main billboard

         Xem chừng cuộc bầu cử năm nay khá sôi nổi trong phạm vi cộng đồng Việt Nam tại miền Bắc California.


         Riêng tại vùng Vịnh thì vị thẩm phán cao niên đơn thân độc mã vừa tiến được bước cụ thể. Trải qua cuộc tranh luận ráo riết, thẩm phán Phan quang Tuệ đã thắng bà Mỹ Virginia Fuller để được đảng Cộng Hòa chính thức đề cử đại diện. Trong khi đó thì thanh niên trẻ tuổi Việt Nam anh Johnny Lee vừa bị loại vì thiếu người đề cử. Rất tiếc anh chỉ thiếu 4 phiếu trên 50. Nhu cầu đơn giản chỉ cần 50 cử tri trong vùng ký tên đề cử là xong. Anh thu được 70 người nhưng giờ chót tìm thấy 19 tên không hợp lệ.
         Ông tòa Tuệ tranh cử chức vụ dân biểu liên bang Hoa Kỳ, khu 11, nằm ở phía Ðông vịnh San Francisco, trong khi đó ứng cử viên trẻ tuổi muốn ngồi vào ghế nghị viên khu 7 tại San Jose thay cho cô Madison Nguyễn. Tuy nhiên dù anh Lee không được vào danh sách ứng cử nhưng Việt Nam ta vẫn còn 3 vị sẽ dự tranh cùng với 1 người Mễ. Với 3 ứng cử viên gốc Việt cho khu 7, kỳ này có nhiều hy vọng khu vực Senter, Tully và Story sẽ vẫn là đất của ta kể từ khi cô Madison Nguyễn mở đường 8 năm trước.
        Chuyện của ông trung úy trẻ tuổi ngày xưa Phan quang Tuệ bây giờ một mình mở phòng tuyến nơi xa đánh vào chính trường sẽ được gác lại. Chúng tôi xin nói trước về mặt trận liên quan tại San Jose.

Nhắc lại chuyện xưa.

       Con số người Việt ghi danh đi bầu tại quận Santa Clara vào đầu thập niên 80 chỉ có vài trăm. Mười năm sau đã vô quốc tịch, hưởng phúc lợi lên đến con số vài ngàn. Thập niên 90 là thời gian cộng đồng hô hào đồng hương ghi danh đi bầu. Tỷ lệ vẫn thấp. Bầu tổng thống thì còn khá đông. Còn bầu địa phương, dân ta chẳng quan tâm. Mỗi kỳ bầu cử 4 năm và mỗi kỳ kiểm tra dân số 10 năm, dù hô hào tối đa con số phe ta tham dự vẫn còn thấp.
         Có lần mời được cả đại phóng viên là ông Peter Jenning về thăm cộng đồng để khích lệ. Kết quả vẫn chừng mực. Vô quốc tịch để hưởng phúc lợi, để làm đơn đoàn tụ, nhưng không phải để đi bầu.
       Rõ ràng số cử tri Việt Nam đi bầu mỗi kỳ đều không khả quan so với thiên hạ. Vì con số không đáng kể nên các vị dân cử không quan tâm. Mỗi lần lễ hội, viên chức chính quyền chỉ cử đại diện phát cho 1 tờ tưởng lục phe phẩy như lá vàng rơi. Nhưng rồi dần dần gió đổi chiều, con số cử tri Việt Nam chịu ghi danh gia tăng và con số chịu đi bầu lớn dần. Tại sao. Vì có người Việt ứng cử. Các ứng cử viên Việt Nam kêu gọi dân ta đi bầu. Phiếu Việt Nam bắt đầu có giá.
        Lễ hội hàng năm chúng ta có các vị dân cử thắt cà vạt màu cờ vàng và bắt vợ mặc áo dài. Thậm chí có ông nghị may luôn 2 bộ quốc phục Việt Nam xanh đỏ, mùa nào màu đó.
        Bây giờ mặc quốc phục chưa đủ, các ngài đi học tiếng Việt để chúc mừng năm mới và mở đầu luôn luôn nói về đề tài nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam. Đó là chính trị xã giao.

Bầu cử tại San Jose.

