đi chơi, mai bắt làm bản kiểm điểm !” Trinh lại đến giở giọng năn nỉ:

- Thôi anh về đi, khuya rồi, em buồn ngủ quá.

Rồi nàng giở giọng ngọt ngào:

- Về đi mà anh cưng !

Tình đứng lên, tần ngần một lúc rồi buồn bã ra về. Tới sân còn nghe văng vẳng tiếng ngâm thơ:“ Em ơi lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai?” Trinh lầm bầm nghe cũng thành thơ : Uống hết thì khô chớ trách ai ? Trong phòng Sáu Tấn lại rủa: Mụ nội mày, rượu mà không khô chắc mày ngồi tới sáng !

Trinh vào phòng thấy ông chủ nhiệm ngồi chóc ngóc chân giường, chỉ chờ có động thì chui xuống. Chưa kịp làm gì, hai người lại nghe có tiếng gọi cửa:

- Mở cửa tui vô chút coi!

Tiếng lão Mười Dư năn nỉ:

- Anh đem tới cho em năm lít rượu gạo nước nhất đây…

Trinh vừa chớm bước chân xuống giường, Sáu Tấn níu lại. Trinh doạ. Lão này mà không cho hắn vô hắn phá cửa. Sáu Tấn đành buông tay cho Trinh ra tiếp khách. Nàng thầm tính, năm lít nước nhất pha thêm năm kít nước lã thành mười lít, mỗi lít 10 ngàn vị chi trăm ngàn chớ ít chi ? Trong khi đó chủ nhiệm tự đặt mình vào thế báo động đỏ, nghĩ, bọn đàn ông sồn sồn bê bối hết chỗ nói. Thằng nào cũng trốn vợ theo gái. Thiệt tình !...

Chừng nửa giờ sau nghe tiếng đóng cửa và tiếng Trinh : Về nghe anh Mười. Sáu Tấn mừng thầm. Trinh vén màn đi vào lên giường. Sáu Tấn lần mở được hai hạt nút thì lại xảy ra sự cố. Anh chàng Khanh mò tới. Tay này nói toàn chuyện tào lao với lại đem chuyện công, chuyện bí mật của cơ quan ra nói. Sáu Tấn nghe được, nghĩ, bữa nào họp giao ban toàn huyện sẽ phê bình hắn. Sau lại nghĩ, hắn chối thì mình làm sao mà cãi? Chẳng lẽ nói đêm ấy mình ở trong phòng với gái? Khanh tới chừng nửa giờ thì đi. Tiếp theo là “Long thuỷ lợi” vào. Sáu Tấn nghĩ, thuỷ lợi thuỷ hại gì mấy thằng này, nửa đêm không ở giữ cái may bôm 20 sức ngựa để mất, công an gông đầu.

Chủ nhiệm Sáu Tấn vừa mệt vừa buồn ngủ đã nghe tiếng gà sôi lên đầu xóm. Nhìn qua khe liếp thấy màu trời hừng đông. Lão ta sè sẹ ngồi dật leo xuống giường rón rén dẫn chiếc xe đạp phuợng hoàng dẫn ra phía sau, leo lên đạp về.

Mới ló đầu vô, con vợ già chửi:

- Đi đâu mà giờ này mới vác mặt về ?

Sáu Tấn nói láo:

- Bậy nà, cứ lúc nào cũng nghi ngờ. Tối qua tui theo xe của uỷ ban về tỉnh tiển chân ông Ba về trung ương nhận công tác mới. Ở đời ăn ở phải cho có cái tình, có thuỷ có chung. Với lại biết đâu nay mai ổng lại về công tác ở tỉnh nhà. Lỡ có chuyện gì mình chòn có chỗ mà nhờ…

Mụ vợ không tin :

- Đi cả đêm. Sáng về còn nói láo. Ngó thấy áo quần mặt mũi giống như cái đồ trôi sông lạc chợ thì biết đêm qua làm gì ở đâu rồi.

Sáu Tấn làm thinh, chịu thua, không cãi. Hắn ta ra sau rửa mặt cho tỉnh ngủ, nghĩ xui thật gặp toàn chuyện bực mình. Bỗng lão chợt giật thót. Hay là cái bọn kia lập mưu xa luân chiến toan phá thế độc canh của mình bấy lâu nay ?!!!