main billboard

Mười năm qua, trong hoạt động Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại có một vài lần thay đổi nhân sự và cơ cấu tổ chức để phù hợp và thích nghi trong hoạt động làm cái gạch nối và chỉ đạo chung cho các hội, tổng hội cựu quân nhân ở khắp nơi có chung một ý hướng, một hành động.

WESTMINSTER, California (NV) - Trong một Thư Mời được phổ biến trên báo, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, chủ tịch Hội Ðồng Ðại Diện Tập Thể Chiến Sĩ VNCH/Hải Ngoại, cho biết vào lúc 6 giờ chiều Chủ Nhật, 29 Tháng Chín, tổ chức này sẽ có một dạ tiệc kỷ niệm 10 năm thành lập.

Ðây chỉ là một dạ tiệc mừng ngày thành lập Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại, chưa phải là một đại hội của tập thể hàng năm. Buổi tiệc mừng này là dịp để “Tập Thể nói lên lòng tri ân với các Ban Ðại Diện Cộng Ðồng khắp nơi, các hội đoàn Quân Binh Chủng VNCH, các hội đồng hương, các bạn trẻ thuộc thế hệ hậu duệ và các cơ quan truyền thông,” như nội dung Thư Mời cho biết.

tapthe chiensi 1Cựu chiến sĩ QLVNCH trong ngày Ðại Hội Cám Ơn Anh. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Mười năm qua, mới ngày nào, trên 3,000 cựu chiến sĩ VNCH từ nhiều nơi đổ về Nam California để tham dự Ðại Hội Toàn Quân tại Anaheim Convention Center, lần đầu tiên được tổ chức tại hải ngoại. Hầu hết tâm tư của người cựu chiến binh đi tham dự ngày ấy đều hân hoan vui mừng khi thấy rằng khối người cựu chiến binh VNCH sau quốc biến 30 Tháng Tư, 1975 từ nay sẽ có một tổ chức chính thức đại diện cho tiếng nói trung thực của người lính VNCH, những người vì thời cuộc mà phải để đất nước tạm rơi vào tay cộng sản.

Cựu Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo là người đã bỏ toàn tâm toàn trí, sau khi ra khỏi ngục tù cộng sản đến được Hoa Kỳ, để đi khắp thế giới vận động anh chị em cựu chiến sĩ VNCH ngồi lại với nhau để kết thành một khối mà tìm phương sách đấu tranh cho đất nước thoát khỏi sự cai trị của cộng sản.

Ông nói trong diễn văn khai mạc Ðại Hội Toàn Quân lần đầu tiên ấy rằng: “Ðại Hội Toàn Quân là một khúc quanh lịch sử vì sau hơn 28 năm (tính đến năm 2003) những người đã từng cống hiến cuộc đời và xương máu mình để bảo vệ tự do, dân chủ, hạnh phúc cho đồng bào ruột thịt mình đến cuối Tháng Tư năm 1975 và mặc dù có thừa dũng lược, nhưng họ bị bắt buộc phải buông súng một cách bất đắc dĩ, rồi hứng chịu bao biến đổi đau thương của cuộc đời theo vận nước. Họ chịu đủ mọi thiệt thòi trong cuộc sống nhưng tấm lòng họ vẫn luôn còn tại ngũ và ngày hôm nay họ đã quy tụ về đây để cùng nhau bàn chuyện nước chuyện dân.”

Ðại diện của tuổi trẻ, thế hệ hậu duệ, có mặt hôm đó là cô Trần Mỹ Dung trong Tổng Hội Sinh Viên VN Nam California, được mời lên bày tỏ ý kiến, cũng cho rằng: “Sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ nên chỉ được nghe kể về những chiến tích oai hùng, những sự hy sinh của các bậc cha anh trong công cuộc bảo vệ miền Nam trước sự xâm lược của cộng sản, em thấy luôn tự hào và biết ơn trước những hy sinh cao cả đó. Hôm nay là một ngày trọng đại trong lịch sử của người Việt quốc gia đang định cư tại hải ngoại.”

Trong một đoạn khác, cô Trần Mỹ Dung phát biểu: “Chúng em rất lấy làm hãnh diện là người VN thế hệ cháu con của quí vị vì trong lịch sử chiến tranh trên thế giới chưa có một quốc gia nào mà quân đội lại có nhiều cấp chỉ huy như các vị tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung Tá Nguyễn Văn Long và hàng trăm quân nhân các cấp đã anh dũng tuẫn tiết vào Tháng Tư, 1975 vì đã không bảo vệ được quê hương đất nước và dân tộc.”

Và cô kết luận: “Ðó chính là những tấm gương vĩ đại đã soi sáng tuổi trẻ chúng em khi chúng em đi trên con đường tìm lại một đất nước Việt Nam thật sự dân chủ và tự do.”

supham saigon 2Thủ bút trong bản nháp của hậu duệ Trần Mỹ Dung. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Những lời phát biểu này của một đại diện tuổi trẻ VN hậu duệ của những người lính VNCH, không phải là những hoa mỹ màu mè được cha anh viết hộ, mà chính Trần Mỹ Dung, khi được ban tổ chức mời phát biểu, đã thức hai đêm để suy nghĩ và viết lên giấy những dòng cảm nghĩ tự đáy lòng này.

Nhớ lại Ðại Hội Toàn Quân năm ấy, cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản hết thẩy đều vui mừng, tràn đầy hy vọng khi Ðại Hội đã hình thành được một tổ chức qui tụ được hầu hết các cựu quân nhân VNCH qua các đại diện, bầu ra được một Hội Ðồng Chỉ Ðạo, một Hội Ðồng Ðại Biểu, một Ủy Ban Chấp Hành có mặt từ tướng lãnh đến binh nhì, có mặt từ quân chủ lực đến Ðịa Phương Quân và các lực lương bán quân sự như Cảnh Sát Quốc Gia, Xây Dựng Nông Thôn và có mặt cựu quân nhân khắp các châu lục và các tiểu bang Hoa Kỳ.

Mười năm qua, trong hoạt động Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại có một vài lần thay đổi nhân sự và cơ cấu tổ chức để phù hợp và thích nghi trong hoạt động làm cái gạch nối và chỉ đạo chung cho các hội, tổng hội cựu quân nhân ở khắp nơi có chung một ý hướng, một hành động.

Tuy không là một tổ chức như quân đội ngày trước, với hệ thống quân giai, nhưng với sự tự giác trong đoàn kết, hầu hết các tổ chức cựu quân nhân VNCH ở khắp các châu lục đều đã liên kết chặt chẽ với tổ chức của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH trong suốt 10 năm qua.