        Tại Nam Cali thì các vùng thị tứ của người Việt khá rộng trải ra trên các thành phố nhỏ. Tại Bắc Cali thì tập trung nhiều nhất vào khu số 7 của San Jose. Con đường Senter chạy dài theo trục Bắc Nam nối 3 con đường Story, Tully và Capitol. Đó là vùng chính của khu Bẩy. Vùng đất biết bao lần nổi sóng và hiện do cô nghị Madison đảm trách. Cũng chính tại đây khởi đi hơn 8 năm trước là trận thư hùng giữa 2 anh thư Việt Nam vào chung kết chức vụ nghị viên. Những cuộc đối chất hết sức gay cấn và xúc động giữa 2 tuổi trẻ Việt Nam. Cả 2 đều là trí thức khoa bảng. Giáo sư Madison Nguyễn và cô Luật sư Linda Hàn Nguyễn.
         Kết quả cô Madison, con 1 gia đình thuyền nhân Việt Nam trở thành nông dân tại Mỹ đã chiến thắng.
         Cô đã tồn tại qua 2 nhiệm vụ và 1 lần recall hết vất vả. Và bây giờ với tước vị phó thị trưởng, cô ra tranh chức thị trưởng San Jose. Trong khi đó, đối thủ ngày xưa của cô, luật sư Linda Hàn Nguyễn đang yên bề gia thất tại xứ Tây Ban Nha.
         Trong lịch sử của chính quyền địa phương San Jose có thể nói chưa từng có nghị viên nào trải qua nhiều sóng gió mà tồn tại như Madison Nguyễn. Nhưng bây giờ xin tạm hoãn cuộc chạy đua thị trưởng. Xin trở lại nói về khu 7.

Chiến trường khu 7

baucu sj nguyentam vanle
                          Luật sư Nguyễn Tâm, nhà tranh đấu và cô Lê Cẩm Vân, nhà hoạt động cộng đồng

  Kết quả sau cùng có 5 ứng viên muốn dự tranh, 3 Việt Nam và 2 người Mễ. Khu vực này dự có khá nhiều sắc dân. Về dân số thì Mễ chiếm 42% Việt Nam 30% còn lại là các sắc dân khác. Tuy dân Mễ đông nhưng lại có nhiều người tình trạng cư trú bất hợp pháp và mức độ quan tâm bầu cử cũng thấp.
          Vì vậy phiếu Việt Nam vẫn là con số quyết định.
          Với 3 ứng cử viên Việt Nam thì 2 người đã thấy vận động ráo riết. Luật sư Nguyễn Tâm và cô Cẩm Vân đều ở vào tuổi trung niên, đã được cộng đồng Việt Nam biết đến từ nhiều năm qua.
          Luật sư Tâm đồng thời cũng là nhạc sĩ sang tác và có nhiều thành tích đấu tranh. Cô Cẩm Vân là con của cụ Lê văn Cao, một nhà hoạt động lâu năm nay đã qua đời. Cẩm Vân đã chuẩn bị cho mình con đường hoạt động chính trị từ nhiều năm trong hội đồng quản trị học khu và giữ được một số phiếu căn bản. Cô cũng đã từng tranh cử một lần vào ghế nghị viên San Jose dù thất bại nhưng học được rất nhiều.
        Vì cảm tình, vì quen biết và cũng vì thông cảm với đường lối làm việc, các nhà hoạt động tại địa phương đã chia làm 2 để yểm trợ 2 phía đối nghịch.
        Các thân hữu đi vào khu mobil Việt Nam cư ngụ, ngay cửa vào 1 bên cắm bảng cho Tâm Nguyễn và một bên ủng hộ Cẩm Vân. Trong chiến dịch tranh cử ông Tâm đưa ra các tuyên bố khá mạnh mẽ và táo bạo. Tên là Tâm, ông sẽ lấy trái tim và tấm lòng ra phục vụ. Khẩu hiệu đưa ra : "Đâu cần Tâm có, đâu khó có Tâm". Ông lại còn đề ra giải pháp  tránh chia phiếu giữa Việt Nam, nên có cuộc bầu sơ khảo nội bộ. Ai thua thì tự động rút lui. Mới đây ông cho biết nếu vào chung kết với người Việt, sẽ nhường. Nghe ông nói như vậy, đối thủ sẽ rất mừng vì rất có nhiều triển vọng 2 người Việt sẽ vào chung kết. Như chuyện đã xảy ra 8 năm trước.
       Phía luật sư Tâm ra quân mãnh liệt như thế, còn về phần cô Vân ra sao. Cho tới nay, việc gây quỹ của Cẩm Vân khá hơn các đối thủ mặc dù chưa tổng kết lần cuối. Cô cũng có được danh sách dài các giới chức Hoa Kỳ ủng hộ. Tuy nhiên đường lối tranh cử của cô khiêm tốn hơn.
       Hai phía hoạt động hoàn toàn khác biệt nhưng cùng có kết quả về phương diện thông tin. Nếu phong cách của Tâm Nguyễn là lửa đấu tranh thì của Cẩm Vân là mạch nước của xã hội. Cả hai đều tin chắc mình sẽ thắng, nhưng Cẩm Vân phân tích rằng hội đồng thành phố 11 người hiện nay chì có 2 nữ. Madison hết nhiệm kỳ thì cần 1 người nữ vào thay thế để giữ được sự quân bình rất cần thiết. Nói như vậy, cô coi ứng cử viên phụ nữ gốc Mễ cũng đáng quan ngại. Cẩm Vân sẽ cố gắng và lặng lẽ tiếp xúc với cử tri qua các lãnh vực hết sức thực tế. Đối với cả 2 ứng viên được đề cập đến ở đây thì đa số người Việt đều quen biết. Và ngay giữa 2 ứng cử viên vẫn có sự đối thoại qua lại. Cả hai đều tránh công kích hay phê phán đối phương. Chúng ta có thể hy vọng rằng mặt trận khu bẩy kỳ này sẽ sạch sẽ hơn 8 năm về trước. Tuy nhiên yếu tố bất ngờ của 2 ứng viên còn lại chưa biết được. Và kết quả của các ứng cử viên vận động phiếu ngoài cộng đồng Việt thì chưa đo lường được.
      
