main billboard

Bạn còn nhớ gì trong buổi tựu trường ngày xưa ấy với những hớn hở hay lo âu, chiếc áo mới còn thơm mùi băng phiến, tập vở mới, chiếc bình mực tòn ten trên tay và bàn tay, chỉ sau một buổi học đầu tiên, đã dính mực ra dáng học trò.


ngaytuutruong
Ngày tựu trường. (Hình: Dân Trí)

Chúng ta, nhiều người không có một ngày tốt nghiệp với mũ áo ra trường, nhưng ai cũng có một ngày “Hôm nay tôi đi học!” Kỷ niệm đó thật đã xa vời, dễ chừng là đã năm mươi, sáu mươi năm hay đã bảy mươi năm dài tùy theo tuổi tác của mỗi người.

Bạn còn nhớ gì trong buổi tựu trường ngày xưa ấy với những hớn hở hay lo âu, chiếc áo mới còn thơm mùi băng phiến, tập vở mới, chiếc bình mực tòn ten trên tay và bàn tay, chỉ sau một buổi học đầu tiên, đã dính mực ra dáng học trò.

Ngày thơ ấu, chúng ta còn nhớ đến ba đoạn văn của ba tác giả về ngày tựu trường.

Trong chúng ta, với tuổi “cổ lai hy,” không ai là không biết đến đoạn văn “Tôi đi học,” của nhà văn Thanh Tịnh một thời, vẫn nằm trong trí nhớ, ghi lại “những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường:”

“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học!”

Tôi còn nhớ đến Tâm Hồn Cao Thượng (Emond de Amicis – Hà Mai Anh dịch,) với những câu gần như đã nằm lòng: “Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng Hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào trường Bá Lệ Tư để ghi tên lên lớp ba…” Và thoang thoảng như bên tai, lời thầy giáo cũ của nhân vật bé bỏng này: “An Di ơi, thế là thầy trò ta không còn gặp nhau nữa!”

Anatole France, nhà văn Pháp với hình ảnh cậu học trò chân sáo, tung tăng đi qua khu vườn Luxembourg, lúc lá vàng rơi từng chiếc trên bờ vai của những pho tượng trắng. Đoạn văn bắt đầu bằng dòng chữ “Je vais vous dire ce que me rappellent tous les ans…” mà chúng tôi phải học thuộc lòng để “trả bài” cho thầy giáo. Cậu bé trong câu chuyện chính là cái bóng của chính Anatole France cách ngày ông nhớ lại đã hai mươi lăm năm, còn chúng ta, ngày tựu trường xa xôi ấy, dễ chừng đã hơn nửa thế kỷ.

Những nhân vật ngày đó gần gũi với chúng ta, như là người mẹ “âu yếm nắm tay tôi” của Thanh Tịnh hay như thầy giáo mới, ông Bích Niên trong “Tâm Hồn Cao Thượng” ngày nay đã không còn hiện diện trên thế gian này nữa. Chuyến tàu đời đã đỗ lại bao nhiêu sân ga, đã có những người xuống tàu và ra đi biền biệt không một lần gặp lại. Rồi chúng ta đã đóng vai người cha, người mẹ, ông hay bà, đưa con, cháu đến trường, để bùi ngùi nhớ lại một “ngày ấy đã xa rồi!”

Chúng ta có biết bao nhiêu bạn bè trong lớp cũ với những nỗi chia ly, những cô bạn học bỏ lớp lên xe hoa đi lấy chồng, những người bạn ra chiến trận không có ngày về, cuộc đời như nhánh sông chia làm trăm ngả. Những người bạn chung lớp này xưa ấy, mỗi người mang một số phận, nhất là ngày đất nước tan hoang sau cơn đại hồng thủy, như bầy chim vỡ tổ, chân trời góc biển, mỗi người một phương. Phải chăng còn sót lại với chúng ta ở cuối đời những người bạn cố tri, già nua, bệnh tật.

Mỗi lần tựu trường là mỗi lần thay đổi, những trang sách mới, lớp học mới, thầy cô giáo mới, và bạn bè mới. Ngày cha tôi đổi nhiệm sở đem gia đình đi đến một thành phố xa lạ khác, nghĩ đến chuyện từ nay không bao giờ gặp lại bạn bè, tôi đã khóc hết nước mắt. Nhưng rồi tuổi trẻ vô tư, mau quên, tôi sớm thích nghi với hoàn cảnh mới, tìm được bạn bè mới. Bây giờ, điều quý hóa trong đời là tình cờ chúng ta lại gặp những người bạn năm cũ, một trong ba vật quý cổ nhân thường nhắc tới là bạn xưa, sách cũ và rượu lâu năm.

Trong cuộc đời, tôi có hai điều hối tiếc, một là dở dang việc học hành quá sớm, như “con chuột chạy đầu sào,” và vì số phận“Dưa leo chấm với cá kèo, bởi con nhà nghèo mới học Normal” (Sư Phạm). Ngày bỏ trường, tôi thường bị ám ảnh bởi những giấc mơ của thời cắp sách. Điều thứ hai là bỏ nghề giáo nửa chừng vì đất nước chiến tranh, thầy hay trò đều chung màu áo trận, gặp nhau trong quân ngũ, gặp nhau ngoài chiến trường, gặp nhau trong nhà tù vì vận nước, và cuối cùng tái ngộ nơi chốn tha hương khi thầy trò, cả hai, tóc đều đã bạc.

Thưa thầy! Chắc thầy không còn nhớ đến con, con chẳng phải là đứa học trò giỏi giang lanh lợi, hoặc trái lại, là đứa học trò ngỗ nghịch tinh ma để thầy có thể nhớ tên! Con cũng chẳng phải là đứa học trò có danh phận, để có thể trở về thăm thầy mà nói: “Tôi là Carnot (1) đây, thầy còn nhớ tôi không?” Con cũng chẳng có sự nghiệp gì để có thể ngoảnh lại mà khuyên bảo học trò rằng: “…vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay.”

Những đứa học trò đi qua lớp thầy như những toa tàu qua sân ga, thầy không thể nhớ hết, nhưng những đứa học trò chẳng bao giờ quên thầy!

Chúng ta sẽ không bao giờ còn được một ngày “Back to school” nữa! Hôm nay ngoài phố xá, trong các cửa tiệm, nhìn những đứa trẻ hớn hở, phấn khởi đi sắm sửa dụng cụ ngày trở lại trường cùng với cha mẹ, chúng ta nghĩ gì? Cả một thời gian đã trôi đi biền biệt. Thương quá tuổi học trò mà cũng thương quá cho cuộc đời chúng ta!

Trong trí nhớ đã mòn mỏi, bạn còn nghe chăng tiếng trống trường vang lại trong lòng, từ một thời, một thời đã xa lắm! Tuổi thơ của chúng ta cũng như hình ảnh của dĩ vãng, cùng biết bao nhiêu khuôn mặt thân yêu, đã qua rồi như bóng nắng buổi chiều hôm nay.

Thương nhớ biết bao buổi tựu trường!

(1) Marie Francois Sadi Carnot (1837-1894), tổng thống Đệ Tam Cộng Hòa Pháp (1887-1894)