Bây giờ nói đến ghế Thị Trưởng

Vì lý do hết nhiệm kỳ, nên tháng 6 năm nay dân San Jose sẽ bầu sơ bộ ghế thị trưởng với nhiều danh tính để lựa chọn. Các nghị viên San Jose gần như hết hạn cùng 1 lượt nên ai cũng muốn thử thời vận.

baucu sj madison cortese licardo
        Trong số này có 3 ứng cử viên được coi là nổi hơn cả. Phía thành phố có nghị viên kiêm phó Thị trưởng Madison Nguyễn, nghị viên khu down town là ông Sam Riccardo. Đây là 2 tay có tiếng phía thị xã. Từ hội đồng giám sát quận ra tranh cử là Dave Cortese. Ông này đã từng làm hội đồng học khu, lên nghị viên San Jose, lên phó thị trưởng rồi qua giám sát viên. Ông Dave được coi là người đang dẫn trước cuộc đua, nhưng Madison và Sam đều là những đối thủ có hạng sẵn sàng gây bất ngờ. Khó ai có thể thắng hơn 50% vòng đầu. Kỳ chung kết sẽ hấp dẩn.
        Chức vụ Thị trưởng San Jose đòi hỏi phải được phiếu của toàn thể thị xã, các sắc dân, các tổ chức và cử tri toàn tỉnh. Dân Việt tại San Jose có khoảng gần 10% nhưng tỷ lệ đi bầu chưa được 50%. Vì vậy nên rất cần phải nỗ lực gia tăng mới gây ảnh hưởng cho các ứng cử viên, không riêng gì ứng cử viên Việt Nam.
        Cũng như cuộc bầu khu 7, việc bầu thị trưởng cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau trong cộng đồng Việt. Một số thân hữu được hỏi cho biết dù có thể không đồng ý nhưng đã có ý bỏ phiếu cho Madison đơn thuần vì tình đồng hương. Đó là nguyên tắc người Việt bỏ cho người Việt. Cũng có ý kiến sẽ bỏ cho người khác vì chuyện giận hờn chưa nguôi từ nhiều năm qua.
        Có cử tri nói rằng đồng hương cũng là yếu tố, nhưng giận hờn cũng đáng lưu tâm. Nếu suy nghĩ như 1 cư dân có trách nhiệm tại đất nước này mà thấy đồng hương có khả năng đáp ứng thì rất nên bầu. Nhưng nếu vì công tâm muốn bầu cho người xứng đáng hơn thì yếu tố đồng hương không phải là điều bắt buộc..
        Vấn nạn quan trọng của thành phố San Jose hiện nay là vấn đề an toàn, ngân sách và gia cư. Án mạng gia tăng, San Jose mất đi danh tiếng của một thành phố an toàn số 1, Ngân sách vẫn còn nhiều thiếu hụt và sau cùng giá thuê nhà cao quá.
         Đó là các nhu cầu thực tế mà mọi người dân San Jose phải đương đầu dù là thuộc sắc dân nào.
        Là công dân của đất nước này, là cư dân của thành phố này, là cử tri của cuộc bầu cử này, đã đến lúc chúng ta phải đi bầu thật đông, và đi bầu với tấm lòng của 1 cử tri Hoa Kỳ.
        Cử tri có thể bầu theo cảm tình riêng, bầu tùy hoàn cảnh hay theo suy luận của lý trí. Có thể bầu vì tình đồng hương hay vì yêu thương hay ghét bỏ. Có thể đi bầu theo thiên hạ hay bầu vì xúc động khi được ứng cử viên gõ cửa chào hỏi trong ngày trời mưa gió. Không ai bắt bẻ về lý do bạn chọn người này mà không chọn người kia. Trong gia đình vợ chồng có thể ý kiến khác biệt. Điều quan trọng là có sự quan tâm, ghi danh và bỏ phiếu. Và điều quan trọng là không để bầu cử trở thành duyên cớ nuôi hận thù.
         Phải sống được với nhau dù các ý kiến khác biệt. Đó mới thực là dân chủ.